“Trong hành thiền, tinh thần của hành giả được ví như người Kỵ Mã và thân thể hành giả ví như con Ngựa vậy! Một con Ngựa dù sức yếu… nhưng với người Kỵ Mã thiện xảo, do nhờ học hỏi được nhiều kinh nghiệm, cũng có thể đưa con Ngựa về đích của cuộc đua sớm hơn, những con Ngựa dù khỏe mạnh nhưng lại bị điều khiển bởi người Kỵ Mã ươn hèn”.
(Thiền sư Thiện Minh)

Trường hợp ánh sáng xuất hiện, đồng thời hơi thở vào và hơi thở ra cũng còn mạnh thì xử trí như thế nào?

Tình huống này cần chọn hơi thở và chỉ quan tâm tới hơi thở vào, ra mà thôi.

Vì sao?

Bởi vì hơi thở còn nhiều, nghĩa là định tâm của hành giả chưa thật sự đủ mạnh, thì ánh sáng cũng không bền, cho đến lúc nào định tâm đủ mạnh thì ánh sáng sẽ xuất hiện ngay “điểm xúc chạm”.

Có số hành giả tuy thực tập nhiều, nhưng định tâm vẫn chậm tiến bộ, một trong những nguyên nhân đó là do “tâm mong cầungóng trông” vi tế của mình.

Thử suy xét:

  • Tâm nào chú tâm “theo dõi” hơi thở (?!)
  • Tâm nào dành cho sự “mong cầu” (?!)
  • Hai Tâm này khởi sanh, xen kẽ vào nhau… nên Tâm thức Hành giả không được chuyên nhất trên đề mục chính được!!!

Thiền sinh:

– “Thưa Sư, con vẫn thường theo dõi hơi thở ở đây (vùng dưới mũi) sao chẳng thấy ánh sáng? Con có cảm giác có cái gì hơi khó chịu dưới vùng trái tim nên con cũng lo lo, thỉnh thoảng con thấy khó thở, v.v…”

Đây cũng là chỗ vướng vô cùng tế nhị và rất hệ trọng!

Trường hợp này, hành giả không chỉ chánh niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra là “đối tượng chính”, ngoài ra còn quan tâm đến một số nơi khác như sau:

  • Tâm mong cầu: “Sao ta chẳng thấy ánh sáng gì cả? Ta vẫn thường chú tâm và siêng năng hành thiền mà sao chẳng thấy ánh sáng xuất hiện (3) (?!)”.
  • Hành giả thỉnh thoảng dùng trí năng của mình  để suy nghĩ…!
  • Hành giả lại nghĩ đến trái tim của mình, lo sợ rằng mình bị đau tim (1).
  • Tâm hành giả để ý đến cảm giác khó thở (2).

Ngồi thiền, Tâm chi phối ra 4 đường như vậy, và do đó tất nhiên, hành giả sẽ không thể đạt được sự định tâm trên đề mục chính, âu cũng là lẽ tự nhiên!

Mặc dù, trong khi vị hành giả này, trước đó đã từng có ánh sáng của Quang Tướng (paṭibhāga nimitta) rực rỡ. Vào ban đêm, và cả ban ngày, cũng đều có ánh sáng mỗi khi vào thiền, thậm chí khi nằm xuống cũng có ánh sáng. Nhưng bây giờ chỉ còn ánh sáng mờ mờ chứ không được rạng rỡ như những ngày trước đó!.

Sở dĩ, hành giả rơi vào trạng huống này là do chưa hiểu được một cách rõ ràng hơn về quy luật căn bản sự vận hành của Tâm!

Mặt khác, hành giả này mới bắt đầu vào Nhất Tâm (ekaggatā – bậc Sơ Thiền) đợt Thiền trước. Tuy nhiên, chưa có đủ thời gian để được trau dồi một cách nhuần nhuyễn 5 phương pháp thuần thục, nên khi về cuộc sống đời thường tự mình không biết đường xử trí vậy!.

Do vậy, có được Kiến thức căn bản tối thiểu về quy luật hoạt động của Tâm, cũng như sự huân tập thuần thục, thành thạo các bậc thiền đã chứng đắc là điều rất cần thiết lắm vậy.


Không nên nhìn vào Nimitta

(đó là nhiều dạng ấn chứng màu sắc khác nhau như khói thuốc, ánh sáng mờ, hay những ánh sáng dạng mạnh như ánh đèn pha vào mắt, v.v…).

Một khi ánh sáng chưa thật sự tụ vào ngay điểm xúc chạm của hơi thở. Vì nếu Hành giả nhìn vào các ấn chứng nimitta đó lập tức chúng sẽ biến mất.

Hành giả cũng không nên vừa “chánh niệm” bám sát hơi thở ra – vào, và vừa “nhìn” vào ánh sáng của Nimitta (đó là một dạng ánh sáng hoặc nhiều dạng khác nhau…).

Một khi Ánh Sáng chưa thật sự xuất hiện ngay tại điểm xúc chạm của gió đi ra, đi vào với vùng nhạy cảm dưới mũi (Nếu hành giả “nhìn hàng hai kiểu này” thì ánh sáng Nimitta cũng vẫn không mất, nhưng Thiền Tâm của hành giả sẽ không bao giờ tiến bộ).


Không nên đùa giỡn với Nimitta.

Như thế nào là đùa giỡn với Nimitta (những dạng ánh sáng)?

Nhờ định tâm của hành giả được phát triển mạnh, mà Nimitta xuất hiện ngay tại điểm xúc chạm, có khi một điểm sáng chói như ngôi sao mai, trái châu, có khi lớn bằng viên bi, hoặc có lúc rất nhỏ như mũi nhọn cây đinh xuất hiện của mình, vì như vậy Nimitta sẽ lập tức biến mất!

Không nên quá ngay điểm dưới mũi (nhơn trung), hoặc có khi như một chùm ánh sáng chói, v.v… Lúc này hành giả không nên tác ý “đùa giỡn” làm cho nó nở lớn ra, hoặc co nhỏ trở lại theo ý ức chú tâm vào đề mục, như hiện tượng chau mày suy nghĩ về điều gì, sẽ khiến hành giả dễ bị nhức đầu.

Một số hành giả than vãn:

– “Hễ không hành thiền thì bình thường, mà cứ mỗi lần ngồi vào hành thiền thì bị nhức đầu” là do vấp phải điểm nầy vậy.

Vì sao?

– Giữa hai hàng lông mày có huyệt “Ấn đường”, nơi đi qua của Nhâm mạch (một đường lưu hành kinh khí lớn của cơ thể), khi sự chú tâm quá mức, hành giả vô tình “gồng” nơi đó, có thể dẫn đến trở ngại đường vận hành kinh khí đi qua, làm rối loạn khí “cục bộ” tại vùng lân cận, gây nên triệu chứng nhức đầu, v.v…

Bởi thế, hành giả nên chú tâm một cách tự nhiên trên đề mục hơi thở. Điều vô cùng quan trọng là “dùng Tâm”, không nên dùng Trí năng (suy nghĩ)!

Dùng Tâm: Là dùng sự tỉnh thức hay biết đến đối tượng (còn gọi là chánh niệm, tỉnh giác trên đối tượng!).

Không nên dùng Trí năng (sự suy nghĩ): Là tránh lối tập trung cùng kết hợp với Trí năng hay sự suy nghĩ bằng “trí suy luận” đến đối tượng mà hành giả đang thực tập!

Ví dụ như: hơi thở vô rồi ra như thế này là vô thường, khi dài, khi ngắn là vô thường, hơi thở vào, hơi thở ra như vậy là phong đại, hơi thở ra có hơi nóng vậy là hỏa đại ,v.v… Đây là những điều không phù hợp với phương pháp thiền Anapanasati.

Hoặc vừa tập trung trên đề mục Thiền và vừa suy nghĩ, tính toán về điều gì, v.v…


Cần thiết phát triển đồng đều giữa hai phương diện, Thân thể (vật chất) và Tinh thần (tâm thức).

Do vậy hành giả lưu ý việc quân bình năm sức mạnh của Tâm (pañcῑndriya) đó là hai cặp:

a. Đức tin – Trí tuệ:

– Đức tin nhiều hơn Trí tuệ:

  • Đức tin về thiện pháp nhiều, nhưng sự am hiểu về Thiền thì ít, cũng như chưa nắm được phương pháp một cách chính xác, thực hành một cách mò mẫm, hành đến đâu hay đến đó, không thể đạt đến đich được (giống như người mù đi khai thác mỏ vàng).
– Trí tuệ nhiều hơn Đức tin:
  • Sự hiểu biết tuy nhiều nhưng yếu về đức tin, sẽ sinh ra sự nghi ngờ, khiến tâm lao xao, chao động (bởi phát khởi lên sự suy luận, phân tích, đối chiếu, sao sánh… trong lúc hành trì), không nhất tâm – quán triệt mục đích lợi ích chánh yếu của Thiền, v.v… Do vậy, Hành giả cũng không thể chuẩn bị sẵn sàng quyết tâm cao để hành pháp được “đây là thất bại đầu tiên của Hành giả”! Lắm lúc tự mình lừa dối chính mình mà chẳng hề hay biết vậy!

“Đức tin được ví như viên ngọc quý của Đức Vua, có khả năng làm lắng đọng các bợn nhơ, bùn đục… do đó khi thả viên ngọc vào chậu nước đục, khiến nước được trong trẻo lại ngay lập tức!

Cũng tương tự như thế, Đức Tin không đủ mạnh, khiến Tâm Hành giả rối ren, vẫn đục với bao nghi ngờ, tự ti, không tự tin ngay chính khả năng của mình rằng, ta chẳng thể phát triển được Tâm, chứng được Pháp qua việc Thiền tập, và thậm chí còn nghi ngờ đến cả giá trị chơn thật về Nhân Quả, Thiện – Ác… chân lý tối cao nơi lời Phật dạy”.


b. Tấn – Định:

– Tinh tấn: Tinh tấn nhiều hơn định sinh phóng tâm.

  • Ví dụ như đi kinh hành (tấn) quá nhiều thời gian hơn giờ ngồi thiền (định) sinh phóng tâm, khiến Hành giả không hiểu tại sao trước nay Thiền định của mình càng ngày càng tiến bộ…! Không hiểu vì sao hôm nay cảm thấy bất an và suy nghĩ đủ thứ chuyện,… thậm chí có ý định muốn xin về sớm (bởi nhiều lý do mà Hành giả tự cho là chính đáng, cần thiết…) và không muốn tiếp tục thực tập Thiền nữa!

– Định nhiều hơn Tấn sinh hôn trầm, dã dượi…

  • Ví dụ: Hành giả ngồi thiền (định) nhiều thời gian hơn đi kinh hành (tấn) ít, sẽ sinh hôn trầm, buồn ngủ, tinh thần dã dượi nghiêng về hướng tiêu cực, do trải qua những thời gian ngồi Thiền dài và liên tục, mà Hành giả lại đi ít, khiến khí huyết không được lưu thông, ứ trệ tứ chi đau mỏi rã rời, rũ rượi, cứ ngỡ là bị bệnh hoạn, cảm mạo sinh đau nhức, đây là trường hợp vấp phải rất phổ biến đối với nhiều hành giả tại các Thiền viện Quốc Tế Myanmar (tham khảo các quả lành của việc đi kinh hành).

Do đó, trong thiền khóa, Hành giả nên quân bình hai oai nghi chính: Tọa thiền và Thiền hành (1 giờ 30 phút thiền tọa và một giờ cho thiền đi là tốt).


Một số lưu ý khác trong quá trình thực hành thiền:

1. Đảm bảo giấc ngủ tốt, ngủ sâu, thức ăn đầy đủ dưỡng chất, gia tăng khí huyết, giúp sức khỏe hành giả tốt, tỉnh táo và nghị lực khi hành thiền.

2. Không nên bận rộn như giặt giũ, dọn dẹp, lăng xăng nhiều công việc gì khác… vì sẽ làm tiêu hao nhiều năng lượng “sinh ra từ tâm” trong thời gian khởi nguyện để phát triển năng lực thiền (dùng điện thoại là một tổn thất vô cùng lớn đối với hành giả trong một khóa thiền).

3. “Khẩu khai thần khí tán”: Nói chuyện thần khí tán loạn.Trong khóa thiền, sự nói chuyện có nhiều điều bất lợi lớn:

  • Hao tổn Tâm khí (khí lực của Tâm bị thất thoát suy giảm, ảnh hưởng rất lớn trong thời khóa thiền tập).
  • Lời nói, khi diễn đạt dùng từ “không chuẩn 100%” là nguy cơ phạm khẩu giới, tuy giới rất nhỏ có thể không hại gì đến ai, nhưng Tâm sẽ tán loạn cản trở sự phát triển định Tâm trầm trọng. Để hành thiền tốt đẹp, việc giảm tối đa nói chuyện hoặc phát nguyện tịnh khẩu và trao đổi bằng viết chữ khi cần thiết là tốt nhất cho Hành giả trong một khóa thiền tích cực, v.v…

4. Sự gìn giữ lời nói, và trau dồi các hoạt động, cử chỉ, kỹ càng theo những tiêu chuẩn quy định của khóa thiền, sẽ hỗ trợ lớn cho sự thành công trong thiền tập.

5. Quân bình Thất Giác Chi “Bojjhaṅga” hay (bảy chi phần hỗ trợ sự giác ngộ). Để điều chỉnh hai trạng thái Tâm Tiêu cực, Thụ động xuống dốc và Tích cực phấn khích, phóng tâm….

6. Khi Thiền Tâm của hành giả lơi lỏng khỏi đối tượng Quang Tướng, khiến Nimitta từ sáng chói chuyển thành ánh sáng trắng hay mờ nhạt, tinh thần xuống dốc, thối chí, dã dượi… về hướng tiêu cực, v.v… Lúc này hành giả nên phát triển Bốn Giác Chi:

  • Niệm: Tăng cường chánh niệm, tỉnh giác…
  • Trạch (dhamma vicaya): Suy niệm, tư duy rằng vì nguyên nhân gì khiến tâm ta muộn phiền, xuống dốc, trì trệ…? Phải chăng vì ta dùng lượng vật thực quá nhiều? ngũ quá nhiều? Ngồi(định) quá nhiều? v.v…
  • Tấn(viriya): Siêng năng, tích cực đi kinh hành…
  • Hỷ (pῑti): Cần an trú tâm vào trạng thái hỷ đã được kinh nghiệm trước đó.

Bốn chi pháp trên sẽ giữ vững và vực dậy, nâng cao tinh thần đang bị lơi lỏng, xuống dốc của hành giả về trạng thái cân bằng.

7. Ngược lại khi Thiền, Tâm của hành giả trở nên quá phấn chấn, phấn khích, hăng hái, trạo cử, phóng tâm, v.v… Lúc nầy hành giả nên phát triển Bốn Giác Chi liên quan đến:

  • Niệm (sati): Tăng cường chánh niệm, tỉnh giác..
  • Tịnh (passaddhi): An trú Tâm vào trạng thái an Lạc (sukha) đã được kinh nghiệm trước đó.
  • Định (Samādhi): Hướng tâm an trú vào định (appana).
  • Xả (upekkhā): Không tham chấp vào trạng thái vừa lòng hay trạng thái không vừa lòng, An trú tâm vào trạng thái thản nhiên, tự tại cũng như suy niệm rằng tất cả chúng sanh đều có nghiệp của riêng mình.

Năng lực của bốn chi nầy sẽ chế ngự làm tâm hăng hái, phấn chấn, trạo cử dịu xuống và tái lập lại trạng thái quân bình của Tâm, v.v…

8. Chánh Niệm (sati):

– Khác với các chi pháp trong Ngũ lực và Thất Giác Chi. Sự chánh niệm liên tục là vô cùng cần thiết trong mọi lúc và không bao giờ bị thừa mứa, bởi những ý nghĩa lợi ích quan trọng sau đây:

  • Chánh niệm, kiểm soát và bảo vệ đối tượng thiền không bị mất.
  • Chánh niệm, kiểm soát và duy trì Tâm tỉnh thức, nhận biết được liên tục trên đề mục thiền.
  • Chánh niệm như một cán cân vô cùng nhạy bén, để phát hiện ra sự chênh lệch quân bình trong các trạng thái “tích cực quá mức” hoặc “tiêu cực quá mức” để kịp thời quân bình và điều chỉnh như trong các bộ đôi Ngũ lực (indriya) hoặc Thất giác chi “Bojjhaṅga”, v.v…
  • Sức mạnh của Chánh niệm một khi được duy trì một cách liên tục, là chất liệu chính cho việc nhập định và phát triển năng lực Tâm trong 40 chủ đề của thiền định samādhi, cũng như trong việc phát triển thiền Tuệ (vipassanā)… và đặc biệt nhất là chánh niệm nhắc nhở, thắp sáng cho cuộc sống tỉnh thức trong đời.

Tóm lại:

Cần quán triệt một số điều quan trọng về quy luật hoạt động của Tâm thức là:

Tâm thức chỉ nhập định trên “một đối tượng duy nhất” trong một thời điểm, nên mọi sự lo âu, suy nghĩ, kế hoạch… đi ra ngoài đối tượng của Thiền, đều là chướng ngại cho sự phát triển Thiền Tâm.
Cần ghi nhớ: “Sự tỉnh giác, hay giác tánh “biết” của Hành giả đến đối tượng nào, chính là Tâm của Hành giả đang hiện hữu nơi đó!”. Nắm bắt quy luật nầy Hành giả sẽ không còn nhầm lẫn nữa.
Ví dụ trong cuộc sống khi Hành giả đang vui mừng, nghĩa là “Tâm thức” đang có mặt ngay trên “đối tượng” khiến cho Hành giả vui vẻ đó. Do vậy ngay trong cùng một thời điểm này, thì không thể có một trạng thái Tâm muộn phiền nào khác đồng khởi sinh lên được hoặc ngược lại.

Ứng dụng:

Khi chúng ta đang chánh niệm trên hơi thở ra, hơi thở vào, v.v… đồng thời với tâm mong cầu: “Sao không thấy ánh sáng tới hè? Cầu mong ánh sáng mau mau tới sớm…”.

Hành thiền với tâm mong cầu, chờ đợi nầy, khiến cho Tâm hành giả liên tục bị chi phối ra trên nhiều đối tượng….Tình trạng này thường xảy ra khá vi tế và thường khó phát hiện, nên hành giả cần lưu ý điểm này.

Đành rằng, lẽ đương nhiên việc hành thiền, hầu hết ai trong chúng ta cũng mong cho đạt được Pháp Bảo, đó là mục đích cao quý của sự an tịnh tâm, loại bỏ dần tam độc Tham, Sân, Si mong cầu sự an vui và giải thoát khổ đau trong nhiều mức độ khác nhau…

Tuy nhiên khi vào Thiền, hành giả không nên khởi tâm mong chờ về kết quả mà chỉ Tinh tấn hành trì theo phương pháp hướng dẫn của Thiền Sư là chính.

* Trong thiền Ānāpānassati, từ sơ cơ đến Nhất tâm trên Quang Tướng (đệ Nhất Thiền), để đơn giản hóa dễ dàng cho hành giả hiểu được mức tăng trưởng định tâm[1] của mình.


Ở đây Tác giả tạm thời chia làm năm mức độ định tâm như sau:

  1. Định tâm mức độ một: Hành giả có sự chánh niệm, tỉnh giác, thường nhớ được hơi thở của bước một (đếm từ một đến tám) không quên, không lộn ít nhất là khoảng 10 chu kỳ.

  2. Định tâm mức độ hai: Hành giả có sự chánh niệm, tỉnh giác, thường nhớ được hơi thở từ giai đoạn thứ Nhất… cho đến giai đoạn thứ thứ Tư (đ-g-c).

  3. Định tâm mức độ ba: Với sự chánh niệm tỉnh giác cao, liên tục và mạnh mẽ hơn, nên hành giả phát hiện được “điểm xúc chạm” của gió (đi ra, đi vào) với vùng da dưới mũi (giai đoạn 4: đ-g-c).

  4. Định tâm mức độ bốn: Xuất hiện ánh sáng Quang Tướng và đặt Tâm trong ánh sáng Quang Tướng (paṭibhāga nimitta) làm đối tượng (nhưng chưa hoàn toàn nhất tâm), gọi là bậc đã chứng đắc Cận định (Upaccara Samadhi) có bốn chi thiền.

  5. Định tâm mức độ năm: Nhất tâm (ekaggatā) trong ánh sáng Quang Tướng (paṭibhāga nimitta), gọi là bậc đắc Đệ Nhất Thiền (appanā samādhi), có đầy đủ năm chi thiền.

Trong Năm mức độ trên, mức độ định tâm thứ Ba là rất quan trọng, đó là phát hiện ra điểm “xúc chạm” giữa gió ra, vào và vùng da dưới mũi (tại một điểm nào đó, nhạy cảm nhất vùng da dưới mũi).

Hành giả đạt đến mức độ định tâm này, là một kết quả rất đáng khích lệ và đường thành công cho ánh sáng rực rỡ của Quang Tướng xuất hiện có nhiều triển vọng lắm vậy

Trong pháp niệm hơi thở này, hành giả không – nên – quan – tâm đến điều gì khác như: Lưng mỏi, chân đau, có con gì bò trên mặt gây nhột, ngứa ngáy khó chịu, v.v… chẳng nên quan tâm đến chúng và cũng không cần phải mong chờ ánh sáng đến sớm, v.v…

Ta khởi Tâm xả ly tất cả mọi thứ trong lúc này, chỉ chú tâm duy nhất trên đề mục chính là hơi thở mà thôi!

Hành giả cần tự nhắc nhở trong tâm như một khẩu quyết rằng:

“Hành thiền là trách nhiệm của ta. Ánh Sáng hay Quang Tướng tới hay không là trách nhiệm của Pháp. Khi nước trong bình đến lúc đầy, tự khắc sẽ tràn ra, hà tất phải chờ mong!”.

Khi Quang Tướng đã xuất hiện thường xuyên, lúc vào Thiền vừa nhắm mắt, ánh sáng lập tức xuất hiện lên sau vài hơi thở, hành giả chỉ cần “nhìn” một cách tự nhiên lên diện tích của vầng ánh sáng “Quang tướng” ngay đằng trước mặt, lặng lẽ ngắm nhìn trong chánh niệm một cách liên tục, cho đến khi Quang Tướng ấy chói ngời rực rỡ và nhất Tâm trên Quang Tướng ấy, thường sau 1h, 2h, v.v…


Tham khảo:

  • [1]ý kiến của cùng Tác giả.