Nội dung bài viết - Contents
“Chúng ta không thể tìm đâu ra sự bình an ngoài việc giữ Giới[1], Và không có hạnh phúc nào lớn hơn so với hạnh phúc an tịnh trong bể Thiền. Chìa khóa để Tâm bình an đó chính là sự giữ gìn Giới”.
(Thiền sư Thiện Minh)
Tự mình là cứu tin của chính mình:
Việc cố gắng hành thiền là cô tự giúp mình đập tan, chuyển hóa những trạng thái đau khổ, bức bách không vừa lòng,… nơi chính thân tâm mình, không chỉ hôm nay mà còn mãi mãi về sau vậy.
Chứ đâu phải ngồi than khóc ở đây, để thân quyến của cô ở bên kia nhờ đó mà họ sẽ chuyển tâm, đổi tánh để rồi được an vui đâu? Không phải bây giờ thương nhớ, ngồi đây khóc mà họ sẽ làm theo ý muốn tốt lành của cô được đâu!
Tất cả mọi nguyên nhân đã gieo từ hôm qua, hôm nay chúng đã thành quả (vipāka) hết rồi vậy.
Khóa thiền chỉ còn có vài ngày nữa và sẽ thật là vô cùng giá trị cho những ai biết tận dụng thời gian, cơ hội quý báu này!
Cô nên nhắn tin về nhà cho gia đình yên tâm. Nhắn xong rồi cô rút sim ra! Rút sim ra để làm gì vậy? Để cho tâm cô khỏi bị vướng với những phiền não, lo nghĩ, v.v… Nếu cô không rút sim ra khỏi máy và quyết tâm cao, thì việc hành thiền của cô chỉ thêm tốn thời gian mà hiệu quả sẽ không nhiều đâu!
Pháp hành thiền này sẽ cứu giúp cô và sau đó cô sẽ giúp được nhiều hơn cho gia đình, nhờ vào tình thương cùng trí tuệ sáng suốt đạt được của cô qua quá trình nỗ lực thiền tập! Pháp hành thiền này cũng sẽ cứu giúp cho bất cứ những ai có đức tin, và thực hành một cách cung kính cẩn trọng!
Muộn phiền, đau đớn, oan gia trái chủ, nghịch ý, phật lòng, khổ đau vì quá yêu thương, hay đau khổ vì quá uất ức, rất nhiều thứ đang chướng ngại trong thân tâm ta,… sẽ được hóa giải nằm ngay trong việc hành thiền này!
Bao phiền não, bất an, lo lắng, v.v… Như vậy, đã từng diễn ra trong quá khứ, hôm nay và chắn chắn rằng cho mãi mãi về sau. Chúng sẽ gây khó chịu, đau đớn, thống khổ mãi cho Cô, giống như một cái ung nhọt cương mủ rò rỉ mùi hôi thối đã lâu ngày!
Cô chỉ cần siêng năng, chịu khó một chút, nặn mủ, hút máu hôi tanh ra, ung nhọt sẽ không còn làm cô phải chịu đau đớn, dơ nhớp và khổ sở nữa!
Nắm kỹ phương pháp “đối diện” chúng, chính là những cảm giác khó chịu trong hiện tại, nhìn thẳng vào chúng, một vài thời ngồi thiền thôi! Cô sẽ kinh nghiệm ngay lập tức và mọi điều an vui, mát mẻ, tốt đẹp sẽ đến với cô.
Như một phần thưởng vô giá, xứng đáng cho người con ngoan hiền, đức hạnh có tâm cung kính và thực hành ngay trên chính bản thân, theo lời dạy của Đấng Giác Ngộ hoặc ví như một người con hiếu thuận, xứng đáng được nhận của cải hồi môn vô cùng giá trị, được ban tặng từ một người Cha hiền trí vậy.
Dù có nhiều tiền mức độ nào đi chăng nữa, cũng chỉ có giá trị cho cô mua sắm những đồ vật chất bên ngoài theo như ý muốn của cô, và chỉ có thể cho cô những niềm vui, thỏa thích! Với nhiều điều kiện, cô có quyền tạo ra nhiều cơ hội cho mình từ cuộc vui này đến cuộc vui khác.
“Niềm vui” và sự “Bình an” của tâm hồn là hai trạng thái hoàn toàn khác nhau!
Một cái tâm “Bình an” tự nó sản sinh ra niềm vui, hạnh phúc tịnh lạc cao quý và trí tuệ sáng suốt.
Trái lại khi có được “Niềm vui” thì không chắc sinh ra được sự “Bình an” của tâm hồn!
Ví như, thành công trong một phi vụ cướp, trộm, có thể mang lại một “niềm vui lớn”, thỏa mãn nhất thời cho những kẻ nhẫn tâm trộm, cướp tài sản quý báu của người khác. Nhưng với tâm bất thiện đó, đã khiến tâm hồn họ một nỗi bất an, âu lo là điều chắc chắn chẳng thể sai chạy!
Do đó, để có được sự “Bình an” của “Tâm hồn”, cũng như một thế giới hạnh phúc an lạc, quý báu tuyệt vời trong nội tâm cho chính mình, Cô chỉ có thể tạo được bằng cách trau dồi sự an tịnh cho nội tâm mà thôi.
Cô sẽ không thể tìm đâu ra được sự bình an ngoài việc thận trọng gìn giữ lời nói, hành động sao cho không tổn hại đến chính cô đó là điều tối thiểu nhất (giữ Giới) hoặc phát triển tâm hạnh phúc an tịnh vô giá bằng con đường thiền tập – nếu cô có nguyện vọng!
Vàng bạc, châu báu, dù có nhiều như một ngọn núi cũng chỉ có giá trị biến hóa ra mọi thú vui trần thế cho cô, nhưng không chắc tạo ra một tâm hồn bình an, phúc lạc cho cô. Và tất nhiên những vật chất vô tri, dù có nhiều giá trị, nhưng chúng không có khả năng chỉ cho cô thấy rõ được sự thật của mọi đau khổ,… và giác ngộ được phải không (?!)
“Pháp Bảo” không chỉ là vũ khí để phá vỡ những ưu phiền, khổ não, đau thương, v.v… cho chính cô mà còn mang đến cho cô sự hạnh phúc, an lạc vô giá của nội tâm, ít nhất là trong suốt kiếp sống này.
Người có đức tin trong sáng, khi đạt được kinh nghiệm trong thiền tập, sẽ tự thấy biết rằng:
“Không thể có thứ tài sản vật chất hay châu báu nào trên thế gian, có thể thay thế hay đánh đổi được giá trị hạnh phúc của tinh thần vậy!”.
Thiền sẽ giúp tâm cô từ sợ hãi, yếu nhược trở nên hùng mạnh. Cô sẽ loại bỏ ra khỏi tâm mình những sự bất an, lo âu, não phiền này (nếu cô có nguyện vọng một cách chơn thật)! Nếu trên thế gian này, có được loại Pháp Bảo (Ratana dhamma) có năng lực như thế, Cô thấy có quý hóa không?
Đức Phật dạy:
“Đức tin (saddhā) trong sáng vào nhân quả, thiện pháp, là vốn quý nhất của chúng sanh”.
Thực hiện được điều này, chỉ khi nào thật sự hiểu rõ về lợi ích của thiền, lúc đó mới có thể tạo cho cô một động cơ mà thôi!
Áp dụng cụ thể cho việc hành thiền như thế nào?
Bây giờ cô đang hành thiền theo đề mục hơi thở phải không?
Đặc tánh của chánh niệm là tánh giác:
Do đặc tính của chánh niệm chính là tánh “giác”, khi được khởi lên thì những suy nghĩ là “vọng tưởng” lập tức biến mất. Theo nguyên lý “tỉnh giác” và “vọng tưởng” không thể đồng thời tồn tại trong cùng một thời gian của ý nghĩ, tương tự như ánh sáng và bóng đêm không thể hòa cùng đứng chung được vậy.
Nếu thỉnh thoảng các cảm giác mỏi, tê, v.v… khó chịu chút ít, xuất hiện trở lại, thì nên (xả) làm ngơ đừng để ý gì đến “nó”, và càng gia tăng sự chánh niệm trên đề mục chính là hơi thở của mình một cách liên tục.
Nếu các cảm thọ xuất hiện mạnh, nhiều đến mức khiến ta không thể an trụ tinh thần trên đề mục hơi thở, lúc này cô cần hướng tâm trở lại “ngay chỗ phát sinh lên cảm thọ đó” và chánh niệm, ghi nhận trực diện như trước, trên cảm thọ một cách “xuyên thấu” liên tục như trên,… các cảm giác mỏi tê nầy tan rã ra,… Bấy giờ Cô sẽ thấy sự vi diệu về kỹ thuật “cách nhìn xuyên thấu” này là giá trị như thế nào?
Mọi cơn tê, mỏi, ngứa ngáy, cảm giác khó chịu, v.v… khi bình tĩnh “đối diện”, ngắm nhìn nó một cách thận trọng, chúng ta sẽ thấy sự thật vận hành của các cảm thọ, đó chính là sự biến đổi vô thường, và tính sanh lên để rồi mất đi không bao giờ tồn tại hay cố định của nó.
Ví như đứng từ xa, ta thấy một sợi dây đen vắt ngang qua bờ tường, nhưng khi đến gần kề sát để nhìn, thì hóa ra đó là đàn kiến, ở giữa con kiến trước và con kiến sau luôn có những “khoảng hở”, đứt quãng,… mà khi nhìn từ xa, ta cứ “tưởng” đó là sự liên tục của một sợi dây.
Việc hành thiền cũng vậy, với sự “đến gần” để ngắm nhìn kỹ càng, thận trọng, đúng cách, chúng ta sẽ thấy được rõ ràng, đặc tính sanh lên và mất đi của các cảm giác khó chịu, v.v…
Các cảm giác nầy không bao giờ cố định, hay chẳng bao giờ là một cảm thọ liên tục bất biến! Mà chúng chính là một tiến trình sinh lên và mất đi một cách liên tục của tâm. Như khi ta đến gần, mới thấy rõ được các khoảng cách giữa các con kiến. Nếu đứng từ xa mà nhìn, ta cứ ngỡ đó là một sợi dây đen nằm vắt ngang qua bờ tường phải không?
Cô thấy không? Để thấy cho rõ những pháp này, sự thật này trong tự tâm, chỉ có chính bản thân mình mới làm được điều này phải không? Chính mình mới nhìn rõ và tự giải tỏa được những “ảo tưởng” đau khổ của chính mình thôi! Ngoài bản thân mình ra không một ai khác có thể thay thế cho cô làm được điều nầy.
Đức Phật dạy:
“Ehipassiko dhammo” – Hãy đến để mà thấy sự thật chân lý của Pháp!
Thấy rõ sự thật chân lý của Pháp là vậy đó cô.
Một số phật tử, Sư đã dành thời gian giảng dạy nhiều năm qua, nhưng đó là mới học được lý thuyết suông! Do đó, việc ứng dụng những điều hiểu biết đó vào cuộc sống thực tế tuy được nhưng rất là hữu hạn, cũng như không thể có được kinh nghiệm mở mang trí tuệ trong tâm thức được.
Bởi vì, đó mới chỉ là kiến thức, chứ chưa phải là trải nghiệm qua sự thực hành, nên không thể thấy được sự vận hành của Pháp nơi thân, tâm mình.
Trong khi có nhiều thiền sinh, chỉ cần đi qua vài ngày kinh nghiệm trong khóa thiền, họ là người chứng đắc được Pháp Bảo cao quý vi diệu! Họ phát biểu: “Con như được sinh ra lần thứ hai trong cuộc đời này!”.
Do đó đây là cơ hội hiếm có, cô nên hành thiền để trải nghiệm và thấu hiểu chính mình trước, sau đó cô mới có thể hiểu được tâm người khác, ngay cả con trai yêu quý của mình.
Đức Phật dạy:
“Này con! Cho đến khi nào, con chưa có khả năng nhìn được tâm của người khác. Con hãy quay về học cách đọc lại Tâm của chính con!”.
Điều mong muốn tốt lành của cô trong hiện tại, là tấm lòng tốt đẹp thiêng liêng của một mẫu người mẹ bình thường, nếu con cái tốt mình vui, nó dại mình khổ. Cô chỉ có thể cứu giúp được con mình nhiều hơn, khi và chỉ khi cô có trí tuệ sáng suốt nhiều hơn, và nhất là cần có được kinh nghiệm, tự giải tỏa phiền muộn cho mình trước tiên.
Đức Phật dạy:
“Tham Thiền trí tuệ sanh.
Không Thiền trí tuệ diệt,
Người có Thiền có Tuệ,
Người ấy gần Niết Bàn”.
(kinh Pháp cú).
Nhờ sự hành thiền mà trí tuệ được phát sanh. Chính nhờ tham thiền nhập định dưới cội bồ đề mà Ngài giác ngộ, phát sinh trí tuệ trở thành vị Phật. Ba đời Chư Phật cũng nhờ hành thiền mà giác ngộ.
Cô không cố gắng để hành thiền, không có đức tin và chịu khó để nhìn rõ sự thật này, ngay tự nơi thân tâm mình, để xua đuổi đi những phiền não, thì muôn đời trí tuệ cũng không thể phát sanh được đến cho cô. Cô có thể đọc thuộc lòng cả ngàn quyển sách, hay thuộc lòng cả tam tạng kinh điển, cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề.
Liên quan vấn đề này Đức Phật dạy trong kinh pháp cú:
“Dầu sống một trăm năm.
Ác giới, không thiền định,
Không bằng sống một ngày,
Trì giới, tu thiền định.”
Chính mình sẽ hiểu được chính mình nhiều hơn qua sự thực hành Thiền:
Qua sự hành thiền, cô sẽ thấy chính mình, và do đó cô sẽ hiểu con cái của mình nhiều hơn như thế nào? Để rồi cô sẽ biết phương pháp nào tối ưu để cứu giúp chúng. Hành thiền sẽ cho cô hiểu cái tâm phiền não, sân, si này của chúng ta nó lợi hại làm sao?
Muốn thiền tốt, trước cần giữ giới cho tốt (nguyện thọ bát quan trai trong suốt khóa thiền), người ta phát nguyện nhịn ăn (tuyệt thực bảy ngày, mười bốn ngày để chữa bệnh, chỉ uống nước lọc), với nguyện chơn thật họ vẫn làm được!
Pháp không ăn tối trong khóa thiền, thuộc về Bát Quan Trai Giới, giúp đỡ tốn thời gian, khỏi phải bận rộn cho việc ăn uống, thân – tâm được nhẹ nhàng, giảm được sự hôn trầm, dã dượi, giảm được dục tâm phiền não chi phối, hành giả phát triển năng lực được tốt hơn.
Ban tổ chức khóa thiền cũng thường có chuẩn bị chu đáo vài thứ nước trái cây, nước ép lọc, hoặc mật ong tốt dành cho những hành giả có nhu cầu, vẫn có thể dùng được để ngăn cảm giác khó chịu khi đói lòng!
Cô cần giữ những điều lệ, nội quy khóa tập thiền nầy thật chu đáo, cô nên khóa điện thoại để hành thiền được tốt hơn. Cô không khóa điện thoại là không thể hành thiền được.