* Thể loại: Sách phát hành.           

            * Số trang: 187 trang

            * Có 2 phiên bản:

                     + Sách giấy;
                     + Sách Ebook;                

            * Tác giả: Tiến Sĩ – Bác Sĩ Ngô Thành Thanh.

            * Thông tin tham khảo chi tiết: Tại đây


Lời tác giả

Tuổi trẻ trong cuộc đời, nhất là các cháu ở độ tuổi còn thơ, hầu hết chưa có đủ kinh nghiệm sống để có được sự nhận thức đúng đắn về những vai trò cần thiết và quan trọng nơi chính bản thân mình đối với cha mẹ, thầy cô…

Chẳng hạn như: Làm thế nào để trở thành một người con có hiếu? Một người học trò giỏi, trò ngoan? Một người công dân tốt của xã hội…?

Đặc biệt, trong việc trau dồi nền tảng về nhân cách đạo đức, lễ nghĩa, kính trọng… cũng như các tính cách cư xử với cha mẹ như thế nào cho cha mẹ vui lòng và đối với thầy cô giáo, người học trò cần có sự biết ơn, lễ phép ra làm sao, cho được sự tốt đẹp từ nhà đến học đường …

Bởi vậy:

– Trong gia đình:

  • Con cái phải luôn hết lòng lễ phép, kính trọng cha mẹ.
  • Quan hệ giữa các anh, chị và em cần hiểu biết rõ về giá trị của sự thuận hòa, trên kính trọng, dưới nhường nhịn lẫn nhau để chan hòa tình huynh đệ và cha mẹ sẽ vui lòng khi thấy các con mình yêu thương đùm bọc lẫn nhau, tạo nên một gia đình ấm êm, hạnh phúc.

– Trong học đường:

  • Một người học trò dù lớn hay nhỏ, nếu không có ý thức hiểu biết (không có tính cách tối thiểu) về sự tôn trọng thầy cô, thì chắc chắn người đó sẽ khó có thể học hành hay lãnh hội được những điều tốt đẹp từ thầy cô truyền dạy.
  • Học trò ngoan, học giỏi là những người được phụ huynh, thầy cô quan tâm dạy dỗ về giá trị của sự lễ phép, kính trọng đối với thầy cô giáo là điều trước tiên.

Nên các bậc thánh hiền xưa thường dạy:

“Tiên học lễ, hậu học văn”.

Tuổi trẻ cần học tập các tính cách, phép tắc, đối xử với những người lớn hơn về lễ nghĩa, sự biết ơn cha mẹ và thầy cô trước tiên làm trọng. Người học trò có tư cách cao quý về lễ nghĩa, thường được thầy thương bạn mến.

Có những học trò ngoan như thế, cũng chính là động lực khích lệ lớn lao cho quý thầy cô trong sự nghiệp “trồng” người cao đẹp. Thầy – cô sẽ đem hết tâm huyết của mình để truyền dạy, với mong muốn học trò của mình thành tựu trên con đường học vấn, cũng như sự nghiệp trong tương lai.

Do vậy, các bậc thánh hiền xưa đã dạy:

“Trọng Thầy mới được làm Thầy” là ý nghĩa sâu sắc lắm vậy! Một người con, một người học trò có nhân cách và nghĩa cử tốt đẹp, luôn là nơi yêu thương của cha mẹ, thầy cô và sự mến yêu của bạn bè.

Nhân cách đạo đức tốt, chính là một trong những nét chủ yếu và lớn lao nhất không thể thiếu để đánh giá một con người, gọi là thành công trong một xã hội!

Tuổi thơ thiếu vắng nhân cách, lễ nghĩa và đạo đức, đồng nghĩa thiếu vắng sự hiểu biết về lòng tự trọng và giá trị nơi bản thân. Một người thiếu hiểu biết về sự tự trọng cũng như về giá trị của bản thân thì làm sao họ có thể phát huy được khả năng của chính mình?

Thiếu vắng nhân cách, tuổi thơ không thể trở thành bậc thiện trí trong đời! Nhân cách không thể xin, vay mượn hay dùng tiền mua mà có được! Nhân cách tuổi trẻ, chỉ được hình thành từ ý thức, tình thương, sự nhẫn nại, chịu khó hy sinh của những bậc phụ huynh và quý thầy cô giáo đã dày công huân tập “một cách có phương pháp” cho các cháu!Thiết nghĩ, đây là niềm quan tâm vô cùng lớn lao cho các bậc phụ huynh và quý thầy cô.

“Gốc Rễ của Người Thành Công” ra đời với kỳ vọng đóng góp một phần trong phương diện trau dồi nhân cách, biết ơn cha mẹ và sự lễ phép kính trọng đối với thầy cô của các em. Qua đó, giúp tuổi trẻ trưởng thành dần trong thói quen nhân cách căn bản cao quý, ngay trong giai đoạn “mầm non” dễ dạy bảo, dễ uốn nắn của đời người!

Tác giả cẩn bút
Tiến Sĩ – Bác Sĩ 
Ngô Thành Thanh.