Hành giả trau dồi Thiền Định và chứng đạt được những mức độ định tâm từ thể thô sơ, đến thể vi tế như:

  • Pháp Hỷ Lạc (pῑti), (sukha);
  • Pháp Cận Định (upacāra samādhi);
  • Pháp Nhập Định (appanā samādhi) từ bậc Đệ Nhất thiền… Đệ tứ thiền sắc giới, và các tầng Thiền vô sắc giới… nào rồi, v.v…

Thiền giả sẽ hưởng được vô số kết quả lợi ích quý báu không thể nghĩ bàn ngay trong kiếp sống hiện tại lẫn kiếp sống tương lai.

Những lợi ích ngay trong kiếp sống hiện tại này:

  1. Đạt được sự hạnh phúc an lạc, sự sáng suốt trong cuộc sống, sự tăng cường về sức khỏe. Đẩy lùi được nhiều bệnh tật, ngăn ngừa được nhiều loại bệnh tật, ngăn ngừa được nhiều nghiệp chướng bất thiện có khả năng phát sinh và tăng trưởng… như đã đề cập đến nhiều (khá chi tiết) trong các bài viết, các bài pháp thoại tương tự cùng tác giả.
  2. Hành giả có thể nhập định vào các tầng thiền chứng của mình, để hưởng được những sự hạnh phúc an lạc vi diệu, thù thắng của Bậc thiền sở đắc của mình (tương tự như một phần nào trạng thái tâm hạnh phúc của các vị Trời Dục Giới, Trời Phạm Thiên, đang sống ở những cảnh giới Thiền ấy).
  3. Các Bậc thiền định là nền tảng vững chãi cho việc tiến hành thiền Vipassanā một cách thuận tiện và hiệu quả lớn.
  4. Các Bậc thiền định hỗ trợ các bậc Thánh Nhân nhập Thánh Quả định.
  5. Bậc thiền định hỗ trợ cho các Bậc Thánh A na Hàm (Anagami), A la Hán (Arahan) nhập diệt thọ tưởng định.

Sự tu tập Thiền Định đem lại hiện tại lạc thú cho những vị A-la-hán đã phá hủy các lậu hoặc khi tu định, nghĩ rằng “Ta sẽ chứng và an trú nhất tâm trọn một ngày”.


Do đó, Đức Thế Tôn dạy:

 “Nhưng này Cunda, đấy không phải cái gọi là viễn ly trong giới luật bậc Thánh, đấy gọi là Hiện tại lạc trú trong Giới luật bậc Thánh” 1.

Nhưng khi những bậc Thánh đã chứng đắc tám giải thoát tu tập định với ý nghĩ: Ta sẽ nhập diệt định, và không tâm trong bảy ngày, ta sẽ được hiện tại lạc trú, bằng cách đạt đến diệt thọ tưởng, nghĩa là Niết Bàn”. Và khi ấy sự tu tập Thiền Định đem lại cho những vị ấy lợi lạc của diệt.

Do đó Patisambhidà nói:

“Trí tuệ kể như sự làm chủ, do… mười sáu loại tri kiến (behaviour of knowledge) và chín loại định (behaviour of concentration) là trí thuộc diệt định” 2.

Khi bậc hữu học tu tập định, nghĩ rằng: “Sau khi xuất định, chúng ta sẽ tu tập Tuệ với tâm đã định tỉnh”.

Sự tu tập định an chỉ (absortion concentration) đem lại cho chúng lợi ích của tuệ bằng cách làm nhân gần cho tuệ, và cũng vậy Cận định (upaccāra samādhi) đem lại lợi ích là một phương pháp đạt đến những cảnh giới rộng mở, trong những hoàn cảnh chật chội 3 v.v…

Quá trình hiện hữu trong vòng tái sinh luân hồi, một chỗ rất chật chội, là chất đầy bởi những cấu uế của tham, sân v.v… Bởi vậy đức Thế Tôn dạy rằng:

“Này các Tỳ Kheo, hãy tu tập định! Vì một Tỳ Kheo định tỉnh, thì biết đúng” 4.

Những lợi ích Các Bậc thiền định cho quả báu tái sanh vào các thiện thú, cảnh giới hữu phước, bình an cao quý trong kiếp sau:

Khi bậc thiện trí chưa mất thiền định, mà muốn tái sinh vào Phạm thiên giới như sau: “Ta hãy tái sinh vào Phạm thiên giới”, hay dù cho vị ấy không thực sự bày tỏ khát vọng ấy, thì sự trau dồi thiền định cũng đem lại cho vị ấy những lợi lạc của một thiện thú, vì định an chỉ bảo đảm việc ấy.

Vì vậy, Đức Thế Tôn dạy:

“Chúng tái sinh ở đâu sau khi đã tu tập sơ thiền một cách giới hạn? Chúng tái sinh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Ðại Phạm” 5 v.v…

Và ngay cả sự tu tập định cận hành (thiền giả chứng đắc cận định) cũng bảo đảm một hình thức tái sinh tốt đẹp hơn trong những thiện thú thuộc dục giới như: các cảnh giới tốt đẹp ở trên sáu tầng Trời Dục giới, v.v…


Các hành giả đã chứng đắc các tầng thiền định sắc giới sẽ tái sanh vào các cõi trời Phạm Thiên như 6:

1. Bậc chứng đắc Đệ Nhất Thiền sắc giới (Sơ Thiền), sau khi hết tuổi thọ (tùy theo năng lực định tâm của mỗi hành giả) sanh về một trong 3 cõi sau:

  • Cõi Phạm Chúng Thiên: có tuổi thọ dài bằng ⅓ A Tăng kỳ kiếp trụ
  • Cõi Phạm Phụ Thiên: có tuổi thọ dài bằng ⅔ A Tăng kỳ kiếp trụ
  • Cõi Đại Phạm Thiên: có tuổi thọ dài bằng 01 A Tăng kỳ kiếp trụ.

2. Bậc chứng đắc Đệ Nhị Thiền sắc giới, sau khi hết tuổi thọ (tùy theo năng lực định tâm của mỗi hành giả) sanh về một trong 3 cõi sau:

  • Cõi Thiểu Quang Thiên: Phạm Thiên có tuổi thọ dài 2 Đại kiếp trái đất.
  • Cõi Vô Lượng Quang Thiên: Phạm Thiên có tuổi thọ dài 4 Đại kiếp trái đất.
  • Cõi Quang Âm Thiên: Phạm Thiên có tuổi thọ dài 8 Đại kiếp trái đất.

3. Bậc chứng đắc Đệ Tam Thiền sắc giới, sau khi hết tuổi thọ (tùy theo năng lực định tâm của mỗi hành giả) sanh về một trong 3 cõi sau:

  • Cõi Thiểu Tịnh Thiên: Phạm Thiên có tuổi thọ dài 16 Đại kiếp trái đất.
  • Cõi Vô Lượng Tịnh Thiên: Phạm Thiên có tuổi thọ dài 32 Đại kiếp trái đất.
  • Cõi Biến Tịnh Thiên: Phạm Thiên có tuổi thọ dài 64 Đại kiếp trái đất.

4. Bậc chứng đắc Đệ Tứ Thiền sắc giới, sau khi hết tuổi thọ (tùy theo năng lực định tâm của mỗi hành giả) tái sanh về một trong 7 cõi sau:

  • Cõi Quảng Quả Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 500 đại kiếp.
  • Cõi Vô Tưởng Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 500 đại kiếp.

* Ngoài ra, còn có 5 cõi dành cho Bậc vừa chứng đắc đệ tứ thiền sắc giới vừa chứng đắc đạo quả Thánh A Na Hàm (Anagami):

  • Cõi Vô Phiền Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 1.000 đại kiếp.
  • Cõi Vô Nhiệt Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 2.000 đại kiếp.
  • Cõi Thiện Hiện Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 4.000 đại kiếp.
  • Cõi Thiện Kiến Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 8.000 đại kiếp.
  • Cõi sắc Cứu Cánh Thiên: Chư Phạm Thiên có tuổi thọ 16.000 đại kiếp.

Hành giả chứng đắc các tầng thiền vô sắc, sau khi hết thọ mạng, nếu có nguyện vọng tái sanh lên những Cõi Trời Đại Phạm Thiên Vô sắc, vị ấy hướng tâm nhập định, v.v… sẽ tái sanh về những cõi Trời Đại Phạm Thiên vô sắc giới tương ứng với tầng thiền sở đắc, với tuổi thọ vô cùng lâu dài.

 

Tác giả: Thiền sư Thiện Minh (Varapañño)
        – Tiến sĩ Phật học (Srilanka) –


Tham khảo:

  • 1(M. i, 40)
  • 2(Ps. i,97; Ch. XXIII đoạn 18 và kế tiếp)
  • 3i,179
  • 4(S. iii,13)
  • 5(Vbh. 424)
  • 6Tìm hiểu pháp hành thiền tuệ (Dhamma rakkhita- Đại trưởng lão Hộ Pháp)