“Khi sự định tâm tại điểm xúc chạm của hơi thở vào và hơi thở ra với vùng da nhạy cảm dưới mũi đủ mạnh, thì ánh sáng quang tướng sẽ xuất hiện tại nơi ấy. Nếu cảm thấy mất hơi thở thì đặt tâm chờ ở đấy, chứ không tìm kiếm và chỉ quan tâm đến điểm xúc chạm của hơi thở mà thôi!”.
(Thiền sư Thiện Minh)

 

Những trình tự căn bản đi vào Cận định hoặc Định Sơ Thiền

Một số hành giả tập thiền hơi thở đến giai đoạn 2 hoặc 3, thì những dạng (Parikamma Nimitta) đã bắt đầu xuất hiện.

Đây là những dạng “ấn chứng” khởi đầu của sự định tâm, thường  trông giống như màng nhện giăng, mờ mờ, ảo ảo như làn khói thuốc trước mặt, khó phát hiện. Hoặc có khi như một vầng sáng trắng chung chung, mờ mờ trước mặt, v.v…

Vào lúc này, hành giả không nên hướng tâm “nhìn” hay để ý đến các hiện tượng đó, mà chỉ nên quan tâm một cách liên tục đến hơi thở là đề mục chính của mình mà thôi!

Vì nếu hành giả hướng tâm “nhìn” theo chúng, đồng nghĩa ta đã “bỏ rời đề mục chính ngay thời điểm đó” để quan sát chúng. Do vậy định tâm của Hành giả ngay lập tức bị giảm xuống, đồng thời các hình dạng trên sẽ biến mất!

Lại có nhiều trường hợp, những ngôi sao nhỏ xuất hiện vờn vờn đằng trước, cách mặt hành giả khoảng một, hai gang tay; có khi như một dãy ngôi sao nhỏ liên tục hiện bên thái dương, bên phải hoặc trái, hoặc trên hai hàng lông mày; hoặc đôi khi như có người nào khác nghịch ngợm dùng đèn pin pha thẳng vào mặt hành giả.

Hoặc có lúc xuất hiện những dạng như cả một chùm ánh sáng phủ trùm lên toàn thân của hành giả, v.v… đây là những dạng ánh sáng có cường độ sáng khá mạnh (Uggahanimitta).


Tóm lại:

Tất cả các hình dạng có cường độ ánh sáng từ yếu đến mạnh như trên, gọi là những ấn chứng của định (nimitta), hay còn gọi là những dấu hiệu tương ứng của sự định tâm đang trên đà phát triển, v.v…

Trong những trường hợp này, quý hành giả không nên quan tâm đến chúng! (Không nên “nhìn” đến chúng!). Mà chỉ nên quan tâm đến hơi thở vào, ra là đề mục chính mà thôi. Tuy không quan tâm, không để ý đến chúng, nhưng chúng ta vẫn thấy chúng (ở đây tạm gọi là ta “bị thấy” chúng).

Ví như, Ta chú Tâm nhìn một viên bi trong ly nước, mặt dù ta chỉ cố tâm, tập trung chú ý chỉ để nhìn viên bi, tuy nhiên ta vẫn “bị thấy” luôn cả nước bao xung quanh viên bi ấy.

Và lúc này tự hiểu rằng “định tâm của Hành giả đang trên đà phát triển”, nên những dấu hiệu (ấn chứng, triệu chứng) như vậy mới xuất hiện lên.

Trong khi thực hành thiền niệm hơi thở này “với mọi hiện tượng, mọi hình ảnh, nếu có xuất hiện, Hành giả không nên quan tâm”! Mà chỉ quan tâm duy nhất đến hơi thở mà thôi.

Nhiều trường hợp, ánh sáng đột ngột xuất hiện chói lòa trước mắt, như có người nào nghịch ngợm đang pha đèn pin vào mặt mình! Gặp tình huống này, Hành giả có sự tỉnh giác và không nên quan tâm, mà chỉ theo hơi thở vào, hơi thở ra (một khi hơi thở vào, ra vẫn còn mạnh và rõ ràng).


Chúng ta cố gắng phát hiện cho bằng được điểm “xúc chạm” nơi gió vào, ra với vùng da dưới mũi là điều quan trọng trong pháp Thiền Ānāpānassati này:

1. Những “điểm xúc chạm” nhạy cảm thường gặp là:

  • Điểm giữa dưới mũi (huyệt nhân trung).
  • Hai bên phải, trái mép trong của cánh mũi.
  • Hai bên vùng da ngay thẳng dưới hai lỗ mũi.
  • Trong mép nóc vòm phía trên hai lỗ mũi phải, và mũi trái, v.v…

2. Tùy thuộc vào sự nhạy cảm riêng của mỗi hành giả, v.v… Nếu trường hợp có hai nơi “xúc chạm” xuất hiện đồng thời một lúc, ta chỉ chọn một điểm xúc chạm nào rõ ràng nhất, và tập trung tâm ở nơi đó.

  • Lại có những trường hợp như thời ngồi thiền trước, điểm “xúc chạm” của gió ra, vào rõ ở cánh mũi phải, nhưng vào thời ngồi thiền lần sau, lại xuất hiện rõ bên cánh mũi trái
  • Lại có hành giả thời ngồi thiền trước, điểm “xúc chạm” rõ ở điểm giữa dưới mũi (nhân trung), nhưng vào thời gian khác, điểm “xúc chạm” không còn tại vùng dưới mũi nữa, mà là bên cánh mũi.
  • Có hành giả, hôm trước phát hiện điểm xúc chạm rõ phía mép vòm đỉnh mũi (phần dưới vòm nơi có gió ra vào tiếp xúc), nhưng hôm sau lại phát hiện điểm xúc chạm thay đổi vị trí ở dưới mũi (ngay thẳng phía dưới hai lỗ) nơi gió đi ra, đi vào, v.v…

Nói chung, những điểm xúc chạm của gió ra – gió vào mũi, có thể cố định và có thể thay đổi từ vị trí này sang vị trí khác, vào mỗi thời thiền khác nhau! Cần nhớ rằng sự xúc chạm “rõ nhất” nơi nào, là ta đặt tâm ngay ở đó, vấn đề vị trí của điểm xúc chạm có sự thay đổi khi thì chỗ này, lúc chỗ khác là không quan trọng.


Ghi nhớ có hai điểm trọng yếu là:

* Sự gom tâm mạnh mẽ của hành giả sẽ ở tại điểm nào? 
* Và ánh sáng Quang Tướng sẽ được xuất hiện lên khi nào?

1. Sự tập trung gom tâm nhiều nhất của hành giả:

  • Xuất hiện tại nơi có sự “xúc chạm” của gió vào, ra một cách liên tục tại các bước thứ 3 hoặc thứ 4, và mạnh nhất vào bước thứ 5.
  • Bước thứ 5, gió vào, gió ra là bước cuối cùng:
  • Sự định tâm sẽ phát triển mạnh nhất vào bước thứ năm này.

2. Ánh sáng Quang Tướng sẽ được xuất hiện lên khi nào?

Có hai trường hợp đối với bước cuối cùng (thứ năm): Ánh sáng mạnh mẽ Quang Tướng “paṭibhāga nimitta” xuất hiện ngay tại điểm xúc chạm, là bước thành công đầu tiên để dẫn đến trạng thái cận định (upaccāra samādhi) hoặc/và trạng thái toàn định – Đệ Nhất Thiền (appanā samādhi) trên ánh sáng Quang Tướng (paṭibhāga nimitta) làm đối tượng.

a. Trường hợp một:

Gió vào ta “biết” vào, gió ra ta “biết” ra, v.v…. Lúc này vì gió vào, ra còn khá nhanh và rất vi tế, nên ta chỉ cần ý thức “gió vào, gió ra; gió vào, gió ra…” một thời gian. Cho đến khi ta thấy gió vào, gió ra càng lúc càng rút ngắn lại hơn, yếu hơn, vi tế hơn và nhanh hơn nữa!

Nên cuối cùng, ta chỉ còn kịp thời chánh niệm “nhận biết” trên hơi thở vào, hơi thở ra một cách rất đơn giản trong tâm trên “điểm xúc chạm”: “vào, ra”; “vào, ra”; “vào, ra”; “vào, ra”, v.v…

Và cứ thế, chỉ chánh niệm ghi nhận như vậy một cách liên tục 1 cho đến khi nào sự định tâm nơi điểm xúc chạm đó “đủ mạnh”, thì cường độ ánh sáng tăng mạnh dần và “quang tướng sẽ xuất hiện mạnh mẽ, rõ ràng sáng chói ngay tại điểm xúc chạm” đó[2].


Ghi nhớ:

Vào lúc này, nếu trường hợp ánh sáng phủ mạnh vào toàn khuôn mặt, thì cảm giác tại “điểm xúc chạm có thể bị mờ đi”. Gặp tình huống này, hành giả hết sức định tỉnh và cứ đặt tâm ngay tại chỗ có cảm giác của sự xúc chạm cuối cùng, “chờ” ở đó!

Trong chốc lát, cảm giác tại điểm xúc chạm sẽ rõ ràng trở lại cùng với ánh sáng chói lọi minh bạch. Và lúc này là lúc hành giả “bắt đầu được phép” nhìn vào ánh sáng Quang Tướng, với “Tâm đặt ngay tại điểm xúc chạm” một cách liên tục không gián đoạn tại đó một giờ, hai giờ, v.v…

Hành giả kiên trì “nhìn vào ánh sáng Quang Tướng với chánh niệm đặt thường xuyên ngay tại điểm xúc chạm” càng lâu, càng tốt, càng sáng mạnh hơn theo thời gian dài hơn về sau….. Thường thì từ một tiếng đồng hồ, đến hai giờ, v.v… cường độ ánh sáng càng lúc càng rực rỡ chói lọi, lấp lánh như ngôi sao mai buổi sáng; hoặc trong suốt và lấp lánh như cục nước đá; như kim cương dưới ánh đèn điện; hoặc chói lọi như ánh nắng mặt trời, v.v…

Có nhiều Hành giả “nhìn” ánh sáng chói lòa của quang tướng trong hàng giờ khiến nước mắt chảy ra dàn dụa như người khóc vậy. Đây là  phản xạ bảo vệ của mắt, do chưa từng quen với dạng ánh sáng nội tại đặc biệt này!.Thường xảy ra với những Hành giả bước đầu phát triển được quang tướng.

Hành giả thực tập lại tại điểm này nhiều lần cho đến khi hoàn toàn Nhất Tâm trong Quang Tướng paṭibhāga nimitta. Nghĩa là tâm thường trụ trong ánh sáng của Quang Tướng hoàn toàn không một vọng tưởng mảy may nào về tương lai hay quá khứ.


Pháp thử để biết thật là Quang Tướng:

Vào lúc nhất tâm (appanā samādhi) trên quang tướng (paṭibhāga nimitta) sau khoảng một giờ hoặc hơn, hành giả xuất định và tác ý hướng Tâm “nhìn” xuống ngay nơi vùng trái tim (bên ngực trái dưới vùng vú có mỏm tim đập), hành giả sẽ thấy nơi ấy như có một tấm kiếng chiếu phản xạ dội ngược nguồn ánh sáng mạnh mẽ trở lên!

Nơi trong trái tim có một hạt nhỏ màu trắng được gọi là sắc ý vật, hạt vật chất của Tâm (hadaya vatthu = nơi nương tựa của tâm ý).

Thực tập một số lần ở điểm này, hành giả có thể nhận thức một cách dễ dàng bằng trí tuệ rằng:

“Ý môn hay cửa ngõ của mọi Tâm ý, tư duy của con người (bhavaṅga citta) vốn nương tựa vào sắc ý vật để phát sanh lên”.

Và Hành giả cũng có thể nhận thức được rằng, vì sao nguồn gốc ánh sáng Quang Tướng được xuất hiện từ nơi đây!

Sau đó, hành giả cố gắng trau dồi nhiều lần để phát triển định Tâm ngày một sâu hơn, và quan sát cửa ngỏ của mọi tư duy, ý nghĩ… cùng chung đồng thời[1] với Quang Tướng là như thế nào?

Hành giả nên xét duyệt các thiền chi trên đối tượng của Quang Tướng, và dần dần sẽ phân biệt các chi thiền với trí tuệ của mình không mấy khó khăn.

Hành giả cần tiếp tục trau dồi cho đến khi vắng bặt mọi âm thanh chung quanh (appanāsamādhi).

(Nghĩa là, khi hành giả tác ý hướng tâm nhập định, lập tức ánh sáng mạnh mẽ xuất hiện và bắt đầu Quang tướng chói lọi thay thế cho mọi trí năng quá khứ vị lai… Ngược lại khi hành giả tác ý xuất định thì những suy nghĩ, trí năng bắt đầu khởi động sinh lên… đồng thời ngay lập tức thay vào đó là Quang tướng mờ xuống và biến mất!).


b. Trường hợp hai (rất thường gặp):

Nhiều hành giả do nhờ sự tinh tấn liên tục mà định Tâm được phát triển tốt, đó là đã cảm giác được “điểm xúc chạm”.

Tuy nhiên, mặc dù theo dõi, quán sát chánh niệm tại điểm xúc chạm “gió vào, gió ra”; “gió vào, gió ra”, v.v… và lặp đi, lặp lại nhiều lần, nhiều thời thiền, nhiều ngày như thế mà tâm vẫn không “định” được trên điểm xúc chạm! Gió cứ mãi vào, ra mạnh từ giờ này sang giờ khác, từ thời ngồi thiền này sang thời ngồi thiền khác, từ ngày này sang ngày khác, v.v…

Gặp trường hợp này (giai đoạn 5 cuối cùng) chúng ta phải làm sao? Tình huống này chúng ta cần xử trí qua 3 chặng ngắn gọn như sau:

  • Chặng thứ nhất: Chánh niệm trên điểm xúc chạm “gió vào, gió ra”; “gió vào, gió ra” khi gió càng vi tế hơn, vào ra nhanh hơn và yếu hơn thì chuyển qua chặng thứ nhì.
  • Chặng thứ nhì: Chánh niệm trên điểm xúc chạm với tâm hay biết đơn giản và ngắn gọn hơn: “vào, ra”; “vào, ra”; “vào, ra”, v.v… cho đến khi hơi thở rất yếu, rất vi tế… chuyển qua chặng 3.
  • Chặng ba: Hành giả khởi tâm quyết định rằng: “tâm ta nhất định, phải nhập định tại đây!”, nghĩa là “nhất định phải nhập định, ngay tại điểm xúc chạm này”.

Sau đó, hành giả tiếp tục niệm “vào, ra”; “vào, ra”, v.v… thêm vài phút nữa, và cuối cùng Hành giả không nên tiếp tục niệm “vào, ra” thêm lần nào nữa!

Thay vào đó, Hành giả cần chánh niệm (sự biết) lên ngay tại “điểm xúc chạm”, một cách đơn thuần: “biết, biết, biết…”  “ấn tâm” một cách liên tục, liên tục không gián đoạn ngay trên điểm xúc chạm này, với khoảng thời gian trong chốc lát (khoảng 5-10 giây…)

Khi sự định tâm nơi đó đủ mạnh, ánh sáng của Quang Tướng sẽ xuất hiện tại “điểm xúc chạm”!

Đến đây, hành giả sẽ tiếp tục giống như trường hợp một nêu trên, cho đến khi hành giả an trú Nhất Tâm (ekaggata) hoàn toàn trong ánh sáng của Quang Tướng trong một giờ, hai giờ… sau đó tiếp tục trau dồi qua Năm bước thành thạo của Bậc Sơ Thiền như đã đề cập.


Tham khảo:

  • [1]Không nên niệm dài dòng hơn lúc này nhé!
  • [2]Lúc này ánh sáng Quang Tướng mới thật sự ổn định trên hơi thở của hành giả; từ giờ phút này trở đi là chúng ta rất tự tin rằng mỗi khi hành thiền đi, thiền đứng, thiền ngồi hay nằm, chỉ cần nhắm mắt hướng tâm đến đề mục hơi thở là ánh sáng xuất hiện, không còn khó khăn nữa! (Do vậy hành giả không nên hướng tâm nhìn vào với mọi dạng ánh sáng hoặc hình ảnh nào xuất hiện trong quá trình hành thiền từ lúc khởi đầu cho đến lúc này, bởi vì nó không bền và sẽ nhanh chóng biến mất vậy).
  • [3]Lúc này hành giả hoàn toàn không nên lưu tâm một chút gì về gió vào hay gió ra cả mà chỉ với sự chánh niệm trong tâm “biết, biết, biết…” mà thôi.