“Ai sống một trăm năm, ác giới không Thiền Định
Không bằng sống một ngày, có giới có Thiền Định”
(Kinh Pháp Cú)

“Này chư Tỳ Khưu!

Thiền Định theo pháp niệm hơi thở này, nếu được phát triển, được huân tập nhiều, tâm sẽ được an tịnh, thanh cao và thù thắng”.

Thiền Định có khả năng làm cho thân được an lạc (kayikasukha), tâm được an lạc (cetasikasukha), là phương pháp làm cho cuộc sống vô cùng an vui hạnh phúc.

Sự chứng đắc pháp Thiền Định (chứng đắc Sơ thiền, Nhị thiền…) có khả năng làm cho tiêu tan, làm yên lặng hầu hết tất cả những điều thấp hèn, những điều tai hại vô phước, những bất thiện pháp… trong chốc lát vậy.

Đức Phật dạy, trong Kinh Milanda có đoạn trích như sau:

“Này chư Tỳ Khưu!

Hãy rèn luyện Thiền Định, khi tâm đã được an tịnh rồi, Tỳ Khưu sẽ biết được tất cả sự thật, chân lý của thế gian.”

“Thiền Định là nơi hướng về, nơi nương tựa, nâng đỡ để thành tựu hầu hết tất cả các phước lành quý báu trong thế gian.

Thiền Định được ví như: khi Đức Vua xông trận cùng với voi binh, mã binh, thủy binh, bộ binh… Tất cả các binh voi, tướng mã đều dưới sự chỉ huy của Đức Vua hùng mạnh, đều hướng về trông cậy, nương tựa vào oai lực Đức Vua như thế nào, thì sự thành tựu các Phước báu trong thế gian hết thảy đều hướng về, nương tựa vào Thiền Định cũng dường như thế ấy”.

“Thiền Định còn có thể ví như một cây kèo lớn của một mái nhà, là chỗ nương tựa, hướng về của các cây rui, mè, lách… cũng dường như thế ấy”

 

Trích: “Thiền Định và sức khỏe”
Tác giả: Thiền sư Thiện Minh (Varapañño) – Tiến sĩ Phật học (Srilanka)