“Mọi hành động, lời nói hoặc tâm ý đều có thể tạo ra Nghiệp. Tuy nhiên nghiệp chỉ được tạo thành khi và chỉ khi có sự Tác Ý, chủ tâm (cetana) vào hành động đó mà thôi!”.
(Thiền sư Thiện Minh)

II). Cấp độ thứ hai phát triển Quang Tướng (paṭibhāga nimitta)

1. Mô tả hình thể và cường độ ánh sáng của QT:

Quang Tướng (paṭibhāga nimitta) chính là những dạng ánh sáng chói ngời rực rỡ, có màu sắc bạc ánh kim, sáng chói như ánh chiếu lấp lánh của sao mai buổi sớm; hoặc lấp lánh như kim cương khi được soi dưới đèn điện ban đêm với cường độ cao; hoặc sáng trong suốt như thỏi nước đá, như viên ngọc trai; hoặc sáng như tia chớp của sấm sét, v.v…

2. Vị trí xuất hiện Quang Tướng:

Được xuất hiện khi sự định tâm của hành giả gom trụ mạnh mẽ tại một điểm duy nhất trên đề mục chính.

Ví dụ: ở đây, trong phương pháp này, đề mục chính là niệm hơi thở ra và hơi thở vào (Ānāpānassati), khi sự định tâm của hành giả an trụ đủ mạnh trên đề mục ngay tại “điểm xúc chạm” của gió ra, gió vào với vùng da dưới mũi, hoặc xung quanh hai lỗ mũi, thì Quang Tướng sẽ xuất hiện ngay tại “điểm xúc chạm” đó.

Để đạt được điều nầy, hành giả cần thiết gia tăng sự tinh tấn, với sự siêng năng chú tâm liên tục trên đối tượng, không để gián đoạn, dồn toàn bộ 100% sự tập trung tâm ý vào đối tượng chính yếu của thiền tập đó là “niệm hơi thở”. Hành giả nên lưu ý về sự quân bình của Năm sức mạnh tinh thần (ngũ lực), và Bảy yếu tố hỗ trợ giác ngộ (thất giác chi, hay thất bồ đề phần) trong sự hành trì của mình.

Nói là Tinh tấn, nhưng thực chất chính là sự đều đặn, điềm nhiên, tỉnh giác không nóng vội, hay không trì hoãn, Hành giả nên điều hòa theo tiến độ tăng dần về thời gian ngồi, thời gian kinh hành, cũng như về các thời gian phát nguyện (cần thiết).

Hành giả cần thiết xả bỏ tất cả mọi ý nghĩ về bất cứ một vấn đề gì khác trong thời khóa thiền tập, như những việc quá khứ đã qua rồi hay các dự tính trong tương lai, v.v…

Những cảm thọ mỏi, tê, đau, nhức, v.v… thậm chí ngay cả trạng thái an vui, hạnh phúc, của pháp Hỷ, Lạc lan tỏa phủ khắp châu thân mà quý vị đã đạt được trước đó, nếu đang sinh khởi thì cũng cần phải xả bỏ luôn, không nên “tận hưởng” trong giờ phút nầy!

Có như vậy, thiền pháp của Hành giả sẽ tiến nhanh vào sự định tâm ở mức độ cao hơn đó là Pháp cận định (upacāra samādhi) hoặc/và Pháp định của bậc Sơ Thiền (appanā samādhi) trên đối tượng ánh sáng chói ngời rực rỡ của Quang Tướng (paṭibhaga nimitta).


Lợi ích vô lượng sau khi đạt các pháp:

Có 2 loại Pháp Hỷ Lạc:

  1. Pháp Hỷ Lạc loại không có quang tướng làm đối tượng.
  2. Pháp Hỷ Lạc loại có quang tướng làm đối tượng hay còn gọi pháp Cận định (upacāra samādhi). Hành giả sau khi đắc các Pháp Hỷ, Lạc cao quý trên cũng như Pháp Định tuyệt đối Nhất Tâm (ekaggatā samadhi). Nếu thường xuyên trau dồi thuần thục và được an trú trong những trạng thái hỷ mãn, vui sướng, an lạc, ung dung, tự tại…

“Lợi ích của Thiền, trở thành hạnh phúc tinh thần vô giá, mà Hành giả được sở hữu một cách tự chủ, là tài sản nội tâm quý báu cần thiết vô vàn cho cuộc sống, mà ngay cả Cha Mẹ người yêu thương ta nhất, cũng chẳng thể nào cho!

Thậm chí dù giá trị lớn lao như một núi ngọc ngà, châu báu… cũng không thể nào so sánh được với niềm an vui kỳ diệu, vô lượng vô biên mà chẳng cần đến một điều kiện gì khác, ngoài nội tâm trong sạch, thiện lành nơi mỗi Hành giả!”.

Bởi vì sao? Được sở hữu cả núi vàng, người chủ hữu phước có thể tạo được sự sung sướng, thỏa mãn vừa lòng, thông qua các cơ quan giác quan về thân thể, trong pháp thụ hưởng vật chất.

Do nhờ quả của phước thiện nghiệp (kusala vipāka kamma) mà họ đã tạo trữ trong quá khứ đem lại! Điều nầy không liên quan gì đến sự tăng trưởng đạo đức, phước đức nghiệp thiện (kusala kamma) cũng như sự tái sinh về cảnh an lành trong kiếp sau, v.v…

Trong khi đó, người Đạt Pháp là người đang phát triển phước đức (kusala kamma) và đang thọ hưởng hạnh phúc kỳ diệu của thiện nghiệp do Thiền mang lại trong cuộc sống hiện tại, thuộc về Tâm thức bên trong, không thông qua sự lệ thuộc điều kiện vật chất bên ngoài, và sẽ có thể hưởng quả của thiện nghiệp (kusala vipāka kamma) tiếp tục sanh vào cảnh giới lành an lạc sau khi hết thọ mạng (do quả của sự đắc pháp, nếu họ gìn giữ trau dồi đến lúc chết…).

Hành giả thọ hưởng sự an lạc (sukha vedanā) của các Thiền chứng mang lại, thuộc về Tâm thiện nghiệp (kusala citta kamma), nên người nầy không những vừa hưởng được sự hạnh phúc an lạc, cảm thọ hân hoan, vui vẻ ngập tràn thiên về tâm (sukha vedanā) trong kiếp sống hiện tại mà còn yêu thích làm các việc công đức, bố thí, cúng dường giúp đở tha nhân… do tâm thiện nghiệp phát sinh mạnh mẽ tạo ra…

Và ngay cả sau khi chết, có thể tái sanh về một trong 6 cảnh Trời Dục giới hữu phước (Sagga), hoặc cảnh giới tốt đẹp (sugati)… tương ứng với sự hạnh phúc an vui của tâm (đối với hành giả đạt pháp Hỷ Lạc) và hóa sanh về Cõi Phạm Thiên Giới thù diệu hơn với tuổi thọ vô cùng dài lâu, (do quả của thiện nghiệp “kusala vipaka kamma” đối với hành giả Đắc Pháp Thiền chứng từ bậc Sơ Thiền trở lên, khi mạng chung an trú trong Pháp sở đắc của mình). 


Tham khảo:

  • [1]Đức Phật và giáo pháp của Ngài (Narada)-Phạm Kim Khánh.
  • [2]Như trên.
  • [3]Pháp Cú kinh-160.
  • [4](Thích Minh Châu –Thi hóa . kệ kinh P.C 160.