“Quả thật, không dễ có một phần thưởng nào trong đời, giá trị và xứng đáng hơn, khi so sánh với lợi ích hạnh phúc vô biên, phúc lành cao quý và giác tuệ sáng suốt cho một người cần mẫn trau dồi định Tâm, từ việc hành Thiền mang lại!”.
(Thiền sư Thiện Minh)

Thiền sư:

– Trong việc tập Thiền này, mỗi khi nhắm mắt và đóng các căn môn (tai, mắt…) lại, quý vị có thấy trong tâm mình giống như một bãi chiến trường không?

Thiền sinh:

– Dạ có!

Thiền sư:

– Vì sao, do cơ chế nào quý vị biết không?

Khi chúng ta mở mắt:

Tâm chúng ta (Nhãn thức tâm) tiếp xúc với sắc trần cảnh[1], bị chụp bắt vào các trần cảnh, nên ta thấy được ánh sáng của ban ngày, thấy được bóng tối của ban đêm, thấy được các vật nầy, những cảnh kia; Tai nghe (Nhãn thức tâm) đủ thứ loại âm thanh, rồi “ý” suy nghĩ về những trần cảnh đó, v.v…

Do vậy, tâm chúng ta không “rảnh” để thấy rõ ra được sự vận hành, sinh khởi lên và biến mất đi, một cách liên tục nơi tâm thức của hành giả:

– Đó là những tâm thức (ý niệm) vọng tưởng về quá khứ; suy tư hay tưởng tượng về tương lai; những cảm thọ vừa lòng, hoặc mỏi, tê khó chịu không đáng được ưa thích… Tập hợp nhiều trạng thái tâm đang diễn ra trong hiện tại một cách phong phú, phức tạp, đan chồng chéo lên nhau như thế nào???


Tại sao ta cần phải nhắm mắt để hành Thiền?

Khi nhắm mắt và đóng các căn môn:

Khi các căn môn (mắt, tai, v.v…) được đóng lại, các nhãn thức tâm, liên hợp ý thức tâm, v.v… được cách ly với các trần cảnh, nên không thấy được gì. Do đó nhãn thức tâm (dòng tâm liên tục) không còn cơ hội phóng ra để chụp bắt ánh sáng và cảnh vật bên ngoài được nữa!

Vì không phải “bị tiếp xúc” với mọi hình ảnh, cũng như bắt ánh sáng bên ngoài, nên tâm thức của Hành giả lúc nầy được “rảnh rỗi” hơn và dễ thấy ra được sự vận hành phiền não tự nhiên của nó như:

+ Tập hợp những tâm thức (ý nghĩ) vọng tưởng về quá khứ, ảo tưởng về tương lai và do tâm thức không bắt với các trần cảnh bên ngoài, nên những cảm giác của Hành giả lúc nầy không còn phụ thuộc với cảnh bên ngoài nữa!  Nhưng thay vào đó là sự ưa thích hay không ưa thích với “sắc thân bên trong” như các cảm giác ngứa ngáy, nóng nực, tê, mỏi, đau, nhức, khó chịu, v.v…hay “Tâm đã và đang bắt cảnh bên trong”.

Đây là lý do tại sao khi nhắm mắt và “đóng” các căn môn (cửa giác quan bên ngoài) lại để hành Thiền, thì thấy bên trong như một bãi chiến trường, phải vậy không quý vị?

Hơn nữa, tâm thức lúc nầy lại bị bắt buộc, thúc ép cột vào một đề mục duy nhất là hơi thở! Thử hỏi khác nhau như thế nào, có nhiều không? Tất nhiên là quá sức nhiều rồi phải không?

Quý vị có từng nghe câu: “Tâm Viên, ý Mã” chưa?

Câu nầy so sánh ví von rằng: “Tâm con người chúng ta sanh khởi, thay đổi liên tục như con Vượn (Viên) chuyền từ cành cây nầy sang nhánh cây khác, dường như chẳng muốn nghỉ ngơi; Ý – suy nghĩ của con người, phóng ra nhanh như Ngựa (Mã) phi vậy”.

Nhờ nhắm mắt lại, mà chúng ta mới đặt tâm được trên đề mục[2] hơi thở.

Có thể ví dụ sự hành Thiền bằng cách sau:

  1. Hơi thở được ví như sợi dây cột vào “Tâm vọng động”của Hành giả.
  2. Chánh niệm (Sati)chính là tâm thiện (Kusala citta), sự giác tỉnh của Hành giả.

Nhờ sự thực hành Chánh niệm (Sati) một cách liên tục, tổng hợp tâm sinh ra được tập trung gom tụ sung mãn tại một điểm, do đó ánh sáng được thắp lên dần dần sáng chói[3]  rực rỡ (gọi là Quang tướng), duy trì Chánh niệm một cách liên tục cho đến khi tâm “bất thần” nhập Định (Ekaggata samadhi). Lúc nầy tâm tăng trưởng và trở thành Sắc giới Đại Thiện tâm (Maha rupa vacara citta) – Sơ thiền.


Người hành Thiền (luyện tâm) cũng có thể được ví như người kỵ mã luyện ngựa hoang.

Con ngựa hoang mới bắt từ rừng về:

  1. Bước đầu tiên phải đưa ngựa vào một chuồng. (Tham gia vào trường Thiền).
  2. Thứ nhì cột dây vào hàm, cổ con ngựa. (Phát nguyện giữ giới: Ngũ giới, Bát Quan Trai giới, nội quy sinh hoạt của trường Thiền).
  3. Cuối cùng mới bắt đầu rèn luyện nó quen dần theo ý chủ nhân. (Cần mẫn thực tập Thiền, trau dồi Thiền và chứng đạt các Pháp an tịnh…).

Việc tập trung tinh thần vào một đối tượng (đề mục) duy nhất, lúc đầu khiến cho biết bao nhiêu ý nghĩ bắt đầu xuất hiện, lộ rõ nguyên hình, nào là chuyện quá khứ, chuyện tương lai, đôi khi chẳng đâu vào đâu, việc tiêu cực, tốt lành, v.v… rồi cơ man nào là các cảm thọ mỏi, tê, khó chịu, v.v… liên tục sinh khởi, hầu hết đó chính là vô số tâm thức bấn loạn trong chúng ta, tượng trưng cho con ngựa hoang vừa bị bắt từ rừng về, mặc dầu bị cột dây, nhưng nó vẫn ra sức vùng vẫy, chạy tới chạy lui, luôn luôn có ý muốn bức thoát ra khỏi sợi dây vậy!

Với sự sinh khởi liên tục không ngừng của nhiều loại cảm giác và vọng tưởng như thế, khiến tâm thức chúng ta chẳng khác một bãi chiến trường!

Sự cần mẫn, tập thiền của Hành giả tựa như một chiến sĩ giữa trận tiền, thắp lên ngọn đuốc tỉnh thức, sáng suốt để chiến đấu với bao vọng tưởng, vọng niệm, là bè phái của đội quân phiền não và đó cũng không phải đối tượng nào xa lạ hơn, ngoài những cảm giác mỏi, tê, khó chịu (bất toại nguyện) xảy ra, v.v… trong nội tâm của chúng ta vậy.”

Hành giả là bậc Thiện trí thức một khi thấy ra được rằng:

“Tất cả trong một kiếp nhân sinh nầy, buồn, vui, thiện, ác, xấu xa hay tốt đẹp; trí tuệ hay tối tăm; khổ đau hay hạnh phúc; nghiệp chướng, trầm luân hay an vui, giải thoát, v.v… phần lớn là tùy thuộc trên nội tâm trí tuệ, giác ngộ ít nhiều của chính chúng ta”.

Cảm nhận và thấu triệt được những “quy luật bất biến” nầy, từ lời dạy của Đấng Giác Ngộ, bậc Thiện tri thức chiến đấu, chế ngự những vọng tưởng hoang dại, phiền não của chính bản thân, như những dũng tướng xông pha, không chịu khuất phục trước quân thù!

Chúng ta quyết tâm không chịu cùng chung lối bước với “quân thù”! Quân thù ở đây chính là những phiền não ngũ ngầm: Tham (lobha), Sân (dosa), Si (moha) nơi tâm.

Chúng cũng chính là những thủ phạm đôi lúc thật sự yếu hèn, tạo ra sự bất an, lo âu, sợ hãi, ngã chấp, nóng nảy, bệnh hoạn, v.v… cho chính ta và cho cả tha nhân.

Chính sự chưa giác ngộ Chơn tâm là động cơ lớn, gây nên bao não phiền, thất vọng và những nỗi niềm đau đớn, bức bách nầy, đã tích lũy ngủ ngầm trong chúng ta qua vô lượng kiếp sanh tử luân hồi đến hôm nay.


Vận dụng sự sáng suốt, sự chánh niệm và sự hiểu biết để học tập “cách nhìn”

Có những giờ ngồi Thiền, chúng ta vận dụng sự sáng suốt, sự Chánh niệm và sự hiểu biết của mình để học tập “cách nhìn” cho thật rõ những khổ thọ sinh khởi, những cảm giác khó chịu khiến ta không hài lòng… Hành giả cố gắng cần mẫn quán sát, để rồi thấy – biết tầm mức nguy hiểm và tổn hại vô cùng lớn lao của “sự cố chấp và cá tánh chấp chặt cố hữu của chính mình” nơi tâm tới mức độ nào, và quả thật là vô cùng phức tạp lắm phải không?

Thiền sư:

– Người ra trận chiến đấu với quân thù chết mấy lần quý vị?

Thiền sư:

– Một lần…

Thiền sư:

– Còn Hành giả hành Thiền, chiến đấu với giặc vọng tưởng thì chết mấy lần, thưa quý vị?

– Vô số lần (Sư cười hoan hỷ).

Trong quá trình hành Thiền, khi có những suy nghĩ vọng tưởng về quá khứ hoặc suy nghĩ vọng tâm về tương lai sinh khởi lên, Hành giả chỉ cần với sự tỉnh giác và Chánh niệm ghi nhận rằng: “Suy nghĩ à! Suy nghĩ à!” hoặc “Vọng tưởng à! Vọng tưởng à!”, một lần hoặc hai lần như vậy, ngay lập tức luồng suy nghĩ “vọng tưởng” đó biến mất liền ngay tức khắc.

Cũng tương tự như các loại cảm thọ, tại điểm nầy Hành giả nên lưu ý rằng không nên khởi tâm khó chịu và ý muốn xua đuổi những vọng tưởng nầy đi đó nhé!

Vì nếu Hành giả càng khởi tâm khó chịu với những vọng tưởng đó sinh khởi, mà càng xua đuổi “nó” chừng nào, “nó” càng không dễ dàng biến đi chừng đó! Quý vị có từng nghe bài hát gì mà có câu: “Càng cố quên, mà lòng càng nhớ thêm không?”.

Thiền sinh:

– Dạ có! (cười vui).

Những lúc cảm thọ đau, mỏi, tê, v.v… khởi sinh lên và chúng từ từ gia tăng dần. Hành giả cần bình tĩnh, sáng suốt, thận trọng, không chấp chặt, buông xả tất cả những cảm thọ đó, khởi tâm buông xả và buông xả tất cả… quyết tâm bám sát vào hơi thở (là đề mục chính), để tâm ta được tập trung mạnh mẽ trên hơi thở mà thôi!

Đôi khi những cảm thọ nầy sinh khởi lên mạnh mẽ, tới mức như muốn thách thức ta, muốn cho ta nản lòng và bỏ cuộc! Lúc nầy Hành giả như một chiến sĩ bất khả chiến bại, vẫn an nhiên gìn giữ tâm trí bình tĩnh, để bám sát sự ra vào của hơi thở.

Những lúc mệt nhọc, hành giả tự nhủ:

  • “Bây giờ ta cần phải nghỉ ngơi, để quân bình sự phát triển đồng đều cho cả hai năng lực của thân và tâm, đồng thời để tái tạo lại sức lực, sau đó tiếp tục hành Thiền sẽ hiệu quả hơn!”.

Ví như một người đẩy xe vượt lên dốc đèo cao, khi đến chỗ dốc quá cao, cần tạm thời dừng lại nghỉ ngơi, ăn uống có đủ dưỡng chất, nhằm tái tạo lại sức lực, sau đó cho xe chạy lui lại một đoạn để lấy đà và dồn sức đẩy tống mạnh cho xe vượt qua khỏi dốc đèo cao! Việc hành Thiền có những lúc chúng ta cũng dùng chiến thuật tương tự như vậy.


Một số trường hợp đắc Pháp thường gặp:

  1. Thời ngồi Thiền kế tiếp, thường có sự định tâm tiến bộ một cách vượt bậc hơn thời hành Thiền vừa nỗ lực trước đó (do nhờ các cảm thọ, triền cái hay chướng ngại tâm đã được gọt giũa). 
  2. Thời ngồi Thiền trước, Hành giả chỉ biết đối phó với những khổ thọ (Dukkha vedanā) mỏi, tê, đau, khó chịu v.v… có nhiều lúc nản lòng, như muốn bỏ cuộc! Tuy nhiên, những sự cần mẫn, nhiệt tâm đó, không những không bị uổng phí mà còn được đền bù một cách vô cùng xứng đáng vào những lần ngồi Thiền tiếp theo:
+ Tạo cơ hội quý báu cho sự chứng đạt Pháp Bảo (Ratana dhamma), như phát sinh sự vui vẻ, sảng khoái, phấn chấn trong tâm hồn của Hành giả- Pháp Hỷ (Pῑti).
+ Phát sinh sự an lạc, sâu xa vi tế, mát mẻ, tịnh lạc thần tiên trong tâm hồn của Hành giả – Lạc (Sukha).
+ Ánh sáng Quang tướng (Paṭibhāgha nimitta) xuất hiện, để rồi mang lại cho Hành giả nguồn thanh tịnh, khinh an, hạnh phúc (Sukha vedanā) vô bờ bến…

Những trạng thái tinh thần bất an, lo lắng, yếu đuối, thấp thỏm, sợ hãi, bi quan, nhu nhược, nghi ngờ luật Nhân – Quả trong đời, v.v… thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày (mỗi khi có yếu tố tiêu cực ngoài ý muốn tác động đến).

Tự chúng sẽ bị triệt tiêu, ví như khi mặt trời mọc lên thì màn đêm của bóng tối kia, dù không xua đuổi mà vẫn tự tiêu tan vậy! Và do đó tâm an vui, hạnh phúc, ung dung tự tại càng lúc càng tăng trưởng tương ứng theo công phu cần mẫn của của Hành giả.

Có khi ngay trong lúc Hành giả đang nỗ lực “ngắm nhìn” các cảm thọ mỏi, tê, v.v… khó chịu, liên tục sinh khởi, đến mức nản lòng, chuẩn bị muốn bỏ cuộc, thì “bất thình lình” pháp Hỷ – Lạc vui sướng, hạnh phúc, bình an, hoặc ánh sáng rực rỡ của Quang tướng (Paṭibhāgha nimitta) tràn ngập đến một cách đột ngột, bất ngờ mà hành giả không thể nào có sự chuẩn bị để biết trước được!


Tóm lại:

Những hiện tượng ánh sáng hay những trạng thái an vui hạnh phúc vô biên của pháp Hỷ – Lạc  xuất hiện đến như trên, luôn luôn là bất thình lình và tự nhiên (chắc chắn chỉ xảy ra ngoài những giây phút mong cầu hay chờ đợi của hành giả).

Những Pháp trên sẽ không bao giờ xuất hiện trong lúc Hành giả có tác ý vọng tâm “mong chờ”, bởi vì mong chờ là trạng thái thuộc “Tham tâm (Lobha)“ khởi lên sẽ là chướng ngại khiến hành giả luôn bị phân tâm, do đó sự định tâm không bao giờ đạt được (quý hành giả cần thường lưu ý điểm nầy!).

Hành giả cần dặn lòng rằng:

“Sự thiền tập là của ta, ánh sáng hay những trạng thái hỷ lạc, hạnh phúc hay an tịnh… đến khi nào là trách nhiệm của Pháp! Khi nước trong hồ đầy, rồi sẽ tự tràn!. Khi định tâm đủ mạnh, tự nó sẽ phát sinh niềm an lạc và hiển lộ ánh sáng của Chơn tâm, hà tất phải chờ mong”.


Tham khảo:

  • [1](Bởi luôn luôn có ít nhất một loạt 7 tiến trình Tâm sở liên tục sinh khởi trong 89 Tâm hay 121 Tâm, như:(phassa) Xúc, (vedanā) Thọ, (saññā) Tưởng, (cetanā) Tư, (ekaggatā) Định, (jῑvitindriya) Danh mạng căn, (manasikāra) Ý hành Tâm sở, trong lúc các căn thức của chúng ta tiếp xúc với các trần cảnh, v.v…
  • [2](ở đây nói về đề mục hơi thở);khác với Các đề mục Kasina như: Đất, Nước, Lửa, Gió…thì trước phải mở mắt để bắt đối tượng, sau đó rồi mớ nhắm mắt.
  • [3](ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, ch.5; vncphvn. 1996, tr.346)
  • [4](Quả phước lành của người đắc pháp Hỷ Lạc hay Quang Tướng lớn lao không thể nghĩ bàn được trình bày trong một phần khác liên quan đến chương trình nầy).