“Chúng ta mạnh dạn, nỗ lực nhìn thẳng vào những cảm giác bất toại nguyện của chính chúng ta một lần thôi, để rồi vĩnh viễn không còn bị lầm chúng lần nào nữa. Bởi vì, chúng ta đã nhìn thấu được sự thật của nó những cảm giác chính là tính chất vô thường, luôn luôn biến đổi, từ trạng thái nầy sang trạng thái khác, chúng sinh lên và mất đi một cách mau lẹ…”
(Thiền sư Thiện Minh)

I.) Sắc (rupa):

Thuộc thân thể vật chất, chính là 4 nguyên tố phổ biến gồm Đất, Nước, Lửa, Gió, luôn luôn biến đổi không ngừng bởi tính vô thường của nó xảy ra trong từng phút, giây, sát na thời gian… như đã đề cập ở trên (xem bài 18).


II.) Thọ (vedanā)

Là trạng thái vô thường, “cảm thọ” là danh từ thích nghi hơn chữ “cảm giác” để phiên dịch ngôn ngữ Pali vedanā. Cũng như Xúc, Thọ là một tâm sở, là đặc tính chánh yếu của tất cả các loại tâm vương. Thọ có thể là: Hạnh phúc (Sukha vedanā), Khổ (Dukkha vedanā) hoặc Vô ký (Upekkhā vedanā) thuộc về tâm, tinh thần.

Cảm giác “cực cái thân” hay “sướng cái thân” thuộc cơ thể vật chất cũng đều là cảm giác, nhưng không có tầm quan trọng về phương diện đạo đức.

Theo các nhà chú giải, “thọ” cũng như một ông chủ thưởng thức món ăn do người đầu bếp nấu. Người đầu bếp thì tựa như các tâm sở còn lại trong một tư tưởng. Một cách chính xác, chính thọ, thọ nhận “cảm nhận” một đối tượng, khi đối tượng nầy tiếp xúc với giác quan tương ứng.

Chính Thọ, thọ nhận “cảm nhận” những kết quả lành hay quả dữ của một hành động đã làm, trong kiếp hiện tại hay trong kiếp quá khứ. Ngoài “tâm sở thọ” không có một linh hồn hay một cá nhân nào khác “thọ nhận” kết quả của hành động (vipāka).

Nên hiểu rằng hạnh phúc Niết Bàn không có gì liên quan đến thọ. Hạnh phúc Niết Bàn chắc chắn là hạnh phúc (sukha) tối thượng, đó là hạnh phúc của sự giải thoát ra khỏi mọi đau khổ, không phải là sự thích thú trong một đối tượng đáng ưa thích.


Kinh điển phân cảm thọ làm 3 loại chính như sau:

  1. Thọ vui, vừa lòng, hay hạnh phúc(Sukha vedanā).
  2. Thọ khổ, không vừa lòng hay phiền não, khổ đau (Dukkha vedanā).
  3. Thọ vô ký, cảm thọ không thương cũng không ghét, an nhiên hay thọ xả (upekkha vedanā).

Những khổ thọ (dukkha vedanā) đau, mỏi, tê khó chịu, v.v… khởi sinh trong lúc thiền, chính là cảm thọ vô thường. Bởi vì, chúng luôn luôn thay đổi không thường, chúng sinh rồi diệt, diệt rồi sinh… là bản chất thật sự của chúng.

Đồng thời, những khổ thọ trên chúng cũng chính là đại diện cho những phiền não thường dấy lên trong cuộc sống đời thường của chúng ta mỗi khi có chướng duyên, khiến trái ý, nghịch lòng.

Khi quán chiếu về các cảm thọ khó chịu khởi sinh, đôi khi khiến chúng ta bức bách không vừa lòng như mỏi, tê, đau, ngứa ngáy, v.v… như việc tập thiền hôm nay: những cảm giác khó chịu nầy, chính là những trạng thái không vừa lòng, phiền não, khổ tâm ngủ ngầm, ẩn náu đã được tích lũy trong tâm thức chúng ta từ vô lượng kiếp, chúng thường phát sanh dưới những hình thức như các cơn nóng giận, bực bội, bất an, sợ hãi, yếu đuối, v.v… mỗi khi có cơ hội làm dễ hoặc kích thích chúng trong cuộc sống hằng ngày.

Tất cả những cảm thọ khó chịu (dukkha vedanā) sinh khởi khiến tâm ta không vừa lòng, gắt gỏng, v.v… Đức Phật dùng một danh từ chung là Tâm sân (dosa). Tâm sân hay nóng giận phát sinh vào lúc nào, thì sự sáng suốt của ta lập tức bị giảm khả năng sáng suốt ngay liền lúc đó.

Bởi vì, Tâm sân (dosa) luôn luôn có trạng thái Tâm si (moha) vô minh đứng đằng sau làm động cơ điều khiển nó. Do đó, dễ thấy với mọi tâm sân, đều không cho ta sự sáng suốt hơn.

Phật dạy các phương pháp thiền Ānāpānassati  Vipassanā nầy giúp chúng ta đàn áp, chuyển hóa và loại bỏ Tâm sân nguy hiểm nầy, để thấy ra được sự thật của các cảm thọ là luôn luôn thay đổi, biến chuyển không ngừng (theo thời gian và điều kiện), chúng chính là các thành viên xây dựng nên tinh thần hay “Tâm” của chúng ta.

Và một khi đã thấy rõ sự thật biến đổi, vô thường của chúng rồi, thì Hành giả sẽ không còn lầm “chúng” nữa. Và do đó, một khi không còn lầm với chính mình nữa (nghĩa là ta đã hiểu được chính mình), lúc đó ta có thể hiểu được người khác nhiều hơn.

Do vậy, để hiểu điều nầy một cách hiệu quả, trước tiên chúng ta cần biết cách “đối diện Tâm” và học cách “ngắm nhìn Tâm”, cũng như học cách đón nhận mọi cảm xúc, phản ứng tiêu cực, hay tích cực nơi Tâm của chính chúng ta như thế nào… qua cách hành thiền?


Phàm ở đời, ai chưa từng biết cách tôn trọng chính mình (tự trọng), người đó chưa thể biết cách tôn trọng người khác.

Nói một cách vi tế hơn là: 

“Ai chưa từng biết cách cung kính nghiệp của chính mình, người đó chưa thể biết cách cung kính nghiệp của người khác vậy!”.

Cung kính ở đây là gì, thưa quý vị? Cung kính trong trường hợp nầy có thể tạm cắt nghĩa là tầm mức cao, đỉnh cao của sự tôn trọng.

Người biết cung kính nghiệp của mình là biết cách nhìn sự thật, đón nhận sự thật, chấp nhận sự thật của mọi cảm giác, mọi hiện tượng vừa lòng hay bất như ý đang diễn ra từ bên trong thân tâm của mình (chẳng hạn như khi hành giả đang ngồi hành thiền…) hay bên ngoài xung quanh có liên quan mật thiết đến cuộc sống của ta.

Ví dụ, chúng ta cung kính Phật Bảo (cung kính Đức Phật quý báu); chúng ta cung kính Pháp Bảo (cung kính Lời dạy quý báu của Đức Phật). Do vậy, mà chúng ta đem hết lòng tôn trọng nương tựa, thực hành theo lời dạy của Ngài.

Cụ thể, vâng lời Ngài dạy, chúng ta siêng năng tinh tấn hành thiền, để trau dồi và phát triển trí tuệ hạnh phúc, an lạc, Tâm hồn nơi đây, cũng chính là cơ hội lớn để thực hiện sự cung kính Pháp Bảo, thưa quý vị!

Phật dạy:

“Ai cung kính Như Lai nhất, người ấy hành theo lời dạy của Như Lai nhất”.

Và:

“Ai thấy Pháp, người ấy thấy Như Lai”. [1]

Đấng Giác Ngộ dạy chúng sanh tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, thực hành pháp nhằm thấy rõ được bản chất sự thật của Pháp, đó là bản tánh của Chơn Tâm, để giải thoát khổ đau…!

Chúng ta thường nghe “Ngũ Uẩn giai không” rồi phải không? Tụng đọc cho hiểu là một ý nghĩa khác, đem sự hiểu biết đó vào thực hành, để rồi trải nghiệm, thẩm thấu và giác ngộ về ý nghĩa đó để liểu ngộ sự thật chân lý giải thoát khổ đau, là một việc hoàn toàn cao quý hơn và vô cùng cần thiết lắm vậy.


III.) Tưởng (Saññā): “Sañ” + gốc “ñā”, là hiểu biết, nhận thức.

Tưởng có trạng thái tưởng nơi đối tượng tác động đến. Trong Ngũ Uẩn (Pañcakkhandha)[2], Tưởng Uẩn (Saññā), được dùng trong nghĩa tri giác.

Ðặc tính chánh yếu của tưởng uẩn là nhận ra một vật do dấu hiệu trên vật ấy như màu xanh, màu đỏ, v.v… Nhờ tưởng uẩn, ta nhận ra một vật mà trước kia tâm của ta đã có lần biết, tức là tri giác xuyên qua giác quan.

“Diễn tiến của nó giống như trạng thái tâm của người thợ mộc, nhận ra những khúc gỗ (như đây là cột trước, kia là cột sau, v.v…), nhờ dấu hiệu đã có ghi trên gỗ từ trước. Cũng giống như người giữ kho, nhận ra mỗi món đồ nữ trang nhờ cái nhãn gắn theo món đồ; hay như thú rừng, nhận ra hình nộm là do người ta làm”.

Tưởng (Saññā) có thể ví như sự nhận ra đồng tiền của một em bé cỡ một hay vài tuổi. Nó thấy vật gì trắng, tròn, nhỏ, dẹp, v.v… và nhận ra đó là đồng tiền, nhưng không biết rõ ràng giá trị của đồng tiền ấy là bao nhiêu.

Vậy, Tưởng (Saññā) có nghĩa là tri giác, nhận thức bằng giác quan.      


IV.) Hành (Saṅkhāra):

Hành uẩn là uẩn thứ hai trong Thập Nhị Nhân Duyên (Paṭicca Samuppāda) chính tác ý được bao hàm trong danh từ Saṅkhāra (hành) và Bhava (hữu). 

Hành uẩn (Saṅkhāra khandha) cũng là uẩn thứ tư trong Ngũ uẩn (Pañcakkhandha) nầy, có nghĩa là năm mươi tâm sở, ngoài hai tâm sở Vedanā (thọ) và Saññā (tưởng). Trong năm mươi tâm sở đó Cetanā (tác ý) là quan trọng hơn hết và được kể đầu tiên.

Hành bao gồm tất cả các chủ tâm trước khi một hành động được hình thành. Vì hành động bao gồm thân, khẩu, ý nên cũng phân biệt hành thuộc thân, khẩu hay ý.

Hành uẩn bao gồm sự hoạt động bên trong và bên ngoài cơ thể như: hơi thở vào, hơi thở ra, sự lưu thông máu huyết, trao đổi tế bào bên trong cơ thể… và mọi sinh hoạt như đi, đứng, nằm, ngồi, v.v…

Hành do tác ý (cetanā) chủ động điều hành, tập hợp các tâm sở tương ứng để tạo tác nên nó được gọi là “tập hợp tạo tác” (Saṅkhāra), tạo nên các nghiệp thiện (kusala kamma), nghiệp bất thiện (akusala kamma) và nghiệp vô lậu.

Hành sinh thức nên tạo thức tái sanh vào bốn đường khổ (Apāya), cảnh Người (Manussaloka), sáu cảnh Trời Dục Giới (Sagga), các cõi Trời Sắc Giới (Rūpāvacara loka), và cảnh Trời Phạm Thiên Vô Sắc Giới (Arūpāvacara loka).

Như vậy, ta thấy rằng tất cả những gì thuộc “hành” biểu hiện từ thể chất, đến tinh thần, từ pháp hữu vi thấy được, cho đến các pháp hữu vi mắt thường không thấy được như (tinh thần, ý nghĩ, sự tác ý thiện hoặc ác…) luôn biến đổi không ngừng, chúng sinh lên rồi diệt mất.

Phật dạy tất cả các pháp hữu vi, vô thường, khổ, và vô ngã. Chỉ có Niết – Bàn là pháp vô vi bất diệt mà thôi:

Tất cả hành là vô thường (Sabbe saṅkhāra aniccāti).

Tất cả hành là khổ (Sabbe saṅkhārā dukkhāti).

Tất cả pháp đều vô ngã (Sabbe dhammā anattāti).


V.) Thức (Viññāna):

Thức được ví như sự hiểu biết của con người. Để hiểu rõ hơn chúng ta cần phân biệt ba dạng Tâm thức như Tưởng (Saññā), Thức (Viññāna), và Trí tuệ (Paññā) sau đây:

  1. Tưởng (Saññā): ví như sự nhận ra đồng tiền của một em bé cỡ một tuổi hoặc hai, ba tuổi. Nó thấy vật gì trắng, tròn, nhỏ, dẹp, v.v… và nhận ra đó là đồng tiền, nhưng không biết rõ ràng giá trị của đồng tiền ấy là bao nhiêu.
  2. Thức (Viññāṇa): ví như sự hiểu biết của một người lớn hơn, khi thấy đồng tiền có thể biết giá trị và công dụng lợi ích của nó, nhưng không thấu hiểu các nguyên tố hoá học sắt, chì, kẽm, v.v… tạo nên đồng tiền đó là thế nào.
  3. Trí tuệ (Paññā):là tri kiến phân tích và giải thích của một chuyên viên hóa học thiện xảo, quán triệt từng nguyên tố, thành phần phân tử, đặc tính lý, hóa học, v.v… của chúng một cách chi tiết về hỗn hợp tạo thành đồng tiền.

Thọ, Tưởng, Hành, Thức thuộc về phần Tâm vô hình, chúng cũng luôn thay đổi, vô thường, sinh lên rồi lập tức diệt mất… Chúng cũng đều có 3 đặc tính chung là vô thường, khổ, vô ngã.

Chẳng hạn, khi chúng ta ngồi hành thiền đang an trú Tâm trên đề mục chính lúc nầy là “cảm thọ Tê” đang sinh khởi lên! Nếu lúc nầy, Tâm hành giả rời đề mục “Tê” nầy và suy nghĩ rằng:

  • “Cảm giác Tê nầy sao giống như ướp nước đá! Tê nầy bây giờ lại nóng giống như lửa đốt quá! Tê kiểu nầy chắc dây thần kinh dễ bị đứt đoạn như những khúc dây mất, ngồi lâu như thế nầy mạch máu sẽ bị ứ trệ hoặc tắc nghẽn và hoại tử lên mất, v.v… xả thiền đứng dậy chắc chắn sẽ thoải mái và sướng hơn là ngồi hành xác kiểu nầy…”

Những suy nghĩ nầy gọi là Tưởng (Saññā): khởi lên hay “vọng tưởng” so sánh với độ lạnh của đá, sức nóng của lửa (trong quá khứ) và cảm giác sẽ được sướng, thoải mái hơn nếu xả thiền (trong tương lai)…

Tất cả những suy nghĩ đó không thật sự có nơi đây, trong lúc nầy, mà chính là do “vọng tưởng” khởi lên (vào lúc đó) khiến Tâm hành giả buộc phải rời khỏi những gì đang thực tại, hiện tiền, đang vận hành diễn ra của những cảm thọ…

Do đó, hành giả không thể thấy rõ được sự thật về bản chất đang vận hành, biến chuyển của cảm thọ nầy! Đó là lý do tại sao, khiến cho hành giả không thể thấy rõ (giác ngộ) được sự vô thường, của các cảm thọ đau, mỏi khó chịu nầy.


Vậy bản chất vận hành thật sự của mọi cảm “thọ” là gì?

Đó là sự vô thường, biến đổi, chuyển dịch từ trạng thái đau nầy sang trạng thái đau nhẹ hơn hoặc mạnh hơn khác, để rồi dần dần nó chuyển dạng và triệt tiêu…!

Nó thật sự không bao giờ mãi mãi đứng yên cố định, như ta thường “tưởng” lầm rằng “khổ thọ” đau, tê, mỏi, v.v… nầy là cố định và sẽ không bao giờ bị mất đi nên “Ta chịu không nổi!”.

Bởi do chấp lầm các cảm thọ đau, mỏi, v.v… nầy là không bao giờ biến đổi, nên một số hành giả thối lui, nản chí không thể tiếp tục tập thiền để phát triển sự an tịnh và hạnh phúc vô bờ bến sẵn có nơi tâm của mình được!

Tưởng, Hành, Thức cũng cùng một bản chất tương tự như vậy.


Tham khảo:

  • [1]Essentials of Buddhism Dr. S.A. Ediriweera, Srilanka.
  • [2]Abhidhammattha Saṅgaha – Vi Diệu Pháp Toát Yếu – Nārada Mahā Thera (phần Tâm sở).
  • [3]Hai tâm Tham và Sân này luôn luôn có Tâm vô minh (moha)là động cơ thúc đẩy đứng đàng sau.