“Khi bạn nhìn thẳng sự thật và thành thật với chính bạn, can đảm đón nhận những khuyết điểm. Đồng nghĩa là bạn tự biết cách băng bó vết thương cho chính mình. Ví như con tuấn mã có thể oai hùng lao nhanh về phía trước và đến đích sau khi vết thương đã được hàn gắn!”.
(Thiền sư Thiện Minh)

Đấng Thiên Nhơn Sư dạy có năm hạng người trong cõi nhơn gian:

  1. Hạng người như Chư Thiên: tuy là thân người, nhưng tâm tánh thanh cao, trong sáng, tốt lành như Chư Thiên trên các cõi Trời Dục Giới, Chư Phạm Thiên trên các cõi Sắc Giới và Vô Sắc Giới.
  2. Hạng người như Ngạ Quỷ: tuy là thân người, nhưng tâm tánh tham lam, keo kiệt, thậm chí muốn chiếm đoạt tài sản, của cải của người khác ngoài vòng đạo đức, bao nhiêu cũng không đủ…
  3. Hạng người như Atula: tuy là thân người, nhưng tâm tánh hung dữ cộc cằn, thường hay nổi nóng, bất bình, thô thiển, thích tranh cãi, gây thù kết oán, gây oan trái với người khác…
  4. Hạng người như Súc Sanh: tuy là thân người, nhưng tâm tánh cáu bẩn, không có tâm hổ thẹn với tội lỗi hoặc, và không có tâm ghê sợ tội lỗi, là người không có trí hiểu biết về công ơn của Cha, nghĩa của Mẹ, không hiểu gì về nhân tính, hay đạo đức của một con người…
  5. Hạng người như Địa ngục: tuy là thân người, nhưng tính tình, tâm lý, như hàng chúng sanh đang bị giam cầm trong tù ngục vậy. Thật ra họ chẳng bị ai trói buộc cả! Nhưng kiểu cách sống cũng như tâm lý của họ tự thấy như đang bị ai ràng buộc, thường sống trong tâm trạng bất an, rụt rè, sợ hãi âu lo, một phần do ảnh hưởng bởi những bất thiện nghiệp trong quá khứ hoặc, và trong hiện tại ám ảnh họ, v.v…

Năm hạng người nầy trong hiện tại đang còn hưởng được báo thân làm loài người, do quả lành phước thiện kusala vipāka trong quá khứ.


Tuy nhiên, một số đồng thời cũng do ảnh hưởng nghiệp từ tập khí, thói quen trong kiếp trước, và không ít con người ra đời, do gần gũi, tiếp xúc những môi trường sống, giáo dục gia đình, xã hội, v.v… hình thành nên tính cách của năm hạng người trên.

Nếu họ có cơ hội gần gũi bạn lành, thầy quý và giác ngộ được mặt tiêu cực của tâm tánh mình, để rồi cố gắng trau dồi chuyển hóa trở thành người tốt đẹp hơn như:

* Chuyển Tâm tham lam, bỏn xẻn, keo kiệt, trở thành tâm cao quý, biết chia sẻ, cho tặng, bố thí, giúp đỡ, rộng lượng, vận hành, v.v…

* Chuyển Tâm sân giận, nóng nảy, trở thành tâm mát mẽ, vị tha, hỷ xả, thanh cao, từ ái, bao dung, v.v…

* Chuyển Tâm trí mê mờ, tà kiến thấy sai, chấp lầm, v.v… Chịu khó học hỏi, tu tập để trở nên sáng suốt, thấy được những giềng mối tương quan đạo đức, nhân – quả, tội – phước trong đời… chuyển mê thành ngộ ngay trong cuộc sống hiện tại nầy.

Do đó, sanh ra đời nếu được Thầy quý, bạn lành những chúng sanh nầy cũng hưởng được rất nhiều lợi ích an vui trong hiện tại, và sau khi hết thọ mạng, có khả năng tái sinh vào những Thiện Giới (sugati), các cõi Trời (sagga), cõi Người với hàng chúng sanh có tâm tánh tốt đẹp, thanh cao tương đồng như đã trau dồi và chuyển hóa trong hiện kiếp.

Nhân gian có câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” là ở điểm nầy vậy.


Hành thiền là phương pháp chuyển hóa Tâm, thay đổi nghiệp chướng một cách tích cực và đạt nhiều hiệu quả vô cùng lớn lao, không thể nghĩ bàn vậy!

Suy từ mình, trong chúng ta, trước đây có những vị hành giả rất nóng nảy, tâm dễ nổi sân hận, bất bình mỗi khi đối diện với điều gì khiến cho trái ý, nghịch lòng, v.v… do nhờ sự rèn luyện thiền có phương pháp nên chúng ta chuyển hóa được những tâm tánh đó phải không?

Sư thật là hoan hỷ, khi nghe quý hành giả nói lên lời:

– “Trước đây con ngồi chỉ được 15 phút, 20 phút, giờ con ngồi hơn cả tiếng đồng hồ!”.

Điều đó nói lên tâm của hành giả đã thật sự chuyển hóa do nhờ chính sự nỗ lực của quý vị.

Để rõ hơn nữa, chúng ta cùng nhận xét rằng:

– Khi Tâm sân giận, nóng nảy như lửa đốt xuất hiện lên, lúc đó Tâm của chúng ta giống như Tâm của hàng chúng sanh Atula đang ngự trị (lúc đó thường khiến ta không sáng suốt!).

– Khi tâm tham lam khởi lên, muốn lấy cái nầy, chiếm đoạt cái kia của người khác, lúc đó Tâm tham của chúng ta giống như sự đói khác của hàng chúng sanh bậc thấp như Ngạ Quỷ đang hiện diện trong ta (lúc đó thường khiến ta không sáng suốt).

– Khi mù quáng tối tăm, không biết sự việc đúng, sai, những lẽ phải, trái về những nguyên tắc đạo đức tối thiểu của con người; không biết ơn, biết nghĩa và không kính trọng Cha Mẹ; không có nhân tính hay hiểu biết về đạo đức con người, v.v… lúc đó Tâm chúng ta giống như là Tâm loài súc sanh có nhiều thú tính, đang hiện diện và điều khiển trong tâm chúng ta…


Phật dạy, chúng ta có thể chuyển hóa:

+ Từ những trạng thái tâm nóng nảy thành mát mẻ!

+ Từ tâm lo âu, bất an trở thành định tỉnh, thanh tịnh an vui!

+ Từ Tâm sợ hãi, yếu hèn, v.v… trở thành mạnh mẽ, và cao quý như các hàng Chư Thiên, Chư Đại Phạm Thiên qua phương pháp Thiền nầy.

Chẳng hạn như trau dồi phát triển Thiền Định (Samatha bhāvanā) theo các loại chủ đề sau:

  1. Thiền Định về Tâm Từ ái (mettā): Tiêu diệt được tâm sân hận, nóng nảy, oán ghét…
  2. Thiền Định về Tâm Bi mẫn (karunā): Tiêu diệt được thù hận, ác tâm…
  3.  Thiền Định về Tâm Hỷ(muditā): Tiêu diệt được tâm đố kỵ, ganh tỵ với những thành công hoặc  quả lành phước thiện của những người khác…
  4.  Thiền Định về Tâm Xả (upekkhā): Tiêu diệt được cả hai trạng thái dính mắc về tham chấp lobha, sân chấp dosa, và giữ tâm an nhiên với sự vận hành nghiệp quả tốt hay xấu của chúng sanh…

Hành giả khi nhập vào thiền định với ánh sáng rực rỡ của Quang Tướng (paṭibhāga nimitta), trạng thái tâm vắng lặng tuyệt đối mọi phiền não và lúc nầy Tâm Hành giả được tịch tịnh, thanh cao tương ứng với Tâm của các vị Trời Phạm Thiên.

Đó là lý do giải thích vì sao, quý vị Hành giả khi nhập vào Thiền định là sống trong trạng thái hạnh phúc, mát mẻ, an lạc vô biên nơi cõi Tâm mình!


Tùy thuộc vào khả năng công phu trau dồi ít nhiều của mỗi hành giả như:

  1. Có vị sở hữu pháp Hỷ, pháp Lạc: Một trạng thái an vui hạnh phúc tương tự như sở hữu một thế giới hạnh phúc “bất khả xâm phạm” nơi tâm mình, tương ứng với Tâm hoan lạc của Chư Thiên trong 6 Tầng Trời Dục giới.
  2. Có Hành giả sở Hữu vừa Pháp hỷ lạc Dục giới Thiên, vừa Pháp hỷ lạc an tịnh của (Tâm cận định = Upaccara Samadhi).
  3. Có Hành giả không chỉ sở hữu cả 2 trạng thái hạnh phúc tương ứng trên mà còn có nhiều trải nghiệm trong những trạng thái hạnh phúc tịch tịnh khi nhập vào các tầng Thiền Định Sắc giới, v.v…

Một khi Phiền não được làm cho lắng dịu đi, quý vị thấy rõ tâm mình hơn và nếu so sánh với ngày xưa, sẽ thấy:

– Tâm ta bận rộn, rối rắm ra làm sao? Khi đi, đứng, ứng xử trong sinh hoạt, v.v… thường có sự tỉnh giác, sáng suốt và trí nhớ như thế nào?

– Có sự giống và khác nhau một cách vô cùng vượt bực hôm nay và mới cách đây 10 ngày, trước khi hành thiền là như thế nào?…

Xuyên qua trải nghiệm tự thân, quý vị có thể phát triển sự hiểu biết được chính Tâm của mình  nhiều hơn và do đó, Hành giả có thể hiểu và cảm thông được Tâm của người khác nhiều hơn. Nhà Phật gọi là Tha Tâm Thông (paracittavijānana abhiññā).

Tuy là loài người, nhưng nhờ sự trau dồi tâm, tỉnh giác, kiểm soát trên tiến trình tâm của mình… nên quý vị có thể hiểu được phần nào trạng thái Tâm thức, của một số chúng sanh ở các cõi cao hoặc thấp trong các cõi giới khác nhau, khi kết hợp với sự tham khảo qua lời dạy của Đức Phật trong kinh điển.

Sau nầy có cơ hội quý vị sẽ trau dồi, tu tập lên các bậc thiền cao hơn Đệ Nhị Thiền, Đệ Tam Thiền, Đệ Tứ Thiền… các tầng thiền Vô Sắc thứ 5 đến thứ 8…

Lúc đó, quý vị sẽ càng thấy rõ hơn nữa lời của Đức Phật dạy: “Trong Tấm thân một trượng nầy chứa cả Tam Thiên Đại Thiên thế giới” là ý nghĩa nầy đó quý vị.


Trong kinh hạnh phúc (Mangala Sutta) có đoạn:

“Như vầy, tôi nghe một thuở nọ Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá của trưởng giả Cấp Cô Độc Ānathapindika gần thành Xá Vệ. Khi đêm gần mãn, có một vị Trời dung sắc hào quang xinh đẹp, chiếu sáng, làm cho trọn cả Kỳ Viên sáng ngời rực rỡ. Vị Trời ấy đến nơi Phật ngự, đảnh lễ Đức Thế Tôn, xong rồi đứng tại chỗ nên đứng…”.

Do nhờ kinh nghiệm được ánh sáng của Quang Tướng (paṭibhāga nimitta), chói ngời rực rỡ trong tâm mức độ như thế nào, nên quý vị dễ dàng hiểu ánh sáng của một vị trời Phạm Thiên, làm cho toàn thể chùa Kỳ Viên nơi Đức Phật ngự sáng ngời như thế nào phải không?

Tại sao khi hành giả đạt đến trạng thái định tâm, thì ánh sáng rực rỡ của Quang Tướng xuất hiện quý vị biết không?

Ánh sáng Quang Tướng (paṭibhāga nimitta), chính là tập hợp ánh sáng của tốc hành tâm sinh ra từ sắc tâm căn [5] một cách liên tục và tất cả được gom tụ tại một điểm.

Do Nhất Tâm, tâm sở đồng sanh với các Dục Giới đại thiện Tâm hợp với trí tuệ, làm phận sự cận định (upacāra samādhi) hoặc phận sự định Tâm vững chắc (appanā samādhi) trên đối tượng Quang Tướng (paṭibhāga nimitta).

Hành giả kinh nghiệm Quang Tướng, khi đọc đến đoạn kinh nầy, tự khắc thẩm thấu ý nghĩa một cách thấu đáo vậy. Giáo pháp của Như Lai là để chúng sanh hiểu và đem vào áp dụng, càng thực hành nhiều chừng nào, loài người chúng ta càng gặt hái được nhiều kết quả lợi ích lớn lao tương ứng chẳng thể nghĩ bàn vậy.


Tham khảo:

  • [5]Hạt vật chất của Tâm, nhỏ màu trắng nằm trong trái tim.