Sự giác ngộ Chân lý của Chư Phật giống nhau. Do vậy, ba đời Chư Phật ra đời đều dạy 84.000 Pháp, gọi tắt là Ba Tạng (Tipitaka). Trong đó, Luật Tạng (Vinaya pitaka) bao gồm 21.000; Kinh Tạng (Suttanta pitaka) bao gồm 21.000 và Luận Tạng (Abhidhamma pitaka) gồm 42.000.

“Nơi đâu có Giới nơi đó có Trí tuệ,
Nơi đâu có Trí tuệ nơi đó có Giới”.
(Phật ngôn)

Ba Tạng được bao gồm trong 3 từ đó là:

  • Bộ Luật: đại diện cho GIỚI (Sῑla);
  • Bộ Kinh: đại diện cho ĐỊNH (Samādh);
  • Bộ Luận: đại diện cho TUỆ (Paññā).

Chư Phật giác ngộ về 4 sự thật chân lý

  • Khổ (Dukkha): Sự tái sinh (đầu thai là khổ,…), sự già nua là khổ, bệnh tật là khổ, sự chết là khổ,… tạo nghiệp vay trả, trả vay, luân hồi, sanh tử, tử sanh bất tận…
  • Tập (Nguyên nhân khổ – Dukkha samuddaya): Những cội nguồn sinh ra các sự khổ như tham ái, vô minh, tà kiến, chấp lầm, ngã mạn, v.v…
  • Diệt (Khổ được dập tắt – Nirodha): Chứng đạt được hạnh phúc cao thượng Niết bàn, từ tâm Phàm phu khổ đau, sợ hãi,… chuyển thành tâm bậc Thánh nhân bất tử Niết Bàn,…
  • Đạo (Magga): con đường diệt tận khổ đau, dẫn đến an vui trong ba cảnh giới: cảnh Người, cảnh Trời và Niết Bàn đoạn tuyệt khổ đau, đó chính là “Bát Thánh Đạo”, con đường cao quý thiêng liêng cho chúng sanh thực hành theo, để bỏ mê về ngộ, chuyển khổ về vui, đạt được Chánh trí, giải thoát luân hồi ngay trong kiếp hiện tại lẫn kiếp vị lai.

Bát Thánh Đạo là gì ?

Bát Thánh Đạo (Ariya atthangika magga) bao gồm có Tám ngành, nhưng thực chất là một dạng rút gọn của cả 84.000 điều dạy trong Ba Tạng Kinh Điển (Luật Tạng, Kinh Tạng, Luận Tạng) hay (Giới – Định – Tuệ) đó là:

I – Thuộc về “TUỆ”:

  • Chánh Kiến (Sammā ditthi);
  • Chánh Tư duy (Sammā samkappa);

II – Thuộc về “GIỚI”:

  • Chánh Ngữ (Sammā vācā);
  • Chánh Nghiệp (Sammā kammanta);
  • Chánh Mạng (Sammā ājva);

III. Thuộc về “ĐỊNH”:

+ Chánh Niệm (Sammā sati);
+ Chánh Tinh Tấn (Sammā vāyāma);
+ Chánh Định (Sammā samādhi).

Giới – Định – Tuệ được Ba đời Chư Phật giảng dạy giúp chúng sanh nương theo trình tự đó làm Kim Chỉ Nam thanh lọc thân tâm từ thô đến vi tế, từ phiền não “ô nhiễm” đến sự “thanh tịnh”.

Phát sinh trí tuệ tu chứng từ các tầng thiền định, đến các tầng đạo quả Niết Bàn, chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm nhập thánh, giải thoát vĩnh viễn mọi nghiệp chướng khổ đau sanh tử, luân hồi trong ba giới bốn loài.