“Thiền là sự hoàn thiện của Bát Thánh Đạo, là đạo lộ dẫn dắt chúng sanh đạt được ba cấp độ hạnh phúc tốt đẹp: Hạnh phúc cõi Người, hạnh phúc cõi Trời và hạnh phúc Niết Bàn”.
(Thiền sư Thiện Minh)

Thiền (Saṁskrit:Dhyāna)

Danh từ Pāli này xuất nguyên từ căn “jhe”, là suy ngẫm. Ngài Buddhaghosa giải thích Jhāna như sau:[18]

“Ārammaṇ’upanijjhānato paccanīkajhāpanato vā jhānaṁ”.

Gọi là Thiền (jhāna) vì nó suy ngẫm, hướng tâm bám sát vào đối tượng hay bởi vì nó thiêu đốt những chướng ngại [19] tinh thần (nīvaraṇas).

Thiền là sự chăm chú mạnh mẽ gom tâm vào một đối tượng.

Có hai loại Thiền chính:

Thiền Định (samātha bhāvanā) và Thiền Tuệ (vipassanā bhāvanā).

Cả hai đều cần phải dựa trên giới hạnh của hành động thuộc thân thể và lời nói. Nói một cách khác:

“Thiền là sự hoàn thiện của Bát Thánh Đạo tám ngành, là đạo lộ dẫn dắt chúng sanh đạt được ba cấp độ hạnh phúc tốt đẹp: hạnh phúc cõi Người, hạnh phúc cõi Trời và hạnh phúc bất tử (Niết Bàn) giải thoát sanh tử luân hồi”.

Phạm vi Pháp thoại này chủ yếu đề cập đến Pháp Thiền Niệm Hơi Thở (ānāpānassati) là một chủ đề lớn trong bốn mươi đề mục trau dồi về Thiền Định, được Đức Phật đề cao tán dương và khuyến khích.

Đối với Thiền Định (samatha bhāvanā): Hành giả chuyên chú gom tâm trên đề mục này cho đến khi tâm mình hoàn toàn an trụ (ekaggata) vào đó, tất cả mọi vọng tưởng ngoại lai đương nhiên đều bị loại bỏ ra ngoài.

Cho đến khi tâm hành giả liên tục được gom, chánh niệm trên hình ảnh Quang Tướng chói ngời (paṭibhāga nimitta) và cho đến lúc nào nhất tâm an trụ hoàn toàn (ekaggata) trên ánh sáng Quang Tướng, tâm hành giả thể chứng vào bậc Sơ Thiền (appanā samādhi).

Nimitta: (Ấn chứng = Dấu hiệu = Triệu chứng của Định tâm)


Trong Thiền Ānāpānassati này:

Khi định tâm của hành giả bắt đầu trên đà phát triển thì những dấu hiệu (triệu chứng, ấn chứng) của sự định tâm cũng theo đó cùng xuất hiện, còn gọi là những dấu hiệu (Nimitta) trong Thiền.

Nimitta là từ Pali trong Kinh điển, tạm dịch nghĩa là dấu hiệu của sự định tâm, còn gọi là “ấn chứng” của sự định tâm.

Có 3 cấp độ dấu hiệu ánh sáng, biểu hiện độ mạnh dần tương ứng cho sự phát triển của định tâm. Ba cường độ mạnh dần của Nimitta đó là:

1. Parikamma Nimitta: (những dấu hiệu chuẩn bị).

  • Những dấu hiệu chuẩn bị cho sự định tâm đang trên đà bắt đầu phát triển. Những dấu hiệu này xuất hiện (tùy mỗi hành giả) có nhiều dạng khác nhau.
  • Ví dụ: những hình ảnh mờ mờ như làn khói thuốc lá, màu dơ dơ, nhớp nhớp hoặc như màng nhện giăng; có khi sáng mờ mờ, nhạt nhạt màu trắng nhẹ như bông gòn hoặc có màu hồng sáng như trời rạng đông lúc bình minh, khi mặt trời chuẩn bị lên, vv…

2. Uggaha Nimitta: (Tợ tướng)

  • Trong Thiền Hơi Thở, khi sự định tâm của hành giả càng tiến bộ và bắt đầu khá mạnh lên thì sẽ xuất hiện dạng này.
  • Dạng này cường độ ánh sáng bắt đầu mạnh hơn, ánh sáng cũng có nhiều dạng khác nhau như: sáng vằng vặc như mặt trăng rằm; sáng như mặt trời; sáng màu trắng như ánh đèn tiếp dài; sáng như đèn pha của xe ban đêm, v.v…

3. Paṭibhāga Nimitta: (Quang tướng)

  • Trong Thiền Hơi Thở, dạng này ánh sáng bắt đầu có cường độ rất mạnh như:
    • Sáng lấp lánh ánh bạc như sao mai (sao hôm).
    • Sáng chói như kim cương soi dưới ánh điện.
    • Sáng óng ánh như ngọc trai.
    • Sáng dạng lấp lánh trong suốt của thỏi nước đá đông cứng ở nhiệt độ âm;
    • Có khi màu sáng chói ánh vàng tợ như thỏi vàng ròng vừa nung trong nhiệt độ cao ra;
    • Sáng trong như pha lê; sáng như hạt châu, ngọc trai, v.v…
  • Quang Tướng (paṭbhāga nimitta): là những dạng ánh sáng có cường độ mạnh nhất trong 3 dạng nimitta và xuất hiện trong trạng thái Cận Định (upaccārasamādhi) hoặc trạng thái Nhập Định (appanāsamādhi) Sơ Thiền…

Xem video hướng dẫn chi tiết: Tại đây.


Nhất tâm (ekaggatā): “eka” + “agga” + “tā” = Nhất tâm

Là trạng thái tâm gom vào một điểm, an trụ vào một đề mục hay tập trung vào một đối tượng duy nhất.

Tâm nhất điểm giống như ngọn đèn đứng vững, không bị gió làm dao động; như trụ cột vững chắc mà gió không thể lay chuyển; như nước kết hợp, làm dính liền lại nhiều thể chất để cấu thành một hợp chất cụ thể.

Tâm sở này ngăn ngừa không để các tâm sở đồng phát sanh khác phân tán và giữ chắc các tâm sở ấy vào đề mục.

Trạng thái nhất tâm này là một trong năm chi thiền (jhāna). Khi được phát triển và trau dồi đến mức độ cao, thì tâm nhất điểm trở thành Định (đó là mầm giống của tất cả những tâm thức chăm chú, chọn lọc, tập trung hay an trụ vào một điểm).

Appanā (hoàn toàn an trụ):

Ngài Buddhaghosa định nghĩa “appanā” là hướng về hay gắn liền, áp đặt tâm nhất điểm vào đối tượng (ekaggaṁ cittaṁ ārammaṇe appenti).

Appanā là một hình thức của chi thiền Tầm (vitakka), một chi của Sơ Thiền, phát triển đến mức cao độ.


Tham khảo:

  • [18] Abhidhammattha Saṅgaha – Vi Diệu Pháp Toát Yếu – Nārada Mahā Thera.
  • [19] Năm chướng ngại tinh thần luôn luôn có trong con người thường nhân: 1. Dã dượi, hôn trầm; 2. Hoài nghi; 3. Sân hận, oán ghét; 4. Phóng tâm, trạo hối; 5. Tham dục…