Năm loại Thắng trí – Các năng lực thần thông –  Thiên Nhĩ Thông

* Thiên Nhĩ Thông (Dibbasota abhiññā)

1. Bây giờ đến lượt mô tả về “thiên nhĩ giới”:

– Ở đây và cũng như trường hợp ba loại thắng trí còn lại ý nghĩa của đoạn kinh mở đầu:

“Với tâm đã được định tỉnh, thuần tịnh, trong sáng không cấu uế, đã trở thành nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc và đạt đến bất động. Vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến các loại thần thông như… 11 Vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến thiên nhĩ giới. Với thiên nhĩ thuần tịnh siêu nhân, vị ấy nghe cả hai loại âm thanh, âm thanh chư thiên và âm thanh cõi người, xa và gần” 12.

2. Ở đây, với “thiên nhĩ giới”:

– Thiên nhĩ có nghĩa giống như tai của Chư thiên, vì Chư Thiên có cái cảm tính nhạy bén dùng làm nhĩ giới thuộc Chư Thiên, cảm tính ấy do nghiệp sinh, mà đây là nghiệp gồm những thiện hành, cảm tính ấy không bị mật, đàm, máu huyết, v.v… làm chướng ngại và có thể nhận biết một đối tượng dù cách rất xa bởi vì nó đã giải thoát khỏi cấu uế.

– Và nhĩ giới này gồm trong sự hiểu biết (hay trí) phát sinh do năng lực tinh tấn trau dồi của vị tỳ kheo, giống như cảm tính của Chư Thiên, nên gọi là thiên nhĩ.

– “Thuần tịnh” thiên nhĩ giới ấy hoàn toàn trong sạch, vì không có cấu uế. “Siêu nhân” trong việc nghe các âm thanh, nó vượt xa nhĩ giới của loài người vì vượt quá phạm vi con người.

3. Vị ấy nghe cả hai loại âm thanh. Hai loại đó là gì?

– Tức là âm thanh của Chư Thiên và của loài người. Điều này được hiểu là bao gồm một phần “những âm thanh ở xa cũng như âm thanh ở gần”: có nghĩa vị ấy nghe những tiếng ở thật xa, ngay cả trong một thế giới khác, và âm thanh ở gần, ngay cả tiếng của những loài chúng sinh, côn trùng… ở ngay trong thân của vị ấy. Ðiều này cần được hiểu là bao quát toàn phần.

4. Nhưng làm thế nào để thiên nhĩ giới này được phát sinh?

– Vị tỳ kheo phải nhập định của thiền căn bản cho thắng trí rồi xuất định. Rồi với tâm thuộc về định của công việc chuẩn bị, vị ấy cần tác ý trước tiên đến các âm thanh thô ở xa thông thường trong tầm tai nghe được: như tiếng sư tử gầm trong rừng sâu, v.v… hay tiếng chuông, tiếng trống, tiếng còi, tiếng học bài của các chú tiểu và tiếng các tỳ kheo trẻ đang cao giọng đọc tụng trong tu viện, tiếng nói chuyện thường của họ, như “cái gì, đại đức?”, “cái gì, hiền giả?”, v.v… tiếng chim hót, tiếng gió thổi, tiếng chân bước, tiếng nước sôi reo, tiếng lá dừa khô dưới nắng, tiếng của kiến, v.v…

– Khởi sự như vậy bằng những âm thanh hoàn toàn thô, vị ấy tuần tự tác ý đến những âm thanh dần dần vi tế. Vị ấy phải tác ý đến tướng của âm thanh ở phương đông, phương tây, phương bắc, phương nam, phương trên, phương dưới, phương trung gian phía đông, phương trung gian phía tây, phương trung gian phía bắc và phương trung gian phía nam. Vị ấy cần tác ý đến tướng âm thanh thô và tế.

5. Những âm thanh này là rõ rệt ngay cả đối với thức bình thường của vị ấy, nhưng chúng đặc biệt rõ đối với Tâm trong định ở công việc chuẩn bị (vị ấy được gọi là đắc thiên nhĩ ngay khi tâm an chỉ vừa sinh khởi, không cần phải làm gì thêm).

– Khi vị ấy tác ý đến tướng âm thanh như vậy, (nghĩ rằng) “bây giờ thiên nhĩ giới sắp sinh khởi” ý môn (mind-door- manodvara) hướng tâm (àvajjana) sinh khởi, lấy một trong những âm thanh này làm đối tượng cho nó khi tâm ấy đã ngưng, thì đến bốn hoặc năm tốc hành tâm xảy ra, ba hoặc bốn tâm dẫn đầu thuộc về dục giới và gọi là chuẩn bị (parakamma), cận hành (access), thuận thứ (anuloma) và chuyển tánh (gotrabhù) trong khi tâm thứ tư hoặc thứ năm là tâm an chỉ (appanà – absorption consciousness) thuộc tứ thiền, sắc giới.


6. Ở đây, chính cái trí khởi lên cùng cái định an chỉ được gọi là thiên nhĩ giới.

– Sau khi định an chỉ đã được đạt, thì thiên nhĩ giới đã được chan hòa vào trong cái tai (của trí) ấy. Khi củng cố nó hành giả cần nới rộng tâm nó ra dần bằng cách định giới hạn bằng một ngón tay như sau:

“Ta sẽ nghe âm thanh trong lãnh vực này”. Rồi hai ngón, bốn ngón, tám ngón, một sải tay, một ratana (bằng 24 độ dài của ngón tay), bên trong của một gian phòng, ra ngoài hành lang tòa nhà, đường đi kinh hành ở xung quanh, vườn của tu viện, khu làng khất thực, cả vùng, v.v… cho đến giới hạn của cả thế giới hay xa hơn nữa. Ðây là cách hành giả nới rộng tâm thiên nhĩ từng giai đoạn.

7. Một người đã đạt đến thắng trí theo cách đó còn nghe nhờ thắng trí mà không cần phải tái nhập thiền căn bản, nghe bất cứ âm thanh nào đến trong tầm không gian được chạm bởi đối tượng của thiền căn bản. Và trong khi nghe như vậy, dù cho có một tiếng vang dậy những âm thanh của tù và (còi) trống, xập xỏa, v.v… vang cho đến Phạm thiên giới, vị ấy nếu muốn, vẫn có thể định rõ, phân biệt rõ từng loại âm thanh như: “đây là tiếng loa, đây là tiếng trống, v.v…”.

 

Tác giả: Thiền sư Thiện Minh (Varapañño)
        – Tiến sĩ Phật học (Srilanka) –


Tham khảo:

  • 11(D. i, 79)
  • 12 (D. i, 79)