Nội dung bài viết - Contents

“Ở đời, cái gì mong cầu, đặt nhiều hy vọng chừng nào, thì khi thất vọng khổ đau càng tương ứng chừng đó. Ai chưa từng biết cách cung kính “Nghiệp” của chính mình, thì sẽ không bao giờ biết cách cung kính “Nghiệp” của người khác”.
(Thiền sư Thiện Minh)

Cô là một người nhiều thiện tâm, có chí hướng tiến bộ trong thiện pháp, điều đó thật là quý. Cô cần lưu ý rằng “mỗi người trong chúng ta có một tính tình riêng, tập khí riêng, nên chẳng có ai giống ai cả!”.

Chẳng hạn như:

Cô có thói quen riêng của mình, bây giờ người nào có khả năng sửa đổi tính tình của cô được không? Có những tánh khí, thói quen mà chính bản thân mình tự giác, cố gắng tích cực sửa đổi còn đã là việc khó làm! Thậm chí, nhiều lúc đã tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng thay đổi, sẽ nỗ lực chuyển hóa,… nhưng cuối cùng rồi “chứng nào tật ấy”  “đâu lại vào đấy” phải không?

Như vậy, nói gì đến một ai khác có thể sai khiến hay bắt buộc cô phải sửa đổi tính tình, hay sở thích của cô theo ý muốn của họ! Đó là điều chẳng đơn giản chút nào phải không?

Ví dụ:

Nếu một người do không hiểu được những quy luật tự nhiên như thế! Nhưng vì thương yêu cô, nên người ấy cố gắng ra lệnh hay mong muốn cô phải thay điều này, đổi sự kia theo nhu cầu, sở thích của họ, trong khi cô không thể đáp ứng được yêu cầu mong muốn của họ thì sao?

Một khi, cô không đáp ứng được yêu cầu của họ. Nghĩa là, cô không thể thay đổi tính tình, thói quen của cô theo ý họ muốn, chẳng lẽ vì lý do đó, họ phải sinh ra uất ức, nổi giận, thất vọng, hay đau khổ sao?

Nếu như vậy, phải chăng người ấy tự chuốc lấy phiền não cho chính bản thân họ? Chứ thật ra không hẳn rằng, cô mong muốn cho người ấy khổ sở, nên cố tình không làm theo điều họ mong đợi ở cô phải không?

Như vậy họ phiền não, vì sao cô biết không?

* Thứ nhất, là họ không biết tôn trọng cái “Nghiệp” và cá tính riêng của người khác, cụ thể ở đây là nghiệp, cá tính, hay tập khí của cô (cái mà trời chuyển khó dời! Trừ khi cô giác ngộ về điều đó).

* Thứ hai, bởi do ngã chấp, và sự dính mắc đến cô, nên họ thất vọng và đau khổ khi cô không đáp ứng được sự mong muốn của họ vậy.


Tóm lại:

  1. Để tránh phiền não trong những dạng này, điều quan trọng là chúng ta cần xả bỏ sự chấp ngã (chấp rằng người này là của Tôi, là phụ thuộc vào Tôi, là phải theo sự mong muốn hay điều khiển của Tôi).
  2. Đồng thời cần thiết phải tỏ ra cung kính, và tôn trọng thói quen hay nghiệp của người khác (quyền riêng tư của người khác, v.v…),cũng như nghiệp của tất cả chúng sanh.

Liên quan đến người con trai của cô, nếu là người con chí hiếu, là người có trí, biết tri ơn đến tình thương của cha mẹ thì đã không làm cho cô nhiều phiền muộn.

“Ở đời, cái gì mong cầu, đặt nhiều hy vọng chừng nào thì khi thất vọng khổ đau càng tương ứng chừng đó”.

Chúng ta không những chẳng nên cố chấp, mà còn trau dồi sự xả ly và hãy nhìn tất cả chỉ là sự vận hành của Pháp, là vô thường, là khổ và biến hoại của vạn hữu. Và tôn trọng những gì thuộc về cố hữu hay “Nghiệp” của chính mình, cũng như “Nghiệp” của người khác vậy.