“Sức mạnh của Chánh Niệm là chất liệu chính cho sự nhập định và phát triển năng lực của định tâm. Sự tỉnh giác hay biết ở đâu là Tâm ở đó”.
(Thiền sư Thiện Minh)

Ứng dụng sự thật chế định pháp “Paññatti” để thấy rõ sự vô thường anicca của cảm thọ vedanā

Những phiền não ngủ ngầm (anusayas kilesās) trong thân tâm chúng sanh, thường tồn tại dưới các dạng như:

  • Ẩn nấp,
  • Trá hình,
  • Cơ hội, v.v…

Và dường như, chúng thường xuyên lén lút chờ đợi, bất kể khi nào chúng ta sơ ý, thiếu tỉnh thức, vắng chánh niệm,… là chúng trỗi dậy dưới các trạng thái như: Sân giận, nóng nảy, bực tức, vọng tưởng, ích kỉ, v.v… Khiến cho chúng ta rất mệt mỏi, bất an, âu lo phiền muộn, v.v…

Như hôm nay, tập hợp các loại phiền não (kilesās) đó, có cơ hội trỗi dậy và đang tập trung tại các chỗ khiến chúng ta khởi sanh phiền não bất toại nguyện như các cảm giác mỏi, tê, đau, v.v… Những cảm thọ đau nhức gây khó chịu nơi đây, chính là đại diện cho những loại phiền não ngủ ngầm trong ta tự bao giờ đến nay.

Quả thật, vô cùng may mắn cho chúng ta hôm nay, được phát hiện ra nơi “tạm trú di động” của chúng thật rõ ràng, là cơ hội “ngàn năm một thuở” đối diện, nhìn rõ bản chất thật của chúng, để rồi không còn bị lầm lẫn bởi chúng nữa.

Các cảm thọ mỏi, tê, ngứa ngáy,… khó chịu này xuất hiện, là một may mắn vô cùng lớn cho chúng ta, chứ không phải là điều đáng rủi ro đâu quý vị nhé!


Vì sao quý vị biết không? Bởi vì những lý do sau đây:

  1. Những cảm giác (vedanā) mỏi, tê, đau, ngứa ngáy, v.v… sinh khởi trong lúc thiền tập, khiến chúng ta khó chịu, cản trở bước tiến để đạt pháp an tịnh trong nội tâm của chúng ta.
  2. Những khổ thọ (dukkha vedanās) khó chịu, bức bách này, chính là: “Thủ Tướng, là chủ soái đứng đầu, là đại diện” cho những trạng thái không vừa lòng của chúng ta trong bình nhật như: Sự tức giận, khổ đau, oan trái, uất ức, bức bách, bất mãn, thương tiếc, sợ hãi, v.v… Xảy ra trong đời sống thường nhật của chúng ta, mỗi khi có điều kiện thích hợp tương ứng tác động, từ sơ sinh đến lúc mệnh chung!

Từ lâu, những bậc thiện tri thức đã phát hiện ra được điều quý báu rằng:

“Phần lớn những sự đổ vỡ, hư hỏng, thất bại, muộn phiền, ăn năn, tiếc nuối, v.v… Cũng như nhiều sự mất mát lợi ích lớn trong cuộc đời, là do thiếu vắng sự tỉnh thức; hoặc chưa có được kinh nghiệm trí tuệ để tự kiềm chế, đối với những trạng thái Tâm Sân (dosa), Tâm Si (moha) sinh khởi, dưới những dạng nóng giận, bất bình, trái ý nghịch lòng, v.v… do chính mình gây ra phải không?”.

Mặc dù, vẫn biết các trạng thái tâm Tham, Sân, Si là bất lợi và khổ như vậy, nhưng đã biết bao lần cố gắng, ý thức sửa đổi lại tâm tánh này, nhưng quả thật chẳng dễ chút nào! Bởi vì chúng ta chưa có một phương pháp cụ thể, thích hợp nào hơn phải không?

Hôm nay, nếu chúng ta cho rằng (hay chấp chặt rằng) những cảm thọ  mỏi, tê, v.v… khó chịu này là thật, là cố định, là bất biến không đổi! Và cho rằng những cảm giác khó chịu khổ đau này chính là ta, là của ta. Để rồi vội vã tránh né chúng, chạy trốn chúng, cố tìm kiếm một cái gì đó sao cho được vừa lòng, thoải mái từ lúc này đến lúc khác!

Như vậy, nghĩa là chúng ta sợ hãi “chúng”, bị “chúng” rượt đuổi và mãi mãi bị đồng hóa bởi “chúng”! Để rồi trở thành: “chúng = phiền não” chính là Ta và Ta chính là “chúng = phiền não” hay “cảm thọ khổ này” là của Ta và Ta chính là “những cảm thọ khổ này!”.

Điều này, chẳng khác nào chúng ta “đồng lõa với chúng = phiền não” và giống như chúng ta đã và đang nhốt giặc trong nhà, sống chung với giặc từ bấy lâu mà chẳng hề hay biết! Để rồi, phải mãi mãi chịu sự sai khiến, nô lệ của “chúng”, và rõ ràng điều đó đi ngược lại với giáo huấn chân lý của Bậc Giác Ngộ: “Tất cả các Pháp là vô thường (anicca), là khổ (dukkha) và vô ngã (anatta) phải không?

Do vậy, đây là một cơ hội vô cùng quý báu cho hành giả nỗ lực để thấy rõ được bản chất của sự thật này, đó là “quân thù” mà chúng ta đã lầm tưởng là “bạn” và cùng sống chung với nó từ lâu.


Dùng Chánh Niệm Để Thấy Rõ Sự Thật:

Cụ thể là khi cảm thọ mỏi, tê, v.v… sinh khởi lên, để giải quyết nó, chúng ta niệm “mỏi à! mỏi à!”… Nếu mỏi nhiều quá thì niệm nhanh hơn “mỏi! mỏi! mỏi!…”, tức là bây giờ chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với nó (trái ngược với phản xạ theo thói quen từ trước đến giờ, luôn luôn có xu hướng tránh né nó!), ghi nhận chúng một cách trực tiếp, bền bỉ, siêng năng,… không tránh né hay chạy trốn nó nữa!

Tập trung chánh niệm liên tục trên các cảm thọ này, dần dần hành giả sẽ thấy chúng “các cảm giác đau, mỏi” biến đổi, và chuyển hóa không còn như lúc đầu nữa, đến đây hành giả sẽ ngộ ra quy luật biến đổi vô thường là như thế nào vậy.


Nhờ có Đức tin (saddhā) trong sáng mà chúng ta có sự quyết tâm như vậy.

Nhờ Giữ Giới (sῑla) nên Tâm định tĩnh, nhờ Tâm định tĩnh mà có sự sáng suốt hơn để nhìn thấy rõ được các cảm giác đau, mỏi, tê khó chịu này càng lúc càng rõ ràng hơn!

Chúng ta nhìn nó và chánh niệm sati với tâm “chấp nhận”, bình tĩnh, thản nhiên không nên niệm với tâm “xua đuổi”, hay cầu mong điều gì!

Hành giả cần dồn sự tập trung 100% vào ngay vùng sinh lên cảm thọ khó chịu đó (lúc này hành giả cần tạm thời rời tâm ra khỏi đề mục chính là hơi thở).

Trong giây phút này cần sự tỉnh giác và chánh niệm cao độ, một cách chính xác xuyên thấu:

  • Nếu cảm thọ là mỏi, thì ghi nhận là “mỏi à! mỏi à…”
  • Nếu cảm thọ chuyển sang tê, thì ghi nhận là “tê à! tê à!…”…

Sự tự tin vào chính mình cần được khởi lên một cách “thoáng qua” hỗ trợ mạnh mẽ cho ta trong lúc này. Chúng ta đối diện với nó, ngắm nhìn nó “mỏi à! mỏi à!”. Chúng ta chánh niệm ghi nhận một cách bình tĩnh, tự nhiên, kiên trì, liên tục và “xuyên thấu”.

Tuy có tinh tấn, nhưng êm ái, nhẹ nhàng, mềm mại. Do nguyên lý: “Tâm luôn luôn biến đổi vô thường, nó có trạng thái sinh rồi diệt, diệt rồi sinh…”, nên các cảm thọ đau, mỏi, tê nhức,… kia cũng không nằm ngoài quy luật này. Nó sẽ tiêu biến dần, tiêu biến dần, với sự chánh niệm đều đặn và đúng cách của chúng ta, chắc chắn là như thế!

Giống như sợi dây bị trói chặt lâu ngày, nay càng lúc càng được mở ra, nới lỏng dần dần. Và do càng thấy được sự thật biến đổi của cảm giác khó chịu tê, mỏi này, mà tâm của chúng ta mỗi lúc càng trở nên hùng cường và sung mãn.

Sự vui mừng vô bờ bến sẽ đến với chúng ta. Một khi vượt qua những cảm thọ này rồi, ngay lập tức thân – tâm cảm nhận sự an lạc, nhẹ nhõm, vui sướng vô cùng…

Khi Quang Tướng (paṭibhāga nimitta) xuất hiện, chính là ánh sáng tự nhiên từ tâm của hành giả được phát ra mạnh mẽ, đến mức người bên ngoài cũng có thể cảm nhận được ánh sáng này qua làn da sắc diện của hành giả. Đây là nguồn sáng tự nhiên từ tâm an tịnh tỏa ra, vì không còn bị các chướng ngại tinh thần “Nῑvaraṇas”, và các phiền não (kilesās) thô thiển kia che lấp nữa.

Như bầu trời đêm rằm, được rạng ngời đẹp đẽ với bao cảnh vật tự nhiên của đất trời,… bởi sự chiếu sáng của mặt trăng, khi vừa thoát khỏi áng mây đen.

Thật là:

“Ai dùng các hạnh lành,

Xóa mờ các nghiệp ác,

Tỏa chiếu khắp đời này,

Như Trăng thoát khỏi áng mây”.

(kinh Pháp Cú)