“Không có một chiến thắng vẻ vang nào hơn chiến thắng chính bản thân mình”.
(Phật ngôn)


Đặt mục tiêu gần nhất cho tâm

Thiền sinh:

– “Thưa thầy, con vô ngày nầy là ngày thứ hai. Từ đó đến giờ, con rất muốn ngồi thiền mà không cách nào con ngồi đươc. Giờ con tập ngồi khoảng 30 phút trở lại, con ngồi lâu hơn nữa thì ngồi không được, nghe như rất là nhức mỏi.

– Lúc đầu, con tính tham gia 3 ngày thôi là con về, vì con có công việc, nhưng giờ con quyết tâm tham gia đến cuối khóa. Con nhờ thầy chỉ dạy cho con, phương pháp nào để con ngồi thiền được. Như thầy giảng hồi sáng, con rất là giác ngộ về thiền đã làm cho con tinh tấn, đồng thời bạn của con cũng rất muốn con đi học để tâm con được bình an, không còn bị bất an.”

Thiền Sư:

– “Hồi sáng, Cô nghe Sư giảng về “khổ” không? Cô thấy tập thiền có khổ không?”.

Thiền sinh:

– “Dạ có, nhưng mà con thấy phương pháp nầy rất là hay. Lúc đầu con nghĩ, con đi chỉ có ba ngày, nhưng qua ngày thứ 2 rồi nghe Thầy giảng con ngộ ra và con quyết tâm theo tới cùng luôn. Nhưng mà từ xưa đến giờ, tâm con thường bất an!”.

Thiền Sư:

– “Cô tưởng rằng, chỉ có một mình tâm của Cô là bất an thôi sao! Còn lại tất cả tâm an hết trơn rồi sao!”.

Thiền sinh:

– “Từ xưa đến giờ, tâm của con chao đảo nhiều lắm, thưa Sư!”.

Thiền Sư:

– “Chao đảo bên ngoài thôi, đừng để chao đảo bên trong, mới là điều quan trọng phải không?”

Phương pháp nầy, mới vô 2 ngày đầu tiên, khi nào chân mỏi hoặc tê, đau là mình phải chuyển đổi tư thế đúng không?

Trong 2, 3 ngày đầu cần phải thực hành như vậy, là để cho định tâm từ từ phát triển, cũng như để cho thân và tâm được phát triển quân bình. Cũng như giấc ngủ là để cơ thể nghỉ ngơi, tái tạo lại sức khỏe sau một ngày làm việc mệt nhọc.

Trong cuộc sống, mình chạy làm việc lao xao, bao nhiêu năm rồi, khiến cho cái thân, tâm nầy vất vả, đau đớn nhiều lắm rồi! Chừ vô đây ngồi chịu đau đớn thêm nữa thì làm sao mà chịu nỗi nữa đúng không ?

Cho nên 2, 3 ngày đầu tiên, lúc nào mỏi thì cứ chuyển đổi chân, cứ thay đổi tư thế chân, ngồi tự nhiên, để nuôi dưỡng, dìu dắt từng bước cho năng lực Tâm và Thân được tăng trưởng và sung sức đồng đều.

Đến ngày thứ 3, là bắt đầu chiến đấu được rồi đó. Hôm nay còn là ngày thứ hai, nên mình chiến đấu ít ít thôi!


Chiến đấu ít ít là như thế nào?

Là ta vẫn bám sát đề mục chính là hơi thở, nếu có cảm thọ mỏi, tê, đau, v.v… sinh lên thì mình “xả” (xả nghĩa là giả lơ, không quan tâm gì đến những cảm thọ khiến ta khó chịu đó) và ta vẫn kiên trì bám sát hơi thở vào và hơi thở ra.

Tuy nhiên, với khoảng thời gian hơi lâu, nếu cảm giác đau, mỏi, tê, v.v… khó chịu đó cứ dai dẳng, khiến mình “xả”, giả lơ vài lần, nhưng cảm thọ vẫn chưa dễ chịu hơn, thì mình sẽ chuyển đổi tư thế ngồi, hoặc chuyển chân trái ra ngoài, chân phải vào trong và ngược lại, hoặc kê gối, hoặc chuyển thế ngồi qua một bên, giữ chân trước gấp lại bình thường và một chân còn lại gấp ngược ra sau, thậm chí chuyển đổi ngồi trên hai bắp chân như võ sĩ đạo của người Nhật, trong thời gian ngắn cũng tốt…

Nói chung, chuyển đổi tư thế ngồi đủ mọi kiểu là nhằm mục đích vỗ về cho phần thân dưới, giảm bớt khó chịu đối với các cảm thọ gay gắt, cho ta “dễ dàng luyện tập dần” sự an trụ Tâm trên đề mục chính là hơi thở vậy (bởi vì định tâm của hành giả lúc ban đầu còn non yếu, nên dễ bị “chúng” chi phối và khuất phục!).


Ngày thứ Ba: là ngày ta bắt đầu nỗ lực giải quyết các chướng ngại tâm trên con đường thiền này!

Suy xét rằng:

– Cứ mỗi khi cơn tê, mỏi gây khó chịu sinh lên, là ta lại thay đổi tư thế một lần, và nếu ta xoay chuyển tư thế hết bên nầy, rồi tới bên kia, thì “nó” cứ bắt ta phải thay đổi tư thế hoài và sự định Tâm ta sẽ khó mà tiến bộ được!

– Đồng thời chính “nó”– các cảm thọ đau đớn nầy là Ông chủ khiến ta mãi mãi phiền muộn, khổ đau và làm nô lệ, để chiều theo với các cảm thọ nầy, mãi mãi cho đến lúc ta hết thọ mạng trong kiếp sống này!

– Nhất là trong hiện tại, nếu các cảm thọ khó chịu nầy, cứ mãi tiếp diễn sẽ là chướng ngại ngăn chặn, không bao giờ cho ta đạt được sự Định tâm” trong pháp thiền nầy! Để giải quyết các khổ thọ khó chịu gây chướng ngại nầy, ta sẽ áp dụng theo các bước như sau:

  • Và bây giờ, ta bắt đầu phát nguyện: nguyện cho tôi ngồi yên lặng hoàn toàn, không nhúc nhích trong thời gian 10 phút (ngồi im lặng, phát nguyện trong tâm 3 lần, chứ không nên mở mắt ra mà phát nguyện nhé).
  • Sau khi đã phát nguyện trong tâm rồi, cho dù nếu sự mỏi, tê, ngứa ngáy khó chịu, v.v… có phát sinh lên như thế nào chăng nữa, ta cũng quyết tâm, nhẫn nại không nhúc nhích hoặc thay đổi tư thế, dù một động tác rất nhỏ nhặt nơi thân của chúng ta. Đó là lời phát nguyện chơn thật.
  • Nếu phần dưới thân êm ái, thì tâm cứ theo dõi liên tục hơi thở.
  • Nếu phần dưới không êm ái, cơn đau khó chịu cứ kéo dài, thì lúc nầy, tâm hành giả tạm thời tách rời hơi thở và chú Tâm hoàn toàn ngay vào “chỗ đau” nầy.

– Ví dụ: mỏi ngay chỗ đầu gối, thì tâm ta đặt ngay chỗ đầu gối đồng thời niệm trong tâm “mỏi à! mỏi à!”, nếu là tê thì niệm “tê à, tê à, tê à!”. Tức là ta nhận diện sự thật của các cảm thọ đang sinh khởi, chứ không chạy trốn nó nữa, đón nhận sự thật, chấp nhận sự thật, dồn 100% sự tập trung tâm ý vào để “ngắm nhìn” nó, để niệm nó!

– Với cách nhìn như vậy hành giả sẽ thấy ra rằng: những cảm thọ tê, mỏi, v.v… nầy dần dần chuyển từ dạng nầy sang dạng khác… chứ không còn cố định một trạng thái như ban đầu nữa (luật vô thường của cảm thọ).

Nếu 10 phút trôi qua nhanh quá, mà các cảm thọ mỏi, tê, v.v… vẫn còn dai dẳng và tâm ta vẫn còn có thể chịu đựng được, thì ta có thể tiếp tục tự phát nguyện và gia hạn thêm 10 phút nữa!           

Sau đó cơn tê, mỏi, v.v… sẽ chuyển dạng, có thể dứt hẳn một thời gian dài, hoặc có thể chuyển sang một dạng khác với cường độ mạnh hơn hoặc yếu hơn.

– Một vài lần phát nguyện như vậy, hành giả sẽ tự rút ra kinh nghiệm về cách chiến thắng, khắc phục Tâm tuyệt vời nầy, để dìu dắt, nâng đỡ dần từng bước cho Tâm của mình tiến bộ, từ chỗ yếu nhược tăng đến mức độ hùng cường, chính mình cũng không thể ngờ nổi! Và sau đó tự hành giả sẽ biết cách phát nguyện thời gian dài hay ngắn, chừng nào cho thích hợp với sự tiến bộ của mình.

– Ví dụ sau khi đã tiến bộ tốt rồi, có thể nguyện một giờ, hai giờ vv… Tuy nhiên, nhớ rằng nên nguyện cho sự tiến dần, từng ít một, như mỗi lần gia tăng khoảng 15-20 phút!

Một bí quyết vô cùng quan trọng, và cũng chính là “cứu tinh” cho mình, đó là thỉnh thoảng hành giả nên “nhắc lại” trong tâm, nhất là vào những lúc có những cảm thọ đau, mỏi bức bách khó chịu rằng: “Cái đau nầy không phải là của ta!” thì dù thời điểm đó cơn đau đang hoành hành như thế nào chăng nữa, cũng sẽ tự động yên lặng xuống ngay lập tức!

Đây là pháp nhắc lại cho Tâm tỉnh giác về sự giác tánh vô ngã của ta, cũng như là đặc tính vô ngã của cảm thọ vô cùng tuyệt vời!

Tâm ta chỉ bắt một đối tượng trong một lúc, nên nếu ta đặt tâm chỗ nầy rồi, thì tâm sẽ không có chỗ kia. Bây giờ tạm được rồi, Cô cố gắng hành trì liên tục nhé!

Thiền sinh:

– “Dạ vâng, con xin Sadhu Sư!”.