“Vô thường cứ nghĩ là Thường. Do nghĩ là Thường nên mới có sự Khổ”.
(Thiền sư Thiện Minh)

VI.) Ứng dụng:

Trong thiền tập, khi những cảm thọ khó chịu hay dễ chịu như đau, mỏi, tê, v.v… những suy nghĩ về quá khứ, tương lai (gọi là vọng tưởng) sinh khởi, hoặc những sự hay biết nào khác ngoài đề mục hơi thở sinh khởi lên, ta cần theo những phương pháp sau:

  1. Phương pháp thứ nhất: Upekkhā – Tâm xả.
  2. Phương pháp thứ hai: Sati – Chánh niệm.
  3. Phương pháp thứ ba: Sati – Viriya: vừa Chánh niệm vừa Tinh tấn.

Với cách chuyển đổi tư thế ngồi và hoán vị chân như trên, sau một số thời ngồi thiền, nếu cảm giác đau, mỏi vẫn còn gây khó chịu sinh khởi!

Lúc nầy hành giả nên “tạm thời” rời hơi thở (tức đề mục chính), và hướng tâm sang “đề mục phụ” đó là vùng có cảm thọ đau, mỏi, v.v… rõ nhất đang sinh khởi và đặt hoàn toàn 100% sự chú tâm lên vùng đau, mỏi, để “đối diện” nó và ghi nhận nó trong chánh niệm “đau à, đau à,…” hoặc nếu tê thì niệm “tê à, tê à,…”.

Điều cần lưu ý khi “Niệm” là:

  • Hành giả chánh niệm ghi nhận chính xác vào ngay “trọng điểm” nơi đau và chú tâm niệm “xuyên thấu” chúng một cách liên tục. Tuy nỗ lực dũng mãnh, nhưng với trạng thái hết sức định tĩnh, thiêng liêng, tự tại, mặc nhiên chấp nhận.
  • Adosa: Không nên niệm cùng trạng thái (sân tâm),với ý nghĩ xua đuổi và mong cho cơn đau, mỏi, sự khó chịu… chóng qua!
  • Alobha: Cũng không nên khởi (tham tâm) rằng mong cho sự an vui mát mẽ, hoặc ánh sáng mau mau đến sớm trong khi niệm, v.v…

Cung kính nghiệp của chính mình:

Do đó để nhìn được rõ sự vô thường, biến hoại của “Tâm – không vừa lòng nầy”, chúng ta cần phải biết cung kính “nó”, biết nhìn nhận chính xác về nó, về sự thật cảm thọ đang diễn ra ngay trong hiện tại nầy, nhìn chúng một cách thận trọng, tôn trọng và cung kính chúng như “cung kính nghiệp” của chính mình.

Khác hẳn với mọi cách nhìn nhận từ bao giờ đến nay! Ở đây, chúng ta hãy “nhìn thẳng” vào những nơi đau, mỏi, tê, v.v… nầy với sự mặc nhiên chấp nhận, chứ không phải với tâm xua đuổi hay mong cầu điều gì.

Chúng ta ghi nhận và niệm nó một cách “xuyên thấu” với trạng thái tâm hết sức định tĩnh, ung dung tự tại, như một người quân tử cao quý biết tôn trọng luật lệ, sự chơn thật, bình đẳng trên tinh thần thượng võ, sẵn sàng im lặng, mặc nhiên đón nhận một kết quả tốt hoặc xấu về phần mình, không hề than van hay kiêu mạn gì ở đây.

Khởi tâm từ chối hay xua đuổi cơn đau, như muốn tống khứ ngay ra lập tức một thứ gì dơ bẩn, thối tha, khó chịu không vừa lòng đang đeo dính trên mình (sân tâm sinh khởi), là điều không phù hợp với phương pháp nầy.

Hoặc vừa niệm, vừa cầu mong, van lơn sự cứu rỗi cho cơn tê, mỏi, v.v… mau chóng qua, cho sự bình an, tĩnh lặng tâm hồn con mau mau sớm đến cũng là điều không nên (vì tâm mong cầu của hành giả tự nó bỏ rơi đề mục, và tâm cầu mong khiến tham tâm sinh khởi)!

Bởi vì sao?

Hành giả niệm cùng với tâm vừa xua đuổi (sân tâm – dosa) và vừa mong cầu (tham tâm – lobha) như vậy, chưa phải là niệm với tâm tỉnh thức, sáng suốt, chánh niệm, đón nhận và đến gần đối diện để nhìn rõ sự thật của Pháp Vô Thường nầy.

Hành thiền với sự tác ý của “tâm tham” sinh khởi, rồi “tâm sân” sinh khởi[3] với “tâm vô minh” làm động cơ…thay phiên liên tục khởi sinh như vậy, đồng nghĩa là “các sát na tâm Chánh niệm, Trí tuệ , Vọng tưởng và Vô Minh đồng hành” thì ta không bao giờ thấy rõ được sự thật biến đổi vô thường của nó!!!.


Vậy chúng ta “đối diện” và niệm như thế nào?

Hành giả với trạng thái an nhiên, đón nhận, đối diện “nó” với tâm vô tham cầu, không từ chối hay chấp trước, hợp với trí tuệ tỉnh giác, chánh niệm, định tỉnh, tự tin, kiên trì, v.v… nhẹ nhàng vỗ về như: “tê à, tê à, hoặc mỏi à, mỏi à…” thiêng liêng, tự tại, định tỉnh sáng suốt như thế.

Quý vị sẽ thấy rõ được sự biến chuyển vô thường, rã tan, sinh diệt của cảm thọ và dần dần quý vị sẽ kinh nghiệm về điều nầy.

Có một số trường hợp, lúc đầu cảm thọ đau, mỏi nhiều có diện tích lớn (ví dụ như cảm giác đau, chiếm diện tích cả một vùng đầu gối, vùng xương bánh chè) sau đó diện tích cơn đau thu nhỏ dần, nhỏ dần, rồi đến nhỏ xíu như đầu mút đũa và tiêu nhỏ dần, nhỏ dần… Cơn đau thay đổi hình dạng, cường độ, v.v… (cảm thọ vô thường) nên nó biến chuyển từ đau nhiều sang đau ít và dần dần chuyển biến, v.v…

Hành giả chánh niệm trên cảm thọ, đến lúc cảm giác đau, mỏi tan biến dần, khi nào dễ chịu rồi, ngay lập tức hướng Tâm trở về lại với hơi thở liền (đề mục chính) và tiếp tục lộ trình niệm hơi thở ra, hơi thở vào giống y như trước.

Từ khi chúng ta “nhìn thấy” được một lần sự biến chuyển và biến mất đi của cảm thọ nầy, không những cho chúng ta niềm vui sướng, hạnh phúc kinh nghiệm “giác ngộ” được về sự thật vô thường của cảm thọ là như thế nào? (như một người được tự do sung sướng, thong dong tự tại, v.v… vừa thoát khỏi sự rượt đuổi, hù dọa bắt giết của kẻ thù). 

Và ánh sáng từ tâm của hành giả từ đó sẽ có cơ hội được phát huy mạnh mẽ, sắc thái của hành giả nhờ đó cũng biến đổi, trong sáng tinh anh hơn và đặc biệt nhất là sức khỏe của hành giả gia tăng vượt bực cả về 3 loại sức mạnh: Tâm lực, Thân lực, lẫn Trí lực vậy.

Từ nay trở về sau trong cuộc đời, nếu có nhân tố nào khiến cho ta bất bình, trạng thái tâm không vừa lòng sinh khởi lên, là ta đã có được kinh nghiệm “ngắm nhìn” cảm thọ nầy rồi, Tâm không vừa lòng (sân tâm) sinh khởi lên, để rồi chuyển biến và tiêu mất thôi phải không? Không còn khiến ta phải phiền não bức bách ngột ngạt khổ sở “lầm tưởng” như ngày xưa nữa!

Nơi đây, có thể nói là quý hành giả đang đi trên đạo lộ lớn của sự giải thoát khổ đau, và đang trên đường đến bờ hạnh phúc của giải thoát vậy.

Người trí, một khi đã thấy được sự thật rồi, họ sẽ tự hiểu ra tác hại khủng khiếp của việc tàng trữ sự bất an nóng nảy, và sự sân giận trong tâm là như thế nào?

Tâm Sân sẽ làm ruột gan khô héo đi, mệt mỏi, bất an, giảm lý trí sáng suốt, mất nhiều lợi ích lớn, đốt cháy cả rừng công đức, nên không dại gì mà sân giận phải không quý vị?


Nhân đây, Sư nhắc lại lời Phật dạy: Có 7 điều bất hạnh, tai hại vô phước cho sự không biết cách kiềm chế được lòng sân hận như sau:

  1. Tâm sân: làm cho người trở nên xấu đi.
  2. Tâm sân: làm cho người sống trong đau khổ (tự làm khổ mình).
  3. Tâm sân: làm cho người không có tài sản.
  4. Tâm sân: làm cho người sẽ không trở thành giàu có.
  5. Tâm sân: làm cho người sẽ không trở thành nổi tiếng.
  6. Tâm sân: làm cho người sẽ không có nhiều bạn.
  7. Tâm sân: làm cho người sau khi chết sẽ tái sinh vào cảnh giới có trạng thái buồn rầu (các khổ cảnh như Atula, v.v…).

Với sự nỗ lực trau dồi, chúng ta sẽ dần dần chuyển hóa và đàn áp được tâm sân, tâm phiền não nầy, để đạt hạnh phúc an tịnh và gặt hái được nhiều lợi ích lớn.

Sư chia sẻ một chút, để ngày mai chúng ta còn hai thời thiền nữa (trong khóa thiền đang diễn ra). Ngày mai, phải nói vàng ngọc không thể đánh đổi được!

Bởi vì, có những hành giả như hoa sen đã mọc hẳn lên mặt nước rồi, chỉ còn chờ đợi khi mặt trời lên là nở nhụy khai hoa. Có vị hành giả như hoa sen vươn lên, và đã nằm là là ngay trên mặt nước, nên chỉ cần qua vài thời thiền nỗ lực cũng có thể có cơ hội đó!

Những vị đã đắc pháp nhất Tâm trong Quang Tướng, nhưng chưa thuần thục, thành thạo các bước trong thiền chứng của mình, sẽ có cơ hội để trau dồi tốt hơn trong những thời ngồi thiền cuối cùng nầy.

Quý vị đừng nghĩ rằng về nhà sẽ thực hành được dễ dàng giống như trong khóa thiền nầy, rất khó đó quý vị! Vì sao quý vị biết không?

Ở nhà giữ 10 giới đã khó rồi, xem ti vi, nghe đàn ca sáo thổi khiến cho tâm rộn ràng, nào là tiệc tùng, bạn bè. Những vị có gia đình, rồi chồng, con, v.v… thôi trời ơi là đủ thứ… ở đó mà thọ Bát Quan Trai! Rất khó (Sư và hội chúng cười vui).

Về nhà nương nhờ vào Giới” là chúng ta mới tu tập Thiền tốt được và nhìn Pháp được rõ ràng. Nếu không có Giới là chịu, tâm sẽ bị tán loạn, nhìn gà hóa cút, nhìn cái cảm thọ đau nầy là cứ tưởng thiệt, tưởng nó là “thường” và chúng ta sẽ mãi mãi là nạn nhân, là nô lệ cho cảm thọ nầy!

 “Chúng ta là người tự giải tỏa, hóa giải sự nô lệ cho chính Tâm giận hờn (tâm sân), cũng như tâm chấp chặt… của chính chúng ta”.

Nhiều lỗi lầm lớn, nhỏ, thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp được tạo ra trong cuộc đời, tùy thuộc vào trí tuệ và năng lực chế ngự được chính cảm xúc “vừa lòng hay không vừa lòng” của chính mình.

Các thời thiền cuối cùng còn lại vào ngày mai, thật sự là một cơ hội vô cùng giá trị đối với quý vị, trong sự hóa giải thiêng liêng, cao quý nầy.


Tham khảo:

  • [1]Essentials of Buddhism Dr. S.A. Ediriweera, Srilanka.
  • [2]Abhidhammattha Saṅgaha – Vi Diệu Pháp Toát Yếu – Nārada Mahā Thera (phần Tâm sở).
  • [3]Hai tâm Tham và Sân này luôn luôn có Tâm vô minh (moha)là động cơ thúc đẩy đứng đàng sau.