“Hãy giữ Tâm như đất, vẫn nhẫn nại, âm thầm đón nhận tất cả những gì mà loài Người trút bỏ lên nó. Để rồi đến lượt mình, hiến dâng đến con Người những trái ngọt, những bông hoa tươi đẹp ngát hương”.
(Thiền sư Thiện Minh)

Mặc dù, đề mục thiền của chúng ta là về thiền niệm hơi thở (Anapanasati).

Nhưng ở đây có vài trở ngại “vướng mắc” ví như những hạt bụi nằm trong con mắt, khiến cho hành giả khó có thể nhìn rõ được vật gì! Mặt khác có thể ví chướng ngại này, như những bụi gai nhỏ mọc vây quanh một gốc cây lớn, mà ta muốn đốn chặt nó.

  1. Đối với hạt bụi vướng trong con mắt, để cho được sáng tỏ, chắc chắn bằng mọi cách phải lấy nó ra thì ta mới có thể thấy được.
  2. Khi muốn chặt đốn một cây, chúng ta phải làm sao?
    • Trước tiên, ta cần cắt tỉa loại bỏ sạch sẽ những chiếc gai nhỏ, xung quanh gốc cây rồi, thì việc đốn hạ một gốc cây không còn khó khăn nữa.
    • Ở đây, hành thiền được ví như việc đốn một gốc cây (cây phiền não), cốt để cho thân tâm ta được lắng dịu, hạnh phúc an lạc, trong sáng, thanh tịnh và phát huy trí tuệ, phá vỡ phiền não khổ đau, rút ngắn luân hồi.

Tuy nhiên:

Trên con đường này lại thường gặp một số chướng ngại như: Hôn trầm, dã dượi, phóng tâm, mỏi, tê, v.v… Hoặc có những cơn cảm thọ tê, mỏi kéo dài, dai dẳng (như những vật chướng ngại…) khiến hành giả bị phân tâm vì chúng! Do đó, việc tập trung tinh thần bám sát đề mục chính sẽ bị chi phối và gián đoạn!

Trong trường hợp này, tâm hành giả nên “tạm thời” rời bỏ khỏi đề mục chính là hơi thở, và hướng tâm đặt sự chú ý chánh niệm vào chính xác ngay nơi cảm thọ tê, mỏi,… đang sinh khởi đó, và ghi nhận một cách trực tiếp rằng: “tê à, tê à, tê à!…”; nếu mỏi thì niệm: “mỏi à, mỏi à!…”;

Ghi nhận lặp đi, lặp lại một số lần như thế, hành giả sẽ thấy mọi cảm giác mỏi, tê, ngứa ngáy khó chịu,… dần dần biến dạng, thay đổi chuyển hóa và biến mất! Sau đó hành giả ngay lập tức quay trở lại tiếp tục trên đề mục chính của mình.

Điểm đặc biệt khi chánh niệm trên những cảm thọ này là: Chánh niệm ghi nhận một cách chính xác, bình tĩnh, thận trọng, với tâm tự tại, thiêng liêng, (không nên vì cảm giác khó chịu bức bách mà niệm như xua đuổi chúng cho mau tiêu biến đi); hoặc cũng không niệm với trạng thái tâm mong cầu, cho trạng thái an lạc được mau mau đến sớm, v.v…


Cần niệm một cách “xuyên thấu!”.

Hành giả giữ tâm hết sức bình tĩnh để “nhìn” cảm thọ này một cách tự nhiên, chấp nhận sự thật đang diễn ra “như nó đang là” như vậy!

Hành giả cần học tập để giữ tâm mình (không chấp), giống như tâm trạng bi mẫn của một người từ mẫu, chẳng muốn nỗi cơn giận dữ hay bực bội và mặc nhiên chấp nhận sự tiểu, tiện,… vô tư của con thơ bé bỏng yêu quý trên đôi tay của mình, để rồi ung dung giặt giũ, lau chùi, không sân giận, trách móc vì sự vô tư của hài nhi, bởi con trẻ chính là kết quả tình yêu thương của mình! (Cùng thế ấy, các cảm thọ bất như ý này cũng chính là kết quả bất thiện nghiệp của chúng ta đã tạo ra từ trong quá khứ vậy).

Hoặc “giữ Tâm như đất”, vẫn nhẫn nại, âm thầm đón nhận tất cả những gì mà loài người trút bỏ lên nó, để rồi đến lượt mình, hiến dâng cho đời những trái ngọt và những bông hoa tươi đẹp ngát hương!

Ở đây, những cảm giác mỏi, tê, ngứa ngáy khó chịu, v.v… có khi đến mức làm cho hành giả có thể run lên vì những cảm thọ bức bách của nó! Nhưng quý hành giả hãy bình tĩnh!

Đừng sợ! Chắc chắn một điều rằng, sẽ không một mảy may nào ảnh hưởng đến sức khỏe của quý hành giả đâu, như ta thường “tưởng” nào là (các mạch máu sẽ bị ứ trệ, bế tắt, bị hoại tử, các dây thần kinh sẽ bị tê liệt, thần kinh sẽ bị mất cảm giác hoặc bị đứt vì sự nhẫn nại này…).


Ngược lại:

Sau những đợt cố gắng siêng năng như thế, hành giả sẽ tự mình kinh nghiệm, thấy rõ sức khỏe và tuệ giác của mình tăng trưởng vượt bậc một cách ngoài sức tưởng tượng vậy.

Quý hành giả đừng nên từ chối nó! Hãy học cách chấp nhận nó, trực diện với nó, mới có cơ hội quý báu (ngàn năm một thuở) được nhìn rõ sự thật của nó, sự thật biến chuyển, vô thường sinh lên và mất đi một cách tự nhiên của nó!

Và nếu thân này hôm nay muốn run rẩy lên vì cơn mỏi, tê, v.v… khó chịu này, thì quả là “một may mắn” vô cùng lớn cho chúng ta vì sự “xuất hình lộ diện” của nó! Mặc nhiên hãy để “nó” tự run rẩy lên đi quý vị nhé!

Nhưng, chúng ta chỉ cho phép nó được run một lần cuối cùng này nữa thôi, để rồi vĩnh viễn trong kiếp sống này, và/hoặc trong những kiếp sống hữu hạn còn lại, nó sẽ vĩnh viễn không còn có một cơ hội nào khác để được run rẩy, để hù dọa hay lừa gạt ta thêm lần nào nữa đâu quý vị nhé!

(Điều này được ví như một ung nhọt nung mũ đã lâu ngày, mỗi khi có vật gì nhở đụng vào là đau đớn, nhức nhối, máu mũ rò rỉ hôi tanh khó chịu vô cùng! Và nay đã được hành giả biết phương pháp chịu khó nặn ra hết cồi mũ hôi thối của nó vậy).

Bởi do vô minh, vì không biết (moha), chúng đại diện cho bao phiền não, đau đớn, lo âu, tội lỗi và bất toại nguyện,… nên chúng ta đã cùng chung sống và lang thang với chúng (tội lỗi…) trong vô lượng kiếp luân hồi.

Chính chúng đã vô vàn lần uy hiếp và dối lừa chúng ta phải sợ hãi vì “sự nghèo túng”; sợ hãi vì đau đớn; sợ hãi vì cô đơn (thay vì là ung dung, thong dong tự tại); thậm chí phải sợ hãi vì những gì tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất trong đạo đức của một chúng sanh, mà lắm khi buộc chúng ta phải khước từ, chạy trốn cũng vì vô minh nên lầm tưởng và sợ hãi chúng, từ trong vô lượng kiếp!

(Tại sao mà Sư nói những kiếp hữu hạn còn lại, hay chúng ta vĩnh viễn không còn có cơ hội để run sợ nữa?).


Bởi vì thành công với pháp thiền này:

Sẽ là nền tảng vững chắc cho sự bình an, phát huy mọi phúc lành thanh cao quý báu trong thế gian và là nền tảng vững chắc cho sự gặt hái Thánh Đạo Tuệ, Thánh Quả Tuệ, chặt đứt mọi sự khổ đau, chứng đạt Pháp vô sanh, bất tử trong ngày vị lai không xa vậy.

Quý vị thấy có quý hóa không? Các cảm thọ mỏi, tê, bức bách,… gây khó chịu này đã và đang xuất hiện, chính là đại diện cho những trạng thái tâm bất thiện, bất toại nguyện trong cuộc sống đời thường của chúng ta như: Tâm sân hận; tâm không vừa lòng vì uất ức; tâm sợ hãi; tâm đố kỵ; tâm thù oán; tâm yếu nhược không biết ghê sợ tội lỗi, không biết hỗ thẹn với tội lỗi, v.v…!

Cứ mỗi khi có một nguyên nhân (điều kiện) trực tiếp hoặc gián tiếp hay một vọng tưởng nào đó kích thích đến là “chúng” dấy khởi lên, khiến chúng ta đau khổ, phiền não từ thân lẫn tâm, tới mức “run lên” với  mức độ cảm thọ cũng tương tự như thế!

Lắm khi bất an, phiền não vô vàn,… và bao nghiệp chướng sái quấy sinh ra cũng từ những trạng thái bất toại nguyện này vốn ngũ ngầm ẩn tàng trong tâm chúng ta!

Là bậc thiện tri thức hiểu rõ được tính chất nguy hiểm này, nên không ai muốn “điệp khúc bất toại nguyện” này dấy khởi lên trong tâm mình (một cách lặp đi, lặp lại mãi) cứ mỗi khi có cơ hội khiêu khích, hay yếu tố làm dễ nào tác động đến chúng phải không?

Những cảm giác khổ đau từ tinh thần đến thể xác của chúng sanh, ví như “món nợ lớn”, bởi không biết phương cách đối phó hóa giải hay triệt tiêu chúng,… nên bị chúng “phiền não” rượt đuổi theo đòi, và uy hiếp sự bình an hạnh phúc của chúng ta, từ muôn kiếp đến hôm nay!


May mắn thay!

Nay hội đủ duyên lành trong giáo pháp cao quý này, là lúc mà các bậc thiện tri thức chúng ta nỗ lực với phương pháp thích đáng để loại bỏ chúng “phiền não”, quả thật chẳng có cơ hội nào, món linh dược nào, so sánh bằng vậy.

Điều này có thể ví dụ như sau: “Các cảm thọ mỏi, tê, khó chịu, v.v… này ví như là quân thù của chúng ta!”. Và sự bình tĩnh, ngắm nhìn các “cảm giác” này,… một cách chính xác, trung thực, thiêng liêng, tự nhiên là sự đối diện, chiến đấu để thấy rõ được sự mạnh, yếu của quân thù là như thế nào vậy?

Thật ra, chúng ta có sẵn tiềm năng về sinh lực rất dồi dào, đó là Pháp bảo (phương pháp Phật dạy) để chiến đấu và chiến thắng với quân thù phiền não này!

Do “không biết” rằng ta thực sự có kho tàng năng lực này, nên ta thường bị ám ảnh rằng “Ta quá yếu đuối!” (giống như kẻ bần cùng, yếu hèn, thiếu nợ thường sợ sệt, trốn tránh chủ nợ, vì nghĩ rằng mình chưa có khả năng để trả được món nợ vậy!).

Do đó, cái mà chúng ta thường tự cho là “trí khôn” nên hành giả thường có xu hướng cố tình để tránh né, cao chạy xa bay, mỗi khi phát hiện bóng dáng của quân thù “chủ nợ = phiền não = cảm thọ đau, mỏi,…” lấp ló đến từ xa!

Để thực hiện được điều này, nghĩa là chúng ta cần giữ tâm bình tĩnh, thản nhiên, ngắm nhìn các cảm giác,… sinh khởi đó một cách chấp nhận, chính xác, tự nhiên, nhằm thấy rõ được bản chất thật sự của nó!


Hay nói cách khác:

Để nhìn ra “giác ngộ” thấy rõ tính chất thay đổi vô thường, biến hoại, luôn luôn thay đổi của nó, để rồi chúng không ta còn lầm lẫn nữa, không còn bị ảo tưởng bởi cảm giác quá sức khổ sở, hay sợ hãi chúng nhiều nữa! Đây, chính là ý nghĩa của sự đối diện với quân thù của chính chúng ta vậy!

Duy chỉ có “Giới” và các đội quân tinh nhuệ viện trợ từ những lời dạy của Đức Như Lai, chẳng hạn như Năm sức mạnh phát triển tinh thần (Indriya), Bảy chi phần hỗ trợ giác ngộ, v.v… (tham khảo phương pháp quân bình Ngũ Lực, và Thất Giác Chi).

Quý vị có thể vừa không giữ giới, như uống rượu say, vừa chánh niệm được không, thưa quý vị?

  • Thiền sinh: Thưa không!
  • Thiền Sư: Vì sao vậy?

Vì nếu không có giới, tâm sẽ bị tán loạn, sự định tâm mạnh mẽ sẽ không có. Do vậy, chỉ có giữ giới mới mang lại cho ta sự định tâm, chính sự định tâm mới giúp ta bình tĩnh, thản nhiên, sáng suốt để có thể nhìn rõ được bản chất thật sự thay đổi vô thường (anicca) của các khổ thọ (dukkha vedanā) đau, mỏi, tê, v.v… là gì?

Đó chính là những khổ thọ tự nó sinh lên, và tự chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác và biến mất đi! Một khi “thấy rõ” được sự thật này rồi, chúng ta không còn “lầm” và bị nó uy hiếp nhiều nữa!

Nói cách khác, một khi:

“Thấy rõ được sự vô thường, chuyển hóa, biến đổi, của các cảm thọ đó, nghĩa là chúng ta đã thấy giác ngộ được thật tướng vô thường, biến đổi của quân thù, để rồi chúng không còn có nhiều cơ hội dài lâu để uy hiếp, hay ngăn cản sự bình an và hạnh phúc trên con đường thiền định của chúng ta được nữa”.

Đối diện với “quân thù” và thấy được phần nào sự thật của chúng, đồng nghĩa là hành giả có cơ hội lớn đạt nhiều Pháp bảo (Ratana dhamma) cao quý, để rồi có quyền thừa hưởng cả một kho tàng bình an, hạnh phúc vô giá trong chính thân tâm của chúng ta rồi vậy.

Hôm nay là buổi thiền cuối cùng, Sư chia sẻ đến quý vị một số tư liệu như vậy, để chúng ta có một hành trang sẵn sàng chiến đấu. Những hành giả là những chiến binh vô cùng anh dũng đó nhé!