Xuất gia gieo duyên của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng

 

Nhân một chuyến du khảo thực tế để tìm hiểu phong trào Xuất gia gieo duyên của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng, và đồng thời muốn tìm hiểu thêm thông tin về Thiền Sư Thiện Minh (Varapañño), một trí thức trẻ đã để lại sau lưng công danh sự nghiệp mà bản thân đã dày công đạt được để rồi bước vào con đường tu học theo bước chân Đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni.

Theo lời mời của Luật gia Ngô Thị Ngọc Liên tức Quỳnh Loan, em gái của Sư Thiện Minh, hiện là Giám đốc Trung tâm Cứu trợ Trẻ em tàn tật – Đà Nẵng (năm 2009 chị là Trưởng đoàn Thanh thiếu niên Xuất gia gieo duyên tại Thiền viện Phước Sơn), tôi đã đến thăm gia đình song thân chị, một gia đình Phật tử thuần thành xứ Quảng, ông Ngô Khanh và bà Nguyễn Thị Sáu, bố mẹ chị, nhà ở tại thôn Viêm Tây, xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Vào thăm gia đình, tôi thật ngỡ ngàng và hết sức khâm phục khi được người nhà giới thiệu bức ảnh khổ 50cm x 75cm của người con trai kế của Ông bà là Ngô Thành Thanh, chụp vào ngày tốt nghiệp ĐHYK Huế với mảnh bằng Bác sĩ trong tay, thế nhưng bây giờ trong mắt chúng tôi cũng như các Thiền sinh, Bác sĩ Thanh đã trở thành Sư Thiện Minh, chân dung của một Thiền sư hệ phái Phật Giáo Nguyên Thủy (PGNT) đang theo tu học học vị Tiến sĩ Phật học tại đất nước Quốc đạo Srilanka đến cuối tháng 08 năm 2014 là hoàn tất.

Bước chân người Đạo sĩ

 

Cuốn nhật ký “Bước chân người Đạo sĩ” do Sư viết về thời còn sinh viên và quá trình xuất gia tu học tại chùa Thiền Lâm – Huế, sau đó tại Myanmar, rồi Srilanka. Tôi lật từng trang, đọc liên tục.

Từng con chữ nằm như trải rộng ước mơ của một sinh viên mới trưởng thành chập chững bước vào đời, mà sao lại có quyết định táo bạo đến thế nếu không nói là thiếu cân nhắc. Tôi không thể hiểu nổi, vì nếu ở cương vị này tôi không đủ can đảm quyết định như thế khi tương lai tôi đang bay bổng.

Càng đọc sâu vào nhật ký, tôi càng hiểu thêm về chàng Bác sĩ trẻ ngộ Đạo có một không hai này.

 

“Nhân duyên đến với Phật pháp thời niên thiếu của tôi khởi đầu từ tiểu học qua việc đọc say sưa các sách và truyện về Phật giáo bày trong tủ sách của Cha tôi”. 

Thay vì rong chơi cùng bạn bè vào những buổi chiều lộng gió dọc sông Hương, tôi mong được đến chùa hàng ngày để tìm hiểu và để được vui chơi trong tĩnh lặng. Trong tôi, thời còn là sinh viên đã hình thành hai suy nghĩ:

– Một là, Đạo sĩ xuất thế với màu y vàng: là sự tự lựa chọn cho mình một lý tưởng, nguyện cống hiến cả cuộc đời để tìm đến khả năng tiềm tàng, năng lực của tâm và trí tuệ trong mỗi con người. Do vậy xuất gia là giải pháp phù hợp với sự trăn trở của chính bản thân dù ít nhiều trong lòng tôi vẫn còn dè dặt chưa dứt khoát.

– Hai là, Bác sĩ trong màu áo choàng trắng: một chức năng thiêng liêng mà phần lớn thanh niên đang theo học tại trường Đại học Y Khoa Huế ấp ủ ước mơ khi được xã hội thừa nhận, và ủy thác trong tay việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào.

Hai ý tưởng trên in đậm trong tâm trí tôi: tâm niệm an lạc trong đời và thiên chức xoa dịu nỗi đau để mang lại hạnh phúc cho đời.

Do nhân duyên, tôi được tiếp cận với các vị Sư đạo hạnh, đặc biệt là Ngài Tăng trưởng Hộ Nhẫn (Vị Ân sư tế độ tôi). Năm tháng sống tại Huế, cứ mỗi chiều cuối tuần trời lộng gió hay mưa rả rích, tôi đạp xe qua chợ Đông Ba lựa mua gạo ngon nhất đem về ký túc xá trường Y để nấu, lèn thật chặt vào hai chén úp vào nhau, một ít muối đậu, mè trong nhiều giấy báo và nilon để giữ nóng qua đêm.

Sáng sớm chủ nhật hôm sau, tôi lội bộ hơn ba cây số lên chùa Thiền Lâm để đặt bát cúng dường đến Ngài, trong lòng mong sao được Ngài truyền dạy cho phương pháp ngồi Thiền. 

Ngài dạy tôi tư thế ngồi Thiền, khóa trái cửa lại Ngài ôm bình bát đi khất thực. Sáng sớm đất Huế, trời lạnh thấu xương. Vậy mà với chiếc y vàng mong manh, tay ôm bình bát, hai chân trần, đôi mắt sáng ngời tinh anh, miệng mỉm cười đôn hậu của Ngài khiến tôi thầm nghĩ hạnh lành của Ngài quả là vô song, sự kiên nhẫn của Ngài là phong cách của bậc Thánh Tăng đã siêu phàm, nhập thế mang phước lành tế độ chúng sanh.

Thật là :

“Bình bát cơm ngàn nhà
Chân bước muôn dặm xa
Mắt xanh yêu trần thế
Mây trắng hỏi đường qua”.

Sau khi đi bát trở về, Ngài lại an trú trong Thiền định và chú nguyện cho những ước nguyện lành thành tựu đến với chúng sanh… Mãi đến gần trưa sau khi Ngài độ ngọ xong, mở cửa Chánh điện và sau khi xả thiền, Ngài mới cho phép tôi độ lại vật thực người qua đường cúng dường Ngài sáng hôm đó. Rồi có một hôm, với giọng Huế trầm hùng đầy từ bi, Ngài Hộ Nhẫn nói với chúng tôi rằng:

           “Các con thi Đại học, Sư đây cũng thi Đại học, mà các con thi Đại học thế gian, còn Sư thi Đại học Xuất thế gian”.

Ba chữ “Xuất thế gian” thoát ra từ năng lực siêu phàm và tâm bi mẫn của Ngài, như một sức mạnh vô hình xuyên thấu vào trái tim tôi. Tâm trí tôi thức tỉnh và bắt đầu khởi dậy chí nguyện xuất gia từ ấy (lúc đó tôi đang là sinh viên cuối năm thứ hai).

“Là một Bác sĩ như bao đồng nghiệp, ta có thể chữa được thân bệnh với các bệnh lý khác nhau, thế nhưng về tâm bệnh thì con người không hiểu cách đối phó!”.

 Rồi điều kỳ diệu đã đến với tôi, đó là một buổi sáng khó quên đã thật sự chuyển hóa cuộc đời tôi. Khi các bạn tôi còn đang say ngủ yên thì tôi tập trung thâu nhiếp tâm để Thiền định, hướng tâm vào hơi thở của mình. Sâu lắng, sâu lắng… sâu lắng dần… bất giác trạng thái vô cùng hoan hỷ, an lạc tuyệt vời xuất hiện, tràn ngập, đầy ắp và sung mãn trong lồng ngực của mình (lúc đó tôi có cảm giác sức mạnh trong tâm và trí tôi có thể dời núi lấp bể được vậy!).

Thật là tuyệt vời và kỳ diệu làm sao! Đây là trạng thái hạnh phúc của tinh thần do thanh thản và an tịnh trong nội tâm mà có. Trạng thái an lạc này chính là nhựa sống cho tự thân trong mọi chúng ta.

Nguồn hạnh phúc an lạc vô giá, lớn lao vô tận vốn tiềm tàng trong tâm an tịnh của chính mình lâu nay mà mình đã bỏ phí hoài không biết”. Sự an lạc này là nền tảng phát triển cho nhiều Thiện pháp. Tôi bắt đầu ý niệm “tự tin tuyệt đối vào chính mình”, đúng như lời Đấng Cha Lành đã dạy: 

TA LÀ NƠI NƯƠNG TỰA CỦA CHÍNH TA”.

 

Đồng thời, trong Pháp cú Kinh Ngài hằng nhắc nhở:

“Thân ta đảo ngọc hầm châu
Khéo nương tựa lấy, chẳng cầu chi ai
Tự mình rèn luyện miệt mài
Cứu tinh không có ở ngoài ta đâu!”

           Trong tâm tôi thật khẳng định dũng mãnh: “Mình phải xuất gia”

Mong một ngày đem kho tàng vô giá này chia sẻ đến cho những người thân, bạn bè và cho mọi người. Những buổi trực đêm tại Bệnh viện Trung Ương  Huế, tôi thường nhờ các bạn đồng nghiệp trực giùm.

Riêng tôi tìm đến các phòng trống hay các kho thuốc yên tĩnh để hành Thiền, để được thường xuyên trắc nghiệm, sống lại với các cảm giác hỷ lạc, an tịnh và để được đắm chìm trong kho tàng báu vật vô giá của chính mình…

Các ngày cuối tuần, tôi thường dành hết thời gian lên chùa Thiền Lâm để đặt bát cúng dường đến Ngài Sư phụ. Tôi sống chan hòa trong Phật pháp với nhóm huynh đệ như: Bs Kiều, Bs Viên, Bs Lâm, Bs Thảo, cô Phước An. Và với một số huynh đệ Phật tử sinh viên từ các trường Đại học khác nhau thời ấy. 

Trời về đêm, gió mát trăng thanh có khi cả nhóm cùng nhau lên núi Ngự Bình, cảnh trí nơi đây thật tĩnh lặng tuyệt vời để đàm đạo Phật pháp và cùng nhau tập Thiền đến tận khuya; hoặc có lúc kéo nhau lên chùa Huyền Không Sơn Thượng, nơi trụ trì của TT. Giới Đức để được tham vấn Phật pháp. Ngài đã giúp chúng tôi tăng thêm nhiều kiến thức từ những bài giảng uyên bác với trí tuệ sắc bén của Ngài.

Tuệ Tĩnh Đường Diệu Đế nay là Tuệ Tịnh Đường Liên Hoa – Nơi chữa bệnh từ thiện nổi tiếng tại cố đô Huế từ nhiều năm qua, nơi mà Danh y Thích Tuệ Tâm, một Ân sư đạo hạnh đáng kính đã tận tâm dạy tôi về thuốc nam, Y thuật châm cứu và môn Trung văn song hành với những năm tháng dài yêu mến Y đạo. 

Ước mơ của Cha tôi là sẽ mở cho tôi một Dưỡng đường nhỏ ở vùng đất Quảng Nam với khoảng mười chiếc giường bệnh để thuận lợi cho việc khám chữa bệnh, phát triển chuyên môn cho tôi cũng như có nguồn thu nhập cho cá nhân…. nhưng Cha tôi không biết rằng, lúc đó trong tâm tôi đã hoàn toàn quyết định “xuất gia”.

Tôi thầm tri ân tình yêu thương trời biển của Người và lòng tôi thổn thức: “Cha ơi, con sẽ sống cuộc đời Đạo sĩ mà”

Thế rồi, một buổi chiều kỉ niệm khó quên đã đến.

Thân phụ và Thân mẫu của Đại đức Thiện Minh
(trong buổi lễ bế mạc trao quà tri ân tại khóa thiền IV).

Hôm đó, tôi cùng Cha tôi ngồi tại bàn, tôi trình bày với Người về chí nguyện xuất gia học đạo của mình đã ấp ủ từ bấy lâu nay, lúc đó sao tôi lại thấy hồi hộp quá, lấy hết can đảm và nói lớn: “Thưa Cha, xin cho con xuất gia làm Tu sĩ!”.

Với nét mặt trầm tĩnh, Người trầm ngâm trong yên lặng… Khoảnh khắc ấy tuy ngắn ngủi nhưng sao tôi có cảm giác lo sợ nặng nề và thiêng liêng khó tả. Hồi lâu, ông buông một câu nói thật nhẹ nhàng nhưng rất khẳng định khiến tôi nhớ mãi: “Con đã lớn có quyền tự chọn con đường cho con, nhưng nếu con đi thì phải đi cho trọn con đường”.

Thầm cảm ơn Người vô hạn, tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng và ý chí cao độ đến lạ. Vậy phải chăng trong sự trả lời nhắn nhủ của Người dường như ẩn chứa một nỗi niềm sâu lắng đã có tự thuở nào:

 – Cống hiến người con trai của mình cho Đạo pháp. Người kể lại Người đã phát tâm: “Nguyện cho con hạ sinh được người con xuất gia làm Đạo sĩ” từ thời người còn trai trẻ…

 – Phải chăng liên quan Nhân – Quả hay là sự trùng hợp ngẫu nhiên quá chiêu cảm từ lời khấn nguyện tâm thành và sự đầu thai của tôi vào làm con trai của Người, để rồi ý nguyện xuất gia hôm nay của tôi là câu trả lời nhiệm màu cho một ước nguyện lành từ trái tim mộ Đạo chân thành của người con Phật ngày xưa. 

 Thân mẫu tôi, một người ít nói, âm thầm, nhẫn nại và chịu đựng hy sinh cho chồng con. Chính cuộc sống và tình yêu thương bao la của Người là một sức mạnh lớn lao vô hình, truyền nhiều nghị lực để tôi có thể vượt qua bao năm tháng thăng trầm trở ngại của cuộc đời. Trong trái tim và ánh mắt tôi, Người là Hiền mẫu đẹp nhất trên thế gian này! Tại quê hương, xứ sở tôi, thật nhiều người yêu quý đức hạnh của bà.

Ngoài sự chấp thuận của Cha Mẹ, dường như tất cả người thân không một lời bàn luận nào. Có lẽ họ đang âm thầm động viên cho cuộc ra đi đã được sắp đặt an bày, cuộc xuất gia viễn ly vạn dặm của tôi.

*********++++*********

Sau khi tốt nghiệp Y khoa, tôi nhận được quyết định (506/YH-QĐ ngày 23-12-1996) của Bộ Y tế bổ nhiệm tôi về công tác tại Sở Y tế Quảng Nam. Cầm quyết định trong tay mà thật sự trong tôi không chút vương vấn. Tôi quyết định thực hiện chí nguyện của mình là đi tu, để lại sau lưng công danh thế pháp của cuộc đời. Vài tháng sau, tôi lên đường ra Huế đến chùa Thiền Lâm và bắt đầu hành trình cho cuộc xuất gia.

Ngày xuất gia của tôi có một số bạn bè thân hữu cùng cha mẹ tôi đến tham dự. Ôi! giây phút ấy thật thiêng liêng quá đỗi. Tôi cố sức đè nén, chế ngự cảm xúc của mình, nhưng không được nữa rồi !!!… Và tôi bắt đầu khóc!!! Tôi khóc lớn thành tiếng… để vơi bớt trong lòng những gì tôi rời bỏ và những gì tôi sắp tiếp nhận thật thiêng liêng….

Tôi thầm nhủ: “Con ra đi cố gắng đêm ngày tu tập, vun bồi công đức và hồi hướng nguyện cầu sự an lành đến cho Cha Mẹ và cả chúng sanh”. Mẹ tôi cũng khóc, Cha tôi lúc đó chắc Người cũng không khỏi xúc động trước sự bật khóc nức nở của tôi.

Các bạn bè thân hữu đến tham dự hôm đó cũng ngậm ngùi đồng cảm với tâm trạng cảm xúc vào ngày thiêng liêng, và cũng chính ngày đó, ngày mà tôi được sinh ra lại lần thứ hai trong cuộc đời đầy đau khổ này.

MahaAggaPandita – Bậc Đại Trí Tuệ trong Chánh pháp năm 2011

Sau gần 3 năm tu học bên Sư phụ Hộ Nhẫn, thì duyên lành xuất dương học đạo đã đến. Tôi được Ngài Đại Trưởng lão Hộ pháp – Vị Thiền sư được Chính phủ Myanmar phong tặng danh hiệu: MahaAggaPandita (Bậc Đại Trí Tuệ trong Chánh pháp năm 2011) giới thiệu sang Myanmar (1 trong 5 Quốc đạo còn lại trên thế giới này) là Quốc đạo thịnh hành nhất về Phật pháp.

Duyên lành vô cùng lớn lao là tôi được học tập dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các bậc Thầy khả kính như:

* Ngài Sumana Cara AggaMahaPandita (MA)– Bậc Đại Trí Tuệ trong Chánh pháp (Bậc Thầy tế độ thứ hai chứng minh cho ngày thọ Cụ túc giới của tôi).

* Ngài Sayadaw Indaka Dipitaka– Bậc Đại Trí Tuệ lầu thông hai tạng Kinh và tạng Luật.

* Ngài Sayadaw Waruna Bhivamsa- Bậc Đại Trí Tuệ tinh thông Tam Tạng Kinh Điển.

* Ngài Đại Trưởng lão Sayadaw IndoBhasa Bhivamsa, AggaMahaPandita– Bậc Đại Trí Tuệ tinh thông Tam Tạng, hiện là Viện trưởng của Phật học Viện nổi tiếng Mahagandhayon gồm hàng ngàn vị Tăng sĩ tại Myanmar.

 

Và duyên lành đặc biệt tôi được học Thiền định dưới sự chỉ dạy trực tiếp của hai vị Đại Trưởng lão Thiền sư lỗi lạc đương thời tinh thông cả hai Pháp học lẫn Pháp hành là Ngài Đại Trưởng lão Viện trưởng Sayadaw Acinna Dhammacariya và Ngài Đại Trưởng lão Viện phó Sayadaw Cittara Dhammacariya của Trung tâm Thiền viện Quốc tế tại miền Quốc đạo này.

 Trong 8 năm tu học, được gần gũi các bậc Thầy tinh thông Tam Tạng và các bậc Đại Trưởng lão Thiền sư khả kính, tôi có cơ hội được tu tập phát triển những phương pháp Thiền quý báu Chánh truyền từ thời Đức Phật đã chỉ dạy và hiện nay tôi cũng đã chuyển sang tu học tại một Phật học Viện có tên là Buddhist Cultural centre (Trung tâm Văn hóa Phật giáo), tại Quốc đạo Srilanka này.

Những năm tháng thăng trầm trong cuộc đời từ thời ấu thơ đến tuổi trưởng thành, và những kỷ niệm từ hình ảnh của thầy cô, của gia đình bằng hữu, từ những phiền não khổ đau hay những gì thơ mộng, quý giá và đặc biệt là những trải nghiệm bản thân bên cạnh các bậc Thầy khả kính… Tất cả dường như đã được sắp xếp, an bày và ban tặng đến cho tôi.

Thời gian càng trôi qua, càng nghiên cứu cùng với sự nỗ lực thực hành nhiều về lời Phật dạy, bản thân tôi nhận thấy một sự dịch chuyển từ ước mơ cháy bỏng nhỏ nhoi của một Bác sĩ trẻ đến sự  “Liễu ngộ được chơn tâm!”Hạnh phúc lớn nhất của một vị Tu sĩ, khoác trên mình tấm Y Casa, tôi rời xa quê hương tầm cầu học đạo nhiệm mầu, ngõ hầu đóng góp trong tương lai công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp hoằng hóa Phật pháp cho quê hương, Tổ quốc Việt Nam, đồng bào ruột thịt thân yêu và cho hòa bình thế giới, theo con đường mà Bậc Giác Ngộ- Bậc Cha Lành của muôn loài đã đi qua cách đây hơn 25 thế kỷ”.

Theo lời thỉnh cầu của Tạp chí Phật Giáo Nguyên Thủy, Bần đạo mạo muội hồi ức và ghi lại những dòng suy niệm, về những chặng đường tìm hiểu Đạo pháp trong quá khứ của Bần đạo, ngõ hầu chia sẻ đến mọi người những cảm xúc, tâm tư, tình cảm và những trải nghiệm nhỏ nhoi trên con đường hành đạo mà Bần đạo đã đi qua.

NGUYỆN CẦU HỒNG ÂN TAM BẢO cùng Ân đức tất cả Chư Thiên hộ trì Chánh pháp chứng minh cho tập hồi ức này từ trái tim chân thành của Bần đạo! Và hằng gia hộ đến Ban biên tập, chư Đại đức Tăng Ni Phật giáo nước nhà, chư Thiện hữu cùng tất cả chúng sanh hằng an vui, luôn chan hòa trong Thiện pháp và sớm hội đủ duyên lành để đắc Đạo quả Niết Bàn an vui giải thoát khỏi sanh tử luân hồi trong ngày vị lai.

Đại Đức Thiện Minh

(Bác sĩ Y Khoa Ngô Thành Thanh)

Postgraduate institute Buddhist and Pali of university of Kelaniya in Srilanka.

 

Phật Giáo Nguyên Thủy miền Trung đã nẩy sinh một cành hoa Sala thơm ngát trong vườn hoa Chánh pháp. Tăng tài trẻ không ngừng xuất hiện “Tre già măng mọc” mà Đại Đức Thiện Minh (Bs Ngô Thành Thanh) là một điển hình. Tương lai Phật Giáo Nguyên Thủy miền Trung chắc chắn sẽ hội đủ duyên lành, phát triển mạnh mẽ để mọi người dân miền Trung được hướng dẫn sống trọn lành và an trú trong ánh sáng Chánh Pháp của Đức Thế Tôn.

Tổ quốc Việt Nam và Giáo hội Phật giáo nước nhà rất cần đến những vị Thiện trí thức giác ngộ Đạo Pháp, có nhiệt tâm, nhiệt huyết để cùng chung tay xiển dương Phật pháp trên quê hương ngày một viên mãn.

 

Phỏng theo Hồi ký Bước chân người Đạo sĩ
của ĐĐ. Thiện Minh (Bác sĩ  Y khoa Ngô Thành Thanh)
Bài và ảnh: Chơn Minh (Lê Khắc Chiếu)

 

***************

Cảm Tác Từ Bài Viết Hồi Ký Vị Đạo Sĩ

(tác giả: Citta Panna – Cử nhân Thanh Quyên)

Noi theo từ phụ Thích Ca,
Xuất gia cứu thế độ đời mai sau.
Người con vùng đất Quảng Nam,
Bước chân xuất thế đi tìm đường tu.

Một là đạo sĩ vàng Y,
Hai là màu trắng áo choàng lương Y.
Tấm lòng thôi thúc từ bi,
Mong sao nhân loại bớt nhiều phiền ưu.

Một ngày ý chí ngất cao,
Cùng Cha ngồi lại nói lên nỗi niềm.
Quyết tâm theo tiếng gọi lòng,
“Thưa Cha! Cho phép con vào đường tu!”

Thế rồi lặng lẽ ra đi,
Bước vào cuộc sống của người chơn tu.
Casa Y quý trao ai,
Khoác lên tấm áo vàng Y bao ngày.

Dặn lòng phải gắng miệt mài,
Không sờn vất vả miễn sao đạt thành,
Nguyện lạnh cứu giúp muôn sinh,
Cho đời bớt khổ cho người thêm an.

Thiện Minh – Đại Đức pháp danh,
Lưu truyền muôn thế sáng ngời tấm gương.