Năm loại Thắng trí – Các năng lực thần thông –  Túc Mạng Trí

* Túc Mạng Trí (Pubbenivāsānussati abhiññā)

Về sự giải thích “Túc mạng trí”, Kinh văn như sau:

“Với tâm đã được định tỉnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu uế, đã trở thành nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc và đạt đến bất động, v.v… Vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng trí. Vị ấy nhớ đến nhiều đời trước của mình, nghĩa là một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp và thành kiếp, v.v…

Vị ấy nhớ tại chỗ kia ta có tên như thế, chủng tộc như thế, tướng mạo như thế, ăn thực phẩm như thế, thọ khổ đau như thế, thọ an lạc như thế, tuổi thọ như thế…. Sau khi chết tại chỗ kia ta được sanh ra tại chỗ nọ, tại đây ta có tên như thế, chủng tộc như thế, tướng mạo như thế, ăn uống như thế, tuổi thọ như thế, v.v… Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây. Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và chi tiết” 14.

Ở đây, ngoại đạo chỉ nhớ bốn mươi kiếp về trước, không xa hơn. Tại sao? Vì trí tuệ chúng yếu ớt do thiếu sự Định. Giới hạn Tâm và Sắc15.

Những đệ tử thường nhớ cho đến một trăm kiếp, một ngàn kiếp, bởi vì trí tuệ họ mãnh liệt; Tám mươi đệ tử cũng vậy. Nhưng các đại đệ tử nhớ được một vô số kiếp và một trăm ngàn kiếp về trước.

Ðộc giác Phật nhớ được hai vô số kiếp và một trăm ngàn kiếp. Còn với Chư Phật thì không có giới hạn nào.

Bây giờ, khi một Tỳ kheo có thể nhớ đến những đại kiếp như nhớ đời trước của mình, thì về những đại kiếp như thế, vị ấy nhớ nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp và thành kiếp. Nhớ như thế nào? Chẳng hạn như “ở, tại đấy ta…” thọ sanh ở trong loài hữu tình nào, thời đại nào, sanh thú nào, v.v…

Tên như vậy, là tên gọi thông thường. Chủng tộc như vậy, là họ của tộc. Nếu vị ấy muốn nhớ tướng mạo của mình vào lúc ấy, hoặc đời sống của mình lúc ấy gian nan hay nhàn nhã, khổ nhiều hay vui nhiều, thọ mạng dài hay ngắn, vị ấy cũng có thể nhớ được. Bởi vậy kinh nói: “Với tướng như vậy… thọ mạng như vậy”.

Ở đây, tướng như vậy có nghĩa là trắng hay đen. Ðồ ăn như vậy, có nghĩa là ăn cơm trắng với thịt làm thức ăn, hay lấy trái cây do gió làm rụng mà ăn.

“Thọ khổ lạc như vậy”: nghĩa là có đủ kinh nghiệm, đủ màu sắc về thân cảm thọ lạc – khổ, và tâm thọ lạc – khổ được kể là thuộc thế gian hay không thuộc thế gian, v.v…

“Thọ mạng như vậy”: với thọ mạng là một trăm năm hay thọ mạng tám mươi bốn ngàn đại kiếp.

Và sau khi chết tại đây, ta tái sinh ở chỗ khác: nghĩa là sau khi chết từ cõi ấy, thời đại ấy, sanh thú ấy, thức thú ấy station – consciousness, vinnànatthiti, hữu tình cư sattàvàsa ấy hay bộ loại hữu tình ấy.

Sự giải thích về Trí túc mạng đến đây là xong.

 

Tác giả: Thiền sư Thiện Minh (Varapañño)
        – Tiến sĩ Phật học (Srilanka) –


Tham khảo:

    • 14(D. i, 81)
    • 15 XVIII- cùng tác giả