Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nguyên thuỷ. Ngày  trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ:

  • Đức Bồ Tát Ðản Sanh
  • Đức Phật Thành Đạo
  • Đức Phật nhập Niết Bàn.

Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ “Tam Hợp”, ngày lễ Vesakha.

Ngược dòng lịch sử cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Từ Tôn, cứu thế đã xuất hiện giữa Trung Ấn Ðộ để sau này trở thành một bậc Ðại Vĩ Nhân mở đầu cho một kỷ nguyên an lạc và giải thoát.

Ngài ra đời nhằm ngày thứ sáu, rằm tháng Tư âm lịch. Lời nói đầu tiên của con người hi hữu phi phàm này ngay sau khi xuất hiện giữa trần gian ở vườn Lâm-tỳ-ni tại thành Ca-tì-la-vệ như sau:

“Ta là bậc cao nhất trên đời,

Ta là người quý nhất trên đời,

Ta là bậc chí tôn trên đời,

Sự sinh ra của ta kiếp này là kiếp cuối cùng,

Nay ta chẳng còn tái sinh nữa.”

Ngài lớn lên trở thành người tài ba lỗi lạc, tướng mạo cực kỳ khôi ngô, sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, hầu xinh, giường ngà, chiếu ngọc, nhưng với chí nguyện “độ đời”, lúc nào Ngài cũng băn khoăn, suy tư, khắc khoải, lo âu tìm kiếm một con đường giải thoát để cứu khổ cho chúng sanh đang u mê trong đêm tối của cuộc đời.

Vượt kinh thành, xuất gia tìm đạo và trải qua sáu năm khổ hạnh, màn trời chiếu đất cơ cực trăm bề, rốt cuộc Ngài tự phát hiện ra con đường Trung đạo, có năng lực đưa đến thoát ly sinh tử, và cuối cùng Ngài đã đắc đạo quả trong ngày thứ ba, rằm tháng Tư.

Lời nói đầu tiên của đức Thế Tôn sau khi đắc thành quả Phật là:

“Ta lang thang trong vòng luân hồi, trải qua bao kiếp sống. Ta đi tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà, cứ lặp đi lặp lại đời sống quả thật phiền muộn. Này hỡi kẻ làm nhà, nay ta đã khám phá ra ngươi, từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai được nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy đổ, kèo cột bị phá tan. Mọi ái dục Như Lai đã đoạn trừ, Như Lai đã chứng quả vô sanh bất diệt”.

(Kpc 153 – 154)

Sau khi chứng quả Chánh Biến Tri, thay vì an hưởng quả vị siêu thoát một mình, nhưng với lòng từ bi vô lượng thúc đẩy Ngài không nỡ để cho chúng sanh chìm ngập khổ sầu mãi trong biển lệ trầm luân, nên Ngài nỗ lực suốt 45 năm trường đem đạo vàng truyền bá khắp nơi, nhằm một mục đích duy nhất là đem lại hạnh phúc và giải thoát cho chư thiên và nhân loại.

Cuộc đời hoằng hóa lợi sinh của đức Phật trong suốt 45 năm, mỗi ngày được chia ra làm 5 công việc như sau:

  1. Sáng, đi khất thực và gieo duyên lành cho chúng sanh.
  2. Chiều, thuyết pháp cho chúng sanh.
  3. Tối, giáo giới chư Tăng.
  4. Khuya, giảng pháp và trả lời thắc mắc cho chư thiên.
  5. Rạng đông, dùng Phật nhãn xem xét trong tam giới có chúng sanh nào hữu duyên để tế độ hôm ấy.

Do đó đời Ngài hoàn toàn hy sinh để thực hiện hạnh độ đời cho đến hơi tàn sức kiệt, Ngài trở về Câu-thi-la và Ngài tịch diệt. Thân Ngài nằm giữa hai cây Long Thọ, và hôm ấy nhằm ngày thứ tư, rằm tháng Tư.

Lời nói sau cùng của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật là:

“Nầy chư Tỳ kheo, từ lâu nay các con nương nhờ nơi Như Lai, nay Như Lai sắp từ giả các con, kiếp sống thật là ngắn ngủi, vạn vật có sự tan rã là lẽ thường. Các con không nên có sự buồn khổ, các con hãy cố gắng chuyên cần hành đạo và đừng nên dễ duôi. Sau khi Như Lai nhập Niết bàn, Kinh-Luật là thầy của các con vậy.”

Như vậy ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Ðản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và đức Phật nhập Niết bàn.

Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật. Ðời Ngài đã thuộc về quá khứ nhưng uy danh Ngài vẫn sống mãi với trào lưu lịch sử.

(tôn trí lễ Vesak 2021 tại Bảo Tháp Xá Lợi của Ngài Thiền sư Thiện Minh – Quảng Nam)

Do đó, để tưởng nhớ đến ngày kỷ niệm lịch sử của Ngài, các chùa trong hệ Phật giáo Nam tông có tổ chức thọ hạnh Ðầu đà thức trọn đêm không nằm không dựa để tham thiền, tụng kinh, chiêm bái Xá Lợi Đức Phật Tổ, hái hoa Phật pháp, gieo duyên học Phật, luận đạo, kinh hành, v.v… hầu cúng dường đức Phật một đêm không ngủ để gieo duyên lành giải thoát và giác ngộ.

(Nguồn: Tỳ kheo Thiện Minh – https://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbpha211.htm).

– Admin –