Nội dung bài viết - Contents

            * Thể loại: Sách phát hành.           

            * Số trang: 171 trang

            * Phiên bản: Sách Ebook.                

            * Tác giả: Tiến Sĩ – Bác Sĩ Ngô Thành Thanh.

            * Thông tin tham khảo chi tiết: Tại đây


Lời tác giả

Thiên chức cao quý vô cùng trọng đại của bậc cha mẹ là nuôi dưỡng và giáo dục con cái, trở thành người tốt và hiểu biết trong đời. Thật vậy, cha mẹ gánh vác trách nhiệm này với sự tự nguyện, trong niềm vui và hạnh phúc của mình.

Cha mẹ là những người vun đắp hạnh phúc gia đình và chăm lo nuôi dưỡng con thơ. Việc chăm sóc nuôi dạy trẻ, có thể ví như người thợ trồng vườn cần mẫn, nhẫn nại và khéo tay uốn nắn chi li từng cành nhánh nhỏ theo ý của mình, nếu cây bị bệnh sâu, rầy, thiếu nước hay phân bón… Thì sự chu đáo của người làm vườn sẽ nhanh chóng đáp ứng, cải thiện kịp thời. 

Cũng dường thế ấy (thậm chí còn quan trọng hơn thế nữa!), một em bé được trưởng thành, minh mẫn, tráng kiện, bên trong ngoan với gia đình, bên ngoài phụng sự tốt được cho xã hội. Đó chính là thành quả vui mừng, vinh dự tuyệt vời sau bao nhiêu tháng năm chịu thương, chịu khó, nỗ lực thận trọng chăm sóc của bậc cha mẹ đối với người con yêu quý của mình.

Ngược lại, nếu trẻ lớn lên trở thành một người con bất hiếu, người công dân bị xã hội khinh miệt, ruồng bỏ vì phạm pháp,… Thì hơn ai hết, bậc làm cha mẹ ít nhiều liên quan hệ lụy trực tiếp đến trách nhiệm về sự đau buồn này!

Vì sao? Vì cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con cái mình, lúc chưa đến trường con thơ đã biết nói, biết gọi tên cha, tên mẹ, biết cách tiểu tiện, biết lau chùi, biết thay áo quần, biết tắm gội, biết giận, biết hờn… Con trẻ thường ảnh hưởng nhiều hình ảnh về tư cách đi, đứng, sinh hoạt, những lời nói thường được lặp đi, lặp lại hằng ngày của cha mẹ!

Cuộc sống của các bậc cha mẹ thận trọng, có thể ảnh hưởng gián tiếp hoặc trực tiếp vào tâm trí của con cái về những tư cách đạo đức, tác phong của mình, sự tốt đẹp trong cách cư xử qua lại lẫn nhau, từ lời nói đến việc làm…

Những bậc cha mẹ bất cẩn, làm cho con cái mình bị ám ảnh bởi những thói quen không mấy tốt đẹp trong gia đình, như cảnh tượng lời qua tiếng lại, lời nói không thật, lời nói ác khẩu, lời nói hiềm hận, lời nói chói tai, v.v… Trong thuở thiếu thời của các cháu!

Quả thật, nhà là trường học đầu tiên đã hun đúc cho tuổi thơ một kiến thức tốt hoặc xấu vô cùng căn bản.

 Tuy nhiên, trong một số các bậc cha mẹ nào đó, cũng khó có thể trách móc hoặc đổ lỗi cho một ai, nếu các cháu không trở thành một thành viên tốt cho gia đình, xã hội trong tương lai! (Tất nhiên ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt ngoài ý muốn của cha mẹ).


Như câu ca dao:

“Sanh con ai dễ sinh lòng!

Trồng bưởi, trồng bòng ai biết ngọt chưa!”.

Hay là: “Cha mẹ sanh con trời sanh tính”.

Bậc cha mẹ có toàn quyền nuôi dưỡng, che chở, hướng dẫn, uốn nắn cho con cái học điều lành, tránh điều xấu ngay từ thuở còn tấm bé. Để tuổi thơ trở thành mẫu người như thế nào trong tương lai, cha mẹ chính là những vị Kiến Trúc Sư kiến tạo nên “vẻ đẹp” cuộc đời của các cháu.

Sự trưởng thành một cá thể có sự liên hệ, tác động qua lại đồng thời của nhiều yếu tố như: tính di truyền, tinh thần, thói quen, thời tiết, thức ăn, môi trường sống, sự ảnh hưởng về nhân cách tốt hoặc xấu từ cha và mẹ, v.v…

Do vậy, việc trau dồi cho trẻ thơ có nhân cách đạo đức tốt và tri thức, thì bậc cha mẹ là những nhân tố rất quan trọng có khả năng ảnh hưởng như một quyết định lớn đến thế hệ trẻ trong tương lai.

Với sự tha thiết góp phần vào việc xây dựng văn hóa nhân cách đạo đức cho thế hệ trẻ nước nhà, tác giả mạo muội đem hết lòng nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tác phẩm này, xin thành tâm chia sẻ cùng bạn đọc.

Ngưỡng mong quý bậc thiện trí cao minh, thức giả, hoan hỷ bổ chính để lần tái bản được hoàn thiện hơn.

Tác giả cẩn bút
Tiến Sĩ – Bác Sĩ 
Ngô Thành Thanh.