“Thiền giúp nhìn rõ được phiền não của chính mình! Thấy rõ được sự thật: Sự sinh lên và biến mất đi của những ý nghĩ, cảm xúc khổ, vui… xảy ra một cách liên tục nơi Tâm thức. Thiền giúp chúng ta phát triển năng lực của Tâm, khai mở trí tuệ sáng suốt, tiến về Thánh đạo tuệ, Thánh quả tuệ giải trừ nghiệp chướng và hưởng hạnh phúc cao thượng Niết Bàn ngay trong kiếp hiện tại này!”.
(Thiền sư Thiện Minh)

 I). Cấp độ thứ nhất phát triển Quang Tướng:

* Sự chú tâm “Sati”vào đề mục là như thế nào?

  • Là sự “chánh niệm”, hoặc đặt Tâm “hay biết” của mình trên đề mục đó (hơi thở). Và duy nhất chỉ cần sự “biết” về hơi thở mà thôi.

* Sự xả ly “Upekkhā” là như thế nào?

  • Là làm ngơ đi, giả lơ, không để ý, hoàn toàn không quan tâm đến “những đối tượng ta muốn xả ly”. Ở đây, chúng ta xả ly hoàn toàn tất cả những gì tâm chúng ta sinh khởi lên (ngoại trừ hơi thở vào, hơi thở ra, tại nơi điểm xúc chạm, giữa gió ra, vào với vùng dưới của mũi là đề mục chính)!
  • Khi các cảm thọ mỏi, tê, đau, v.v… khởi lên, chúng ta càng gia tăng sự chú tâm, chánh niệm vào đề mục chính nhiều hơn. Và “xả” tất cả những hiện tượng, hoặc cảm giác gì ngoài đề mục chính.
  • Nếu cảm thọ đau, mỏi kéo dài (khiến ta bị phân tâm mạnh) thì chỉ cần “nhớm nhẹ, dịch chuyển nhẹ” chỗ đau đó một chút, và hành giả vẫn tiếp tục duy trì sự chú niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra như cũ.

Làm như vậy hành giả sẽ thấy nhẹ nhàng ở phần thân phía dưới, để hỗ trợ cho sự an trú Tâm trên đề mục chính được quen dần, mạnh dần và tốt hơn. Tuy nhiên một thời gian sau đó, nếu các cảm giác đau, mỏi, v.v… lại tiếp diễn, chúng ta cũng tiếp tục lặp đi, lặp lại như trên một số lần như vậy.

Sau một số lần như trên, sự định Tâm của hành giả sẽ được tiến bộ. Tuy nhiên, do chưa đủ mạnh nên các cảm thọ lại tiếp tục sanh khởi…!

Lúc nầy hành giả nên chuyển đổi tư thế ngồi một cách nhẹ nhàng, mục đích để chúng ta dễ dàng chú tâm vào đề mục hơi thở, một cách thường xuyên, liên tục hơn (đây cũng là điểm căn bản quan trọng trong pháp thiền nầy).


Trường hợp thường xảy ra:

Trong tình huống chân mỏi, đau, tê, v.v… Hành giả cần hoán vị chân bên phải và chân bên trái cho nhau nhiều lần (áp dụng chủ yếu vào ngày đầu tiên, ngày thứ hai).

Mặc dù hai chân do mỏi, tê, đau, v.v… tuy đã thay phiên hoán vị cho nhau nhiều lần rồi, mà pháp Hỷ, pháp Lạc, nhẹ nhàng an vui… vẫn chưa xuất hiện, hoặc ánh sáng chưa phát sinh, và nếu những cảm giác khó chịu cứ kéo dài dai dẳng, thì chúng ta phải tiếp tục xử trí như thế nào?

Chúng ta cần suy niệm:

(A).

Về tội lỗi thật sự của những cảm thọ gây khổ thân, khổ tâm nầy như sau: những cảm thọ đau, mỏi, tê, v.v… nầy, chính là kết quả từ sự “chấp chặt” trong bản ngã của ta, và chính ta đã tích lũy chúng từ quá khứ, đồng thời tập thời các cảm giác nầy cũng chính là thủ phạm, là đồng lõa làm động cơ:

– Khiến ta thường nỗi những cơn thịnh nộ, bất bình, nóng nảy… Sự chứa chấp những cơn sầu muộn, uất ức, sợ hãi, yếu nhược, bất an, v.v… ngủ ngầm nơi tâm hồn ta…

– Cội nguồn của nhiều sự đổ vỡ, hư hoại, thất bại, bởi tâm sân giận bất bình thường của ta…

– Màn vô minh che đậy sự sáng suốt, và trí tuệ của ta từ quá khứ đến giờ…!

– Những chướng ngại lớn che lấp con đường hiển lộ chơn tâm, là kho báu hạnh phúc, bình an vô giá trong tâm hồn nầy của ta…!

– Tạo ra nhiều nghiệp chướng để rồi dẫn dắt ta đi mãi mãi trong vòng vay trả, trả vay sanh tử vô tận nầy!


(B).

Cần dập tắt tội lỗi của những cảm thọ gây nên sự khổ tâm, khổ thân, tạo ra các trạng thái bức bách khó chịu nầy, với vài suy niệm tích cực để tự sách tấn mình như sau:

  1. Lẽ nào, Ta phải chạy trốn hoài với những cảm thọ khiến ta khốn khổ mãi mãi… nầy hay sao (?!)
  2. Lẽ nào, Ta phải chấp nhận cho “chúng” rượt đuổi, và phải chạy hoài như thế nầy hay sao?
  3. Lẽ nào, Ta không dám đối mặt và mãi chịu đầu hàng “chúng”, để rồi chấp nhận làm nô lệ cho chính những cảm thọ đau đớn, phiền muộn, tiêu cực, khổ não nầy! Ta sẽ mãi mãi là nạn nhân cho chính cái tâm yếu đuối nhu nhược nầy của Ta hay sao?
  4. Nếu vậy, chẳng khác nào ta phát hiện được “kẻ thù không đội trời chung”, chưa kịp chiến đấu, đã vội vã buông gươm, cởi giáp “quy hàng” xin mãi mãi làm tôi tớ trung thành! Xin cung kính, khiêm nhường, thán phục cho “giặc phiền não ngủ ngầm” nầy sai khiến mãi mãi ư? Và nếu uốn gối quy hàng! Ta phải nói gì trước uy linh cao cả của Đấng Cha Lành, bởi đã bao lần quỳ dưới chân Ngài, thề thốt van xin ân cứu rỗi, với muôn lời nguyền hướng thượng hư vô (!?)

(C).

Cần nhớ lại những lời dạy chân lý, ân cần từ Đấng giác ngộ, Bậc Thầy cao cả của muôn loài:

“Con, chính con là người tạo ra thiên đàng cho chính con!
Con, chính con là người tạo ra địa ngục cho chính con!
Con, chính con là người tạo ra, cái mà thế gian cho là định mệnh!”.[1]

Và:

“Chính ta, làm cho ta trong sạch.
Chính ta, làm cho ta ô nhiễm.
Không ai có thể làm cho ta trong sạch hay ô nhiễm.”[2]

Một chân lý giác ngộ sự hạnh phúc cao thượng, mà chúng sanh chẳng thể tìm đâu ra được ở một nơi nào đó xa xôi trên trái đất nầy, ngoài Thân Tâm được trau dồi trong sáng, như lời Phật dạy:

“Atta hi attano natho, ko hi natho paro siya. Attana’va sudantena nathaṁ labhati dullabhaṁ”.[3]

“Tự mình là vị cứu tinh.
Tự mình nương tựa vào mình tốt thay.
Nào ai cứu được mình đây?
Tự mình điều phục hàng ngày cho chuyên
Thành ra điểm tựa khó tìm.”[4]

Hôm nay và bây giờ là cơ duyên “nghìn năm một thuở”, để chúng ta có thể vận dụng sức bình sinh của chính mình, vốn Giống Nòi Thiện Pháp, để bình tĩnh ngắm nhìn “quân thù không đội trời chung” nầy thật kỹ… và thật kỹ, để hiểu rõ được bản chất vô thường, thay đổi, sinh diệt của nó, như Lời của Đấng Giác Ngộ chỉ dạy!


Ta sẽ cố gắng một lần:

  • Với lời nguyện chơn thật “adiṭṭāna”.
  • Với gươm báu chánh niệm, tỉnh giác “sati” bất khả chiến bại của của Đấng Giác Ngộ!
  • Với lời trao truyền tối hậu của Đấng Cha Lành, trước khi nhập vào đại Niết Bàn là sự “tinh tấn” (viriya) để tri ân Ngài, ta nguyện không chùn bước.
  • Với đội quân “ngũ lực” bách chiến bách thắng, ta nhất định sẽ thành công, để đối diện và nhìn rõ sự thật của quân thù đó là:
  1. “Những khổ thọ”, khiến ta bức bách đau thương đã bao lần!
  2. “Những cảm giác đau đớn”, không ít lần khiến ta đui mù, đến nỗi nhìn những gì quý giá của kiếp nhân sinh trở thành rẽ rúng, tro mạt, và những gì tro mạt, bụi bặm lại trở thành trân châu, mã não… Do vậy, khiến ta tạo bao nhiêu chướng nghiệp vay trả, trả vay…!

  3. “Bao cảm giác đau đớn”, chúng đã bắt ta làm thân nô lệ, đui mù, trung thành đến mức có những lúc cái chết cận kề chẳng chút từ nan, với những gì giả tạm chốn hồng trần mà ta cứ mãi ngỡ ngàng là sự thật…!

  4. Ta nhất định một lần nhìn rõ “những sự thật của khổ thọ nầy”, mà bấy lâu ta hằng tôn vinh, vâng lệnh nó như là “tất cả”! Thậm chí, đôi khi ta cố “bịt mắt, bưng tai” thuận lời sai bảo của “nó”, mặc cho bao nghiệp quả về sau!
  5. Bởi tưởng lầm nên nô lệ nó, lắm khi ta đã liều lĩnh “phá vỡ vòng luân thường đạo lý”, chấp nhận mặc cho bao lời khiển trách, lắm nỗi nhục hình đày đọa của luật Quả – Nhân… để rồi mãi vần xoay trong vòng định nghiệp sinh tử luân hồi, chẳng bao giờ dứt!

Hành giả khởi nguyện quyết tâm cao độ, như một lời nguyền chơn thật, bất khuất trước quân thù không đội trời chung!

Một lần thấy rõ “sự thật” biến đổi vô thường của “nó”, để rồi ta không còn “lầm” và bị nó hành hạ làm khổ sở nữa, một khi thấy rõ các cảm thọ này là biến đổi, chuyển dạng, vô thường, sinh ra rồi hoại diệt… lúc đó “ảo tưởng” về cảm thọ đau khổ mãi mãi “thường còn” sẽ tự động vỡ tan, nhờ đó sẽ giúp cho sự định tâm của hành giả càng nhanh chóng tiến bộ hơn!

Hiểu rõ hơn nữa, quán triệt được bản chất luôn luôn biến đổi không ngừng của mọi cảm giác trong cơ thể con người là một quy luật hiển nhiên. Do vậy, bậc Thiện tri thức không thể chấp nhận giữ mãi những gì làm cho tâm chúng ta đau khổ, phiền muộn, mệt mỏi, bất an, khả năng tạo nhiều điều vô phước… một khi chúng ta đã phát hiện, nhận diện được chúng và trên hết là biết được phương pháp để tiêu diệt, hóa giải chúng phải không?


Đức Phật dạy: Tất cả hành là vô thường “Sabbe saṅkhāra aniccāti”. 

Nó có tính sinh lên rồi diệt, chuyển hóa từ trạng thái nầy, sang trạng thái khác là bản chất vận hành của mọi sự vật, mọi hiện tượng trong thế gian.

Bởi vậy, mọi cảm thọ mỏi, tê, đau nhức, v.v… tạo nên các trạng thái khó chịu bức bách làm khổ tâm, khổ thân chúng sanh, sinh lên rồi mất đi cũng dường thế ấy, không bao giờ tồn tại cố định mãi mãi.

Đây là bản chất vận hành của mọi cảm thọ trên một con người, cũng như trong tất cả chúng sanh, vạn hữu. Cho đến khi nào, chúng ta nhìn rõ được thật tính của nó (tính vô thường sinh diệt của cảm thọ), thời lúc ấy, sự mát mẻ, an vui sẽ đến với chúng ta!

Các cảm thọ (vui, khổ, không vui không khổ…) luôn luôn biến đổi, vô thường mà chúng ta cứ “tưởng” là thường, nên “chấp chặt” vào chúng, cho chúng là “thường”, là không bao giờ thay đổi, biến chuyển nên sợ hãi, chạy trốn, tránh né…nhất là mỗi khi chúng khởi lên mạnh mẽ!

Một điều không thể phủ định rằng, phần lớn những nghiệp dữ trong đời, những nỗi tiếc nuối, não lòng ân hận, ăn năn, đau đớn v.v… xảy đến, thường chúng được khởi động và sản sinh từ những trạng thái bất như ý của chính chúng ta như: Tâm nóng nảy, bức bách, ham muốn, cố chấp, vội vàng, sợ hãi… phải không?

Đấng Thiên Nhơn Sư đã từ bi nhắc lại rất nhiều lần, về các đức tính quý báu cao thượng của sự nỗ lực, tinh cần, kiên trì cho hàng môn đệ, những người con thiện lành, mưu cầu tìm đến sự an vui, thánh thiện và bến bờ giác ngộ! Nhất là việc cố gắng, siêng năng, cần mẫn của người con Phật trong trường hợp nầy được áp dụng như thế nào?


Khi đã “xả” cũng như thay đổi tư thế nhiều lần rồi mà cảm thọ đau, mỏi, v.v… vẫn chưa chịu yên lặng, khiến bạn không thể tiếp tục đặt tâm theo dõi hơi thở là đề mục chính ở đây được! Nghĩa là, bạn đang mãi bị các cảm thọ khổ (khó chịu, khổ sở..) “bám víu” chi phối sự tập trung trên đề mục chính của Thiền.

Trong trường hợp nầy, chúng ta tạm thời rời Tâm ra khỏi đề mục chính (hơi thở), và cần thiết dành ra một ít thời gian để giải quyết” với chúng (cảm giác đau, mỏi…). Chúng ta đặt Tâm lên vùng sinh ra cảm thọ đau, mỏi… đó, và “nhìn thẳng một cách trực nhận vào nó!

Nhìn thẳng là nhìn như thế nào? Không phải mở mắt ra để nhìn đâu nhé! Chúng ta chỉ nhìn với con “mắt Tâm”, và đặt tâm của chúng ta chính xâc ngay nơi vùng cảm thọ khó chịu đó.

Ví dụ: có một cảm giác mỏi, sinh ra ngay tại đầu gối, nên ta sẽ đặt toàn bộ sự chú tâm lên đó, và niệm rằng “mỏi à, mỏi à, mỏi à!”. Nếu cảm thọ là đau thì niệm “đau à! đau à!…”. Nếu là nhức thì niệm “nhức à, nhức à!…”.

Thực hành như vậy, bạn sẽ thấy các cảm thọ mỏi, đau ấy dần dần chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác và có nhiều lúc các cơn đau ấy tiêu biến mất, tuyệt diệu làm sao! Vào những lúc cơn đau biến mất hoặc suy yếu dần, cảm giác nhẹ nhỏm, dễ chịu…ngay lập tức bạn hãy quay trở về trên đề mục chính là hơi thở và tiếp tục với giai đoạn hiện tại.


Điều lưu ý quan trọng:

1. Chúng ta sẽ hết sức bình tĩnh, chánh niệm, tỉnh giác ghi nhận trên đối tượng “vùng bị đau”, và niệm một cách “xuyên thấu”, liên tục, kiên trì và kham nhẫn.
2. Niệm với một trạng thái tâm hết sức ung dung, tự tại, thiêng liêng như sự mặc nhiên, chấp nhận, đón nhận, như những gì nó đang diễn tiến xảy ra… nó là như vậy và chỉ là như vậy thôi!
3. Không nên dùng trí năng để tư duy, suy nghĩ, phân tích, so sánh hay phán xét điều gì trong khi ghi nhận trên đối tượng (mọi tư duy bằng trí năng khởi lên trong lúc nầy, đều là sự trở ngại cho tiến trình phát triển định tâm.)
4. Không nên niệm với “tâm xua đuổi”, vì nó khó chịu quá nên không thích.
5. Không nên niệm với “tâm mong cầu” sao cho pháp Hỷ, pháp Lạc cảm giác dễ chịu, vừa lòng mau mau đến sớm!
6. Niệm một cách “cung kính” như là đem hết lòng chơn thành, cung kính Pháp Bảo vậy.
7. Cung kính pháp Bảo là:
          + Không giải đải, trong lúc hành thiền.
          + Siêng năng, cần mẫn bám sát đề mục khi hành Thiền.
          + Trong thời gian và thời khóa hành thiền đề mục chính của Thiền là xứng đáng cho sự hết lòng trọn vẹn quyết tâm của Hành giả.
          + Những giờ phút nầy, quả thật vô cùng thiêng liêng trong cuộc đời của chúng ta đó thưa qúy vị.

Điều gì được gọi là thiêng liêng ở đây?

 Là sự giác ngộ với chính mình, sự nỗ lực hết sức bình sanh của lần đầu tiên trong đời hành giả có được cơ hội thi triển năng lực này!

Ở đời, những cảm giác mỏi, tê, đau, nhức, v.v… các cảm giác khó chịu này, dường như chẳng có một người nào thích cả, không một ai muốn “đối diện” để nhìn nó! Hầu hết chúng sanh đều muốn “từ chối nó!” và tìm mọi cách để tránh né nó (thậm chí thường có xu hướng đi tìm những cảm giác vừa lòng, thỏa thích, dễ chịu… để khỏi phải “đụng chạm” đến chúng…), và đây cũng là lý do mà sự thật chân lý này ngoài Bậc Giác Ngộ, không một chúng sanh nào đủ trí tuệ để có thể biết được!

Những cảm giác mỏi, tê, đau, v.v… gây khó chịu, phiền muộn làm phát sinh tâm không vừa lòng, gọi là sân tâm (dosa). Đó là bất thiện tâm sở (kusala) sinh khởi…

Vậy nên, trong lúc này Hành giả chúng ta cần thiết dùng “vũ khí” đối trị chúng, đó là các sức mạnh tinh thần thuộc Thiện tâm sở (kusala) như: Đức tin, sự tinh tấn, sự nhẫn nại, sự định tĩnh, bình tâm,… và sự Chánh Niệm (sati), trực giác đối diện với chúng, để nhìn thấy rõ được bản chất thật sự của chúng! Một khi đã nhìn rõ được sự rã tan, vô thường biến đổi của nó rồi, thì chúng ta sẽ không còn lầm chúng nữa!

Trước sức mạnh của sự tinh tấn, chánh niệm “ngắm nhìn” một cách định tỉnh, của hành giả, những cảm thọ này sẽ lui dần, lui dần, thay đổi, biến chuyển từ cảm giác mỏi, tê, đau, nhức, ít thành nhiều rồi dần dần nó tan rã… sinh lên và mất đi…!

Nghĩa là, hành giả sẽ thấy các cảm thọ… khó chịu này chuyển dạng, biến đổi, sinh lên, tồn tại rồi rã tan… sinh lên rồi mất đi… dần dần về sau sinh lên rồi mất đi một cách mau chóng v.v… mọi cảm giác là biến đổi vô thường, các cảm thọ đau, nhức, bức bách khiến ta không thể vừa lòng!!! Đã được chúng ta thấy rõ bản chất thật sự của nó, “vô thường”!

Chúng ta cần có đức tin vô cùng trong sáng, cùng với một quyết tâm cao độ, hợp với sự hiểu biết sáng suốt, minh bạch rằng chính các “cảm thọ bất như ý” này, đã rượt đuổi ta trải qua vô lượng, vô biên kiếp luân hồi đến nay.

Những cảm giác khó chịu không vừa lòng này, chính là đại diện cho các trạng thái Tâm phiền não, đang ngũ ngầm trong tâm của Hành giả! Một khi “chúng” được “dung dưỡng, nuông chìu” nhiều chừng nào, thì trí tuệ và sự hạnh phúc bình an của Hành giả sẽ càng bị trì trệ hơn và nhất là khó có cơ hội để phát triển!

Những cảm thọ bức bách, v.v… nầy, thường thầm lặng ẩn nấp trong ta một cách khéo léo và thiện xảo, nhiều khi chúng là đồng lõa, tạo ra những tà kiến thấy sai, chấp lầm, tự bào chữa cho những thói quen bản năng, những tập khí tốt hoặc xấu trong cách nhìn nhận riêng của mỗi chúng ta.

Đôi lúc chúng thể hiện và ngụy tạo nên một “bản ngã” như là “chính ta” và ta là chính nó, nên quả thật rất khó phát hiện ra chúng, trong cuộc sống bình nhật vốn hiền lương, hướng thiện của chúng ta.

“Tập hợp những trạng thái cảm giác mỏi, đau…bất toại nguyện gây ra khổ đau, giận dữ, bất an, sợ hãi, yếu nhược, v.v… cũng chính là những thủ phạm tạo ra bao nhiêu nghiệp chướng bất thiện, trong suốt chuỗi luân hồi của chúng ta! Chính chúng, những cảm giác đau, mỏi, tê, v.v… bất toại nguyện này, là nguyên nhân tăm tối trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến biết bao sự đổ vỡ và lắm điều rối rắm, phiền muộn trong kiếp nhân sinh!

Và tất nhiên, những khổ thọ nầy” cũng là những nhân tố phiền não chính yếu, ngăn chặn, che lấp trạng thái bình an, hạnh phúc, và ánh sáng chói ngời rực rỡ trong chơn tâm chúng ta (sân tâm này là một loại chướng ngại lớn cho việc thiền định).

Bởi thế, với giá trị của sự tinh tấn đúng mức, quả thật không uổng phí, hành giả có thể vượt qua chướng ngại này và chắc chắn sẽ thay vào đó các trạng thái hoan hỷ, mãn nguyện, khinh an, mát mẻ, nguồn hạnh phúc tuyệt vời thấm nhuần khắp châu thân! Nhà thiền gọi là Pháp Hỷ, Pháp Lạc và những Pháp Bảo cao quý xa hơn.


Tham khảo:

  • [1]Đức Phật và giáo pháp của Ngài (Narada)-Phạm Kim Khánh.
  • [2]Như trên.
  • [3]Pháp Cú kinh-160.
  • [4](Thích Minh Châu –Thi hóa . kệ kinh P.C 160.