Quan điểm của Y học Đông Phương:

Nền Y học Đông Phương cổ truyền nhận định thủ phạm của nhiều bệnh tật chính là sự mất cân bằng Âm Dương trên cơ thể con người. Mất cân bằng nghĩa là những cảm xúc tiêu cực tác động lên cơ thể con người, gây ra chấn động tâm lý (Tây Y thường gọi là stress). Chẳng hạn như những trạng thái: vui, giận, buồn, lo, ghét, kinh, sợ, xảy ra quá mức độ hoặc kéo dài là những nguyên nhân chính gây ra nhiều loại bệnh tật…

Bảy trạng thái này được thể hiện qua thái độ, nhân cách ứng xử hàng ngày của một con người, trước sự tác động bên ngoài thông qua các giác quan (tai nghe, mắt thấy, thân xúc chạm…) đi vào nội tâm và phản ứng của nội tâm suy nghĩ đến lượt mình, tác động đến thần kinh giao cảm của những cơ quan tương ứng với trạng thái tinh thần đó, khiến cho mất cân bằng vận hóa âm dương gây rối loạn khí!

Nhà dưỡng sinh Đông phương ví “Khí” như ngựa và “Huyết” như xe:

  • Khí và Huyết được ví như Ngựa kéo xe. Khí hành thì Huyết sẽ vận hành theo. Khí điều hòa thì Huyết điều hòa vậy.
  • Nên “bách bệnh giai vu khí”, khí huyết không thuận phát sinh trăm bệnh. Khí huyết là nguồn năng lượng chi phối công năng các cơ quan trong cơ thể.

Dựa trên cơ sở, con người là một khối thống nhất mọi hoạt động trong cơ thể (lục phủ ngũ tạng) được nhịp nhàng liên tục nhau, dưới sự điều khiển của hệ thần kinh trung ương có vai trò quan trọng nhất, chỉ huy toàn bộ hoạt động của con người.

Khoa học chứng minh, con người tồn tại nhờ có khả năng kỳ diệu của hệ thần kinh trung ương tự vận động, tự điều chỉnh, tạo sự cân bằng trong hoạt động của các bộ phận để tồn tại và thích nghi môi trường bên ngoài, mất sự cân bằng là có bệnh, cân bằng là vô bệnh 6.

Bảy trạng thái tâm lý (vui, giận, buồn, lo, ghét, kinh, sợ hãi) này ở mức độ vừa phải thì là cảm xúc thông thường, nhưng một khi các tánh khí này bị kích động quá mức độ hoặc kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến sự tuần hoàn của khí huyết, làm rối loạn chức năng bình thường của tạng, phủ mà sinh ra bách bệnh…

Sách Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn có viết 7:

“Giận làm khí bốc lên;
Mừng làm khí hãm;
Buồn làm khí tiêu;
Sợ làm khí hạ;
Kinh làm khí loạn;
Nghĩ làm khí kết lại…”.

Do đó, những tánh khí này khi thái quá hay bất cập là lý do gây nên nhiều bệnh tật cho con người cụ thể như:

  • Buồn quá độ, khiến biếng ăn mất ngủ…
  • Giận thái quá, dẫn đến tăng huyết áp, váng đầu, thổ huyết, tai biến mạch máu não, động kinh…
  • Uất ức lâu ngày, làm con người như ngẩn, như điên…

7 loại bệnh lý phổ biến:

Vô số chứng bệnh do các yếu tố tâm lý trên đây chính là nguyên nhân, là thủ phạm trực tiếp tạo nên, như những quy luật Tâm – Sinh lý sản sinh ra bệnh tật, uy hiếp sinh mạng, cuộc sống an vui của con người tự bao giờ, tưởng chừng như khó có một lối thoát hoặc một giải pháp tích cực tối ưu nào để điều trị, chặn đứng hoặc ngăn ngừa:

  1. Hỷ (Joy): “Hỷ thương tâm”

– Vui mừng là cảm xúc hữu ích tự nhiên cho đời sống khỏe, lạc quan của con người, tuy nhiên những kích thích tinh thần quá mức hoặc kéo dài làm suy giảm khí lực con người mà gây ra nhiều thứ bệnh, nhất là những bệnh về tim mạch…

  1. Nộ (Anger): “Nộ thương can”

– Giận là một trạng thái không vừa lòng, đôi khi cũng cần thiết để thể hiện quan điểm, khí phách, uy quyền…

– Tuy nhiên, khi sự giận hờn thái quá hoặc kéo dài sẽ tạo ra tình trạng dâng cao khí lực, hỏa nhiệt trong gan bốc lên và khiến chức năng gan bị rối loạn, đình trệ tạo ra các chứng như: nhức đầu, chứng khó tiêu hóa và nhiều vấn đề tai họa khác… là hậu quả của những cơn trái ý nghịch lòng, do chưa có phương pháp tối ưu kiềm chế hoặc hóa giải!

– Sự tức giận này có thể bao hàm một số cảm xúc liên quan như tâm trạng thất vọng (frustration), sự phẫn uất, sự oán hận (resentment), căm ghét (hatred) kéo dài, v.v…

  1. Bi (Sadness): “Bi thương phế”

– Phổi là nguồn tạo ra sinh khí, khi buồn rầu hoặc lo âu quá mức khiến nguồn khí lực bị phân tán gây nên cơ thể mệt mỏi.

– Mặt khác tâm trạng phiền não nếu kéo dài sẽ làm suy yếu sinh lực cũng như sức đề kháng cơ thể, dễ gây ra nhiều loại bệnh tật nhất là các bệnh về hệ hô hấp, vì phổi là trung tâm sinh ra nguồn sinh khí để bảo vệ cơ thể “vệ khí” (defensive).

  1. Ưu: (Deep in pensiveness): “Ưu thương tỳ”

– Lo âu, nghĩ ngợi, ưu tư, lâu dài quá mức là một vấn đề gây trở ngại đối với khí lực, làm gián đoạn và rối loạn sự lưu thông nguồn khí trong lá lách (spleen) và phổi, vì lá lách (tỳ) có liên quan đến sự suy nghĩ.

– Do đó, lá lách sẽ bị suy yếu khi phải chịu tác động bởi sự suy nghĩ, âu lo thái quá, nên vai trò chính của lá lách trong việc tiêu hóa cũng bị đình trệ, sinh ra nhiều chứng bệnh nhất là các bệnh về hệ tiêu hóa biếng ăn, chậm tiêu, suy dưỡng, đau loét bao tử, v.v…

  1. Kinh (fright, shock): “Kinh khí loạn”

– Những khích động, sang chấn tinh thần đột ngột gây cho khí lực bị phân tán, thần khí hỗn loạn và ảnh hưởng bất lợi cho cả hai thận và tim (học thuyết Tâm-Thận). Vì khi khí lực tim bị suy yếu, lập tức thận phải cung cấp khí lực cho tim, do đó thận phải gánh chịu một áp lực lớn trên việc này…

  1. Suy nghĩ (Thinking): “Nghĩ khí kết”

– Sự nghĩ ngợi, suy tư sâu sắc, chín chắn, trong cuộc sống là điều rất cần thiết trong sự phát huy tốt đẹp cho con người.

– Tuy nhiên, nếu sự suy nghĩ về xu hướng tiêu cực kết hợp sự muộn phiền, đố kỵ, ghen ghét, tỵ hiềm hoặc thương nhớ, v.v… kéo dài quá mức, khiến cho người ăn không ngon, ngủ không yên, dẫn đến suy nhược cơ thể, mất điều hòa và sinh ra nhiều loại bệnh tật…

  1. Sự sợ hãi (fear) “Hãi thượng thận”

– Phản xạ sợ hãi là một ý thức thích nghi về bản năng, trong nhiều trường hợp cần thiết quan trọng cho sự sinh tồn.

– Tuy nhiên, sự sợ hãi quá đáng hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ làm cho khí lực bị phân tán, hao tổn, làm suy yếu chức năng thận mà gây ra những bệnh Thận kém, Thận suy… khiến hỏa bốc lên gây ra sức nóng trong tim và biểu lộ những trạng thái như lo lắng và bất an trong tâm trí, v.v…

 

Tác giả: Thiền sư Thiện Minh (Varapañño)
        – Tiến sĩ Phật học (Srilanka) –


Chú thích:

  • [6] Dưỡng sinh tâm năng
  • [7] Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn.