Bài Pháp 18: Biết Và Không Biết

* Trò:

– Bạch thầy! Nếu như chính mình đã hiểu biết một việc sắp làm là có tội, mà còn cố tình làm nữa, thì nhất định sẽ phải bị tội là việc đương nhiên rồi!

– Nhưng nếu do vì “không hiểu biết” mà lỡ làm việc sai phạm, thì có bị tội lỗi gì không bạch Thầy?

* Thầy:

– Àh! Ái chà! Câu hỏi của con trí tuệ lắm, hay lắm đấy!

– Ví như một hòn than đỏ nóng, do “không biết” mà lỡ bốc nhằm phải, như vậy thì có bị phỏng tay hay không?

* Trò:

– Dạ chắc chắn là bị phỏng tay bạch thầy.

* Thầy:

– Nếu “biết trước” nó là nóng, thì con có bốc không?

* Trò:

– Vì sợ nóng, nên con không có dám bốc đâu, bạch thầy!

* Thầy:

– Mặc dù đã biết, nhưng nếu như trong một tình huống nào đó, bắt buộc phải bốc hòn than đó thì con phải làm sao?

* Trò:

– Dạ, dạ…! Dùng que mà gắp nó bạch Thầy!

* Thầy:

– Ái chà! Các con khá lắm! Khá lắm! Như vậy, trong hai hạng người, một người “biết” hòn than là “nóng”, một người khác không biết hòn than là nóng (người không hiểu biết), thì ai là người sẽ bị nóng, và phải bị chịu thiệt thòi?

* Trò:

– Rõ ràng là “người không hiểu biết” phải bị nóng, và phải chịu bị thiệt thòi rồi ạ, bạch thầy!

– Chúng con cũng chưa hiểu rõ ý nghĩa này lắm! Xin thầy cho chúng con thêm một ví dụ nữa ạ!

* Thầy:

– Ờ, ờ, cũng được! Nếu có một người do “chưa biết” luật lệ đi đường mà đi ngược chiều, hoặc vi phạm luật lệ giao thông nào đó,… Xét về luật giao thông thì liệu người vi phạm đó có khỏi bị phạt không?

– Hay vì do “chưa biết” mà khỏi phải bị phạt – được tha tội – Các con nghĩ như thế nào?

* Trò:

– Chắc là phải bị phạt, bạch thầy!

* Thầy:

– Như vậy giữa hai người, một người nhờ tìm tòi học hỏi mà “hiểu biết” được luật, và một người “chưa biết” luật, thì ai là người phải chịu thiệt thòi, và buộc phải gánh chịu trách nhiệm về điều sai trái do không hiểu biết của mình gây ra?

* Trò:

– Dạ, thấy rõ, là người “chưa biết” phải chịu thiệt thòi ạ, bạch thầy! Còn ví dụ nào rõ ràng hơn nữa, xin thầy hoan hỷ cho chúng con được tỏ tường hơn ạ!

* Thầy:

– Như vậy, Thầy hỏi các con hiểu như thế nào, thì cứ trả lời như thế ấy nhé! Ví như có một người đang bị bệnh, đi tìm thuốc để uống, do “không biết” mà uống “nhầm” chén thuốc độc thì liệu người bệnh đó có bị nguy hại đến tính mạng hay không?

* Trò:

– Chắc chắn là phải nguy hại đến tính mạng, bạch Thầy.

* Thầy:

– Nếu một bệnh nhân khác“biết trước” đó là chén thuốc độc, thì liệu có chịu uống không, hay là đi tìm Thầy hay thuốc tốt mà chữa bệnh?

* Trò:

Nếu mà “biết trước” thì họ chắc chắn không có uống đâu ạ, bạch Thầy!

* Thầy:

– À! Như vậy, thì giữa hai hạng: “người biết”“không biết” có sự khác nhau như thế nào, các con đã phân biệt được chưa, đã hiểu rõ chưa?

* Trò:

– Dạ vâng, ví dụ thầy cho rõ ràng lắm! Chúng con không còn hoài nghi nữa ạ, bạch Thầy!

* Thầy:

– Này các con, ở trong đời sự chịu khó học hỏi để hiểu biết có tầm quan trọng vô cùng lớn lao, nhờ sự hiểu biết và tình thương với trí tuệ, mà giúp chúng ta tránh được biết bao sai sót lỗi lầm ở đời, và dễ dàng mang lại cho ta thành công trên nhiều lĩnh vực.

Đức Phật ví người có trí tuệ hiểu biết, và người không có trí tuệ hiểu biết khác xa như hai bờ của biển cả vậy! Đứng từ bờ bên này không thể thấy được bờ bên kia như thế nào, thì giữa “biết” và “không biết” cũng có sự khác nhau thật xa như thế ấy!

– Các con hãy ghi nhớ mà siêng năng cố gắng học tập các con nhé!

* Trò:

– Dạ vâng, bạch thầy, chúng con ghi nhớ ạ!

(Trích trong quyển sách: Châu Ngọc Trong Ta – Thiền sư Thiện Minh biên soạn)