“Chỉ chung thủy với hơi thở trước sau như một, ngay tại điểm xúc chạm của gió ra, vào và vùng dưới mũi”.
(Giảng riêng cho hành giả đến sau cùng)

A. Tổng quát:

Phương pháp Thiền niệm hơi thở (Ānāpānassati) này, lấy “điểm xúc chạm” của gió thở ra, thở vào và vùng dưới mũi làm “điểm” để tâm thức ta định vào. Đây cũng chính là đích cuối cùng dẫn đến sự nhập định của pháp thiền hơi thở này.

Để tâm ta cảm nhận được gió ra, gió vào “đụng vào đây” không phải dễ dàng chút nào! Đòi hỏi sự định tâm của chúng ta rất cao nơi đây, mới có thể phát hiện được: “Gió ra đụng vào đây và gió vào đụng vào đây”.

Khi một hành giả phát hiện được đều đặn:

Gió thở ra đụng vào đây, gió thở vào cũng đụng vào đây, nghĩa là tâm của hành giả đang có mặt hay đang “Định” ở trên điểm xúc chạm này, một cách liên tục, liên tục, liên tục, v.v… thì ánh sáng quang tướng sẽ xuất hiện rực rỡ, sáng lòa ngay tại nơi đây.

Đó là Sư nói điểm cuối cùng của thiền định. Và để đạt đến chỗ này, theo kinh điển “bộ chú giải” dạy chúng ta phải đi qua 5 bước thực tập, mục đích để cho tâm của hành giả từ trạng thái tán loạn, dần dần đi tới an tịnh hơn.

Đi từ bước thứ nhất đến bước cuối cùng, dần dần tâm ta sẽ phát hiện ra, và thấy rõ được điểm xúc chạm liên tục của gió ra vào.

Tùy mỗi người, sẽ có sự nhạy cảm tại những điểm khác nhau, khi có gió ra, vào trên vùng mũi này:

  • Có hành giả nói rằng, con chỉ “thấy” được điểm xúc chạm của gió ra, gió vào tại “chỗ này” (bên cánh mũi trái) nên con chỉ chú tâm ở chỗ này thôi!
  • Lại có hành giả, buổi sáng “thấy” điểm xúc chạm ở chỗ này (bên cánh mũi phải) nhưng buổi chiều lại thấy ở chỗ khác,…

Không sao cả, miễn là có “thấy” hoặc có “cảm giác” sự xúc chạm của gió chỗ nào, thì cứ việc đặt sự “hay biết” của mình ngay chỗ đó.

Để đạt đến đích cuối cùng này, chúng ta phải đi qua năm bước thở. Năm bước này là phương tiện, nhờ có phương tiện này sẽ dẫn đến sự định tâm cao cho hành giả, nhớ kỹ là không được “đốt cháy giai đoạn” nghĩa là không nên bỏ qua giai đoạn nào!

Điều này, trong khóa thiền vừa qua có hành giả đốt cháy giai đoạn. Cô ấy nhận thấy bước thứ 4 dễ quá nên bỏ qua, và thực hành trực tiếp đến bước thứ 5 luôn cho nhanh. Thế là, ngồi liên tục mấy ngày, không có chút tiến bộ nào cả. Thậm chí, có hôm ngồi thiền tinh tấn kéo dài liên tục tới 7 – 8 giờ liền!


Như vậy, theo trình tự các bước là gì?

  1. Bước thứ nhất: Thở theo số đếm từ một đến tám.
  2. Bước thứ nhì: Thở theo hơi thở dài: vào dài, ra dài.
  3. Bước thứ ba: Thở theo hơi thở ngắn: vào ngắn, ra ngắn.
  4. Bước thứ tư: Chia hơi thở ra làm ba giai đoạn (đầu, giữa, cuối):
    + Thở vào, đoạn đầu – đoạn giữa – đoạn cuối;
    + Thở ra, đoạn đầu – đoạn giữa – đoạn cuối;
  5. Bước thứ năm: Chỉ biết hơi thở vào – ra như: “vào – ra”; “vào – ra”. Vì bước thứ năm này, hơi thở đã rút lại vô cùng vi tế rồi (đây là bước cuối cùng để nhập định)

Chung quy, chúng ta đã nắm được năm bước. Dù bước nào cũng vậy, quan trọng là tâm phải đặt ở đây: “Nơi vùng dưới mũi, có gió ra vào”.


B. Chi tiết:

Quay trở lại bước thứ nhất ta sẽ thở chi tiết như thế nào?

(Khi có gió đi vào hoặc đi ra hành giả ý thức biết rằng):

  • À có gió vào! À có gió ra! Ghi nhớ “một”;
  • À có gió vào! À có gió ra! Ghi nhớ “hai”;
  • À có gió vào! À có gió ra! Ghi nhớ “ba”;
  • Bốn, năm, sáu, “bảy”.
  • À có gió vào! À có gió ra! Ghi nhớ “tám”;

(Chỉ đếm đến tám thôi nhé!)

Hành giả nhớ kỹ là:

“không nên điều khiển hơi thở”, mà “chỉ theo dõi hơi thở thôi”!

Chỉ đếm đến tám! Tại sao không đếm đến 10 hoặc ít hơn? Chú giải kinh tạng dạy rằng với con số này vừa dễ định tâm và cũng để cho hành giả nhớ đến con đường Bát Chánh Đạo (tám ngành), đó là con đường duy nhất mở lối cho chúng sanh thoát khỏi mọi khổ đau sanh tử, luân hồi.

Sư dùng từ “à!, à!…” để làm gì vậy biết không?

Để Sư khẳng định thêm cho hành giả nắm chắc chắn vấn đề hơn rằng, “à! à!” làm ra vẻ như “bây giờ mới biết” vậy đó!

Do ta không chủ động thở nên khi thấy có gió vào, thì tự nhiên nhận biết: “à! có gió vào”, và khi thấy có gió ra, thì tự nhiên nhận biết: “à! có gió ra”.

Rõ ràng ta hoàn toàn không chủ động gìn giữ lấy hơi thở, không chủ động điều khiển hơi thở. “Mấu chốt phương pháp thiền này là nằm ở đây”.

Ta không điều khiển hơi thở, dù bước nào cũng vậy, dù mất hơi thở cũng chỉ nên đặt tâm ở đó để “chờ” hơi thở xuất hiện rõ trở lại, chứ không nên cố gắng “hít, hít…” để tìm hơi thở nhé!

Hãy để hơi thở vào, ra tự động, tự nhiên giống như khi ta đang ngủ say vậy thôi!

Người ngủ say hoàn toàn mất ý thức về sự thở và tâm trí của người ngủ say là mê man, không còn biết gì nữa cả phải không?

Người ngủ say có cả hai không:

  1. Không chủ động (cố ý) điều khiển thở vào, và cũng không chủ động cố ý điều khiển hơi thở ra. Hơi thở vào hay hơi thở ra là hoàn toàn tự nhiên.
  2. Không ý thức để được gió vào và gió ra là như thế nào, “ngắn hay dài”, v.v…

Người hành Thiền có một không:

  1. Hoàn toàn giống điểm (1) của người ngủ say như trên (nghĩa là không chủ động để điều khiển hơi thở).
  2. Trái lại và đối nghịch với người ngủ say, người hành thiền có ý thức rõ ràng về hơi thở của mình, có sự chánh niệm, tỉnh giác theo dõi gió vào biết rõ gió đang vào và gió ra biết rõ gió đang ra…

Áp dụng thực hành qua 5 bước như sau:

(1). Bước thứ nhất:

  • “Thở vào, ta biết ta đang thở vào; thở ra, ta biết ta đang thở ra”. Ghi nhớ một;
  • “Thở vào, ta biết ta đang thở vào; thở ra, ta biết ta đang thở ra”. Ghi nhớ hai;
  • “Thở vào, ta biết ta đang thở vào; thở ra, ta biết ta đang thở ra”. Ghi nhớ  ba;
  • “Thở vào, ta biết ta đang thở vào; thở ra, ta biết ta đang thở ra”. Ghi nhớ bốn;
  • “Thở vào, ta biết ta đang thở vào; thở ra, ta biết ta đang thở ra”. Ghi nhớ năm;
  • “Thở vào, ta biết ta đang thở vào; thở ra, ta biết ta đang thở ra”. Ghi nhớ sáu;
  • “Thở vào, ta biết ta đang thở vào; thở ra, ta biết ta đang thở ra”. Ghi nhớ bảy;
  • “Thở vào, ta biết ta đang thở vào; thở ra, ta biết ta đang thở ra”. Ghi nhớ tám;

Thở từ một đến tám như vậy gọi là một chu kỳ.

Từ một đến tám, giữa chừng nếu quên hay lộn thì bỏ, đếm lại. Tập thở như vậy, khoảng 5 – 8 chu kỳ liên tục (nếu đếm từ một đến tám mà không còn lộn nữa!), xem như hành giả đã thành công trong bước thứ nhất.


(2). Chuyển sang bước thứ hai:

  • Thở vào dài, ta biết rõ ta đang thở vào dài;
  • Thở ra dài, ta biết rõ ta đang thở ra dài.

Tâm hành giả đặt ở đây, ngay vùng dưới mũi nơi gió ra, vào xúc chạm ở đó.

Vì sao gọi là dài (bởi vì khi gió đi chậm thì gọi là dài, gió đi nhanh thì gọi là ngắn).

* Xin đọc theo Sư:

Gió đi chậm thì gọi là dài; gió đi nhanh thì gọi là ngắn (đọc lần thứ nhì, lần thứ ba).

Như vậy, khi gió đi chậm ta quy ước là dài, đi nhanh ta quy ước là ngắn. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có khi gió vào thì chậm, mà gió đi ra thì nhanh hoặc ngược lại,…Trường hợp này gọi là ngoại lệ.

Với trường hợp ngoại lệ này, quý hành giả có trí nhạy bén vẫn bắt kịp được nó và niệm:

 “Thở vào dài, ta biết rõ ta đang thở vào dài; Thở ra ngắn, ta biết rõ ta đang thở ra ngắn”…

(Ở đây, Sư nói là trường hợp ngoại lệ đó nhé! Chứ thường thì ít có, bởi vào dài thì ra dài và vào ngắn thì ra ngắn).

Khi nào sự định tâm phát triển mạnh hơn nữa, lúc đó gió không đi chậm nữa, mà đi nhanh hơn, nhưng lại ngắn! Gió đi vào rồi, lại đi ra liền (hành giả tự kinh nghiệm sẽ biết rõ!), nên lúc này ta chuyển sang bước ba.


(3). Bước thứ ba:

  • Thở vào ngắn, ta biết rõ ta đang thở vào ngắn;
  • Thở ra ngắn, ta biết rõ ta đang thở ra ngắn.

Cứ liên tục một thời gian như vậy, dần dần tâm hành giả càng lúc càng an tịnh và sự định tâm trên hơi thở càng lúc càng nhiều (do đó sự phóng tâm ra ngoài hơi thở càng lúc càng ít). Đồng thời, hơi thở càng lúc càng vi tế hơn, gió đi vào – ra càng nhanh hơn nữa và tâm của hành giả càng nhạy bén hơn! Nên lúc bấy giờ, sự ghi nhận hơi thở theo kiểu “vào ngắn, ra ngắn” như trên không còn phù hợp nữa. Do đó, phải chuyển sang bước tiếp theo, đó là:

(4). Bước thứ tư:

  • Ta chia hơi thở “vào” làm 3 chặng: thở vào đoạn đầu – đoạn giữa – đoạn cuối.
  • Ta chia hơi thở “ra” làm 3 chặng: thở ra đoạn đầu – đoạn giữa – đoạn cuối.

Mục đích của sự phân chia hơi thở làm 3 chặng (đầu – giữa – cuối) này, để bắt buộc cho tâm của ta bám chặt trên hơi thở nên hành giả dễ dàng quán sát được chặt chẽ, khắng khít toàn bộ tiến trình gió đi vào và toàn bộ tiến trình gió đi ra của hơi thở, nhằm ngăn ngừa sự phóng tâm ra ngoài đề mục hơi thở, một cách tích cực vậy!

Nói một cách khác, nhằm để cho tâm ta có khả năng an trụ một cách thường xuyên liên tục trên hơi thở (nói thì nghe có vẻ dài dòng, khó khăn chứ lúc thực hành thì không phức tạp đâu!).

Thực hành đến giai đoạn thứ tư này, tâm của hành giả đã có thể bắt đầu thấy rõ được điểm xúc chạm rồi đó, chứ hồi nãy đến giờ chưa thấy được điểm xúc chạm đâu! Mà chỉ cần nhớ được hơi thở đi ra, đi vào là tốt lắm rồi (đó là mức độ định tâm sơ khai đầu tiên).

Mức độ định tâm tiến bộ hơn là khi bắt đầu thấy rõ được sự “xúc chạm” của gió ra, vào với vùng da dưới mũi (thường gặp từ bước thứ tư).

Khi bắt đầu thấy rõ được “điểm xúc chạm” rồi, thì “dán tâm” vào ngay điểm đó. Tâm hành giả lúc này phát triển, khá nhạy bén, sắc sảo hơn và bắt đầu có sự “Định” tâm ở đó nhiều, sự phóng tâm lúc này đã yếu đi nhiều lắm rồi!

Mặc dù, ta thường ý thức được thở vào đầu – giữa – cuối, thở ra đầu – giữa – cuối. Đồng thời, tâm ta cũng vẫn thường xuyên dán vào điểm “xúc chạm” duy nhất này liên tục, một thời ngồi thiền, hai thời ngồi thiền, v.v…

Khi sự định tâm càng tiến bộ hơn, nhu cầu về hơi thở sẽ ít và yếu dần dần (do sự cần thiết oxy của cơ thể ít lại), lúc này gió đi vào sẽ đi ra liền, không thể tiếp tục niệm theo kiểu giai đoạn bốn: “Đầu – Giữa – Cuối” được nữa (hành giả sẽ kinh nghiệm điều này).

Do đó, ta phải chuyển qua bước kế tiếp.


(5). Bước thứ năm (cuối cùng):

Niệm “vào, ra”; “vào, ra”, một cách rất đơn giản như vậy thôi.

  • Thở vào, ta biết rất rõ gió vào;
  • Thở ra, ta biết rất rõ gió ra.

Ta cần gia tăng sự chánh niệm “tâm hay biết” một cách rất thường xuyên hơn.

Vào giai đoạn này, “điểm xúc chạm” càng lúc càng rõ ràng hơn. Tuy hai mắt ta đang nhắm lại, nhưng do nhờ sự định tâm tăng trưởng, nên có thể phát ánh sáng mạnh dần, dần lên rồi đó!

(Nhưng, thường mới chỉ là ánh sáng chung chung xuất hiện đằng trước mặt, xung quanh ta, có khi ánh sáng phủ toàn thân, thường là ánh sáng trắng, ánh sáng mờ mờ; có lúc hành giả như đang bị đèn pha sáng chiếu thẳng vào mặt mình hoặc có khi rất sáng khiến hành giả có cảm giác đang ngồi trong một thế giới ánh sáng, v.v…).

Mặc dù, một hoặc nhiều trong những dạng ánh sáng như trên có thể thay phiên nhau xảy đến với hành giả trong quá trình hành thiền. Tuy nhiên, hành giả không nên quan tâm đến chúng (những dạng ánh sáng khác nhau như vậy) hay bất cứ điều gì khác,… chỉ quan tâm đến điểm xúc chạm mà thôi!


Tóm lại:

Đi từ bước thứ nhất đến bước thứ năm, là chỉ để đi tìm điểm xúc chạm giữa gió ra, vào cọ sát với vùng da nhạy cảm nhất ở dưới mũi, hoặc một trong hai bên cánh mũi.

Không có nghi ngờ chi hết trơn, hiểu không hè? Khi định tâm phát triển tốt thì ánh sáng chiếu lên nhiều dạng khác nhau, có khi đủ thứ màu sắc xuất hiện trong đó, không nên quan tâm đến bất cứ hiện tượng nào, hoặc loại ánh sáng gì ngoài cảm giác tại nơi gió ra, vào này nhé!

Chẳng hạn như, khi thì sáng như mặt trời; lại có khi sáng màu sắc dịu nhẹ như mặt trăng; khi thì chiếu từ dưới lên, lúc từ trên chụp xuống; khi thì giống tựa cả dải ngôi sao, có lúc 5, 7 ngôi sao xuất hiện nằm dọc bên thái dương; khi thì như có đèn pha sáng hắt mạnh vào mặt, thiên hình vạn trạng, v.v…

Tất cả những hiện tượng có thể xảy ra như trên, hành giả cũng không nên quan tâm, chỉ quan tâm đến “sự hay biết” liên tục tại chỗ (điểm xúc chạm) mà thôi. “Chiếc chìa khóa vàng nằm ngay chỗ này đây!”.

Vào “biết” vào, ra “biết” ra, niệm liên tục, liên tục nhiều lần,… có khi cả giờ đồng hồ, hai giờ hoặc từ thời ngồi thiền này đến thời ngồi thiền khác. Tâm cứ dán một cách liên tục vào ngay chỗ đó (chỗ có sự hay biết).

Nhích lại gần đây, Sư quẹt cho một cái, đi trễ mà về sớm đó nhé! (Sư cười vui và cầm cây bút trên tay, khẽ quẹt vào vùng dưới mũi, ngay nơi thường có sự xúc chạm của gió ra, vào của vị nữ hành giả hiền thiện đã ngoài 60, người đến sau cùng của khoá thiền).

Dần dần, cô sẽ có cảm giác mạnh mẽ rõ ràng liên tục chỗ này, giống như cây bút của Sư “đụng” vào vậy đó!

Gió vào “biết” vào, gió ra “biết” ra, cây bút đụng thì cảm giác mạnh và thô hơn, chứ gió đụng cảm giác nhẹ và vi tế hơn nhiều.

Giai đoạn năm là gió vào biết vào, gió ra biết ra. Ta ý thức rất gọn thôi, chứ đừng có “tụng như tụng kinh” câu đó trong tâm nhé! Chỉ cần sự hay biết liên tục: vào “biết” vào, ra “biết” ra.

Liên tục, liên tục, v.v… (lặp lại nhiều lần, nhiều lần như vậy). Hành giả, theo dõi như vậy hằng giờ, từ thời ngồi thiền này sang thời ngồi thiền khác,… Khi định tâm đủ mạnh, lúc đó ánh sáng (nimitta) sẽ tự động xuất hiện thôi.


Ánh sáng Quang Tướng (paṭibhāga nimitta) sẽ xuất hiện ở nơi đâu?

Nếu khi ánh sáng chụp vào ngay trên da mặt cô, thì chưa đủ mạnh nên không cần quan tâm:

  1. Cho đến khi ánh sáng rực rỡ (paṭibhāga nimitta), mạnh mẽ xuất hiện “ngay” tại điểm xúc chạm của gió ra, vào là tốt đến rồi vậy. Vào lúc đó, nếu cảm giác tại điểm xúc chạm rõ ràng, cô cần đặt tâm lên ngay “điểm xúc chạm” đó, vào lúc này chính là lúc cô bắt đầu nhìn vào ánh sáng một cách tự nhiên, đồng thời duy trì chánh niệm “biết, biết, biết, v.v…” tại điểm đó một cách liên tục không gián đoạn suốt 1 giờ, 2 giờ, v.v…
  2. Nếu trường hợp cảm giác tại “điểm xúc chạm” mờ đi không còn rõ ràng nữa! Cô cần đặt tâm “chờ đợi” trên ngay vùng sáng đó, nơi có cảm giác xúc chạm cuối cùng, trong chốc lát cảm giác của điểm xúc chạm sẽ xuất hiện trở lại, và cần tiếp tục đặt tâm lên đó với sự chánh niệm (tâm hay biết) không gián đoạn như trên.

Nhớ rằng không nên “tụng” từ ngữ “biết, biết, biết,…” trong tâm đó nhé! Chỉ đơn thuần ghi nhận sự biết, “bằng ý thức của sự chánh niệm thôi!”. Bây giờ, cô đã hiểu được “điểm xúc chạm” là như thế nào rồi phải không?

Đặt “tâm hay biết” hay chánh niệm nhìn trên ánh sáng quang tướng một cách liên tục một giờ, hai giờ, v.v… Cho đến khi nào tâm an trụ hoàn toàn, và vắng bặt mọi vọng tưởng về quá khứ, vị lai trong ánh sáng chói ngời rực rỡ của quang tướng.

Nhớ là trước khi vào thiền thì nên sám hối cho tâm trong sạch, rồi muốn nguyện cầu điều tốt lành gì thì cầu. Nhưng khi bắt đầu nhiếp tâm vào hơi thở rồi là không nên cầu mong bất kỳ điều gì đó nhé!

Tất cả sự khởi tâm cầu mong, từ chối hay xua đuổi điều gì khác,… trong lúc đang hành thiền, đều khiến cho động tâm, trạo cử, phiền não dấy lên,… điều đó là đi ngược lại với yếu chỉ của thiền vậy!

Mình đi tìm cái chơn tâm an tịnh, tĩnh lặng, tịch tịnh sáng ngời nhất của chính mình thôi, đừng có mong cầu chi hết, mình chỉ việc duy trì sự sáng suốt, tỉnh thức, chánh niệm an trú trong từng thời khắc hiện tại, trên từng hơi thở ngay tại điểm xúc chạm của gió ra, vào mà thôi.