Nội dung bài viết - Contents
“Để trau dồi và thuần hóa tâm đến Chánh Định, chúng ta cần phải phát triển sự Định Tâm”.
(Thiền sư Thiện Minh)
Như trên đã đề cập, Bát Thánh Đạo gồm Tam học Pháp:
- Giới học (sῑla sikkha).
- Định học (samādhi sikkha).
- Tuệ học (paññā sikkha).
Giới học, làm thanh tịnh tâm ra khỏi các phiền não thô và mãnh liệt (vitikkama kilesas).
Định học, làm thanh tịnh tâm ra khỏi các phiền não sanh khởi và chao động, cho hạnh phúc, an lạc trong hiện tại… (pariyutthana kilesas).
Tuệ học, làm thanh tịnh tâm khỏi các phiền não ngủ ngầm (anusaya kilesas).
Như vậy, trong việc trau dồi sự Định tâm khỏi nhiều phiền não sanh khởi và chao động (pariyutthana kilesa), điều đặc biệt cần nói đến nhất nơi đây là năm chướng ngại (nῑvaraṇas) tinh thần liên tục dấy khởi, làm mệt mỏi và ngăn cản tiến trình định tâm, cũng như ngăn cản sự phát triển tinh thần của hành giả.
Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú rằng:
“dunniggahassa lahuno yatthakāmanipātino cittassa damatho sādhu cittaṃ dantaṃ sukhāvahaṃ”.
“Tâm đi thật nhanh chóng, thật khó nắm bắt và phát hiện. Tâm buông lung và phóng dật. Người trí canh phòng và trau dồi tâm, mang lại nhiều hạnh phúc.”[1]
Bởi vậy nên, Đấng Thiên Nhân Sư hằng động viên hàng môn đệ:
“Appamatto pamattesu suttesu bahujāgaro, abalassaṃ va sīghasso hitvā yāti sumedhaso”.[2]
“Người trí, nhờ kiên trì, nỗ lực tinh cần.
Thắng xa người dễ duôi, nuông chiều giấc ngủ.
Như con Tuấn mã, lao nhanh về phía trước.
Bỏ lại phía sau, những con ngựa yếu hèn”.
Trong Định Kinh[3] (samadhi sutta), Đức Phật động viên hàng môn đệ hãy trau dồi Thiền Định để có thể thấy sự thật của vạn Pháp:
“Samadhim Bhikkave bhavetha, Samahito Bhikkhave Bhikkhu, Yathabhutam, pajanati”.
“Này chư Tỳ Kheo, hãy trau dồi Thiền Định! Vị Tỳ Kheo nào Thiền Định đã được trau dồi sẽ thấy sự thật các Pháp[4] như chúng đang là.”
Theo kinh nghiệm của Thiền phái Pa-auk (Myanmar), ngay khi hành giả có thể tập trung tâm mình vào đề mục Thiền một cách liên tục trong một giờ hoặc hơn nữa, hành giả ấy vẫn chưa thể nhìn thấu vào trong cơ thể, để thấy các cơ quan nội tạng của mình, nói gì đến các Pháp Chơn Đế (paramattha). Trừ phi, tâm hành giả có thể đạt đến tối thiểu nhất là năng lực Tâm Cận Định (upacāra samādhi) có Quang Tướng (paṭibhāga nimitta) làm đối tượng.
Khi hành giả chứng đắc Cận Định hoặc mức Thiền Định cao hơn (jhāna) các bậc Thiền… hành giả có thể nhìn thấu suốt vào trong cơ thể của mình, để thấy các cơ quan nội tạng như: thịt, gân, xương, tim… và thấu suốt hơn nữa để thấy rõ sự thật tột cùng của các Pháp (chơn đế). Được như vậy, hành giả có thể tiếp tục tiến hành với Thiền Vipassanā một cách đúng đắn[5].
Như vậy, để hoàn thành Định học, trau dồi và thuần hóa tâm đến chánh định, cũng như để tiến lên thực hành Thiền Vipassanā một cách đúng đắn, chúng ta cần phải phát triển sự định tâm.
Theo lời tuyên bố của Đức Bổn Sư trong Kinh Tứ Niệm Xứ (satipaṭṭhāna sutta)[6]:
“Chánh Định (sammāsamādhi) là tương đương với Định liên hợp với một trong bốn bậc Thiền Sắc Giới, đó là Sơ thiền, Nhị thiền… Tứ thiền (rūpāvacara jhānas).”
Theo lời tuyên bố trong Thanh Tịnh Đạo (visuddhi magga):
“Citta visuddhi nāma sa upacāra aṭṭha-samāpattiyo.”[7]
“Cận định cũng như Định hợp với bất kỳ một trong tám bậc Thiền chứng, được gọi là làm trong sạch tâm hay thanh tịnh tâm”.
Do vậy, Cận định nên được bao gồm trong Chánh định.
Một hành giả có thể dùng tâm Cận Định (upacāra samādhi) hoặc tâm Định của bậc Thiền (jhāna) như là một nền tảng của Thiền Vipassanā, để tiến hành Thiền Vipassanā nhằm xác định: Danh (nāma) và Sắc (rūpa) là Vô thường (anicca), Khổ (dukkha) và Vô ngã (anatta).
Thiền Định kết hợp với Minh Sát Tuệ (vipassanā) theo kiểu này được gọi là Sát-na định “Khanika Samādhi”.
Đức Phật giải thích bốn mươi chủ đề cho Thiền Định (samātha bhāvanā). Bất kỳ một trong bốn mươi chủ đề cho Thiền Định này đều có thể được chọn để trau dồi Chánh định, vấn đề là các sự giáo huấn của Đức Phật phải được tuân thủ một cách đúng đắn, dưới sự hướng dẫn của một vị Thiền sư có đủ khả năng về Pháp học và kinh nghiệm trong Pháp hành.
Tham khảo:
- [1] Dhammapadā, câu số 35 và 36.
- [2] Dhammapadā, câu số 29.
- *[3] 2. 12; S. 3. 363.
- [4] Tứ Diệu Đế.
- [5] Breakthrough in Samatha Meditation and Vipassana Meditation (Pa-auk Tawya Sayadaw and Dr. Mehm Tin Mon) p.13.
- [6] 2. 73, 2.222- (315).
- [7] 1. 281. 286.