“Thiền – Giúp Hành giả tỉnh giác, an trú trong hiện tại của từng hơi thở. Thiền – Đánh thức, khơi dậy, khai thác vô vàn sinh lực và khả năng quý báu không thể nghĩ bàn… Tuy không thể thấy bằng mắt, sờ bằng tay, nhưng thật sự luôn hiện hữu, tiềm ẩn trong nội tâm của mỗi chúng ta”.
(Thiền sư Thiện Minh)

Hành thiền với sự tự tin vào khả năng của mình… không nên bi quan, tự ti, mặc cảm về khả năng của mình. Cho dù Hành giả ở độ tuổi cao hay bị bệnh nan y, thậm chí các loại chứng bệnh nặng đến mức mà nhà Y khoa cho là: “Ung thư giai đoạn cuối”… Đó là yếu tố tiên quyết dẫn đến sự thành công.

I. Đức Tin (saddha)

Đức Phật dạy “ngũ căn” pañcindriya trong năm sức mạnh của tinh thần để phát triển năng lực Tâm, đức tin “Saddhā” luôn luôn là sức mạnh dẫn đầu.

Theo Pāli[1], đức tin là niềm tin thiết lập vững chắc đặt nơi Ðức Phật, nơi lời dạy của Ngài và Chư đệ tử trong Giáo Hội Tăng Già. Ðặc tính chánh yếu của đức tin là thanh lọc, làm cho trong sạch, tinh khiết (sampasādana) các tâm sở (cetasika) đồng phát sanh với nó.

Đức tin có thể được ví như viên bảo ngọc của vị hoàng đế, có đặc tính làm cho nước trong. Khi bỏ viên ngọc nầy vào nước đục, bao nhiêu bùn và bợn nhơ của nước đều lắng xuống, và nước trở nên trong vắt. Cùng thế ấy, đức tin làm cho bợn nhơ, phiền não, bất an, hoài nghi, v.v… của tâm lắng xuống và Tâm trở nên trong sạch.

Đức tin “Saddhā ở đây không phải là đức tin mù quáng, mà là niềm tin tưởng, tín nhiệm, căn cứ trên sự hiểu biết. Đồng thời cũng là sự hiểu biết bằng cách trực giác chứng nghiệm, hoặc là sự hiểu biết được huân tập từ nhiều kiếp sống trong quá khứ.


II. Tinh tấn (Viriya)

Sau đức tin đó là sự hợp tác của hành động siêng năng, tinh tấn Viriya[2]:

  1. Tinh tấn được định nghĩa là: Trạng thái, hay hành động, của người cương quyết (Vīrānaṁ bhāvo, kammaṁ) có nghĩa là cái gì được thực hiện hay hoàn tất đúng phương pháp (Vidhinā īrayitabbaṁ pavattetabbaṁ); Có đặc tính nâng đỡ (upatthambana); đặc tính giữ vững paggahaṇa và đặc tính chống đỡ ussahana không cho sự sụp đổ, ngã xuống…

  2. Tinh tấn Viriya có khả năng kiểm soát, khắc phục trạng thái lười biếng và không thể bị trạng thái lười biếng, dã dượi làm lay chuyển được.

  3. Tinh tấn được xem là căn nguyên (gốc rễ) của mọi thành tựu mỹ mãn[3].

  4. Sự tinh tấn của con người, được ví như cái trụ cột chính của một căn nhà! Cho dù căn nhà đã quá sức lâu năm cũ kỹ, mục nát,… nhưng nhờ cây cột trụ ở giữa nhà vững chắc, nên đủ sức nâng đỡ toàn bộ cái nhà dù đã cũ nát, không thể sụp đổ được!

  5. Sự tinh tấn còn được ví như đoàn quân tiếp viện hùng hậu, đến để hỗ trợ một đạo binh đang cố thủ vị trí, thay vì phải rút lui bỏ chạy! Cùng thế ấy, sự tinh tấn giữ vững và nâng đỡ, vực dậy các trạng thái tinh thần tích cực tương ứng và đồng phát sanh với nó.

Tương tự như vậy, trong một con người dù tuổi cao, bệnh nan y hay nhiều phiền não, lo âu muôn sự về gia đình, con cái, cuộc sống, v.v…

Nhưng với sự tinh tấn, siêng năng, họ vẫn tự vực được tinh thần của chính mình vươn lên để rồi đạt được sự an vui, hạnh phúc nơi tự Tâm mình và do đó cũng có thể giữ vững được sức khỏe, tuổi thọ lâu dài cho bản thân.

Tự ti, mặc cảm không tin vào chính mình, hoặc và không có đức tin vào những việc lành (nguyên lý nhân quả, việc làm sinh tội lỗi hay sinh phước thiện…) là một thất bại trước tiên cho mọi công việc ở đời!

Còn nói gì đến việc cố gắng sử dụng sự nỗ lực siêng năng của mình để đi tìm, khai thác một cái gì đó… gọi là Nguồn Hạnh Phúc An Lạc, Vô Biên một kho tàng quý báu, vô giá, tựa hồ như một Thế – Giới – Hư -Vô, ảo – huyền có vẽ mơ hồ ngay trong Tâm mình, cái mà ta đã bỏ mặc nó từ khi lọt khỏi lòng mẹ mở mắt thấy cuộc đời này phải không (?!)


Có cụ Bà 84 tuổi gặp Sư với dáng vẻ buồn rầu, tự ti, mặc cảm thủ phận tuổi cao của mình:

– “Thưa Sư con thiếu phước lắm, nên con không thể hành thiền được! Và chúng con phước mỏng tội dày…!!!”.

Sư nói rằng:

– Sao lại là thiếu phước? Làm gì mà phước mỏng tội dày (?!)

– Để được làm thân người, cụ Bà tưởng dễ lắm sao (?!)

– Để đạt được tuổi thọ như cụ Bà trên đời này, nhiều người lắm sao (?!)

– Ở độ tuổi này mà vẫn còn được minh mẫn, sáng suốt như thế này là tầm thường lắm sao (?!)

– Sanh ra trong đời này, để gặp được Chánh Pháp dễ lắm sao? Và để gặp một khóa thiền như thế này thường xuyên lắm sao (?!)

– Cụ Bà nhiều phước lắm, không có thiếu phước đâu!

– Cụ Bà tưởng được sanh làm người dễ dàng lắm à (?!)


Đức Phật dạy rằng có bốn điều khó đạt được trên thế gian này:

Như thế nào là bốn?

“Khó thay, được sanh làm người!

Khó thay, được cuộc sống dài lâu!

Khó thay, được nghe diệu pháp từ bậc Chơn Nhân!

Khó thay, được gặp Phật ra đời!”.[4]

Và sau đó Sư động viên cụ Bà nên hành thiền… suốt thời gian trong khóa thiền ấy, Sư cũng không thấy cụ Bà đến trình pháp.

Sau khóa thiền khoảng vài tháng trôi qua, một hôm người con gái của Cụ Bà nay 67 tuổi cũng cùng tham gia trong khóa thiền đó với cụ Bà kể rằng:

– “Mẹ con nay đã 84 tuổi rồi, vậy mà Cụ hành thiền còn siêng năng hơn con nữa! Bà thường siêng sắn thức dậy sớm để hành thiền, và hành thiền vào những lúc đêm khuya”.

Nghe vậy, Sư thật là hoan hỷ cho phúc lành vô cùng tuyệt vời hy hữu của cụ Bà, và nhất là sự minh mẫn trong công việc tinh tấn siêng năng của cụ Bà hiền thiện, thanh cao trong độ tuổi 84 quý báu hiếm hoi giữa loài người!


Tham khảo:

  • [1]Abhidhammattha Saṅgaha-Vi Diệu Pháp Toát Yếu-Nārada.
  • [2]Như trên (chuyên cần, cố gắng, nổ lực, tận lực, tinh tấn cũng sát nghĩa với Viriya).
  • [3]Sách Atthasālini.
  • [4](kpc.182).