“Giáo pháp của Như Lai là để chúng sanh hiểu và đem vào áp dụng. Càng hành trì nhiều chừng nào, chúng ta càng gặt hái được nhiều kết quả lớn lao tương ứng vậy!” (1)

 (tiếp theo  Phần 5)

Động lực nào để chiến đấu…?

Đối với bản thân con, để đạt được trạng thái an tịnh nơi nội tâm và sở hữu một khối tài sản quý báu như thế này quả thật không hề dễ dàng!

Đó là cả một quá trình chiến đấu, miệt mài, nỗ lực hết sức bình sinh của mình, đêm đêm, ngày ngày giữ chánh niệm không dám rời ra.

Có đôi lúc, con hơi chán nản, thất vọng khi xả thiền không đúng giờ. Nhưng rồi bên tai con văng vẳng câu:

“Ai thấy Pháp người ấy thấy Như Lai

Pháp mầu muốn ngộ, miệt mài trên thân”.

Thiền sư thường hay ân cần nhắc nhở hội chúng như vậy! Nhờ lời dạy của Ngài, giúp cho con nhớ đến Ân đức của Đức Phật quá lớn và không cho phép con chán nản dù chỉ là chốc lát.

Con nhớ đến sự tận tâm dạy bảo của Ân sư, Ngài không quản ngại thời gian, sức khỏe và thường sát cánh cùng chúng con.

Ngài nhiệt tâm hướng dẫn phương pháp thích hợp với căn cơ của từng người, cũng như không phân biệt người già hay trẻ. Ngay cả những hành giả vào sau, đến trễ, Ngài vẫn chịu khó giảng lại, hướng dẫn cặn kẽ từng bước một sao cho họ lĩnh hội được chắc chắn con đường…

Tấm lòng bi mẫn cao quý của Ngài trải đều ra khắp mười phương, mong muốn đem lại những giá trị Pháp Bảo lợi ích lớn lao vô hạn cho từng hành giả!

Điều mà phần lớn hành giả khoá thiền không thể từ chối rằng, chúng ta đồng có chung “sự cảm nhận được tấm lòng từ ái, vòng tay bao dung rộng lớn của Ngài Thiền sư, muốn che chở, bảo bọc,… tất cả hội chúng vào lòng và dường như không muốn (vì nguyên nhân gì…) để cho bất cứ ai phải bị tổn thương hay suy giảm đi phần lợi ích trong sự phát triển Pháp Bảo vô giá”.

Con còn nhớ những lúc con xả thiền mở mắt ra, nhìn thấy hình ảnh từ bi, đức độ, oai nghi của một vị Thiền Sư đang vẫn còn ngồi hành thiền trước mặt hội chúng để động viên, sách tấn quý hành giả, khiến cho con vô cùng xúc động!

Có những thời thiền, Ngài động viên quý hành giả cố gắng phát nguyện ngồi yên không nhúc nhích trong vòng 30 phút – 40 phút,… Ngài từ tốn nhắc nhở thời gian cho chúng con. Ngài không bỏ mặt chúng con tự chiến đấu, mà thường đồng hành tiếp thêm sức mạnh, năng lượng cho chúng con đánh thắng “giặc ngủ ngầm” nơi thân tâm của chúng con từ vô thỉ kiếp đến nay.

Chắc có lẽ, nhờ oai lực của ba ngôi Tam Bảo và năng lượng của Ngài Thiền sư, sự thiện xảo của một người Thầy, mà một số hành giả (tuy đã có tuổi) nhưng cũng vượt qua được những chướng ngại cảm thọ lớn lao và đã chiến thắng chính bản thân mình, những điều mà tưởng chừng như họ không thể nào kham nhẫn được!

Họ đã tiến bộ từng bước nhảy vọt từ 30 phút tăng dần lên 40 phút, rồi đến 60 phút,… . Thật là hoan hỷ và cảm kích biết bao trước tấm lòng từ bi, nhiệt tâm của một bậc Tôn sư đáng kính:

“Ngài ban ánh sáng Từ bi,

Giúp cho nhân loại thoát ly não phiền.

Ngài là Cha! Là bậc Thầy!

Soi đường, chỉ lối đến miền an vui”.

(Sukha Panna)


Sự vi diệu của Pháp bảo

Những hình ảnh đó khơi gợi lòng tri ân của con đối với Đức Phật, đến Ân sư rất mãnh liệt, thôi thúc con phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để không phụ công ơn dạy dỗ của Ngài.

Cuối cùng, con cũng đã vượt qua chiến thắng chính bản thân mình, nên đã cho con tận hưởng sự an lạc ngập tràn và cảm giác hạnh phúc thần tiên vô bờ bến, do sự định tâm mang lại từ bể thiền, nhất là qua sự xuất nhập các thời thiền.

Quả thật, Phật pháp là vô cùng vi diệu, là nhiệm màu không chỉ trên văn tự hay để tán thán suông như một sự ngưỡng mộ thuần túy nào đó! Nếu không thực hành theo đúng lộ trình, với phương pháp chính xác và nhất là sự hướng dẫn thích hợp của một bậc thầy có đủ hai pháp đó là: Pháp học và pháp hành, thì thật sự không dễ cho việc tự mình thực hành được vậy!

Cho dù một con người có trí thông minh mẫn tiệp đến như thế nào chăng nữa, cũng không thể nào tự mình làm thầy cho chính mình, nhất là trên lộ trình tầm cầu Pháp Bảo thiêng liêng này vậy, chỉ ngoại trừ “Đức Phật là bậc tự ngộ và không thầy chỉ dạy” mà thôi phải không?

Ngài Thiền Sư thường hay ân cần nhắc nhở lời dạy của Đấng Toàn Tri Diệu Giác:

“Không có chiến thắng nào vẻ vang hơn chiến thắng chính bản thân mình. Và không có sự thành công nào, mà có thể thiếu vắng sự nỗ lực của tinh thần”.

Quả thật, đúng là như vậy, chỉ có những ai có đức tin nương tựa vào Pháp Bảo (sự hành thiền) làm kim chỉ Nam cho sự bình an, hạnh phúc, lợi ích lâu dài cho cuộc đời mình. Để rồi, thực tế đi vào trải nghiệm chiến đấu với “giặc phiền não ngủ ngầm” bên trong chính Thân và Tâm của mình, thì mới hiểu được ý nghĩa thâm sâu từ lời dạy chân truyền của Đấng Từ Phụ – Người Cha cao thượng của muôn loài.

Con đến trình Pháp với Thiền Sư và Ngài bảo rằng:

  • “Tốt đó cô học trò, con đã có sự tiến bộ, hôm nay nhìn con khác hẳn ra.”

Ngài dạy tiếp:

  • “Bởi vì thời gian chỉ còn có hai ngày nữa thôi nên bây giờ Sư cho con lựa chọn một trong hai:

Một là:

* Tập luyện sự thành thạo thứ hai về sự định tâm trong Quang tướng của Thiền. Con cũng phát nguyện như trước: “Nguyện cho tôi an trú tâm trong Quang tướng đúng 60 phút xả thiền, tuy nhiên nếu có duyên sự gì phát sinh đến, nguyện cho tôi sẽ xả thiền ra được theo như ý muốn!” (Con phát nguyện 3 lần như vậy).

Hai là:

Con thực hành pháp niệm tưởng Ân Đức Phật theo hội chúng. Để tăng trưởng đức tin nơi Đức Phật và sẽ hỗ trợ cho con rất nhiều trong cuộc sống.”

Và con đã chọn phương án hai.

(còn tiếp)

Kính mời quý đọc giả đón đọc tiếp Phần 7

“Ánh sáng hòa cùng nước mắt…”


Chú thích:

  • (1) Lời Thiền sư.