“Vì từ bỏ một hạnh phúc nhỏ hơn, nên người có thể nhận thức được một hạnh phúc lớn hơn. Các Bậc Thiện tri thức vì nhìn thấy được những sự an vui hạnh phúc lớn lao, nên đã từ bỏ những điều vui và hạnh phúc nhỏ hơn”.
(Thiền sư Thiện Minh)

Giả lơ các cảm thọ sinh khởi, chú tâm vào đề mục chính:

Khi hành giả trau dồi thiền hơi thở này, vào lúc các cảm thọ khó chịu như mỏi, tê (dukkha vedanā, v.v) sinh lên tại một vùng hoặc nhiều nơi nào đó, khiến hành giả rất khó chịu.

Tuy nhiên, hành giả cũng có thể xả (upekkhā) chúng bằng cách làm ngơ, giả lơ, hoàn toàn không quan tâm, không lưu ý gì đến chúng, để tiếp tục đặt sự chú tâm theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra là đề mục chính. Điều nầy, hầu hết quý hành giả đều thực hành được như vậy phải không?

Cũng tương tự như cách đối phó với các cảm thọ đau, mỏi, tê (dukkha vedanā, v.v) sinh khởi khiến ta khó chịu như trên, và ta đã xả (upekkhā) chúng như thế nào, thì các cảm thọ Hỷ Lạc (sukha vedanā) sinh khởi tạo cảm giác dễ chịu, sung sướng, hạnh phúc, an lạc toàn thân, chúng ta cũng xả (upekkhā) giống y như thế ấy.

Ứng dụng cụ thể trong trường hợp này, đối với hành giả đã đạt pháp Hỷ Lạc rồi, quá trình hành thiền khi cảm giác Hỷ Lạc vừa bắt đầu sinh lên, với sự chánh niệm, tỉnh giác, hành giả nhanh chóng ngay lập tức xả bỏ trạng thái hạnh phúc này.

Nghĩa là lướt qua, không nên quan tâm đến cảm thọ nầy (tương tự như làm ngơ với các cảm thọ đau đớn khó chịu như trên vậy).

Đồng thời, càng gia tăng sự tinh tấn tập trung 100% tâm ý vào đối tượng chính là hơi thở, một cách liên tục, kiên trì không gián đoạn.

Bằng cách này, sẽ giúp hành giả vượt qua pháp hạnh phúc Hỷ Lạc (dục giới thiên) và đưa thiền tâm của quý vị phát triển nhanh, và mạnh hơn trên đề mục chính của mình, để tiến sâu vào hạnh phúc vi tế hơn, thù thắng hơn, và sung mãn hơn. Đó là hạnh phúc trong ánh sáng chói lọi, rực rỡ của Quang Tướng (paṭibhāga nimitta) của Sắc Giới Thiên.


Vướng mắc hạnh phúc Hỷ Lạc:

Để xả bỏ cho được pháp Hỷ Lạc này, đối với một số hành giả cũng khá vất vả đó quý vị. Có số hành giả mặc dù đã được giảng giải khá kỹ về cách xả bỏ trạng thái hạnh phúc này, để đạt những pháp thù thắng hơn, nhưng họ vẫn không thể thực hiện được rồi than thở như có vẻ bất lực rằng:

– “Con thấy quá khổ vì đã cố gắng nhiều mà không làm sao xả bỏ được cái hạnh phúc, sung sướng của pháp Hỷ Lạc này dù đã qua nhiều thời ngồi thiền!?”.

Thiền Sư hỏi một nữ hành giả: 

– “Cô đã xả pháp Hỷ Lạc được chưa?”.

Thiền sinh: 

– “Dạ, con đã cố gắng nhiều rồi, nhưng “nó” không được!”.

Thiền Sư: 

– “Quý vị thấy có vui và mâu thuẫn không? Trong đời, lại có người cảm thấy khổ sở vì cố gắng xả bỏ sự hạnh phúc trong tâm mình mà không thể bỏ được!”.

Đây là sự vướng mắc hạnh phúc Hỷ Lạc (Thiên Đàng ở Hạ Giới). Xả bỏ ở đây nghĩa là xả bỏ hạnh phúc nhỏ đang có, để đạt được hạnh phúc lớn hơn (mức độ định tâm sung mãn của thiền chứng cao hơn, thù thắng và lợi ích hơn!).

Giống như người hữu phước, đang hạnh phúc sở hữu “kho vàng”, khi nghe người khác nói hãy bỏ kho vàng đi, để làm chủ kho “ngọc ngà châu báu” giá trị hơn!

Nhưng thực ra, họ chưa từng thấy kho “châu báu” đó giá trị, lợi ích lớn hơn như thế nào, thì cũng khó mà dứt khoát tâm ý để bỏ “kho vàng” quý báu, mà họ đã khó nhọc tìm kiếm được, và đang sở hữu phải không?


Phương pháp xả ly pháp hỷ lạc là như thế nào?

Tuy nhiên, với đức tin mạnh mẽ, vững vàng cùng với sự cố gắng huân tập một thời gian ngắn sau đó, vị hành giả ấy cũng đã vượt qua được chướng ngại của Pháp Hỷ Lạc, và đã đạt sự hạnh phúc, tịnh lạc thù thắng vô vàn vi diệu hơn, sung mãn hơn trong trạng thái nhất Tâm (ekaggatā), của Bậc Sơ Thiền (appanāsamādhi), trong ánh sáng chói ngời, rực rỡ thù diệu của Quang Tướng (paṭibhāganimitta) làm đối tượng.

Một lần nọ, Sư hỏi vị Sư trẻ học trò (người đang bị dính mắc trong pháp Hỷ Lạc một thời gian khá dài): 

– “Nầy con! Việc hành thiền của con đến đâu rồi?”.

Sư trẻ trả lời (với vẻ đầy tự tin và hào hứng trong nét biểu hiện): 

– “Hôm nào con ngồi thiền mà pháp Hỷ Lạc không phát sinh lên trong con, là lần ngồi thiền đó đối với con coi như bị thất bại rồi đó, thưa Sư!”.

Vị Sư trẻ đó chỉ cần hưởng thụ niềm an vui, thỏa thích, an tịnh nơi tâm do pháp Hỷ Lạc mang lại!

Thật ra, bởi do vị Sư trẻ này chưa thông hiểu cách thức phát triển thiền, và các lợi ích thù thắng về năng lực của các bậc thiền tâm cao hơn là như thế nào? Nên thực hành đến đó đã thấy không còn đường tiến nữa, và mãn nguyện cho mức độ hạnh phúc an lạc trong thiền đạt được của mình.

Hơn nữa nói là “xả bỏ” hạnh phúc “Hỷ Lạc” nhưng chỉ là xả bỏ “tạm thời”, không hưởng thụ cảm giác đó ngay trong thời ngồi thiền đó thôi! Chứ một khi chưa chứng đạt vào mức độ thiền tâm cao hơn, thì những lần ngồi thiền sau đó, pháp này cũng vẫn tiếp tục xuất hiện trở lại một cách bình thường.

Vì sao quý vị biết không? Bởi vì, đó là mức Thiền Tâm cao nhất của hành giả vậy.

Cho đến khi nào hành giả chứng đạt vào mức độ thiền tâm cao hơn, thì pháp hỷ lạc này sẽ tự động mất đi, không xuất hiện lại trong lúc nhập thiền nữa!

Mặc dù, Pháp Hỷ Lạc sẽ không xuất hiện lại trong thiền tâm nữa, sau khi hành giả đã đạt đến những mức độ thiền chứng cao hơn.

Tuy nhiên, thay vì trước đó Pháp Hỷ Lạc chỉ phát sinh lên trong lúc hành thiền mới có, thì sau khi chứng đắc các pháp cao hơn, thì hành giả thọ hưởng được cảm giác thân tâm thường an vui, mát mẻ nhẹ nhàng, ngày – đêm, trong các sinh hoạt hằng ngày, chứ không phải chờ đợi đến khi ngồi thiền mới có được những trạng thái an lạc, mát mẻ phát sinh lên như trước đây nữa!

Đây là một trong vô số lợi ích tuyệt diệu và thù thắng hơn, khi đạt được những mức độ định tâm cao hơn.


Một ví dụ sau đây, sẽ giúp cho hành giả có thể dễ dàng hình dung được sự xả bỏ để đạt năng lực cao hơn là như thế nào?

Ví như có một người muốn đi lên lầu hai, thì khi lên đến lầu một, cho dù ở lầu một có thật nhiều thứ vui vẻ, đẹp mắt quyến rũ đi chăng nữa… người đó cũng cần phải nhẫn nhịn, thu thúc, tạm gác bỏ nó qua một bên, thì người đó mới có khả năng tiếp tục đi lên lầu hai được vậy.

Ngược lại nếu người đó cứ mãi thỏa thích với những cảnh đẹp, sự vừa lòng, điều hấp dẫn quyến luyến nơi lầu một ấy, thì sẽ chẳng bao giờ có khả năng để tiếp tục đi lên lầu hai được.

Nên xưa, Đức Phật dạy rằng:

“Vì từ bỏ một hạnh phúc nhỏ hơn, nên người có thể thật sự nhận thức được một hạnh phúc lớn hơn. Các Bậc Thiện tri thức vì nhìn thấy được những sự an vui hạnh phúc lớn lao, nên đã từ bỏ những điều vui và hạnh phúc nhỏ hơn.”[1]

Hành giả chứng đắc từ đệ Nhất Thiền (appanāsamādhi) trở lên (đệ Nhị Thiền, đệ Tam Thiền, đệ Tứ Thiền, v.v…) có Quang Tướng sáng chói rực rỡ (paṭibhāganimitta) làm đối tượng.

Với sự trau dồi thuần thục các bậc thiền, hành giả có thể an nhiên, tự tại ra đi vào lúc lâm chung (có thể làm chủ được cảnh giới tái sanh vào các cõi trời Phạm Thiên hữu phước trong kiếp sau) bằng cách nhập định trong ánh sáng Quang Tướng của mình vào lúc hết thọ mạng, để tái sanh về cõi Phạm Thiên Giới, tương ứng với bậc thiền đã chứng đắc, hưởng sự an lạc, thù thắng tại đó với tuổi thọ vô cùng dài lâu tại cõi Trời vi diệu ấy.


Tham khảo:

[1]Dhammapadā..290 (nhiều tác giả)