“Nếu Ta gieo giống từ hạt chanh thì sẽ được quả chua. Và từ hạt mít thì sẽ được quả ngọt. Nhân nào Quả nấy âu cũng là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Sự lao động chân tay hay trí óc cũng có thể cho kết quả tương tự như thế ấy!”.
(Thiền sư Thiện Minh)

 Giảng pháp tại thiền đường cho hội chúng:

Tối nay là đêm hành thiền cuối cùng phải không? Tối mai là lễ bế mạc, chiều ngày mai chúng ta thảo luận chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong mười ngày hành thiền và viết lại những dòng hồi ký rất là ngắn gọn trong 10 ngày thiền tập vừa qua, để lưu lại cho thế hệ mai sau, cho những ai có nguyện vọng khai mở kho tàng an vui hạnh phúc vô giá nơi tự tâm mình, cũng như có ước muốn đi trên đạo lộ an vui giải thoát.

Do vậy chiều mai cũng là buổi có ý nghĩa sâu sắc và quan trọng. Những dòng hồi ký nầy sẽ được tập kết thành kỷ yếu lưu niệm 10 ngày thiền tập với đồng môn, và sự chia sẻ quý báu cho thế hệ mai sau.

Chúng ta chỉ còn một buổi hành thiền sáng mai nữa, không khí hội chúng ở đây hỗ trợ sự hành thiền rất lớn. Sáng sớm trước điểm tâm có một thời thiền, và cả một buổi sáng là sự nỗ lực vô cùng quý báu, là kết quả cuối cùng và cao nhất của chúng ta trong suốt khóa thiền nầy!

Những hành giả chuẩn bị đạt được pháp Hỷ Lạc sung mãn như mong muốn, thì mai là thời gian cuối cùng, như loại hoa sen đã tiến lên khỏi trên mặt nước, chỉ còn chờ đợi khi ánh bình minh ấm áp, chiếu rọi sẽ “nở nhụy khai hoa” vươn mình khoe sắc thắm!

Những hành giả đã có Pháp, nhưng chưa được chín mùi, thì thời gian ngày mai, chúng ta trau dồi cho chín mùi.

Những hành giả Pháp đã được chín mùi rồi, nhưng chưa nhuần  nhuyễn, thành thạo, thì mai là thời gian vàng cho ta trau dồi sự thành thạo, thiện xảo ấy càng nhiều càng tốt.


Chúng ta là người tự giác ngộ và giải thoát cho chính chúng ta!

Tối nay, có một nữ hành giả đến kể với Sư trong niềm xúc động, đau buồn vì chồng, vì con không hiểu về đạo ý nên thường hay phỉ báng!

Hành giả:

  • Thưa Sư, làm sao giúp cho chồng con hiểu được đạo pháp?

Trông Cô ấy vì thương gia đình nên bi lụy, thiểu não, rất tội nghiệp nên Sư nói với Cô ấy rằng:

  • “Này Cô, làm sao Sư có thể giúp họ được! Trong khi Cô là người trong hội chúng này, được Sư chia sẻ những kỹ thuật trau dồi tâm, với những thời Pháp Bảo về cạn, về sâu một cách trực tiếp. Tuy nhiên, Cô cũng chưa có thể lĩnh hội được nhiều, chưa thể áp dụng để phát triển tuệ giác, chuyển hóa phiền não cho chính mình, cho được sự an vui!
  • Huống gì họ ở xa xôi, không từng hiện diện nơi đây, Sư chưa từng gặp họ và họ cũng chưa từng đến để nghe Sư chia sẻ, thì làm sao Sư có thể giúp họ được phải không?”

Chúng ta thường tán dương Đức Phật hằng ngày rằng:

“Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa”

Nghĩa là: “Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Ngài là Bậc Arahan cao thượng, được chứng quả Chánh Biến Tri do Ngài tự ngộ không thầy chỉ dạy”.

Ngài là bậc tự mình giác ngộ không thầy chỉ dạy. Câu nầy như là một thông điệp quan trọng đến với chúng sanh rằng:

Sự giác ngộ, phá bỏ, hóa giải phiền não, khổ đau… Trí tuệ thấy rõ sự thật vận hành của Pháp [1] không có ở ngoài chúng ta mà chỉ có chính tự nơi Thân-Tâm của chúng ta”.


Chúng ta tự hỏi: Vì sao ta phiền não? Nguyên nhân nào khiến ta an vui?

Một khi chúng ta trau dồi và “tự mình giác ngộ” nghĩa là “tự mình thấy ra được những nguyên nhân nào dẫn đến kết quả nào?”.

Nguyên nhân nào tạo được sự an vui cho ta?

Ta bị phiền não quấy nhiễu là vì duyên cớ gì?… Từ đó tự mình hiểu chính mình (tự mình giác ngộ) và thông qua trải nghiệm hạnh phúc, lợi ích chính mình, sau đó mới có thể hiểu và giúp được cho người khác có hiệu quả hơn.

“Ví như chúng ta và những người thân cùng đang bị lún ngập trong cái ao sình lầy! Lúc này ai có thể cứu ai được (?!) Chỉ có hàng thiện tri thức, với đôi mắt sáng sẽ tự mình cố gắng để vượt thoát lên khỏi vũng sình lầy trước tiên, và sau đó mới có thể cứu được những người thân thương còn đang bị lún trong vũng sình vậy”.

Điều rõ ràng hơn rằng:

Nếu chúng ta là người đang cùng bị chìm trong vũng sình lầy, thì chính chúng ta tự cứu lấy mình còn chưa được, nói gì đến cứu giúp người khác phải không?

Đức Phật, Bậc đã tự mình giác ngộ, tự mình đã thấy biết rõ con đường thoát mê thành ngộ, bỏ khổ về vui. Nên Ngài ra đời để chỉ cho chúng sanh học hỏi, trau dồi trong thiện pháp, tinh cần trong thiền tập, nhằm phát triển năng lực tâm, phát huy trí tuệ, hóa giải, dập tắt phiền não cho chính mình – nghĩa là để tự chúng ta cứu lấy chúng ta, tự mình giác ngộ lấy chính mình vậy.

Khi đã có được chừng nào trong kinh nghiệm biết cách cởi sợi dây ràng buộc, “sợi dây chấp chặt trong ngã chấp, do tà kiến, do nghi ngờ… lời dạy của Đức Phật trong thiện pháp”, cũng như chuyển hóa sự phiền não của chính mình, từ đó chúng ta sẽ biết phương pháp nào tối ưu để cứu những người thân.


Cốt lõi trong giáo pháp của Như Lai:

Mặc dù, Đức Phật dạy về 84 ngàn vấn đề, giúp chúng sanh nương theo nhằm chuyển hóa khổ đau, phát triển phước đức cho chính mình, tùy theo căn cơ trình độ của mỗi chúng sanh.

Tuy nhiên, cốt lõi quan trọng nhất, trong giáo pháp giải thoát Như Lai là gì quý vị biết không?

Đó là nhìn thấy được sự thật. Đây là bốn sự thật, Đức Phật gọi là Tứ Diệu Đế (Cattāri ariya saccāni) vậy.

Tứ là bốn; Diệu là vi diệu; Đế là chân lý. Bốn Điều Chân Lý Vi Diệu, nhìn thấy rõ bốn sự thật nầy là dần đi vào Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn.

Trên con đường trau dồi thiền tập, dần dần từng bước, chúng ta sẽ đạt được những sự thật nầy, từ thể thô đến thể vi tế đó là:

  1. Sự thật thứ nhất: Khổ (dukkha).
  2. Sự thật thứ hai: nguyên nhân của Khổ (dukkha samudaya).
  3. Sự thật thứ ba: sự Khổ được dập tắt(Thánh Đạo, Thánh Quả, Niết Bàn) (nirodha).
  4. Sự thật thứ tư: con đường diệt sự Khổ đó, con đường để chứng ngộ đạo quả (magga).

Con đường thứ tư “diệt khổ” chính là “Bát Chánh Đạo”, con đường duy nhất, Ba đời Chư Phật đi qua, để đưa chúng sanh từ mê về ngộ, từ khổ về vui, từ phàm đến thánh.

Tùy theo căn cơ, mức hành trì của mỗi hành giả, mà có thể thấy được bốn sự thật nầy từ ít đến nhiều, từ thể thô đến thể vi tế.


Một ví dụ nôm na đơn giản về Tứ Diệu Đế như sau:

– Hôm qua ta ăn trộm (nguyên nhân của Khổ);

– Khiến tâm chúng ta lo âu, bất an, bị khiển trách, v.v… (quả của Khổ);

– Hôm nay sáng suốt rồi, giữ giới không đi ăn trộm nữa (con đường diệt Khổ);

– Do đó, Tâm được bình an không còn bị bất an, lo âu nữa! (Khổ diệt).

Quý vị có thấy Tứ Diệu Đế không?

– Con đường để diệt khổ ở đây là: có chánh kiến giữ Giới không đi ăn trộm nữa.

– Mà không ăn trộm thì tâm không phải bị lo âu (Khổ đã bị diệt).   

Đó, quý vị đã thấy Tứ Diệu Đế chưa? Đây là cái dạng đạo đức bình thường rất thô sơ, trong thế gian mà các bậc thiện tri thức phân tích nhân quả đều có thể làm được.

Sư tạm thời lấy ví dụ thô thiển đơn cử để quý vị dễ hình dung về Tứ Diệu Đế thôi, chứ sự thật không phải một pháp quá ư tầm thường như vậy đâu nhé!

Lời dạy của Đấng Thiên Nhơn Sư luôn luôn thực tế, lợi ích và rất gần gũi với chúng ta. Để đi sâu hơn vào đề tài vô cùng thiêng liêng và siêu việt nầy, xin hẹn quý vị vào một ngày trong tương lai, liên quan đến pháp hành nầy nhé!


Tham khảo:

  • [1] Pháp: từ nầy bao hàm ý nghĩa sự vận hành của những quy luật tự nhiên trong Tâm Sinh Lý (thân-tâm) con người cũng như ngoài vũ trụ. Rộng hơn: Luật Vũ Trụ, v.v…  Mà Chư Phật đã Thấy biết và chỉ dạy lại cho chúng sanh.