“Pháp bảo luôn hiện hữu xung quanh mọi sự vật, hiện tượng bên trong và bên ngoài của tất cả mọi chúng sanh. Điều quan trọng là chúng ta có đủ Trí tuệ để nhận ra điều đó hay không?”.
(Thiền sư Thiện Minh)

Sau khi đã đạt được Quang Tướng chói ngời rực rỡ tại điểm xúc chạm.

Hành giả cần chuyên chú gom tâm chánh niệm (biết, biết, biết…) một cách liên tục không gián đoạn vào đề mục của thiền ngay trên “điểm xúc chạm” như vậy, dần dần hành giả đạt đến mức độ định tâm gọi là “cận định” (Upacāra Samādhi) có ánh sáng Quang Tướng (paṭibhāga nimitta) làm đối tượng.

Trong khi an trụ Tâm trong cận định (lúc này tâm hành giả vẫn còn sự phóng tâm ít) với ánh sáng chói ngời của Quang Tướng (paṭibhāga nimitta) làm đối tượng, hành giả có thể bất thần nhập định (Appanā Samādhi) bất kỳ lúc nào khi định Tâm đủ mạnh, và đắc Thiền Jhāna.

Hành giả chứng vào bậc Sơ Thiền (Đệ Nhất Thiền) thọ hưởng trạng thái hạnh phúc vô cùng vi diệu của sự tịch tịnh vắng lặng của tâm hồn an trụ trong Quang Tướng sáng ngời rực rỡ ấy.

(Tâm Hành giả hoàn toàn an trú trong  ánh  sáng của  quang tướng – Tâm chính là tập hợp ánh sáng và tập hợp ánh sáng chính là tâm, hoàn toàn vào an chỉ định “ekaggata samadhi”).


Với năm chi pháp của bậc Sơ Thiền, tạm thời khắc phục được năm loại chướng ngại tinh thần (Nīvaraṇa) [1] cố hữu, thường cản trở sự tiến bộ tinh thần cho một cá thể – của kiếp  nhân sinh như:

  1. Tầm (vitakka) có khả năng chế ngự được:
    • Trạng thái hôn trầm, buồn chán, dã dượi (Thīna-Middha).
  1. Tứ (Vicāra) có khả năng chế ngự được:
    • Tâm hoài nghi (Vicikicchā).
  1. Hỷ (pῑti) có khả năng chế ngự được:
    • Tâm oán ghét, sân hận (Paṭigha).
  1. Lạc (sukha) có khả năng chế ngự được:
    • Tâm phóng dật – lo âu (Uddhacca-Kukkucca).
  1. Nhất tâm (ekaggatā), chi thuộc Sơ Thiền, có khả năng chế ngự được:
    • Tâm Tham dục, bao gồm những sự ham thích nơi 6 trần cảnh (kāmataṇhā) như: Sắc trần cảnh, Thanh trần cảnh, Hương trần cảnh, Vị trần cảnh, Xúc trần cảnh, Pháp trần cảnh, v.v…

Do nhờ Đức tin và sự Tinh tấn, Bậc Đệ nhất thiền chứng đạt 5 chi pháp quý báu, khắc phục được 5 trạng thái tiêu cực… gây bệnh hoạn và trì trệ cho sự tiến bộ của tinh thần, nên hưởng được hạnh phúc.


Tham khảo:

  • [1]Abhidhammattha Saṅgaha-Vi Diệu Pháp Toát Yếu-Nārada.