“Không ai có thể sống được với Quá khứ, cũng chẳng ai sống được với Tương lai, Quá khứ đã qua và ngày mai chưa tới. Không thể đồng hành với khứ – lai, khi Ta đang hiện hữu trong thời khắc nầy”.
(Thiền sư Thiện Minh)

Ngũ Uẩn và ứng dụng trong hành thiền

Sư trở lại vấn đề “sự thật”. Một trong những cốt lõi của Như Lai ra đời, là chỉ cho chúng sanh cách thức thấy được “sự thật”.

Phần lớn chúng sanh khổ đau là do lầm lẫn mà ra, lầm lẫn trong quá khứ, không thấy rõ, “chấp chặt” trong hiện tại và vọng tưởng ở tương lai. Điều giả tạm thì cho là trường cửu; vô thường thay đổi lại cho là thường. Điều không phải của ta mà “lầm tưởng” là của ta. Thậm chí khổ đau trong vọng tưởng của chính mình, với những điều mà chính ta vĩnh viễn không thể nào sở hữu hay làm chủ được!…

Một khi chúng sanh nhìn thấy được sự thật rồi thì không còn lầm nữa, mà không còn lầm nữa thì bớt khổ, bớt đau phải không?

Điều quan trọng ở đây là chúng ta “lầm” bởi chính bản thân chúng ta! Tại vì sao? Vì chúng ta chưa nhận ra được rõ ràng về bản chất, vật liệu và những yếu tố tạo thành nên Thân và Tâm nầy, cũng như ba đặc tính chung (ba quy luật chung) về sự vô thường, sự khổ và tính vô ngã của chúng, nên dẫn đến sự thấy biết, tầm nhìn chủ quan của chúng ta.

Đức Phật dạy: con người chúng ta được hợp thành bởi hai phần chính, đó là phần Thân và phần Tâm. Chúng bao gồm tất cả năm yếu tố còn gọi là Ngũ Uẩn (pañcakkhandha):

  1. Sắc (rūpa)
  2. Thọ (vedanā)
  3. Tưởng(saññā)
  4. Hành (saṅkhāra)
  5. Thức (viññāṇa)

Chúng còn được gọi là thực tại tối hậu của thế gian [1]“loke lokadhammo”.


A. Phần Thân: thuộc về thân thể vật chất, gồm Sắc Uẩn, có 32 phần:

  • Tóc, lông, móng, răng, da,
  • Thịt, gân, xương, tủy, thận,
  • Tim, gan, màng ruột, bao tử, phổi,
  • Ruột, trực tràng, thức ăn mới, phân, óc,
  • Mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ,
  • Nước mắt, nước mũi, nước miếng, nước mỡ, nước khớp, nước tiểu.

Khi phân tích 32 phần trên, cuối cùng chỉ còn lại là 4 nguyên tố chính phổ biến nhất đó là Đất (Pathavi), Nước (Apo), Lửa (Tejo), và Gió (Vayo).


B. Phần Tâm: thuộc về tinh thần (citta), gồm bốn uẩn còn lại: Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Tất cả ngũ uẩn trên gồm có 3 đặc tính chung hay ba quy luật chung đó là: luôn luôn biến đổi (vô thường), bất toại nguyện (khổ) và không có chủ thể điều khiển nó (vô ngã). Chúng luôn luôn thay đổi trong từng khoảnh khắc nhỏ nhất (sát na tâm) theo điều kiện tác động và thời gian.

– Thân sắc chúng ta từ khi mới sinh ra, lớn lên, chuyển biến, thay đổi không ngừng, già rồi chết. Khoa học chứng minh cứ mỗi giây trôi qua có 15 triệu tế bào máu bị tiêu hủy [2](Sắc thân vô thường rūpa anicca);

– Tâm của con người sanh lên rồi mất đi vô cùng nhanh chóng.

Do vậy mà Đức Phật dạy rằng:

“Này Chư tỳ Kheo! Như Lai chưa từng thấy một pháp nào có sự sanh ra và mất đi hết sức mau lẹ như Tâm!” [3]. Trong chú giải nói rằng: “Với thời gian chỉ bằng một lần búng đầu móng tay, Tâm và Tâm sở sanh lên rồi mất đi (sanh diệt 1.000 tỷ lần)” [4] (Tâm vô thườnganicca);

* Có thân là có bệnh, cũng như vô số điều bất toại nguyện trong đời sống của chúng ta (Khổ dukkha);

* Ta không muốn già nhưng thân thể ta vẫn cứ già; ta không muốn bệnh nó cứ bệnh; và ta không muốn chết nó vẫn chết. Như vậy, nó tùy tiện biến đổi, già, bệnh và chết! Bởi nó bị ảnh hưởng theo thời gian, điều kiện, hoàn cảnh (nhân duyên) tác động lên nó… Hơn nữa, theo chân nghĩa pháp, do nó thật sự “không phải của Ta” nên ta không thể điều khiển nó được vậy (Vô ngã anatta).

Thân – Tâm nầy luôn luôn biến chuyển, thay đổi vô thường, sinh rồi lại diệt, diệt rồi sinh vô cùng mau lẹ từng sát na, từng giây, từng phút, và bất toại nguyện.

Như vậy chính bản thân nầy, nơi mà chúng ta thường chăm sóc, nuông chiều, dưỡng nuôi và “ngộ nhận” cho là “của Ta” mà ta còn không thể kiểm soát hay hiểu nổi, và hơn nữa là chưa thể điều khiển hay làm chủ được nó, thì làm sao chúng ta có thể kiểm soát, hay làm chủ được tâm của một con người nào khác phải không?


Quy luật phản hồi tự nhiên của Tâm:

Tối nay, có một Cô hành giả đến gặp Sư. Cô bi lụy, khổ đau vì thương chồng, thương con đi sai lệch con đường! Nếu một người đã từng hành thiền và “thấy pháp”, họ có thể không khóc, bởi vì họ “đã hiểu được sự thật của nó”. Họ cảm thông sâu sắc hơn và biết điều gì mình cần nên làm.

Phàm ở đời, ai làm một điều gì với chủ tâm xấu hoặc tốt, ngay lập tức sẽ tự cảm nhận được tâm trạng bất an hay hạnh phúc! Không ai có thể cảm nhận hoặc “thay thế cảm xúc giùm” cho người khác! Con người là mỗi chủ thể khác nhau!

Theo luật tự nhiên của Tâm, mỗi người tự đón nhận lấy niềm vui hay nỗi buồn, sự bất an từ lời nói, hành động một cách tự nhiên theo luật phản hồi Tâm – Lý. Cũng như tự đón nhận trách nhiệm kết quả về cách hành xử của mình, theo một quy luật vận hành tự nhiên của Tâm, và do đó, theo luật vận hành nhân quả được biểu hiện ra bên ngoài!

Không ai muốn người khác xen vào việc riêng tư của mình, ngược lại chúng ta cũng chẳng có quyền can thiệp vào chuyện riêng tư của người khác phải không? Điều đó sẽ bất lợi cho cả đôi bên, tất nhiên trừ phi trong nhiều trường hợp đặc biệt như giáo dục, luật lệ xã hội v.v…

Thực ra, chính mỗi chúng ta có những cá tính, thói quen cố hữu tiêu cực hoặc tích cực nào đó. Tuy lắm khi cũng cố gắng “tự sửa mình!” nhưng cũng khó mà đổi thay cho cá tính cố hữu” của chính mình, còn nói gì đến việc bắt buộc người khác phải thay đổi tánh tình hay phục tùng theo ý muốn của chúng ta được phải không? Một khi liễu ngộ được điều nầy, tự khắc chúng ta biết cách tôn trọng, và cung kính hành động (nghiệp) của người khác.

Trong cuộc sống, tâm lý chung chẳng mấy ai muốn bị người khác thấy ra nhược điểm, hoặc phê phán, chỉ trích về mình!

Do đó cho dù ngay cả thân bằng, quyến thuộc, chúng ta cũng không có quyền chỉ trích hoặc yêu cầu họ phải thay đổi thói quen hay tính nết, cách sống theo ý riêng, hay theo quỹ đạo của chúng ta, nhất là với người đã trưởng thành (tất nhiên ngoại trừ trong giáo dục, trách nhiệm hay những trường hợp chẳng đặng đừng về nhân cách đạo đức, liên quan đến trách nhiệm…)

Phàm ở đời, cái gì “hy vọng” mong muốn, nếu bị “thất vọng” sẽ sinh phiền muộn, đó là bản chất phản hồi tự nhiên của tâm. Ai hiểu được điều nầy, người đó có sự sáng suốt, và chính mình sẽ không tự làm khổ mình và gây phiền hà đến người khác!

Như Cô hành giả tối nay là một người hiền lương, thương gia đình, bi lụy, tự hành hạ và làm khổ chính mình. Tuy nhiên, nếu Cô là một người đã thực sự trải nghiệm qua Bể Thiền, Cô sẽ tự hiểu ra: 

  • “Thân Tâm vô thường là gì?
  • Tâm con người thay đổi ra làm sao?
  • Ta có thể sở hữu được gì?
  • Và ta làm chủ hay điều khiển được những gì trong phạm vi nào? …”.

Cô sẽ không cần phải thất vọng và bi lụy, tuy thương yêu thân quyến nhưng giữ tâm định tĩnh, sáng suốt để tư duy bằng cách nào để có thể giúp họ một cách tối ưu và nhiều hiệu quả hơn.


Tham khảo:

  • [1]III.II.v. 2. Flower Sutta.
  • [2]Những điều chưa biết về cơ thể (kiến thức ngày nay- khoa học:14-03-2014).
  • [3]Anguttaranikāya, phần Ekakanapāta.
  • [4]Chú giải Samyuttanikāya, phần Khandhavagga, chú giải kinh Phenapindupamasuttavaṇṇanā.