“Thiền định là nơi hướng về, nơi nương tựa, nâng đỡ để thành tựu hầu hết tất cả phước lành quý báu trong thế gian”.
(Trích: Kinh Milanda)

Phát triển Định Tâm (samatha bhāvanā):

Như trên đã trình bày, Bát Thánh Đạo bao gồm Tam học Pháp, đó là:

  1. Giới học (sῑla sikkhā):       

–  Giới học làm thanh tịnh tâm khỏi các loại phiền não thô (vῑtikkama kilesās).

  1. Định học (samādhi sikkhā):

– Trau dồi Định làm thanh tịnh tâm khỏi các phiền não vi tế, khuấy động (pariyuthāna kilesās).

  1. Tuệ học (paññā sikkhā):   

– Tuệ học làm trong sạch tâm ra khỏi các phiền não ngủ ngầm (anusaya kilesās).

Sau khi tu tập bằng sự trau dồi Giới thanh tịnh, các phiền não khuấy động (pariyuṭṭhāna kilesās) bao gồm năm loại chướng ngại tinh thần (nῑvaraṇas) như:

  1. Tham dục (kāmacchanda);
  2. Sân hận (vyāpāda);
  3. Hôn trầm, dã dượi (thῑna middha);
  4. Trạo cử, hối hận(uddhacca, kukkucca);
  5. Hoài nghi làm chao động tâm, khiến tâm trạo cử và tán loạn, phóng tâm(vicikicchā).

Vì lẽ đó, trong kinh Thiền Định (samadhi sutta) Đức Phật động viên hàng môn đệ và tán dương về Thiền Định như sau:

“Này chư Tỳ Khưu! Thiền Định theo Pháp Niệm Hơi Thở này nếu được phát triển, huân tập nhiều, tâm sẽ được an tịnh, thanh cao và thù thắng”.[1]

Thiền Định có khả năng làm cho thân được an lạc (kāyikasukha), tâm được an lạc (cetasikasukha), là phương pháp làm cho cuộc sống vô cùng an vui, hạnh phúc.

Sự chứng đắc pháp Thiền Định (chứng đắc Sơ thiền, Nhị thiền…) có khả năng làm cho tiêu tan, làm yên lặng hầu hết tất cả những những điều thấp hèn, những điều tai hại vô phước, những Bất Thiện Pháp… trong chốc lát vậy.


Kinh Milanda có đoạn trích như sau:

Này chư Tỳ Khưu! Hãy rèn luyện Thiền Định, khi tâm đã được an tịnh rồi, chư Tỳ Khưu sẽ biết được tất cả sự thật, chân lý của thế gian”.

Thiền Định là nơi hướng về, nơi nương tựa, nâng đỡ để thành tựu hầu hết tất cả các phước lành quý báu trong thế gian. Thiền Định được ví như:

Khi Đức Vua xông trận cùng với voi binh, mã binh, thủy binh, bộ binh, v.v… Tất cả các binh voi, kỵ mã đều dưới sự chỉ huy của Đức Vua hùng mạnh, đều hướng về trông cậy, nương tựa vào oai lực Đức Vua như thế nào thì sự thành tựu các phước báu trong thế gian hết thảy đều hướng về, nương tựa vào Thiền Định cũng dường như thế ấy.

Thiền Định còn có thể ví như một cây kèo lớn của một mái nhà, là chỗ nương tựa, hướng về của các cây rui, mè, lách, v.v… cũng dường như thế ấy”.

Trong chương trình này, chúng ta đề cập đến những bước căn bản vững chắc đầu tiên, đó là trau dồi Tâm tịnh (bao hàm Giới tịnh), hay còn gọi là trau dồi phần Định Tâm và đặc biệt nhất là phương pháp Thiền Niệm Hơi Thở (ānāpānasati).

 Định học (samādhi-sikkha) là thanh lọc tâm ra khỏi các chướng ngại cố hữu (nῑvaraṇas) làm trở ngại sự phát triển tinh thần và nhiều phiền não khác (kilesas), nhằm phát huy năng lực tâm sung mãn để tiếp tục đi vào Thiền Tuệ (vipassanā) một cách hiệu quả tốt đẹp.

Theo Kinh Ánh Sáng (aloka sutta)[2] và Kinh Ngủ Gục (pacalayamana sutta)[3] dạy rằng:

“Trí tuệ kết hợp với ngay khi chuẩn bị Định (parikamma samādhi) thì bắt đầu tỏa sáng”.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của trường phái Pa-auk, khi Định tăng trưởng ở mức độ Tâm Cận Định (upacāra samādhi) nó mới trở nên sáng chói, vì có đối tượng là ánh sáng Quang Tướng (paṭibhāga nimitta) và xuyên thấu đến nỗi có thể thấu suốt vào nội tạng bên trong, thậm chí ngay cả các Pháp Chơn Đế (paramattha)

 Không có Chánh Định (sammā samādhi) thì không thể quan sát được các Pháp Chơn Đế bằng thắng trí và do vậy không thể thực hành đúng đắn Thiền Vipassanā được.


Đặc biệt:

Đệ Tứ Thiền Sắc Giới (rūpa jhāna) là một phương tiện tốt nhất trong việc thực hành Thiền Tuệ (vipassanā).         

Bốn mươi chủ đề Thiền Định (samatha) được Đức Phật chỉ dạy, được xem là để làm phát sanh Chánh Định đã được miêu tả trong Kinh Tạng Pali.

Pháp Niệm Hơi Thở (ānāpānassati) là một trong những đề mục Thiền hiệu quả nhất để phát triển định tâm một cách nhanh chóng và được Đức Phật tán dương[4].

Với mọi sự sai lệch nào ra ngoài giáo huấn của Đức Phật đều được xem là trì trệ cho sự tiến bộ, cụ thể như:

  1. Sự giải thích minh bạch, đúng đắn các dấu hiệu, ấn chứng trong tiến trình phát triển định tâm (nimitta).
  2. Việc giải thích rõ lợi ích về quân bình ngũ căn (indrira).
  3. Việc ứng dụng ích lợi của sự quân bình các yếu tố giác ngộ (bojjhanga).
  4. Trau dồi năm Pháp thành thạo (vasῑ) cho mỗi tầng Thiền là sự bắt buộc…

Một khi được sự hỗ trợ của Tứ Thiền Sắc Giới (rupa jhana) trong Pháp Niệm Hơi Thở, hành giả có thể trau dồi bốn loại Thiền Bảo Hộ[5] một cách nhanh chóng, để hưởng được nhiều sự lợi ích thù thắng.           

Hành giả có thể dễ dàng tiếp tục trau dồi mười loại Thiền về Biến Xứ (kasina)[6] để chứng đạt bốn Thiền Sắc Giới (rūpā jhānas) và sau đó tiến lên chứng đạt bốn Thiền Vô Sắc Giới (arūpā jhānas) nếu hành giả có nguyện vọng.


Tham khảo:

  • [1] (Sam-3-729. Vi1 – 88).
  • [2] Kinh Ánh Sáng – A.1.456.
  • [3] Kinh Ngủ Gục – A.2.463.
  • [4] 1.263; SA. 2. 295; Abh. A1. 114.
  • [5] 1. 94; D. Ti. 2. 296 ff.
  • [6] A. 2. 242-243; Vs. 1. 115ff.