THIỀN SƯ THIỆN MINH

(Varapañño Ph.D)

Tiến Sĩ Phật Học – Đại Học Kelaniya, Srilanka Giảng Viên Học Viện Phật Giáo Việt Nam – TP.HCM

 – Thân thế Ngài Thiền Sư – 

  • Đại Đức Thiện Minh (Varapañño), quốc tịch Việt Nam, sinh năm 1965 tại thôn Viêm Tây, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng. Thế danh của Ngài là Ngô Thành Thanh, thứ nam của cụ ông Ngô Khanh và cụ bà Nguyễn Thị Sáu.
  • Ngài tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Huế, niên khóa 1990 – 1996, quyết định xác nhận số 392/YH-QĐ ngày 19/10/1996.
  • Sau khi tốt nghiệp ngành Y, vốn trở thành Bác sĩ là ước nguyện lớn nhất của tuổi thanh xuân, đáp ứng sự kỳ vọng của cha mẹ, nhưng với đại nguyện lành thánh thiện thanh cao đã quyết định từ trước, nên Ngài lại xin phép hai bậc sinh thành cho phép xuất gia, chính thức bước vào con đường tu học.
  • Năm 1997, Ngài xuất gia dưới sự tế độ của Ngài Tăng Trưởng hệ phái Nguyên Thuỷ – Hoà Thượng Hộ Nhẫn và chọn một cuộc đời thanh tịnh đơn giản – nuôi mạng sống qua ngày để hành đạo hầu hết bởi những bữa ăn khất thực và tuỳ duyên vào tấm lòng thành đặt bát cúng dường từ bá tánh – của vị đạo sĩ Phật giáo.
  • Năm 1997-1998, nhờ duyên lành gặp được Ngài Sư phụ Đại Trưởng lão Hộ Pháp (Aggamaha Pandita – Dhamma Rakkhita), là bậc đại trí tuệ cao thượng trong Chánh pháp, đã dẫn đường chỉ lối sang du học tại Quốc đạo Miến Điện (Myanmar).
  • Từ năm 1999-2007, Ngài tu học tại Myanmar. Mùa an cư năm 1999, được sự bảo trợ của gia đình Phật tử người Miến Điện – là bà Daw Khin Khin Win và cụ công U. Maung Lei, Ngài thọ cụ túc giới với Hòa thượng Trưởng lão (bậc đại trí tuệ cao thượng) Agga Mahapandita Sumanasara Dhamma Cariya và Hòa thượng U. Vasava – là những bậc Đại Trưởng lão đương thời, cùng với các bậc Đại đức Kovida, Đại đức Visuddha… Sau đó, Ngài tiếp tục tu học tại tu viện Singapore thuộc thủ đô Yangon và trường Phật học Pali Mahagandayone tại tỉnh Mandalay, Myanmar.

– Pháp học – 

  • Đại đức được học giới luật bậc xuất gia thuộc tạng Luật Viniya, dưới sự chỉ dạy của Ngài Sayadaw Indaka Dwipitaka Lankara, là bậc lầu thông nhị tạng Kinh và tạng Luật trong Tam Tạng Kinh Điển của Đức Phật, tại trường Mahavisuddhayon ở thủ đô Yangon.
  • Ngài còn được học căn bản về ngôn ngữ Pali và Phật pháp dưới sự hướng dẫn của Đại đức Giảng sư Sundara Lankara và hai Đại đức Giảng sư tinh thông Tam Tạng Kinh Điển là Sayadaw Waruna Bhivamsa Lankara và Hòa thượng Đại Trưởng lão tinh thông Tam Tạng Sayadaw Indobhasa Bhivamsa (Abhidaja Maharadha Guru Aggamahapandita) – bậc trí tuệ cao thượng vĩ đại trong các bậc trí tuệ của đất nước Myanmar.
  • Hòa thượng cũng vừa là hiệu trưởng của Viện Phật học và Pali Mahagandhayon, một trong những trường dạy Phật pháp và Pali nổi tiếng tại Quốc đạo Myanmar.

– Pháp hành – 

  • Từ những năm đầu đến Myanmar, Đại đức được học Pháp thực hành Thiền định Anapanasati dưới sự chỉ dạy của hai bậc Thầy khả kính: Đại Trưởng lão Thiền sư Viện trưởng Sayadaw Acinna Dhammacariya (Pa-Auk Sayadaw) và Ngài Thiền sư Viện phó Sayadaw Cittara Dhammacariya (Kume sayadaw) ở Trung tâm Thiền viện Quốc tế Pa-Auk, Myanmar.
  • Năm 2008, Ngài tiếp tục tu học tại Tích Lan (Srilanka) và theo học hệ sau đại học tại Học viện Nghiên cứu Pali và Phật giáo thuộc trường Đại học Kelaniya (Postgraduate Institute of Pali and Buddhist Studies) và Ngài đạt học vị Thạc sĩ Phật học (MA).
  • Ngày 17/10/2014, Ngài hoàn tất Pháp học và nhận bằng Tiến sĩ với hạng nhì (PhD in Pali and Buddhist studies) ở Học viện Nghiên cứu Pali và Phật giáo, Srilanka với đề tài luận án: “Nghiên cứu và phân tích 40 chủ đề của Thiền định trong Phật Giáo Nguyên Thủy”. Giáo sư Viện trưởng Rahula đã có những đánh giá và khen ngợi về tư cách đạo đức tuyệt vời cũng như thái độ học tập trong nghiên cứu đề tài của Ngài.

– Hoạt động Phật sự – 

  •  Kể từ nhiều năm qua, Đại đức là một học giả Phật giáo nhiệt tâm được nhiều người biết đến qua quá trình giảng dạy nhiều khóa Thiền tập, cũng như qua các công trình dịch thuật và viết sách của mình, cùng với công tác từ thiện độ sinh giúp đời. Ngài đứng ra thành lập Trung tâm Cứu trợ Trẻ em tàn tật Thành phố Đà Nẵng từ năm 2010 với chức vụ đương nhiệm là Ủy viên BCH/TW Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam.
  • Thời sinh viên, Ngài đã rất yêu thích và quan tâm tìm hiểu về “Thiền đạo Phật”. Qua nhiều lần thực hành dưới sự chỉ dạy tận tình của Hòa thượng Hộ Nhẫn (chùa Thiền Lâm, Huế), Ngài đã tự mình chứng nghiệm kết quả của Thiền nơi thân tâm. Niềm hạnh phúc vô biên phát sinh do tự mình chứng nghiệm kết quả của Thiền, khiến CHÂN TÂM HIỂN LỘ – VÀ BẮT ĐẦU THẤY ĐƯỢC CỬA ĐẠO… giây phút thiêng liêng trong bể Thiền thật nhiệm màu vi diệu ấy, Ngài đã quyết định trọn vẹn ý chí xuất gia hành đạo, thời gian đó cũng chính là năm cuối sinh viên Y khoa của mình.
  •  Qua quá trình tu tập, Đại đức đã nghiên cứu và ghi lại về tác dụng vô cùng hữu ích của Thiền đối với sức khỏe (tác phẩm “Sức khỏe và Thiền định”). Ngoài ra, Ngài còn là tác giả của nhiều đầu sách:
  1. Những lời dạy vàng của Đức Phật.
  2. Châu ngọc trong ta.
  3. Chiếc lá trong rừng (bằng Anh Ngữ).
  4. Cốt lõi Đạo Phật.
  5. Phước lành của tình thương.
  6. Phước đức phát sanh từ đâu.
  7. Quy luật phát triển Tâm-Sinh lý giữa con người và chúng sanh.
  8. Kỹ thuật thiền niệm tưởng Ân Đức Phật.
  9. Phước báu vô lượng của Thiền niệm Ân Đức Phật.
  10. Chìa khóa vàng vào kho tàng hạnh phúc.
  11. Bí quyết hạnh phúc trong tình yêu.
  12. Quy luật phát triển kinh tế.
  13. Nguồn gốc cho người thành đạt.
  14. Gốc rễ của người thành công.
  15. Phước lành của người giữ giới (trau dồi đạo đức) lớn hơn tài sản của Đức Chuyển Luân Thánh Vương (bằng tiếng Myanmar).
  16. Vv…
  • Đại đức – Tiến sĩ Thiện Minh được thỉnh mời tham dự vào công tác giáo dục Tăng Ni tại Học viện PGVN – TP. HCM điển hình :
  • 2018: Giảng viên Học Viện Phật Giáo Việt Nam – TP. HCM.
  • 2019: Phó Giám Đốc Trung Tâm Pali – Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.
  • Ngày 15/07/2020: Để góp phần vào việc hoằng dương chánh pháp đến vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người tại Miền Trung Tây Nguyên. Đại đức được thỉnh mời vào vị trí Phó Giám Đốc TT Unesco Nghiên cứu & Ứng dụng Phật học Việt Nam  – Kiêm Trưởng Ban đại diện (Miền Trung & Tây Nguyên).
  • 2021: Giám Đốc TT Unesco Nghiên cứu & Ứng dụng Thiền Vì Sức Khỏe Cộng Đồng.
  • 15/12/2021: Diễn giả báo cáo thành công đề tài nghiên cứu khoa học “Phát Triển 3 Nguồn Năng Lượng Sống Tích Cực Từ Thiền Dưỡng Sinh”, tại hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ 2 – Hà Nội.
  • 09/12/2022: Diễn giả báo cáo thành công đề tài nghiên cứu khoa học “Phát Triển 3 Nguồn Năng Lượng Sống Tích Cực Từ Thiền Dưỡng Sinh”, tại hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 1 – Nhà khách chính phủ Hà Nội.
  • 23/03/2023: Nhận quyết định bổ nhiệm vào vị trí Phó Giám Đốc TT Thiền học Nam Truyền (nhiệm kỳ IX) – Trực thuộc Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.
  • Và từ năm 2015 cho đến nay, Thiền sư Thiện Minh hành đạo, giảng dạy Thiền ở Việt Nam, đã tổ chức được hơn 30 khóa thiền kèm thuyết pháp hoàn toàn miễn phí ở nhiều nơi với sự tham gia của khoảng 15.000 lượt hành giả trong và ngoài nước.
  • Đại đức – Tiến sĩ Thiện Minh đã và đang cống hiến trí tuệ của mình qua nhiều công trình Phật sự, góp phần trong việc phát huy kho tàng Phật học của Phật Giáo Nguyên Thủy trên thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, để phục vụ cho nhân loại.
(Thiền sư Thiện Minh hoàn thành khóa tập huấn trực tuyến Nghiệp Vụ Hoằng Pháp thời đại 4.0, do Ban Hoằng Pháp Trung Ương cấp giấy chứng nhận vào ngày 08/09/2021).
(Học vị Tiến Sĩ Triết Học – Ngày 01/04/2014)
(Giáo sư Viện trưởng Rahula đã có những đánh giá và khen ngợi về tư cách đạo đức tuyệt vời cũng như thái độ học tập trong nghiên cứu đề tài của Ngài).
(Bản dịch)
(Học vị Thạc Sĩ – Ngày 01/01/2008)
(Tốt nghiệp Đai Học Y Khoa năm 1996 – Danh hiệu Bác Sĩ Y Khoa)
(Chứng nhận Bồi dưỡng Y Học Cổ Truyền – Năm 1993)
(Chứng nhận Học vị Y Học Lương Y – Năm 1992)

            Lành thay tinh thần cao quý bậc xuất gia – Sứ giả của Đức Phật đầy nhiệt huyết.

 

Viết xong tại Hà Nội, Kỷ niệm cuối mùa Dâng Y Kathina năm Giáp Ngọ, Phật lịch 2558

Và bổ sung cập nhật thông tin mới vào ngày 30/03/2023 tại TP. HCM.

Cẩn bút,

Tác giả: Chơn Minh (Lê Khắc Chiếu)

Cao học Luật, phóng viên Tạp chí Phật Giáo Nguyên Thủy, nguyên diễn giả Vesak Quốc tế 2014 & 2019

Thành viên BBT PSO ( Phatsuonline) BTTT-TW-GHPGVN