Nội dung bài viết - Contents
Năm loại Thắng trí – Các năng lực thần thông – Tha Tâm Thông
* Tha Tâm Thông (Paracittavijānana abhiññā)
Sự giải thích về Tha tâm trí, Kinh văn như sau:
– “Với tâm đã được định tỉnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu uế, đã trở thành nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc và đạt đến bất động, v.v… Vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến tha tâm trí. Với tâm của mình vị ấy đi vào tâm của các chúng sinh khác, của người khác và hiểu chúng như sau:
- Tâm có tham, biết là tâm có tham; Tâm vô tham, biết là tâm vô tham;
- Tâm vô sân biết là tâm vô sân;
- Tâm có si biết là tâm có si;
- Tâm vô si biết là tâm vô si;
- Tâm chật hẹp biết là tâm chật hẹp;
- Tâm tán loạn biết là tâm tán loạn;
- Tâm đại hành biết là tâm đại hành;
- Tâm không đại hành biết là tâm không đại hành;
- Tâm hữu thượng, biết là tâm hữu thượng;
- Tâm vô thượng biết là tâm vô thượng;
- Tâm định tỉnh, biết là tâm định tỉnh;
- Tâm không định tỉnh biết là tâm không định tỉnh;
- Tâm giải thoát biết là tâm giải thoát;
- Tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát ”13.
Ở đây, “đi vào” có nghĩa là đi khắp (pariyàti):
Nghĩa là định giới hạn (paricchindati) “của những người khác” cũng nghĩa như câu trước “của những chúng sinh khác” thay đổi vì mục đích giáo hóa và tính cách văn vẻ của sự thuyết trình (lược).
Nhưng trí này được sinh khởi bằng cách nào? Nó được thành công nhờ thiên nhãn, làm công việc chuẩn bị cho nó. Bởi thế, vị tỳ kheo cần phải nới rộng ánh sáng, và cần phải tìm ra tâm người khác bằng cách quan sát với thiên nhãn về màu sắc của máu đang hiện diện, với trái tim vật lý làm chỗ tựa cho nó.
Vì khi một tâm đang câu hữu với hỷ (vui mừng, hoan hỷ) đang hiện diện, thì máu có màu đỏ như trái sung (chín), khi một tâm câu hữu với ưu (phiền muộn, bất an, lo lắng…) hiện diện, thì máu có màu hơi đen.
Khi một tâm câu hữu với sự định tỉnh, an lạc, tỉnh giác, tịnh chỉ hiện hành… thì máu trong như dầu mè. Bởi vậy, vị ấy phải tìm ra tâm hành của một người bằng cách quan sát màu máu trong trái tim vật lý như:
- Chất máu này được phát sinh do hỷ căn (Tâm an vui, hoan hỷ, vừa lòng, v.v…);
- Chất máu này được phát sinh do ưu căn (Tâm đang phiền muộn, bất an, lo lắng, không vừa lòng, v.v…);
- Chất máu này được phát sinh do xả căn (Tâm không giận, cũng không thương, trạng thái an nhiên, tự tại và như thế vị ấy làm cho vững chắc tha tâm trí của mình).
Chỉ khi nào tha tâm trí của vị ấy được cũng cố như cách trên, vị ấy mới dần dần biết được tâm mình ở sắc giới và vô sắc giới nữa, bằng cách theo dấu tâm hành này để biết tâm hành khác mà không cần phải xem máu trong tim nữa.
Vì luận nói:
“Khi vị ấy muốn biết tâm ở vô sắc giới, thì lấy trái tim vật lý của ai mà quan sát? Có sự thay đổi về màu sắc (vật chất) của ai do các căn sinh ra, mà vị ấy có thể quan sát? Không ai cả. Phạm vi của một người có thần thông chỉ là thế này, bất cứ tâm hành nào mà vị ấy tác ý đến thì vị ấy biết ngay tâm hành ấy theo mười sáu hạng nói trên.”
Nhưng lối giải thích (bằng cách trái tim vật lý hay nhục đoàn tâm) này là dành cho một người chưa thực hành từ trước.
Về tâm có tham, v.v… Tám loại tâm câu hữu với tham cần được hiểu là tâm có tham. Những tâm hành thiện và bất định còn lại trong bốn cõi (dục, sắc, vô sắc và siêu thế) là vô tham.
Bốn tâm hành nghĩa là hai câu hữu với ưu (Tâm đang phiền muộn, bất an, lo lắng, không vừa lòng, v.v…), một với bất định và một với trạo cử (ăn năn, hối quá chuyện đã qua…), không được bao gồm ở đây, mặc dù một số vị trưởng lão cho rằng có.
Chính hai tâm câu hữu với ưu được gọi là “tâm có sân”. Và tất cả tâm thiện và bất định trong bốn cõi đều là vô sân.
Mười loại bất thiện tâm còn lại không được bao gồm trong này, mặc dù một vài vị Trưởng lão vẫn kể vào. Có si… không si. Ở đây chỉ có hai, nghĩa là tâm câu hữu với bất định và tâm câu hữu với trạo cử, là có si thuần túy (không câu hữu với hai bất thiện căn kia).
Nhưng mười hai loại bất thiện tâm đều có thể được hiểu như là có si, vì si có mặt trong tất cả các loại tâm bất thiện. Những tâm còn lại là vô si.
- Chật hẹp: là tâm có sự cứng đờ và biếng nhác.
- Tán loạn: là tâm trạo cử.
- Ðại hành: là tâm thuộc phạm vi sắc giới và vô sắc giới.
- Không đại hành: là các tâm còn lại.
- Có thượng: là tâm thuộc về ba cõi.
- Vô thượng: là tâm siêu thế (các bậc Thánh).
- Có định tỉnh: là tâm đạt định cận hành (cận định) hoặc định an chỉ (nhập định).
- Không định tỉnh: là không đạt cả hai.
Giải thoát là tâm đạt đến một trong năm thứ giải thoát, đó là:
- Giải thoát bằng sự thay thế pháp đối lập (nhờ quán tuệ – insight),
- Bằng sự đàn áp (các chướng ngại pháp nhờ Thiền định),
- Bằng sự cắt đoạn (nhờ đạo lộ),
- Bằng sự an tịnh (nhờ quả),
- Bằng sự từ bỏ (nhờ Niết Bàn).
“Không giải thoát” là tâm chưa đạt đến bất cứ giải thoát nào trong năm loại trên.
Bởi vậy, vị Tỳ kheo đã đắc tha tâm trí có thể biết tất cả các loại tâm này, nghĩa là tâm có tham, biết là tâm có tham… Tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát.
Tác giả: Thiền sư Thiện Minh (Varapañño)
– Tiến sĩ Phật học (Srilanka) –
Tham khảo:
- 13(D. i, 79)