Năm loại Thắng trí – Các năng lực thần thông –  Thiên Nhãn Thông

* Thiên Nhãn Thông (Dibbacakkhu abhiññā)

(Thiên Nhãn Trí: Biết Về Sống Và Chết Của Hữu Tình)

Giải thích về trí biết sự sống, chết của chúng sinh, Kinh văn như sau:

“Vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí biết về sự chết và tái sinh của chúng sinh. Với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, vị ấy thấy chúng sinh chết và sinh trở lại, chịu số phận hạ liệt hay cao sang, đẹp hay xấu, hạnh phúc hay bất hạnh, vị ấy hiểu biết hữu tình đi theo hạnh nghiệp của chúng:

– Những tôn giả, chúng sinh này tạo ác nghiệp về thân, về lời và về ý, phỉ báng các bậc Thánh, có tà kiến, tạo những nghiệp theo tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, đã sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

– Còn những tôn giả, chúng sinh này, tạo những thiện nghiệp về thân, về lời và về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, có chánh kiến, tạo những nghiệp theo chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, đã sanh vào một thiện thú, thiên giới.

Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, vị ấy thấy chúng sanh chết và tái sinh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, tất cả đều do hạnh nghiệp bất đồng của chúng” 16.

Ở đây, Trí biết về sự chết và tái sinh “Cutùpatàtanànànàya” là như thế nào?

Nghĩa là, loại trí mà sự chết và tái sinh của chúng sinh, nhờ đó được biết đến “trí của thiên nhãn”. Vị ấy dẫn tâm, hướng tâm: vừa dẫn tâm chuẩn bị và hướng tâm chuẩn bị (định chuẩn bị). “Vị ấy” là Tỳ kheo làm công việc hướng tâm, dẫn tâm đó.


Thiên nhãn:

Vì nó giống như Chư Thiên, vì Chư Thiên có thiên nhãn là cảm tính bén nhạy được phát sinh do sự trau dồi thiện pháp và không bị chướng ngại bởi đàm, mật, máu huyết, v.v… có thể cảm thụ một đối tượng ở rất xa vì không còn cấu uế.

Và con mắt này gồm trong trí, được phát sinh bởi năng lực tinh tấn tu hành của vị Tỳ kheo cũng giống như vậy, cho nên nói là “Thiên nhãn” bởi vì giống với Chư Thiên. Lại nữa, “Thiên” bởi vì nó đạt được nhờ phạm trú 17, vì nó có phạm trú làm điểm tựa cho nó. Và nó là “Thiên nhãn”, vì nó chiếu ánh sáng lớn lao trong sự phân biệt rõ ràng.

Và nó thuộc “Chư Thiên” bởi vì nó có một phạm vi rộng lớn, do thấy được các cảnh vật, các sắc đằng sau những bức tường… Nó là con mắt theo nghĩa thấy được. Lại nữa, nó là mắt theo nghĩa nó làm phận sự của con mắt. Nó “thuần tịnh”, vì nó là một nhân cho sự thanh tịnh tri kiến, do thấy được sự chết và tái sinh.

Một người chỉ thấy được sự chết mà không thấy tái sinh, thì chấp nhận đoạn kiến, và người chỉ có thấy tái sinh mà không thấy sự chết thì chấp nhận một quan điểm cho rằng một chúng sinh mới xuất hiện.

Đối với người thấy cả hai việc ấy, thì bỏ được cả hai tà kiến nói trên, cho nên sự thấy của người đó là một cái nhân cho Kiến thanh tịnh. Và Chư đệ tử Phật thấy cả hai điều ấy. Vì vậy mà trên nói “nó thuần tịnh” vì nó là nhân cho Kiến thanh tịnh.

Nó siêu việt con người (siêu nhân) trong sự thấy những cảnh sắc, trong giới pháp bằng cách vượt phạm vi con người. Hoặc là vì nó vượt con mắt thịt của con người (lược).


Chết và tái sinh:

Vị ấy không thể thấy chúng với thiên nhãn thật sự khi đang chết và đang lúc tái sinh. Nhưng ở đây “chết” là muốn nói những người sắp sửa chết và “tái sinh” là những người đã nhận kiết sanh và đã tái sinh.

  • Hạ liệt, bị khinh bỉ, bị rẻ rúng, bị miệt thị do nòi giống, bộ tộc, do tài sản, v.v… do quả báo của si.
  • Cao sang: là ngược lại, do gặt quả báo vô si.
  • Ðẹp: có một bề ngoài đáng muốn, khả ái do gặt quả báo vô sân.
  • Xấu: có bề ngoài (tướng) khó ưa, khó chịu, khả ố vì gặt quả báo của sân. Ý nói là có tướng không đẹp mắt, phước kém hay vô phước.
  • May mắn: đi đến một thiện thú, hoặc giàu, rất giàu do gặt quả báo của vô tham.
  • Bất hạnh: đi đến một ác thú, hoặc nghèo khổ, ít đồ ăn uống do gặt quả báo của tham.

Ði theo hạnh nghiệp của chúng:

Tiến tới trước, phù hợp với những nghiệp gì đã được tạo ra, được tích lũy. Ở đây, nhiệm vụ của thiên nhãn được mô tả bằng từ ngữ đầu: “Thấy sự chết và tái sinh”.

Còn nhiệm vụ của trí biết đi theo nghiệp thì được mô tả bằng câu cuối cùng này “đi theo hạnh nghiệp của chúng.”

Ở đây, một Tỳ kheo trải ánh sáng chếch xuống hướng địa ngục thống khổ lớn. Sự thấy đó chỉ là nhiệm vụ của thiên nhãn.

Vị ấy chú ý đến nó như sau:

– “Sau khi làm những nghiệp gì mà những chúng sinh này chịu khổ thế này?”

Rồi trí có những nghiệp ấy là đối tượng khởi lên trong vị ấy như sau:

– “Chính là sau khi làm nghiệp này!”.

Cũng vậy, vị ấy trải ánh sáng lên phương trên hướng về 6 cõi trời Dục giới, và thấy chúng sinh trong động Nandana, động missaka, động phàrusaka, v.v… đang thọ hưởng những hạnh phúc lớn, cảnh tượng đó chỉ là nhiệm vụ của thiên nhãn.

Vị ấy chú ý đến nó như sau:

– “Sau khi làm những nghiệp gì mà những chúng sanh này thọ hưởng may mắn này?”.

Khi ấy, trí có những hành nghiệp ấy làm đối tượng, khởi lên nơi vị ấy.

– “Chính là sau khi làm nghiệp này!”. Ðây gọi là trí biết hành nghiệp của chúng sinh.

Không có công việc chuẩn bị đặc biệt nào cho trí này. Và cũng vậy trong trường hợp trí biết về tương lai, vì chúng đều có thiên nhãn làm căn cứ, và sự thành công của chúng (trí biết quá khứ, hay tương lai) đều tùy thuộc thành công của thiên nhãn.

Phỉ báng các Bậc Thánh có quả báo lớn, bởi vì nó cũng như nghiệp có quả báo tức thì…


Đức Phật dạy:

“Này Sàriputta như một Tỳ kheo có Giới, có Định và có Tuệ, thì có thể ngay bây giờ và ở đây đạt được trí rốt ráo! Cũng thế, nếu nó không từ bỏ lời nói, ý nghĩ và tà kiến như thế, thì nó sẽ rơi vào địa ngục chắc chắn như được mang đến đấy”. 18

Và không có quả báo nào lớn hơn tà kiến, như lời Phật dạy:

“Này các Tỳ kheo, ta không thấy có một pháp nào có quả báo như tà kiến”. 19

Khía cạnh sáng sủa thì cần được hiểu ngược lại với cách nói trên. Nhưng có sự khác biệt này. Ở đây, danh từ “thiện thú” gồm cả loài người, và chỉ có Chư Thiên là được nói trong danh từ “cõi trời” (lược).

Ở đây cũng thế, ba hay bốn tâm đều thuộc dục giới và còn tầm tứ. Tốc hành tâm cuối cùng hoàn thành mục tiêu, là thuộc thiền thứ tư, sắc giới. Trí liên hệ đến tâm này gọi là “trí biết về sự chết và tái sinh của chúng sinh”, và là “thiên nhãn trí”.

Sự giải thích về trí biết sự chết và tái sinh (sanh tử trí) của chúng sinh đến đây là hết.


Tổng Quát

  • Ðấng cứu giúp, Ðấng biết năm uẩn.
  • Có năm thắng trí này để nói.
  • Khi năm thắng trí đã được biết.
  • Những vấn đề tổng quát liên hệ cũng cần biết.

Trong số những thắng trí này thì thiên nhãn, được gọi là trí biết sự chết và tái sinh. Có hai loại tùy thuộc, đó là Trí biết vị lai và Trí biết sở hành tùy theo nghiệp. Bởi vậy, hai trí này, cùng với năm loại thần thông làm thành bảy thứ Thắng trí nói ở đây

 

Tác giả: Thiền sư Thiện Minh (Varapañño)
        – Tiến sĩ Phật học (Srilanka) –


Tham khảo:

    • 16 i, 82
    • 17“Tầng số tâm thức tương đồng với các vị Trời cõi Phạm Thiên, ở những thiền giả chứng đắc thiền khi nhập định”
    • 18 i,71
    • 19 i,33