Nội dung bài viết - Contents
Trong bài kinh Lokapala Vagga – Anguttara, Đức Phật ví các việc bất thiện như chén muối và các việc thiện như nước sông Hằng.
Đức Phật dạy như sau:
– “Này chư Tỳ Kheo! Ví như lấy một chén muối bỏ vào một cốc nước nhỏ, các Thầy nghĩ như thế nào? Vì muối mặn không thể uống nước được, có thể như vậy không? Tại vì sao?
+ Có thể vậy, bạch Đức Thế Tôn! Vì cốc nước nhỏ đựng ít nước nên mặn không thể uống được, kính bạch Đức Thế Tôn!
– Này chư Tỳ Kheo! Với chén muối đó bỏ vào dòng sông Hằng, các Thầy sẽ nghĩ như thế nào? Vì chén muối đó mặn nên nước sông Hằng không thể uống được, có thể như vậy hay không?
+ Không thể được! Nước trong dòng sông Hằng thì nhiều, nên một chén muối bỏ vào mà làm cho nước sông Hằng mặn, không uống được là điều không thể có, bạch Đức Thế Tôn!
– Cũng vậy, này chư Tỳ-Kheo! Có hai hạng người trong thế gian này!
1. Một số người làm một ít việc bất thiện (việc lỗi lầm), khi việc bất thiện đó trổ quả họ phải chịu khổ ưu, sầu não trong kiếp này và sẽ tiếp tục sanh vào các khổ cảnh khác trong kiếp sau để tiếp tục chịu khổ ưu. Tại vì sao?
- Những người đó, sau khi đã trót làm những việc bất thiện rồi mà vẫn không tinh cần, chịu khó tạo các việc Phước Thiện, không cố gắng làm cho tăng trưởng các Thiện pháp, vun bồi các công đức như bố thí, giúp đỡ người nghèo khó, cúng dường đến Sa môn, Bà la môn, giữ giới, học các Pháp Thiền Định, Thiền Tuệ…
2. Trong thế gian này, một số người cũng trót làm những việc Bất thiện tương tự như trên, khi việc Bất thiện đó trổ quả thì họ sẽ không chịu nhiều khổ ưu trong kiếp này (nếu có thì cũng nhẹ hơn) và có thể không bị đọa sanh vào các khổ cảnh, cũng như không còn chịu đựng quả khổ đó trong kiếp sau nữa! Vì sao?
- Những người này sau khi trót làm các việc bất thiện rồi, họ biết ăn năn về lỗi lầm… Do đó, cố gắng tinh cần chăm làm các việc Phước Thiện, vun bồi công đức như: Bố thí giúp đỡ những người nghèo khó, cúng dường đến Sa-môn, Bà la môn, giữ giới, hành Thiền Định, Thiền Tuệ… Nhờ đó mà các Phước Thiện, công đức của họ hằng được tăng trưởng”.
(Trích trong tác phẩm sách: Châu ngọc trong ta – Thiền sư. TS. ĐĐ Thiện Minh biên soạn)