“Khi Ta biết nhìn vào trong ta một cách sâu sắc, là lúc Ta thấy Ta rõ nhất”.
(Thiền sư Thiện Minh)

Quân bình Ngũ Lực

Trong năm yếu tố sức mạnh chủ đạo thuộc tinh thần: Tín (Saddhā); Tấn (Viriya); Niệm (Sati); Định (Samdhi); Tuệ (Panna) nầy, cần thiết phải được phát triển một cách quân bình:

  1. Định (Samadhi)và Tấn (Viriya) cần thiết phải được quân bình.
  2. Đức Tin (Saddha)và Trí tuệ (Panna) cần thiết phải được quân bình.

(a). Định (Samadhi) và Tấn (Viriya) quân bình như thế nào?

+ Định (Samadhi): Là Thiền trong oai nghi ngồi.

+ Tấn (Viriya): Là Thiền trong oai nghi đi.

Ngồi là Định, đi là Tấn cần thiết lập quân bình như: ngồi 1 giờ 30 phút thì cần đi trung bình phải được 1 giờ (giờ quy định căn bản của trường Thiền Pa-auk Quốc tế Myanma).

+ Nếu Định nhiều hơn Tấn, sẽ dẫn đến hôn trầm, dã dượi.

+ Nếu Tấn nhiều hơn Định, sẽ khiến Hành giả phát sinh trạo cử và  phóng tâm nhiều.


(b). Đức tin (Saddha) và Trí tuệ (Panna) quân bình như thế nào?

* Đức tin (saddha):  Là niềm tin nơi Ba ngôi Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng). Tin vào lý Nhân – Quả, tội phước, ích lợi về pháp Thiền mang lại sự an lạc thù thắng, tin vào những gì liên quan đến lời Phật dạy, tin vào vị Đạo sư có Pháp học, Pháp hành hướng dẫn và tự tin nơi chính mình…

Trí tuệ (Panna):

– Là sự hiểu biết về Giáo pháp, nắm rõ ràng rành mạch phương pháp hành Thiền.

– Các đặc tánh căn bản của tâm như: tâm Tham, tâm Sân, tâm Si, v.v…

– Các đặc tánh chung của thân và tâm như: Vô thường, Khổ, Vô ngã….

– Nắm rõ các phương pháp về Ngũ lực, bảy Pháp hỗ trợ giác ngộ (Bojjhanga), v.v… để điều phục, nâng đỡ thân và tâm trong quá trình phát triển Thiền.

– Hiểu rõ và quán triệt về lợi ích lớn của nội quy do khóa Thiền đặt ra.

– Biết cách quân bình số lượng vật thực khi ăn (vừa đủ no) để tránh sự dã dượi, mệt mỏi, hôn trầm lúc hành Thiền, v.v…


Đức tin và Trí tuệ cần được tích lũy và phát triển đồng đều trước và trong khi hành Thiền.

* Nếu Đức tin quá mạnh mà sự hiểu biết ít thì rơi vào sự mù quáng (Tin một cách mù quáng).

* Nếu Trí tuệ nhiều mà thiếu vắng Đức tin trong sạch nơi Ba ngôi Tam Bảo thì trở thành nghi ngờ, xảo quyệt…

♦ Niệm:

Là sự tỉnh thức Chánh niệm, sáng suốt hay biết của Hành giả trên đề mục chính của Thiền, đồng thời Niệm như một vị Chủ soái sáng suốt, thường xuyên theo dõi và nhất là kịp thời điều hòa hai cặp tâm đối lập (Tấn – Định) và (Tín – Tuệ) nêu trên.

Niệm luôn luôn cần thiết được thắp lên một cách liên tục, không gián đoạn và duy trì trong pháp Thiền nầy nói riêng và trên lộ trình giác ngộ nói chung.

Khác với bốn yếu tố trên, “Niệm” càng nhiều càng tốt, sự tỉnh thức Chánh niệm ghi nhận một cách liên tục trên đề mục Thiền là vô cùng cần thiết và không bao giờ thừa mứa!

Sau khi Thiền tọa (Định) rồi, cần chuyển sang Thiền trong oai nghi đi (Tấn) cho được quân bình. Không ít hành giả chưa hiểu lợi ích lớn lao của việc đi kinh hành nầy. Nếu không biết cách quân bình hai cặp năng lực tinh thần trên, Hành giả khó thể đạt được kết quả như mong đợi được!

Đây là một thiếu sót khá trầm trọng của rất nhiều Hành giả tu tập Thiền, thậm chí ngay trong các trung tâm Thiền viện Quốc tế tại Myanmar!

Thiền đi (Kinh hành), toàn thân tứ chi vận động, khí huyết được điều hòa, giúp tăng cường quân bình sức khỏe,  kích hoạt quá trình trao đổi chất qua lại giữa các cơ quan chức năng bên trong cơ thể lẫn nhau (sau khi trải qua một thời ngồi Thiền bất động kéo dài), v.v… phát triển đều đặn hai loại năng lực giữa thân và tâm, hỗ trợ lớn cho sự phát triển Thiền trong oai nghi ngồi, cũng như sự chứng đạt các Pháp cao thượng của Hành giả.


Đức Phật dạy có năm lợi ích lớn cho việc kinh hành[1]:

  1. Phát triển khả năng chịu đựng tốt, bền bỉ khi đi xa.
  2. Trau dồi được tính cần mẫn, siêng năng (đặc tánh quý cho sự thành công trong nhiều lĩnh vực trong đời).
  3. Ít bệnh, do tăng cường sự điều hòa khí huyết cho cơ thể.
  4. Dễ tiêu hóa (nhất là sau bữa ăn…).
  5. Khả năng chứng được các bậc Thiền (Thiền chứng đắc được trong khi đi Kinh hành khó bị hư mất). 

Càng tắm gội trong bể Thiền, tinh cần đúng phương pháp, hành giả sẽ tăng trưởng được nhiều lợi ích lớn:

Các cảm giác bất toại nguyện như mỏi, tê, ngứa ngáy, khó chịu, v.v… được Hành giả tinh tấn, Chánh niệm nhìn thấy càng rõ bao nhiêu, thì tương ứng các phiền não (tương đương đối nghịch như vậy) trong đời sống thường nhật của Hành giả càng bị loại bỏ và đẩy lùi bấy nhiêu!

Và do đó, hành giả càng đạt được sự an lạc, mát mẻ, hạnh phúc, thư thái, khinh an, v.v… càng nhiều hơn vô vàn bấy nhiêu!

Tựa như hành giả được sanh ra lần thứ hai trong đời, từ bào thai cao quý, thiêng liêng của Pháp Bảo vậy!

Như một kết quả tự nhiên của mặt hồ nước trở nên bình lặng, trong vắt, có thể sử dụng tốt và trở nên giá trị sau khi đã gạt bỏ đi lớp bợn nhơ, rong rêu phủ trùm lên bề mặt của nó tự bao giờ!

“Quả thật, không dễ có một phần thưởng nào trong đời, giá trị và xứng đáng hơn, khi so sánh với lợi ích hạnh phúc vô biên, phúc lành cao quý và giác tuệ sáng suốt cho một người cần mẫn ‘trau dồi định Tâm’, từ việc hành Thiền mang lại!”.

Điều đặc biệt ở đây là chúng ta thực hành với phương pháp Thiền Ānāpānassati cao quý, đúng đắn theo kinh điển Đức Phật dạy và kỹ thuật trau dồi chính xác, để làm lắng yên phiền não của năm loại triền cái (Nῑvaraṇas) nầy.

Một khi các chướng ngại của sự phát triển tinh thần đã được yên lặng rồi, ngay lập tức sự an vui, tịnh lạc của nội tâm sẽ ngập tràn, phủ khắp châu thân. Ánh sáng an tịnh của Chơn tâm nhờ đó được hiển lộ, rọi chiếu sáng ngời rực rỡ…

Đây là phương pháp vô cùng tuyệt diệu, một “chiếc chìa khóa vàng” để mở kho tàng an vui, hạnh phúc, tĩnh lặng, êm đềm, phúc lạc… trong chính thế giới tâm hồn của chúng ta!

Chỉ cần sự cố gắng một cách không uổng công, không phí sức, sẽ cho chúng ta quả lớn, lợi ích lớn và tuệ giác giải thoát cao quý được sinh lên cũng nhờ năng lượng tuyệt vời đầu tiên nầy.


Phải chăng hạnh phúc nằm ngay trong tầm tay của chính bạn?

Trong cuộc sống đời thường, vì mong cầu hạnh phúc, sự lợi ích cho mình hoặc và cho kẻ khác, lắm khi chúng ta dành phần lớn thời gian, đem hết sức bình sinh rong ruổi vào nhiều chặng đường đời để tìm kiếm, lao động cật lực đêm ngày, nhưng hiệu quả sung sướng hay khổ đau, bất an hay hạnh phúc có hay không hoặc ở mức độ nào lại là một đằng khác phải không (?!)

Nhiều người có thể sẵn sàng đánh đổi, không cần phải cân nhắc hay tiếc nuối một thời gian dài, thậm chí vài năm trời để theo đuổi học cho được một nghề nghiệp nào đó, ngõ hầu nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia quyến… để tìm sự an vui, hạnh phúc cho mình, xem như một cái giá tự nhiên, một quy luật bắt buộc của xã hội mà không một chút so đo hay tính toán nào!

Nhưng để tham gia một khóa thiền 10 ngày có thể mang lại cho họ một nguồn hạnh phúc, an vui vô biên, một trí tuệ sáng suốt… cùng vô số lợi ích ít nhất là cả một kiếp người, thế nhưng họ phải đắn đo, suy nghĩ, cân nhắc sợ “không có đủ thời gian” (!?)

Tại vì sao? Có thể là do họ chưa có cơ hội để hiểu được nhiều về lợi ích của phương pháp Thiền nầy là như thế nào? Và có lẽ cũng phụ thuộc vào một yếu tố là do duyên nghiệp nữa!

Trong cuộc đời lại có những lúc càng ráng sức tìm kiếm bao nhiêu, thì sự thất bại càng ê chề bấy nhiêu! Bởi vì sao?

Một lý do khá phổ biến, có thể đó là do chưa nắm được hay quán triệt được các quy luật vận hành về Tâm – Sinh lý của chính bản thân mình vậy.

Ngược lại ở nơi đây, trong Giáo pháp nầy, chúng ta càng nỗ lực nhiều chừng nào thì sự lợi ích an vui, trí tuệ, hạnh phúc, ung dung tự tại càng lớn, càng quý hóa bấy nhiêu và do đó cơ hội, vận may càng có khả năng đến với chúng ta nhiều hơn!…


Do đó sau một khóa Thiền, phần lớn Hành giả đạt được ba loại sức mạnh tăng trưởng vượt bậc, đó là:

1. Tăng trưởng về Tâm lực (Citta bala):

Các loại tâm sau đây sẽ đồng loạt được phát huy tăng trưởng như: 
             
  1. Tâm cần mẫn, chu đáo, siêng năng, chuyên cần, được tăng trưởng (Tinh Tấn).
  2. Tâm nhẫn nại, chịu khó, bền bỉ khi làm việc, được tăng trưởng (Khanti).
  3. Tâm từ ái, yêu thương chính mình và yêu thương người khác, chúng sanh khác, được tăng trưởng(Metta).
  4. Tâm bi mẫn muốn cứu giúp người khác thoát cảnh nghèo khó, khổ cực, được tăng trưởng…(Karuna).
  5. Tâm xả ly (không chấp chặt)hoặc dính mắc vào những đối tượng yêu thương hay căm ghét khác… được tăng trưởng(Upekkha).
  6. Tâm rộng lượng bố thí, giúp đỡ người khác được tăng trưởng (Dana).
  7. Tâm thiện lành, đạo đức và nhân cách phước đức tăng trưởng nhờ vào sự giác ngộ ra lợi ích vĩ đại của sự giữ giới, trau dồi nếp sống bình an, trí tuệ cao quý (Sila).
  8. Tâm chơn thật cao quý, được tăng trưởng (Sacca).
  9. Tâm quyết định, kiên quyết theo lời nguyện trước, được tăng trưởng, v.v…

Nhiều sự an vui, hạnh phúc nội tâm được tăng trưởng, tinh thần được phát triển hùng cường, mạnh mẽ trước nhiều thử thách khó khăn trong cuộc sống hơn trước kia nhiều.

Hành giả có kinh nghiệm qua bể Thiền nên tâm nhu nhuyến, dễ dàng khai trừ được nhiều loại tư tưởng, ý nghĩ tiêu cực đau khổ, muộn phiền, bất an hay sợ hãi hơn trước (mức độ tùy khả năng trau dồi của mỗi Hành giả).


2. Tăng trưởng về Thân lực (Kāya bala):

Sinh lực cơ năng thân thể của Hành giả sau thời gian Thiền tập được tăng trưởng mạnh mẽ, nên khả năng lao động phục vụ gia đình, xã hội được bền bỉ, dẻo dai và có tính kiên nhẫn hơn trước thật là xa lắm vậy!

Tăng cường khả năng điều hòa khí huyết, vận hóa của các lục phủ ngũ tạng trong cơ thể dẫn dến: nhiều chứng bệnh về thân thể cũng được thuyên giảm (nếu bệnh nặng), và được hết bệnh (nếu bệnh nhẹ)[2].

Sau khóa Thiền tập, nếu Hành giả có nhu cầu, ước nguyện rèn luyện phát triển các môn vận động v.v… để tham gia trong những giải thể dục, thể thao Quốc gia, Quốc tế cũng có thể phát huy năng lực tiềm tàng, dẫn đến thành công lớn! Bởi nhờ sự định tâm cao nên Hành giả sẽ dễ dàng phát huy sức mạnh tiềm tàng vô tận nơi con người của chúng ta.


3. Tăng trưởng về Trí lực (Paññā bala):

Hành giả sau khóa Thiền tập, trí tuệ sáng suốt được phát sanh, khai mở, vượt xa hơn trước nhờ khả năng đàn áp và loại bỏ được các loại tâm tiêu cực, đó là những chướng ngại cố hữu, ngăn chặn sự phát triển tinh thần (5 trạng thái tinh thần gây chướng ngại Nῑvaraṇas) trong tâm một chúng sanh như Làm suy yếu hoặc loại bỏ”:

  1. Tâm hôn trầm, dã dượi, buồn chán: thường khiến người không sáng suốt, lạc quan yêu đời…
  2. Tâm sân giận, nóng nảy: thường khiến người không sáng suốt, tỉnh táo trong đối nhân xử thế…
  3. Tâm tham dục, chấp chặt, dính mắc trong nhiều trần cảnh: khiến người đam mê vào những trạng thái tiêu cực, không sáng suốt linh hoạt, xử trí trong nhiều hoàn cảnh…
  4. Tâm phóng dật, tiếc nuối vì những việc tốt đã qua không làm; ân hận, ăn năn vì những việc xấu, lỗi lầm đã làm: thường khiến tâm thức phiền muộn, bất an, u sầu không linh hoạt tỉnh thức, mất định tâm và nhất là thiếu đi sự sáng suốt…
  5. Sự nghi ngờ việc phát triển các phước thiện, thiện pháp làm suy yếu tâm, và cũng là một nhân tố lớn ảnh hưởng đến sự thất bại hay thành công trong nhiều công việc ở đời.

Với sự chuyên cần của Hành giả, ánh sáng Quang tướng càng có cơ hội phát huy.

Một khi ánh sáng của tâm chiếu sáng lên rồi, chúng ta có quyền thụ hưởng, ít nhất là trọn kiếp nầy với nguồn an vui, hạnh phúc lớn nơi tâm hồn chẳng thể nghĩ bàn, cũng như nhiều phúc lành (Kusala puñña) nhờ đó càng được có cơ hội phát huy tăng trưởng.

Như kẻ ăn mày khố rách, áo ôm nay được toàn quyền thụ hưởng kho tàng vàng bạc châu báu vĩ đại của mình, sau khi may mắn nhặt lại được chiếc chìa khóa vàng, mở kho báu vật “của hồi môn” của mình đã bị thất lạc từ lâu![4].

Do vậy, mà hàng Thiện trí từ ngàn xưa thường tri ơn tán thán:

“N’atthi me saraṇaṃ aññaṃ.
Dhammo me saraṇaṃ varaṃ.
Etena saccavajjena, hotu me jayamaṅgalaṃ”.

“Chẳng có chi đáng cho con phải nương theo, chỉ có Pháp Bảo là quý báu, nên con phải hết lòng…thành kính mà nương theo, y như lời Chơn thật nầy”. 

“Hết lòng” ở đây là gì? Là đem toàn tâm, toàn ý của mình, với Đức tin trong sáng để nương theo. Nương theo để làm gì?

– Nương theo để học và thực hành, để gặt hái Pháp Bảo cao quý, nhằm tránh các tai họa, ngăn ngừa tạo ra nghiệp dữ, vun bồi phước đức, hưởng được sự an lạc, hạnh phúc của Thánh Đạo Tuệ (paññā magga),Thánh Quả Tuệ (paññā phāla), giải thoát ngay trong hiện tại nầy hoặc tạo nhân duyên lành cho kiếp vị lai.

– Nương theo để tránh được sự tái sanh vào các đường dữ, khổ cảnh như: Địa ngục, Ngạ quỷ, Atula, Súc sanh,.. trong chuỗi luân hồi, sinh tử.
Và có thể sanh về các Thiện giới (sugāti) an vui do nhờ Quả phước lành (kusala vipāka) từ sự học hiểu và ứng dụng lời dạy của Đức Phật ngày hôm nay.

Do vậy, đây là cơ hội vô cùng quý báu, thêm một giờ nỗ lực là tăng trưởng thêm một giờ định tâm và trí tuệ là nhân sinh nguồn phước báu cho hôm nay và mai sau!


Tham khảo:

  • [1](Bởi luôn luôn có ít nhất một loạt 7 tiến trình Tâm sở liên tục sinh khởi trong 89 Tâm hay 121 Tâm, như:(phassa) Xúc, (vedanā) Thọ, (saññā) Tưởng, (cetanā) Tư, (ekaggatā) Định, (jῑvitindriya) Danh mạng căn, (manasikāra) Ý hành Tâm sở, trong lúc các căn thức của chúng ta tiếp xúc với các trần cảnh v.v…
  • [2](ở đây nói về đề mục hơi thở);khác với Các đề mục Kasina như: Đất, Nước, Lửa, Gió…thì trước phải mở mắt để bắt đối tượng, sau đó rồi mớ nhắm mắt.
  • [3](ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, ch.5; vncphvn. 1996, tr.346)
  • [4](Quả phước lành của người đắc pháp Hỷ Lạc hay Quang Tướng lớn lao không thể nghĩ bàn được trình bày trong một phần khác liên quan đến chương trình nầy).