Trong đêm trường miên viễn, chúng sanh chìm ngập trong bể khổ trầm luân, thương xót chúng sanh, Đức Phật thị hiện, Giáo Pháp ra đời, dù dưới hình thức gì đi nữa vẫn mang giá trị tối thượng bao hàm tất cả những tinh hoa về luân lý, đạo đức của nhân loại.

Chúng sanh nương theo đó làm kim chỉ nam trong mọi cuộc sống để tồn tâm dưỡng tánh, tu chứng, chuyển mê khai ngộ, thâm nhập Phật tánh để đi vào suối nguồn giải thoát.

Tất cả đó là hiện thân cho chân lý bất tuyệt, đời đời mang khả tính an lạc, để giải tỏa những vọng tưởng đau thương, và minh định một phương hướng tối thượng, ngõ hầu đem lại sự an lạc cho muôn loài:

“Muôn điều ác uế do ta,
Tự thân thánh thiện hay là sạch trong.
Chính ta thanh tịnh cõi lòng,
Không ai có thể… chớ hòng cậy ai”.
(Pháp Cú Kinh)

Làm việc thiện, ấy là ý thức đạo đức phổ biến, không có một sự kiện toàn nhân cách nào lại thiếu vắng yếu tố đó được. Đạo Phật chỉ dạy cho con người đi tìm hạnh phúc, đó chẳng phải là ân sủng của một đấng “Vô Biên” mà mỗi người phải tự phản chiếu lấy mình, thắp đuốc tự thân để tìm đạt.

Ta là miền tối vinh, tối đại rạng ngời hạnh phúc, nếu ta biết nương chiếu, chế phục điều ngự trong tư tưởng và hành động:

“Thân ta đảo ngọc hầm châu,
Khéo nương tựa lấy nọ cầu chi ai.
Tự mình chế phục hôm mai,
Cứu tinh không có ở ngoài ta đâu”.
(Pháp Cú Kinh)

Ấy là một điểm son của đạo Phật, một nét hùng vĩ trong giáo lý Thích Ca, kêu gọi sự tự do, tự trị và tự lực của mỗi người, hiên ngang và thảnh thơi lên đường, đạp đổ mọi thành trì nô lệ vốn được phong quang, niêm yết của các giáo quyền, và thần quyền đã bủa vây tâm thức con người trong bóng tối si mê, và ngu muội hàng triệu kỷ nguyên rồi.

Đức Phật dạy rằng: “Chính con là thượng đế của con”. Ta gây nhân ắt phải gặt quả, đó là định luật bất di bất dịch, là chân lý muôn đời không sai chạy:

“Cho dù bay vút lưng trời,
Cho dù đáy biển trốn thời được đâu.
Cho dù núi thẳm hang sâu,
Không nơi nào thoát quả sầu đã gieo”.
(Pháp Cú Kinh)

Đến với đạo Phật, là đến với ý thức tự tri, trước khi lao thân vào lộ trình gian nan và đầy thử thách của cuộc thăm dò vĩnh cửu. Đạo Phật cũng là nơi xây đắp nền móng nhân bản.

Mà muốn xây đắp nền móng nhân bản để rồi tiến xa hơn, con người phải đi qua một tiến trình bắt buộc, đó là “Giới Định và Huệ”.

Xã hội sẽ thanh bình biết bao khi tất cả mọi người đều có Giới, đều thấy ta như người, thấy chúng sanh như ruột thịt:

“Ai người chẳng sợ gươm đao,
Tử thần cũng khiếp, máu đào cũng kinh.
Lấy tha nhẫn ngẫm lại mình,
Không sai không giết chúng sanh vạn loài”.
(Pháp Cú Kinh)

Qua giai đoạn chiến đấu với bản năng, với mọi cám dỗ của cuộc đời, thắng phục ma vương thô tướng, con người phải còn đấu chiến với ma vương vi tế ở nội tâm để đi vào trạng thái an tịnh.

Bấy giờ tâm con người mạnh tợ sư tử, hùng vĩ như núi Tu Di, khi đó thì muôn thú đều phải sợ hãi, gió chướng phải giật mình, biển ngàn không động, sóng dữ không lay. Quả thật con người đã bước qua một giai đoạn trên tiến trình về giải thoát rồi vậy:

“Ví như ngọn núi kiên trì,
Gió cuồng tứ hướng dễ gì chuyển lay.
Tiếng đời chê dở khen hay,
Không làm chao động đôi mày trí nhân”.
(Pháp Cú Kinh)

Giai đoạn tâm an định là giai đoạn hòa tan lưỡng tính, nhị nguyên, trong đôi mắt thực tướng của vạn Pháp hiện ra, ở đại dương trong suốt, có vậy là nhờ tri thức thường nghiệm đã chuyển hóa thành trí tuệ viên mãn, đây là thánh trí cao siêu, chỉ có nơi những bậc từ phàm nhân tiến đến thánh nhân đã liễu ngộ được tam tướng vô thường, khổ não và vô ngã của vạn hữu.

“Nhìn ta bọt nước cành dương,
Lầu sò chợ bể vô thường biến thôi.
Mắt kia nhìn thấu cuộc đời,
Tử thần không sợ kéo người nữa đâu”.
(Pháp Cú Kinh)

  • Giới là giai đoạn hoàn thành nhân tính tự tạo hòa lạc cho nhân sinh, cũng là phương tiện và cứu cánh cho mọi nỗ lực hướng thượng, giới quan trọng đến mức: “Giới còn, Phật pháp còn”.
  • Định là nơi tô bồi nghị lực, sinh lực, giới càng vững bao nhiêu sức định càng tăng cường bấy nhiêu, định lực càng lớn phiền não càng co hẹp lại, chuẩn bị làm bước nhảy vô cùng phóng qua bên kia dòng sông thăm thẳm đen tối của dịch biến, thản nhiên trước mọi hiện tượng, nối cánh đại bàng bay bình an giữa muôn luồng bão nổi loạn cuồng.
  • Huệ là nơi bùng vỡ tuệ giác tuyệt đỉnh, là kết quả hiển nhiên của Giới – Định, đây là cuộc phục sinh, là sao mai: “Nơi gặp gỡ cuối cùng để không còn một nơi gặp gỡ nào nữa cả” giải thoát toàn diện và toàn vẹn.

Giáo pháp của Đức Thế Tôn là tiếng vọng của chân lý ngàn đời, mở phơi một hướng đi về bình minh an lạc cho con người đang trong tăm tối khổ đau.

Giáo pháp của Đức Thế Tôn đã khoác lên một sứ mạng cần thiết, và đem lại một vẻ đẹp huyền diệu, tỏa khắp muôn phương, như hương thơm của người đức hạnh:

 

“Hương chiên đàn, hương già la,
Tuy thơm nhưng phải đứng xa kính nhường.
Hương người đức hạnh mười phương,
Xông bay bốn cõi Thiên Vương ngọt ngào”.
(Pháp Cú Kinh)

 

Tác Giả:
Ngô Thành Thanh – Lớp trưởng lớp Từ Bi Âm – Năm 1995-1996.
P.D: Thiện Minh
(trích trong quyển nội san Từ Bi Âm, được Ngài Thiền sư – TS – Đại Đức Thiện Minh viết cách đây hơn 20 năm về trước khi Ngài còn là sinh viên Đại học Y Khoa).