“Sự giác ngộ, hóa giải phiền não, khổ đau… và Trí tuệ thấy rõ sự vận hành của Pháp. Không có ở ngoài chúng ta, mà chỉ có chính tự nơi Thân – Tâm của chúng ta mà thôi!”.
(Thiền sư Thiện Minh)

 Đức Phật dạy rằng:

“Trong tấm thân một trượng nầy, chứa cả Tam Thiên Đại Thiên thế giới”. [1]

Quý vị nghe thấy có lạ không?

Trong một con người của mỗi chúng ta, chứa cả Tam Thiên Đại Thiên thế giới nghĩa là: Ba ngàn “Đại Thiên thế giới”. Dùng từ nầy hàm ý một con số, về số lượng thế giới rất là rộng lớn vậy. Theo kinh điển diễn tả số lượng thế giới trong vũ trụ này vô lượng vô biên.

+ Có rất nhiều thế giới vây quanh mặt trời, tạo thành một Hệ Mặt Trời;

+ Có nhiều Hệ Mặt Trời, tạo nên Tiểu Thế Giới;

+ Có rất nhiều Tiểu Thế Giới, hợp thành Trung Thế Giới;

+ Có nhiều Trung Thế Giới, tạo thành Đại Thế Giới…

Mỗi một thế giới có Tam Giới: Dục giới (Kāmāvacara loka); Sắc giới (rūpāvacara loka); và Vô sắc giới (arūpāvacara loka) bao gồm có 31 cõi:

+ Một tiểu thế giới có 31 ngàn cõi.

+ Một trung thế giới có 31 triệu cõi.

+ Một đại thế giới có 31 triệu triệu cõi (31 ngàn tỉ cõi).

Phật không những thông suốt 31.000 tỉ cõi, mà còn thông suốt vô lượng thế giới, nên ngài có ân Đức Loka Vidu (thông suốt thế giới).

Gọi là cõi giới, bởi vì là nơi thọ sanh tạm thời một kiếp sống ngắn hoặc dài của tất cả các loài chúng sanh hữu tình, đang hiện hữu nơi đó, tùy thuộc vào quả lành hay quả dữ đã tạo tác trong quá khứ.

Tam giới là ba cảnh và 31 cõi giới như sau:

  1. Cảnh Dục giới (Kāmāvacara loka) có 11 cõi giới.
  2. Cảnh Sắc giới (Rūpāvacara loka) có 16 cõi giới.
  3. Cảnh Vô Sắc giới (Arūpāvacara loka) có 4 cõi giới.

 (A). Cảnh dục giới (Kāma loka):

11 cõi giới bao gồm 7 cõi thiện (6 tầng trời dục giới Sagga, 1 cõi người Manussaloka và 4 cõi ác, khổ Apāya), tính từ thấp đến cao trong 7 cõi thiện giới đó là:

  1. Cõi người (Manussaloka): hiện nay có tuổi thọ trung bình 100 năm.
  2. Tầng Trời Tứ Đại Thiên Vương: Chư Thiên cõi giới nầy có tuổi thọ bằng 9 triệu năm cõi người (một ngày đêm ở đó bằng 50 năm ở cõi người chúng ta).
  3. Tầng Trời Đao Lợi: Chư Thiên cõi giới nầy có tuổi thọ bằng 36 triệu năm cõi người (một ngày đêm ở đó bằng 100 năm ở cõi người).
  4. Tầng Trời Dạ Ma: Chư Thiên cõi giới nầy có tuổi thọ bằng 144 triệu năm cõi người (một ngày đêm ở đó bằng 200 năm ở cõi người).
  5. Tầng Trời Đâu Suất: Chư Thiên cõi giới nầy có tuổi thọ bằng 576 triệu năm cõi người (một ngày đêm ở đó bằng 400 năm ở cõi người).
  6. Tầng Trời Hóa Lạc Thiên: Chư Thiên cõi giới nầy có tuổi thọ bằng 2.304 triệu năm cõi người (một ngày đêm ở đó bằng 800 năm ở cõi người).
  7. Tầng Trời Tha Hóa Tự Tại Thiên: Chư Thiên cõi giới nầy có tuổi thọ bằng 9.216 triệu năm cõi người (một ngày đêm ở đó bằng 1.600 năm ở cõi người).

Bốn cõi ác, khổ (Apāya):

  1. Cõi địa ngục.
  2. Cõi atula.
  3. Cõi ngạ quỷ.
  4. Cõi súc sanh.

Gọi là Cảnh Dục Giới, bởi vì chúng sanh tái sanh trong các cõi giới nầy tâm có dục ái, ái luyến về giới tính và thích trong các dục sắc, thanh, hương, vị, xúc…


(B). Cõi Sắc Giới Phạm Thiên (Rūpāvacara loka) có 16 cõi giới:

Từ trên tầng Trời Dục Giới cao nhất (Tha Hóa Tự Tại Thiên), là cõi Trời Phạm Thiên Sắc Giới, đây là cõi Chư Phạm Thiên hữu phước vô cùng cao quý, dành cho những chúng sanh tu tập chứng đắc các tầng thiền định tái sanh về đây, tùy theo tầng thiền đã chứng đắc cao thấp của mình.

Tính từ thấp lên cao đó là 16 cõi sắc giới Phạm Thiên:

  1. Bậc chứng đắc Đệ Nhất Thiền sắc giới(sơ thiền), hết tuổi thọ sanh về một trong 3 cõi nầy (tùy theo năng lực định tâm của mỗi hành giả):

          + Cõi Phạm Chúng Thiên: có tuổi thọ dài bằng ⅓ A Tăng kỳ kiếp trụ [2].

          + Cõi Phạm Phụ Thiên: có tuổi thọ dài bằng ⅔ A Tăng kỳ kiếp trụ.

          + Cõi Đại Phạm Thiên: có tuổi thọ dài bằng 01 A Tăng kỳ kiếp trụ.

  1. Bậc chứng đắc Đệ Nhị Thiền sắc giới,hết tuổi thọ sanh về một trong 3 cõi nầy (tùy theo năng lực định tâm của mỗi hành giả):

          + Cõi Thiểu Quang Thiên: Phạm Thiên có tuổi thọ dài 2 Đại kiếp trái đất [3].

          + Cõi Vô Lượng Quang Thiên: Phạm Thiên có tuổi thọ dài 4 Đại kiếp trái đất.

          + Cõi Quang Âm Thiên: Phạm Thiên có tuổi thọ dài 8 Đại kiếp trái đất.

  1. Bậc chứng đắc Đệ Tam Thiền sắc giới,hết tuổi thọ sanh về một trong 3 cõi nầy (tùy theo năng lực định tâm của mỗi hành giả):

          + Cõi Thiểu Tịnh Thiên: Phạm Thiên có tuổi thọ dài 16 Đại kiếp trái đất.

          + Cõi Vô Lượng Tịnh Thiên: Phạm Thiên có tuổi thọ dài 32 Đại kiếp trái đất.

          + Cõi Biến Tịnh Thiên: Phạm Thiên có tuổi thọ dài 64 Đại kiếp trái đất.

  1. Bậc chứng đắc Đệ Tứ Thiền sắc giới có 7 cõi:

          + Cõi Quảng Quả Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 500 đại kiếp.

          + Cõi Vô Tưởng Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 500 đại kiếp.

Ngoài ra có 5 cõi dành cho Bậc vừa chứng đắc Đệ Tứ Thiền, vừa chứng đắc Đạo Quả Thánh A Na Hàm (bất lai):

          + Cõi Vô Phiền Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 1.000 đại kiếp.

          + Cõi Vô Nhiệt Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 2.000 đại kiếp.

          + Cõi Thiện Hiện Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 4.000 đại kiếp.

          + Cõi Thiện Kiến Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 8.000 đại kiếp.

          + Cõi Sắc Cứu Cánh Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 16.000 đại kiếp.


(C). Cảnh Vô Sắc Giới Phạm Thiên (Arūpā loka) có 4 cõi:

Bậc chứng đắc Thiền Vô Sắc, sẽ tái sinh về các cõi tương ứng sau đây:

  1. Hư Không Vô Biên Xứ Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 20.000 đại kiếp.
  2. Thức Vô Biên Xứ Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 40.000 đại kiếp.
  3. Vô Sở Hữu Xứ Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 60.000 đại kiếp.
  4. Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 84.000 đại kiếp.

Quý hành giả đã đắc pháp Sơ Thiền, Nhị Thiền v.v… có Quang Tướng với ánh sáng chói, rực rỡ làm đối tượng, tâm vị đó rất trong sáng và an tịnh. Khi hết thọ mạng nếu Hành giả an trú được trong Thiền Chứng (Quang Tướng) sẽ tái sanh vào cõi Trời Phạm Thiên, tùy theo mức độ sở đắc của mình.

Quý vị có thấy cõi Phạm Thiên, nằm ngay trong tâm của loài người chúng ta chưa? Sự hành thiền nầy cho chúng ta vô số lợi ích quý hóa cao thượng, Sư đơn cử một vài điều quý hóa làm sao trong phương pháp nầy:

Ưu tiên hàng đầu rằng, thiền chứng (cận định upaccara Samadhi) hoặc (định sơ thiền ekaggata) cho hành giả một nền tảng vô cùng thuận lợi cho việc phát triển thiền Tuệ chủ đề quan trọng vượt dòng sanh tử, đoạn trừ lậu hoặc quan trọng nhất, nên không cần phải đề cập thêm ở đây phải không?


Đức Phật dạy:

“Khó thay và quả thật khó thay được sanh làm người…” [4]

Làm người quá khó như vậy thì ngoài cảnh Người ra, tất nhiên chúng ta phải chọn cảnh đi lên chứ phải không?

Do đó mà: “Một đặc điểm nữa vô cùng quý hóa và quan trọng rằng, Hành giả đã đắc Thiền, và khi luyện thuần thục rồi, vị ấy có thể chủ động được sự tái sanh vào cõi Phạm Thiên khi chuẩn bị hết thọ mạng (bằng cách hướng tâm nhập định và an trú vào tầng thiền chứng tương ứng với cảnh Trời nào đó tùy sở nguyện của mình)“.

Mặc dù chứng đạt đến tầng Thiền Vô Sắc thứ 8, nhưng nếu hành giả có nguyện vọng tái sanh về Cõi Đại Phạm Thiên Đệ Nhất Thiền, thì vị ấy chỉ cần hướng tâm nhập vào Tầng Thiền ấy mà thôi.

Một điểm rất quan trọng nữa là vì sao quý vị biết không? Phàm ở đời sự sống, chết liên quan đến hơi thở vào, ra! Khi nào thở ra mà không thở vào nữa là kết thúc một kiếp sống làm người.


Đức Phật dạy:

“Sinh là khổ, bệnh là khổ, già là khổ, bệnh tật là khổ… và chết là khổ một phần đặc biệt có liên quan đến ở điểm nầy phải không?”.

Tuy nhiên, ở đây đối với hành giả đã đắc thiền, khi sự nhập định, xuất định, đã được trau dồi thuần thục, lúc bình thường hay trước lúc lâm chung, cũng chỉ có một việc duy nhất là hướng tâm và đặt tâm lên ánh sáng Quang Tướng mà thôi, họ không cần thiết phải quan tâm đến hơi thở mạnh hay yếu, còn hay mất hơi thở nữa!

Nếu thọ mạng chấm dứt, hơi thở ngừng hẳn, trong lúc hành giả đang trụ tâm nhập định trong Quang Tướng, và tâm thức của người ấy vào lúc đó, sẽ tương ứng và hóa sanh về cõi Phạm Thiên theo tầng thiền đang an trú vào lúc đó của mình.

Một hành giả chứng đắc Thiền định, khi đã được trau dồi thuần thục, là bậc có thể tự tại an nhiên ra đi về cõi Trời Phạm Thiên, khi hết thọ mạng tại cõi Người nầy vậy!


Tham khảo:

  • [1]Một trượng là đơn vị đo chiều dài ngày xưa, ý nói chiều cao trung bình của một con người (hàm ý nói về một con người).
  • [2]A Tăng kỳ kiếp trụ của trái đất: Vivaṭṭathāyῑ asaṅkhyeyyakappa.
  • [3]Đại kiếp của một trái đất (mahā kappa)= tuổi thọ của một Trái đất bao gồm 4 A Tăng kỳ thời gian (thành + trụ + hoại + không).
  • [4]Kinh Pháp Cú , 138