“Gà được ví như là sự Chánh Niệm và Trứng được ví như là hơi thở ra vào tại điểm xúc chạm. Khi Gà ấp lên Ổ Trứng một cách chuyên cần, cũng giống như sự Chánh Niệm của hành giả ấp lên hơi thở ra vào tại điểm xúc chạm chuyên cần vậy!”.
(Thiền sư Thiện Minh)

Khi sắp đạt trạng thái nhập định (Appanā Samādhi)[1] tiến trình tư tưởng của hành giả trôi chảy qua các sát na Tâm như sau:

  1. Bhavaṅga: hộ kiếp Tâm
    • Khi luồng tâm dừng lại.
  1. Manodvārāvajjana: ý môn hướng Tâm
    • Ý môn hướng tâm phát sanh và lấy hình ảnh[2]Quang Tướng (paṭibhāga nimitta) làm đề mục (đối tượng).
  1. Parikamma: chuẩn bị
    • Liền sau đó, như trường hợp có thể xảy diễn, tiến trình Javana bắt đầu với Parikamma, hoặc Upacāra. Parikamma là chặp tư tưởng chuẩn bị, hay sơ khởi.
  1. Upacāra: cận định
    • Upacāra có nghĩa cận định, bởi vì nó đến cận bên trạng thái nhập định (Appanā Samādhi).
  1. Anuloma: thuận thứ
    • Chính đến chặp tư tưởng Anuloma (thuận thứ)tâm hội đủ điều kiện để cuối cùng nhập định, Appanā (toàn định). Gọi là thuận thứ (Anuloma) bởi vì chặp tư tưởng hay sát na tâm nầy khởi sanh tương hợp thuận chiều với tâm định Appanā.
  1. Gotrabhū: chuyển tánh
    • Sau đó đến chặp Gotrabhū (chuyển tánh),chặp tư tưởng vượt thoát ra khỏi Dục Giới.
    • Gotrabhū có nghĩa là cái gì chế ngự “bhū”,huyết thống phàm tục “Gotra”. Tất cả những chặp tư tưởng của tiến trình Javana, từ đầu đến chặp Gotrabhū (chuyển tánh) đều thuộc Dục Giới.
  1. Appanā: định
    • Tức khắc sau giai đoạn chuyển tiếp Gotrabhū, trong một chặp duy nhất, liền phát sanh chặp Appanā, dẫn ngay vào Thiền (Jhāna).
    • Tâm này thuộc Sắc Giới và được gọi là Đệ Nhất Thiền Sắc Giới. Nó là tâm Thiện (Kusala citta).Tâm này tồn tại trong một chặp tư tưởng rồi trôi trở lại vào trạng thái Bhavaṅga.

Sau khi tập qua 5 bước thuần thục:

Thành thạo của Bậc Đệ Nhất Thiền từ (nhập sơ Thiền từ 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, v.v…) Hành giả tiếp tục phát triển trạng thái Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, và Ngũ Thiền[3] theo cùng một phương thức như đã mô tả ở phần trên.

Năm tầng Thiền Quả (Jhāna Vipāka) là kết quả tương ứng của năm tầng Thiền Thiện (Jhana kusala). Hành giả chỉ có thể chứng nghiệm Thiền Quả nầy sau khi chết và tái sanh vào cảnh Trời Sắc Giới.

Thiền Thiện (Kusala Jhāna) và Thiền Hành (Kriyā Jhāna) thì có thể được chứng nghiệm trong Dục Giới, có khi liên tục trọn cả ngày. Năm chi Thiền: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm đồng phát sanh trong tâm toàn định (Appanā) bao gồm cái được gọi là Thiền (Jhāna).

(A). Theo hệ thống phân loại của Abhidhamma (Vi diệu pháp):

  1. Trong tầng Đệ Nhất Thiền đầy đủ Năm chi.
  2. Trong tầng Nhị Thiền, chi thiền đầu tiên Tầm (vitakka) được loại.
  3. Ðến tầng Tam Thiền, hai chi đầu (vitakka & vicāra) được loại.
  4. Ở tầng Tứ Thiền, ba chi đầu được loại (vitakka, vicāra, pῑti) được loại.
  5. Và cuối cùng, đến tầng Ngũ Thiền, chi thiền Lạc “sukha”cũng bị loại và Xả (upekkhā) được thay vào cho đến khi hơi thở hành giả dừng hẳn trong Nhất Tâm của Ngũ thiền.

(B). Theo hệ thống của Suttanta (kinh tạng) cũng như trường phái Pa-Auk gồm Bốn Tầng Thiền.


Tham khảo:

  • [1]Abhidhammattha Saṅgaha-Vi Diệu Pháp Toát Yếu-Nārada.
  • [2]Nếu là đề mục Kasina thì ở đây là hình ảnh (khái niệm).
  • [3]Abhidhammattha Saṅgaha-Vi Diệu Pháp Toát Yếu-Nārada Mahā Thera: ghi nhận có 5 Tầng Thiền; nhưng theo Visuddhi Magga ghi nhận chỉ có 4 tầng thiền.(Pa-Auk theo cách 4 tầng này).