Tiền kiếp mẹ của cậu Singālaka là cô con gái của một vị quan, sanh vào thời kỳ của Ðức Phật Padumuttara.

Khi cô trưởng thành được phép từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Ngài. Tỳ khưu ni này là một người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo. Do nhờ thiện pháp ấy, trong vòng tử sanh luân hồi suốt 100.000 đại kiếp không một kiếp sống nào bị sa vào 4 đường khổ (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh).

Thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, cô tái sanh làm con gái của phú hộ ở kinh thành Rājagaha. Khi trưởng thành, cô kết hôn cùng với người con trai của một gia đình phú hộ, và hạ sanh được một người con trai đặt tên là Singālaka. Vì thế, nên bà có tên gọi là Singālaka-mātā (mẹ của cậu Singālaka).

Về sau, bà đi xuất gia trở thành Tỳ khưu ni, với đức tin trong sạch đặc biệt trong giáo pháp của đức Phật Gotama.

Sau khi trở thành Tỳ khưu ni, bà tiến hành thiền niệm Ân Ðức Phật (Buddhànussati) rồi dùng năng lực định tâm của đề mục này làm nền tảng, tiến vào Thiền tuệ và đắc đạo quả Thánh A La Hán cao thượng.

Ðức Phật tán dương Tỳ khưu ni Singālaka-mātā có đức tin trong sạch xuất sắc nhất trong hàng nữ Thanh Văn đệ tử của Ðức Phật.

Và còn có nhiều trường hợp tương tự khác…

Ðề mục niệm Ân Ðức Phật là một đề mục dễ làm cho phát sanh đức tin nơi Tam bảo, mà đức tin là nền tảng mọi thiện pháp từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến siêu tam giới thiện pháp.

Như vậy, thiền niệm Ân Ðức Phật không chỉ là đề mục của thiền định, mà còn là pháp làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ, dẫn đến diệt tận phiền não,…chứng đạt Thánh quả và Niết bàn cao thượng.

Như Ðức Phật dạy:

“Này chư Tỳ khưu, có một pháp hành mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sanh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp sắc pháp, để diệt tận sân hận, si mê,… để làm vắng lặng mọi phiền não; để phát sanh trí tuệ,… thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã; để chứng ngộ Đạo quả và Niết Bàn. Pháp hành ấy là gì?

Pháp hành ấy chính là Buddhānussati = pháp thiền niệm Ân Ðức Phật.

Này chư Tỳ khưu, pháp thiền niệm Ân Ðức Phật, mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sanh sự nhàm chán trong ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp,… để làm vắng lặng mọi phiền não, để phát sanh trí tuệ,… để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, và Niết Bàn cao thượng”.

(Trích từ sách: Kỹ Thuật Thiền Niệm Ân Đức Phật – Thiền sư Thiện Minh biên soạn)