Bài Pháp: Mười Điều Sinh Phước

(Thiền Sư – TS – ĐĐ Thiện Minh)

Nhân dịp đầu năm, đại diện Ba ngôi Tam Bảo, Sư cầu chúc đến quý pháp hữu – những hành giả – những bậc thiện trí trong đời hữu duyên tu tập trong chánh pháp – những người con kính yêu Đức Phật cùng bửu quyến luôn được dồi dào sức khoẻ nhiều hạnh phúc an lành thịnh vượng. Nhất là sớm thuận duyên kiết tường, thành tựu những ước nguyện lành hằng mong mỏi như ý nguyện trong mùa xuân mới.

Nhân dịp đặc biệt xuân Tân Sửu nầy, Sư xin chia sẻ đến toàn thể quý vị vài dòng Pháp bảo thiêng liêng cao quý:

Đức Phât dạy: “Đức tin là sức mạnh lớn nhất trong thế gian này”.

“Đức tin vào lời dạy của Như Lai là nguồn vốn quý giá nhất và cao quý nhất của chính mình”.

Trong kinh Digha nikaya và Anguttara nikaya sutta. Đức Phật dạy có 10 pháp để tạo nên phước đức đó là:

1-​ Dāna: Bố thí, cho tặng, giúp đỡ, hỗ trợ, dâng hiến, ban thưởng,… nói chung là lấy tài sản của mình bỏ ra để tạo phước. Các quả lành trổ sanh mạnh yếu, ít nhiều, còn tuỳ thuộc vào 3 nhân tố (tác ý của người Dana, vật chất dana, và đối tượng nhận vật dana đó).

2-​ Sila: Tạo phước bằng cách phát nguyện giữ gìn trau dồi nhân cách đạo đức – còn gọi là giữ giới.​​

– Ví dụ: Hàng cư sĩ tại gia: giữ gìn 5 giới, hoặc 8 giới như trong các khoá thiền vậy, v.v…​​

Quả lành Giữ giới ngay lập tức trong hiện tại là:

a. Phát sanh sự bình an, không lo âu sầu muộn, ít phát sanh bệnh tật, hoan hỷ trong nội tâm,… nhờ đó mà phát sanh sự thông minh sáng suốt, xử lý được nhiều điều quan trọng cần thiết trong cuộc sống.

Từ đó dẫn đến:

b. Tăng trưởng uy tín, làm phát sinh sự cung kính ngưỡng mộ và đức tin cho kẻ khác,…​

c. Phát sanh sự siêng năng cần mẫn quyết tâm cao trong công việc.

d. ​Phát sanh nhiều tài sản vật chất là hệ quả tự nhiên của a, b, c,…

3- ​Bhāvanā: Tạo phước bằng cách phát triển thiền tập (thiền định, thiền tuệ)​​​​

Quả lành của thiền trổ sanh ngay lập tức trong lúc đang thiền (đắc pháp hỷ, pháp lạc):

a. ​Phát huy đồng thời 3 sức mạnh: sức khoẻ về thân thể; Sung mãn về tâm; và phát huy trí tuệ sáng suốt thông minh hơn bội phần. ​​​​​​​​​

b. Hạnh phúc an lạc cả tinh thần lẫn thân thể – Điều mà không có phương dược nào có thể thay thế được.

4- ​Apacāya: Tạo phước bằng cách Cung kính, kính lễ, thể hiện sự lễ phép tôn trọng các bậc trưởng thượng, người lớn tuổi hơn, những người có vai vế hơn, hoặc những những người thâm niên hơn trong các hội đoàn tổ chức nào đó, v.v…

Đây là loại phước báu mang lại cho mình lợi ích vô cùng đặc biệt, khiến người khác dễ dàng yêu thương cảm mến đến bạn, vv..

Ngược lại sẽ là một tai hại vô cùng lớn đến với bạn khi mà bạn vụng về trong lối xử thế nầy vậy! ​​​​​​​​​​Bởi vì sao? Bởi vì sự lễ độ phản ánh tư cách và chiều sâu đạo đức của một con người.

5- Veyyāvacca: ​​​​​​​​​​Tạo phước bằng cách làm lợi ích cho người khác với công sức của mình, do chính tác ý thiện tâm của ta. ​

6- Pattidāna (hồi hướng phước):

– Tạo phước bằng cách hồi hướng chia sẻ công đức của mình đã làm được như tụng kinh, hành thiền, Dana hiến tặng, cúng dường, giúp đỡ, làm các việc tốt lành,… đến cho bạn bè, thân quyến, hoặc chúng sanh khác như Chư thiên, Ngạ quỹ, Atula ngự ở trong nhà, trên hư không, địa cầu,… Nhằm tăng trưởng sự hoan hỷ của các đối tượng đó, khơi dậy thiện tâm và đồng cảm của họ đối với mình (giống như ta tặng quà quý báu đến người khác vậy).

– Phật dạy trong hoàn cảnh nào phải tưởng nhớ đến cha mẹ đã quá vãng, lại tưởng nhớ đến 4 vị Vua trời Tứ đại thiên vương và các chư thiên ngự trong nhà mà chẳng nên bỏn sẻn, nên làm việc phước thí, rồi hồi hướng đến các vị ấy thì chắc thật được quả báu do phép hồi hướng ấy.

– Do nhờ phép hồi hướng mà thân quyến của ta trong loài Ngạ quỹ nhận lãnh được phước hồi hướng nầy, sanh tâm hoan hỷ mà siêu thoát khỏi kiếp Ngạ quỹ đói khát khổ sở.

7- Pattānumodanā (hoan hỷ đồng cảm với phước lành của người khác):

– Tạo phước bằng cách thể hiện niềm vui mừng, hân hoan đồng cảm trước kết quả thành tựu của người khác, hoặc trước các việc tốt, công đức của người khác đã và đang làm.

– Bằng lời nói chúc mừng, hay bằng hành động như dùng vật phẩm biếu tặng để thể hiện sự vui mừng đồng cảm (người tây phương thường dùng hoa, hoặc tổ chức tiệc tùng để chúc mừng,…).

– Trong Phật giáo: Sadhu anumodana = lành thay, chúc mừng phước lành của bạn nhé!

(đối nghịch với tâm sanh phước này là tâm nóng nảy, đố kỵ, tỵ hiềm,… tự làm khổ mình khó ăn, mất ngủ,…. thể hiện sự khó chịu trước quả lành hay sự thành công của người khác).

8- Dhammassavana (cung kính nghe pháp):

– Tạo phước bằng cách cung kính lắng nghe Đức Phật dạy, hoặc chư đệ tử thuyết giảng lại những lời cao quý từ Ngài đã chỉ dạy.

– Bởi vì cung kính lắng nghe sẽ hiểu được những ý nghĩa sâu sắc lời Phật dạy, rồi áp dụng thực hành là vô cùng quý báu mang lại lợi ích lớn lao thiết thực cho đời nầy lẫn đời sau.

9- Dhammadesanā (giảng pháp):

– Tạo phước bằng cách nói hoặc giảng lại những lời Phật dạy một cách chơn chánh cho người khác nghe, hoặc bàn luận những lời hay lẽ phải trong Phật pháp khai thông sáng tỏ cho mình và cho người,…

10- Diṭṭhujukamma (Cải chánh kiến thức):

– Tạo phước bằng cách trau dồi kiến thức, khiến cho tri kiến của mình được thông suốt sáng tỏ, đúng đắn theo lý nhân quả và chánh kiến – tránh xa tà kiến chấp chặt mê tín, sai lầm,…

Mười điều trên chia 3 nhóm:

1/ Tạo phước vật chất: Dana; Hồi hướng; và đồng hoan hỷ;

2/ Tạo phước đức: Giữ giới; cung kính; và phục vụ;

3/ Tạo Phước trí: Nghe pháp; giảng pháp; phát triển thiền.

Cải đổi kiến thức vừa hỗ trợ và vừa tạo được đồng thời 3 loại phước trên nhờ CÓ TRÍ TUỆ.

DIGHA NIKAYA (D. III. 218) ; Anguttaya Nikaya (A.IV.239) ; Iti (It.51).

(D; A. III. 999; Comp. 146); {(D -. III. 218); (Anguttaya Nikaya – IV. 239) ; It.51.}