Nội dung bài viết - Contents

“Không có hai trạng thái vui và khổ đối nghịch nhau phát sinh đồng thời và tồn tại trong cùng một lúc. Quy luật vận hành của Tâm thức, chỉ bắt cảnh và hiện hữu trên một đối tượng duy nhất trong một thời gian. Vì vậy, khi Tâm tốt hiện hữu – an vui nếu được phát huy một cách liên tục và do đó, Tâm phiền não, khổ đau, bất thiện, tiêu cực… sẽ không có cơ hội để xen vào quấy nhiễu bạn!”
(Thiền sư Thiện Minh)

I. TỐT (kusala):

Sự tốt đẹp, bổ ích, lành mạnh hoặc những hành động thiện xảo được dựa trên ba gốc căn bản là:

  1. Sự rộng lượng hoặc thiếu vắng của tâm thức tham lam.
  2. Tâm từ ái, mong muốn những chúng sanh khác được an vui hoặc sự thiếu vắng của Tâm thức oán thù, đố kỵ, sân hận…
  3. Trí tuệ, sự hiểu biết … hoặc thiếu vắng của bóng tối vô minh … Mọi nỗ lực cần phải được thực hiện để phát triển sự rộng lượng, tình yêu thương vô bờ bến của tâm từ ái đến tha nhân, chúng sanh. Và trau dồi minh tuệ để tiến dần về giác ngộ giải thoát.

II. XẤU (akusala):

Sự không tốt đẹp, bất thiện, không bổ ích hoặc những hành động không thiện xảo dựa trên ba gốc rễ căn bản là:

  1. Tham: Có thể biểu hiện tự nó trong vài con đường như:
    • Sự ích kỷ
    • Tính tham lam
    • Đố kỵ
    • Ghen tỵ, Sự khao khát, thèm muốn, v.v … 
  2. Sân: Có thể biểu hiện như:
    • Sự tức giận
    • Tính hiểm độc
    • Sự xung đột
    • Sự trả thù
    • Sự phẫn uất
    • Lòng kiêu hãnh
    • Lòng tự ái, v.v … 
  3. Si: Nhìn sai sự thật như:
    • Tin rằng mọi sự vật hiện tượng (vô thường), mà cho là thường, là trường tồn và mang đến cái được gọi là hạnh phúc.
    • Tin rằng sẽ không có kết quả tốt đẹp hay lợi ích gì, khi làm việc tốt (!?)
    • Tin rằng sẽ không có hậu quả xấu gì, khi làm những việc xấu, việc ác (!?)
    • Tin rằng chẳng có tội hay phước gì, cho mọi hành động tốt hay xấu nào cả! Tất cả trong đời này chỉ là ngẫu nhiên và may rủi.
    • Tin rằng có một “linh hồn” trường cửu hoặc tin rằng chết là hết không có kiếp trước hoặc chẳng thể có kiếp sau, v.v …
    • Tin rằng sẽ không có sự tiến hóa tốt đẹp hay lợi ích gì cho một con người, nếu muốn trau dồi hay rèn luyện về phương diện đạo đức (!?) …

Mọi sự cố gắng cần phải làm, để vô hiệu hóa hoặc loại bỏ dần Tâm tham, Tâm sân, Tâm si là 3 gốc rễ căn bản xấu ác. Cái xấu ác có năng lực khiến chúng sanh tạo bao nghiệp dữ, để rồi mãi vần xoay trong vòng đau khổ luân hồi bất tận.

Duy chỉ có thể trừ tiệt và bứng gốc chúng bằng trí tuệ giác ngộ, theo con đường Giới – Định – Tuệ hay Bát Chánh Đạo như lời Phật dạy.