“Chúng ta không thể cho người khác những gì… mà chính chúng ta không có”.
(Thiền sư Thiện Minh)

Phật dạy:

“Trước tự hoàn thiện chính mình, thứ đến giúp đỡ thân hữu, quyến thuộc và cuối cùng là xã hội.”

“Attānamevapa paṭṭhamam patirūpe nivesaye athaññamanysāseyya” [21].

Nghĩa là:

“Nếu bạn tha thiết muốn khuyên bảo người khác, trước tiên hãy củng cố chính mình, đặt mình vào một phẩm cách thích đáng, đó là cách duy nhất cho bạn trở thành thích hợp để khuyên bảo kẻ khác”.

Càng được rõ ràng hơn rằng:

“Một người không thể có khả năng kéo người khác lên khỏi hố sình lầy, trong khi chính người đó cũng đang bị lún chìm trong hố sình ấy”.

Do vậy, để cứu người đang mắc nạn từ trong vũng bùn, trước tiên bạn phải tự mình cố gắng leo lên bờ trước, sau đó mới có thể tìm phương cách cứu được người khác vậỵ!

Đức Phật dạy, tất cả chúng sanh sinh ra ai cũng phải chịu khổ, thế gian là một bể khổ đau, sự khổ này chỉ có người Trí mới thấy được. Có nhiều người cắp trộm hoặc vì vi phạm pháp luật, bị bắt vào tù chịu bao hình phạt cực nhọc,… Sau khi hết hạn tù giam được thả ra, nhưng mới ra khỏi tù chẳng bao lâu, sau đó đã phải bị bắt nhốt vô tù lại rồi!

Do tánh tham lam và động cơ thúc đẩy của vô minh (moha) che ám, nên họ không thấy được nguyên nhân dẫn đến sự phiền lụy của cảnh tượng vào tù ra tội mãi mãi này.


Đức Phật dạy rằng một chúng sanh là khổ!

Vì sao gọi cuộc đời là bể khổ?

Con người từ khi còn nằm trong bào thai Mẹ đã chịu ảnh hưởng bao điều ngột ngạt, ấm, rét, đắng cay; ảnh hưởng bởi sức nóng, lạnh của thức ăn uống; nhiệt độ bên trong, bên ngoài, bệnh hoạn; tính tình giận, vui, v.v… bất thường từ Mẹ!

Đến lúc sinh ra cũng khổ; tuổi già lưng mỏi, gối đau, mắt mờ, tai điếc, v.v… Bao điều bất toại, khổ sở muôn phần; rồi có thân thì làm sao tránh khỏi bệnh tật, tai ương; sinh tử biệt ly cũng khổ…

Thương yêu nhiều bị phải cách xa cũng khổ; ghét nhiều bị phải gặp hoài cũng khổ; mong muốn không được điều như ý nguyện cũng khổ; đến khi được rồi, nỗi nơm nớp lo âu gìn giữ sợ bị mất đi cũng khổ; bao nhiêu sự trái ý nghịch lòng,… cũng khổ.

Mắt thấy, tai nghe, những cảnh không ưa thích cũng khổ; uất ức vì thương tiếc, vì hối hận, vì ăn năn,…cũng khổ; nóng quá cũng khổ, lạnh quá cũng khổ; tứ đại trong thân biến chuyển không được điều hòa cũng khổ,… Kiếp nhân sinh quả là một biển khổ mênh mông kể sao cho xiết…

Đó là chưa kể đến, do vô minh luôn là động cơ tiềm tàng, khởi lên lắm niềm sân hận, tối tăm là căn nguyên của bao nghiệp dữ!

Đức Phật dạy rằng:

“Nước mắt của chúng sanh khóc vì nỗi mất cha, mất mẹ, vì đau đớn, uất ức, trái ý nghịch lòng, v.v… Trong chuỗi luân hồi vô tận này nhiều hơn nước của bốn biển khơi!”.

Tất cả chúng ta đều có nỗi khổ chung sanh tử luân hồi và nỗi khổ riêng về nghiệp thức của mỗi cá nhân. Theo lời dạy của Đức Phật, trước tiên cần trau dồi, chuyển hóa những phiền muộn, khổ đau nơi tự thân tâm, để rồi nhờ sự tự trải nghiệm, chúng ta mới hướng dẫn được người khác.

Do đó, ưu tiên số một theo lời Phật dạy là cần thiết phải tự cứu mình trước phải không?

Đức Phật ra đời, đuốc tuệ của Ngài chiếu sáng khắp thế gian! Xua tan đi bóng đêm (màn vô minh), mang lại ánh sáng trí tuệ cho loài Người, Chư Thiên và tất cả chúng sanh.

Bóng tối và ánh sáng không thể đứng cùng. Sự hiểu biết và không hiểu biết vô cùng cách xa. Ví như, người đứng bờ biển bên này chẳng bao giờ thấy được người đứng ở bờ biển bên kia vậy”.


Lời dạy của Đức Như Lai:

Cho chúng sanh hiểu và thực hành theo. Chính sự hiểu biết đó cho chúng ta thấy rõ được nguồn cội của khổ đau, và phương cách để giải trừ sự khổ đau đó.

Một vị lương y không thể chữa khỏi bệnh nếu chẳng biết gì về nguyên nhân gây ra bệnh của nó! Tương tự như thế, chúng ta không thể giải tỏa được muộn phiền, khổ đau nếu không thấy rõ được nguyên nhân nào đã gây ra phải không?”

Hơn nữa, thấy nguyên nhân là một chuyện và giải quyết nó theo đúng phương thuốc là một việc quan trọng khác nữa phải không?

Thấy rõ được nguyên nhân, nhưng chữa không đúng pháp, thì bệnh cũng không thể cứu khỏi được! Nhờ chánh pháp của Như Lai, mà chúng ta nương theo từng bước chính xác để tháo gỡ những phiền muộn, đau khổ từ thân tâm chúng ta.

Một khi tự mình trải nghiệm và tận hưởng được hương vị cao quý trên lộ trình của sự giải thoát rồi, chúng ta mới có thể giúp được cho kẻ khác. Bạn không thể cho người khác những gì chính mình không có phải không?


Tham khảo:

  • [21] Dhp, tr, Weragoda Sarada Maha thero. Ch.12, p, 338.