Nội dung bài viết - Contents
“…Nguồn tịnh lạc do thiền mang lại là chất liệu vô cùng thánh thiện của tâm hồn, là cội nguồn phát huy, phát triển nhiều công đức;… Và cũng chính là nơi nương tựa, nguồn sống thiêng liêng trong suốt lộ trình cuộc đời hiện tại lẫn kiếp lai sanh”.
(Thiền sư Thiện Minh)
Bỏ vui nhỏ, hưởng vui lớn:
Khóa thiền tích cực 10 ngày, phần lớn quý hành giả đều đạt được Pháp hạnh phúc, cảm giác vui sướng cả Thân lẫn Tâm, nhà Thiền gọi là đạt pháp Hỷ (pῑti), pháp an Lạc (sukha) an tịnh ở những mức độ khác nhau[1].
Khi định tâm của hành giả phát triển cao, đến mức độ an tịnh, Pháp Hỷ – Lạc được sinh ra, vào lúc này tâm hành giả hết sức dễ chịu, ngây ngất với cảm giác vui sướng, an lạc, nhẹ nhàng phủ trùm khắp châu thân, v.v… một niềm vui sướng, hỷ mãn ngập tràn vô cùng thỏa thích.
Kinh điển diễn đạt trạng thái của người hữu phước đắc Pháp Hỷ Lạc này như sau:
- Ví như người khát nước lâu ngày, gặp được ốc đảo, trong sa mạc.
- Như người vừa trút được một gánh nặng, trên vai sau một lộ trình mỏi mệt.
- Như cảm giác người được tự do sau khi được mở trói, vì bị cột đã lâu ngày.
- Như người mừng rỡ và nhẹ nhõm, vừa trả xong được món nợ lớn, v.v…
Tâm của hành giả được vô cùng sung sướng vừa lòng, mãn nguyện trong trạng thái hạnh phúc an lạc vô biên này!
Mê đắm trong cõi Thiền:
Do vậy, nên hành giả thường rất thỏa thích an trú trong thiền pháp của mình để được hưởng hạnh phúc an vui, mát mẻ, tịnh lạc này, như một “vương quốc thần tiên” bất khả xâm phạm! (Thế gian thường truyền miệng rằng, mê đắm trong thiền, có lẽ là liên quan đến trường hợp này vậy).
Gọi là “vương quốc thần tiên” bởi vì cho hành giả một bầu trời tự do, ở đó chính mình là vị Hoàng Đế ngự trị nơi vương quốc hạnh phúc thanh bình, hoàn toàn yên tĩnh này! Không có một ai có thể uy hiếp hay chiếm đoạt được. Vĩnh cửu và mãi mãi sẽ không có một vương quốc nào trên quả đất này cho bạn được sự hạnh phúc, bình yên, hay an toàn hơn thế!
Nơi đây, luôn luôn dành cho hành giả sự nghỉ ngơi, thư giãn một cách tích cực nhất, giúp phục hồi và tăng nguồn sinh lực mau chóng, sau những lúc nhọc nhằn trong cuộc sống, hoặc giúp hành giả tái tạo sự bình an, tĩnh lặng, sự định tỉnh sáng suốt của tâm hồn một cách hữu hiệu và thiết thực.
“…Nguồn tịnh lạc do thiền mang lại là chất liệu vô cùng thánh thiện của tâm hồn, là cội nguồn phát huy, phát triển nhiều công đức;… và cũng chính là nơi nương tựa, nguồn sống thiêng liêng trong suốt lộ trình cuộc đời hiện tại lẫn kiếp lai sanh”.
Hành giả đạt vào Pháp Hỷ Lạc này có hai mặt lợi ích và khiếm khuyết như sau:
A. Mặt ưu:
Pháp hỷ (Pīti) khi được sinh lên, tạm thời khắc phục những triền cái oán ghét (Vyāpāda), sân hận, hay bất toại nguyện… đây là các trạng thái tâm thường gây cho hành giả nóng nảy, mệt mỏi và rất dễ sinh ra bệnh tật, v.v…
Pháp An Lạc (Sukha) sinh lên tạm thời khắc phục được những tâm trạo cử và hối hận (uddhacca) là các trạng thái tâm xao lãng, băn khoăn, lo âu hay bối rối, không yên, v.v…
- Pháp Hỷ – Lạc này làm cho sung mãn thân và tâm, khí lực điều hòa thấm nhuần khắp cả châu thân, tinh thần an vui, hạnh phúc, cơ thể sung mãn tráng kiện, da dẻ tươi nhuận, hồng hào trí tuệ sáng suốt…
- Pháp Hỷ – Lạc này, giúp cho cơ thể tự điều hòa và điều tiết được nhiều bệnh tật, nhất là những chứng bệnh về thần kinh, tâm lý, tâm thần như:
-
- Người bị thần kinh căng thẳng kéo dài (stress).
- Suy nhược thần kinh.
- Chứng suy nhược tâm thần.
- Bệnh thần kinh tâm lý psychoneurosis, v.v… (mời tham khảo lợi ích chữa bệnh của thiền – cùng tác giả).
- Pháp Hỷ – Lạc làm tăng trưởng đức tin trong các việc từ thiện, giúp đỡ kẻ khác, v.v…
- Pháp Hỷ – Lạc làm tăng trưởng đại thiện tâm, tăng trưởng được nhiều công đức.
- Hành giả huân tập, sử dụng được thuần thục Pháp Hỷ Lạc này, có khả năng tái sanh về một trong sáu cảnh Trời Dục Giới Sagga, hoặc cảnh giới hữu phước an vui sugati tương ứng với pháp của mình an trú khi hết thọ mạng tại cõi Người.
B. Mặt khuyết:
- Pháp Hỷ Lạc này năng lực an vui và sự sung mãn thân và tâm chưa đủ mạnh nếu so với sự định tâm của: Năng lực Cận Sơ Thiền – Tâm Cận Định (upacārasamādhi) có Quang Tướng sáng chói (paṭibhāganimitta) mạnh mẽ làm đối tượng.
- Và càng yếu hơn năng lực Nhất tâm (ekaggata citta) của Đệ nhất thiền (appanāsamādhi) trên ánh sáng mạnh mẽ rực rỡ của Quang Tướng (paṭibhāganimitta) làm đối tượng. Các bậc thiền càng cao hơn, năng lực an tịnh tâm và sung mãn tâm càng gia tăng thù thắng hơn.
- Thiền Pháp của hành giả sẽ không bao giờ tiến triển xa hơn được nữa với sự thỏa mãn trong hạnh phúc, tịnh lạc của pháp thiền Hỷ Lạc nầy, một khi hành giả chưa thể nắm kỹ thuật xả để xuất ra khỏi trạng thái an vui mãn nguyện của Thiền này (như bài trên).
- Nếu xả trạng thái Hỷ Lạc đó và tiếp tục trau dồi sẽ đạt đến Tâm cận định (upacārasamādhi),có Quang Tướng sáng chói là đối tượng, làm nền tảng định tâm tối thiểu, giúp hành giả có thể tiến lên đạt đến trí tuệ Đạo (magga ñāna), trí tuệ Quả (phāla ñāna) giải thoát bằng Pháp thiền Tuệ quán Vipassanā bhāvanā, trong tương lai, chính là mục đích cứu cánh cao thượng và quý báu nhất trong giáo pháp của Đức Phật Chánh Đẳng Giác Thích Ca Mâu Ni (Gotama).
- Hoặc có thể tiến lên sự định tâm cao hơn và sung mãn hơn như đệ nhất thiền, đệ nhị thiền… và đệ tứ thiền, được xem là vũ khí tuyệt vời nhất để đi vào Thánh Đạo Tuệ, Thánh Quả Tuệ, Niết Bàn để rồi tận hưởng nhiều sự an lạc thù thắng vi diệu, v.v… được phát triển từ năng lực của các bậc thiền định nầy.
Mê đắm trong pháp Hỷ Lạc như thế nào?
Hành giả tu tập, trau dồi thiền, dễ dàng thuộc lòng 5 chi pháp thuộc tầng thiền thứ nhất (Sơ Thiền) đó là “Tầm – Tứ – Hỷ – Lạc – Nhất Tâm”.
Trong trường hợp này, hành giả đã đạt được trạng thái Hỷ Lạc thường tự nghĩ rằng:
– “Ta đã đạt đến chi thứ 3 (hỷ) và chi thứ 4 (lạc) rồi! Ta sẽ cố gắng, cần mẫn sớm muộn sẽ đạt được sự Nhất Tâm là chi thứ năm cuối cùng nữa là nhập định mà thôi (!?)”.
Với sự tin tưởng theo trình tự từ thô đến vi tế, và sự tiến hóa có hiệu quả một cách rõ ràng, từ chi pháp thứ nhất đến chi pháp thứ tư (an lạc) của thiền như thế, nên hành giả thường có sự “yên tâm” và tự tin đặc biệt này.
Một khi hành giả đạt đến đây, thỏa thích đắm say, mãn nguyện trong trạng thái hạnh phúc của sự yên bình, tỉnh lặng, an lạc này, thiền tâm sẽ không thể tiến xa hơn!
Và do đó sẽ không bao giờ tiến lên để đạt được sự Nhất Tâm được nữa, cho dù hành giả có gia công gắng sức bao nhiêu năm cũng không thể nào tiến triển được!
Đây là một sự “đam mê lớn” rất thường gặp cho nhiều vị hành giả tu thiền, đó là “vướng mắc trong pháp Hỷ Lạc – người thích hưởng hạnh phúc cõi Trời nơi hạ giới!”
Quý vị biết vì sao không?
Vì khi pháp Hỷ Lạc này được sinh lên, trạng thái thanh tịnh, an vui, mát mẻ lập tức sẽ lan tỏa ra khắp toàn thân.
Nghĩa là, Tâm thỏa thích vừa lòng vào lúc đó[2], đang phong tỏa tràn ngập, bao phủ khắp châu thân của hành giả, do vậy độ tập trung toàn thể 100% Tâm ý tại đề mục chính bị phân tán, không thể phát huy được! Đây là giải thích nguyên nhân, định tâm không thể thành tựu trên một đề mục chính được vậy.
Tóm lại, khi Tâm Hỷ (pῑti), và cảm thọ An Lạc (sukha vedanā) lan tỏa khắp cả phủ trùm khắp thân thể, thì ngay thời điểm đó,Tâm của hành giả không thể đồng thời một lúc làm hai việc sau đây:
- Tập hợp những Tâm thức nào sinh ra khiến Hành giả thỏa thích với hạnh phúc của sự an lạc ấy, đang phủ trùm khắp châu thân?
- Tập hợp những Tâm thức nào cũng đồng thời được sinh ra cùng một lúc (như trên), để Hành giả an trú được một cách hoàn toàn nhất Tâm (ekaggatā) trên đề mục chính “điểm xúc chạm” của hơi thở vào, hơi thở ra với vùng dưới mũi (?!).
Ghi nhớ rằng:
“Tâm thức của chúng sanh bao giờ cũng chỉ có khả năng bắt được một đối tượng trong một thời điểm duy nhất, đây là quy luật về tiến trình hoạt động của tâm”.
Vì lẽ trên, một khi Tâm thức của hành giả đang “rơi vào trạng thái” thỏa thích hưởng thụ trong hạnh phúc của pháp Hỷ, pháp Lạc lan tỏa khắp toàn cơ thể, thì khả năng Thiền của hành Giả không thể tiến triển xa hơn, và do đó sẽ không bao giờ chứng đạt vào sự Nhất Tâm được vậy.
Tham khảo:
- [1]Abhidhammattha sangaha – Narada – Ch.I. ( Phạm kim khánh)– xem phụ lục.
- [2]Chính là những cảm giác thỏa thích Tâm Hỷ (piti), và cảm thọ An Lạc (sukha vedana).