“Hành thiền không nên nôn nóng, tâm nôn nóng, mong cầu là tâm tham vi tế, tâm tham là tâm bất thiện. Khi không nôn nóng thì tâm tỉnh giác, chánh niệm (sati) hiện khởi, đó chính là tâm thiện sinh lên, do đó tâm bất thiện không có cơ hội để xen vào”.
(Thiền sư Thiện Minh)

(tiếp theo  Phần 2)

Hành trình “khôi phục” lại ánh sáng Quang Tướng

Sau truyền giới và giảng Pháp xong, con bắt đầu vào cuộc chiến đấu. Con làm theo y như lời Thiền Sư chỉ dạy.

Con theo dõi hơi thở vào – ra được một lúc (khoảng 20 phút – 30 phút), thì ngay chỗ cọ xát giữa hơi thở vào – ra phát sáng, ánh sáng lúc đầu chưa mạnh, một màu trong suốt, dần dần ánh sáng mạnh hơn, lấp lánh hơn, giống như viên kim cương bằng đầu ngón tay út vậy.

Ôi! Con hạnh phúc lắm, lòng vui mừng như người bị mất một bảo vật hộ mạng vô cùng quý báu và may mắn nhặt lại được vậy, vì lúc đó con biết chắc chắn rằng ánh sáng Quang Tướng của mình không bị mất!

Tuy con đã lấy lại được ánh sáng, nhưng con cảm nhận sự định tâm và ánh sáng của con vẫn còn yếu.

Con nhớ đến lời dạy của Ngài Thiền Sư:

“Cần thu thúc lục căn, giữ chánh niệm thường xuyên, liên tục, đều đặn giống như gà ấp trứng. Gà được ví như sự chánh niệm và Trứng được ví như hơi thở. Khi gà ấp lên ổ trứng, cũng giống như Tâm hành giả ấp lên điểm xúc chạm vậy!”.

Các thời thiền kế tiếp, con cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của ánh sáng. Thời gian để ánh sáng xuất hiện những thời thiền sau nhanh hơn thời thiền trước rất nhiều, sự định tâm của con cũng tiến bộ hơn trước.

Một niềm an vui, hạnh phúc, mát mẻ thanh thoát lan tỏa khắp người con. Con còn nhớ, sau khi con xả thiền xong, có một nhóm Sư cô xuất gia giao duyên (XGGD) đến nói với con rằng:

– “Sukha! Nhìn con khác mấy bữa trước nhiều lắm, an vui hơn hẳn, sắc mặt sáng ra, thay đổi hẳn. Sadhu sadhu!”

Con nghe mà hoan hỷ trong lòng lắm lận! Vì con biết rõ lý do tại sao (gương mặt hôm trước là gương mặt của nhiều sự lo toan và đặc biệt là tâm thất vọng vì lo sợ mất ánh sáng. Còn gương mặt hôm nay là gương mặt của sự tràn đầy hy vọng, với nguồn hạnh phúc vô biên khi Tâm an trụ trong ánh sáng chói ngời, vi diệu và thanh tịnh).


Diễn biến qua từng thời Thiền

Qua ngày hôm sau, con đến trình Pháp với Thiền Sư về các thời thiền của con để nhờ Ngài hướng dẫn tiếp tục:

+ Con:

  • “Kính bạch Ngài! Ánh sáng Quang tướng của con mạnh hơn trước nhiều rồi ạ! Định tâm của con cũng tiến bộ hơn. Bây giờ con làm như thế nào nữa ạ!”

+ Thiền Sư:

  • “Tốt đó cô học trò. Chừ khi ánh sáng Quang tướng lên, con phát nguyện trong mỗi thời thiền rằng:

   – “ Nguyện cho Tâm tôi định trong ánh sáng Quang tướng này trong vòng 60 phút, xuất thiền” (con nguyện 3 lần như vậy).

  • Con đặt tâm nhìn vào ánh sáng và thực hành liên tục trong 6 thời ngồi thiền như thế, rồi báo cho Sư biết.”

 – Con nên nhớ phải quân bình giữa Tấn và Định, ngồi 1h30 thì phải đi 1h. Cứ thực hành đều đặn như vậy.”

+ Con:

  • “ Dạ! Con sadhu Đại Đức!”

Một niềm hân hoan, hớn hở trong lòng khi thấy Thiền Sư chỉ cho con phương pháp mới mà các khóa thiền trước không có.

Ngài hướng dẫn như thế nào con làm theo như vậy, mặc dù con chưa trải nghiệm qua việc xuất nhập thiền đúng 60 phút ra làm sao? Nhưng con có một đức tin rất trong sạch nơi lời dạy của vị Ân sư– Người Thầy con hằng tôn kính. Bởi Ngài thường hay dạy con rằng:

“Chúng ta không thể cho người khác những gì mà chúng ta không có”.


 Hậu quả của “Tâm tham”…

Thời thiền đầu tiên, về Pháp luyện thành thạo trong Thiền định mà Ngài Thiền Sư vừa dạy cho con.

Phải tập làm sao xuất thiền đúng vào giờ đã dự định (đã phát nguyện trước) cho con một cảm giác hiếu kỳ, tò mò và cũng không kém phần hơi hồi hộp, không biết con làm có đúng được như vậy hay không?

Sao mà xả thiền đúng y chang 60 phút được? Con nhìn đồng hồ và bắt chân vào ngồi, con hướng tâm vào điểm xúc chạm (nơi gió ra vào cọ xát) là ánh sáng đã lên, con chờ cho ánh sáng Quang tướng thật mạnh và phát nguyện như Thiền Sư hướng dẫn:

“Nguyện cho Tâm tôi định trong ánh sáng Quang tướng này trong vòng 60 phút, xuất thiền”(con nguyện 3 lần như vậy)

Con càng đặt tâm vào ánh sáng thì ánh sáng càng mạnh, càng rực rỡ, chói lòa, định tâm ngày một càng sâu dần, sâu dần, một sự tĩnh lặng tuyệt đối, giống như chỉ còn có một mình con với thế giới ánh sáng này…

Con đang đắm chìm trong cảm giác an vui, tịch tịnh chói ngời của ánh sáng, thì bỗng dưng con có cảm giác tay chân của con nó hiện ra và tâm muốn tác ý xả thiền. Khi con xả thiền và nhìn đồng hồ thì khoảng được 55 phút (kém khoảng 5 phút so với lời phát nguyện).

Đến thời thiền thứ 2, cũng với cảm giác hơi lo sợ, hồi hộp, thiếu tự tin không biết có xuất thiền được đúng giờ hay không? Con thực hành theo các bước như vậy, nhưng xả thiền lần này cũng không được đúng giờ. Con hơi thất vọng! Con thực hành liên tục như vậy khoảng 6 thời, nhưng có thời thì đúng giờ, có thời thì kém khoảng 2 phút – 3 phút.

======+++======

Thời thiền nào, con xuất thiền được đúng giờ thì con hoan hỷ dữ lắm, còn thời thiền nào kém vài phút thì tâm con không được vui và hơi thất vọng. Sau đó, con đến trình Pháp với Thiền Sư:

+ Con:

  • “ Kính bạch Đại Đức! Con đã hành được 6 thời thiền phát nguyện như Ngài đã dạy con. Giờ con làm sao nữa ạ!”

+ Thiền Sư:

  • “ 6 thời thiền của con có liên tục xuất nhập đúng 60 phút không?”

+ Con:

  • “ Dạ, thưa Đại Đức! Có thời thì đúng 60 phút, nhưng cũng có thời kém vài phút, không được chính xác ạ!”

+ Thiền Sư:

  • “ Trong thời gian an trú trong ánh sáng Quang tướng đó, khoảng bao nhiêu phút thì con hoàn toàn không có vọng tưởng một cách tuyệt đối?”

+ Con:

  • “ Dạ, thưa Đại Đức! Khoảng 15 phút – 20 phút, có thời thì con cảm nhận rất lâu ạ!”

+ Thiền Sư:

  • “ Như vậy, con tiếp tục về hành tiếp, phải 6 thời xuất thiền đúng giờ chính xác, một cách liên tục mới được, rồi tin cho Sư biết.”

Hãy để Pháp đến tự nhiên

Dường như Ngài Thiền Sư nhìn thấu được tâm của con, Ngài ân cần nhắc nhở:

“Hành thiền không nên nôn nóng, tâm nôn nóng, mong cầu là tâm tham vi tế, tâm tham là tâm bất thiện. Khi không nôn nóng, thì tâm tỉnh giác, chánh niệm (sati) hiện khởi, đó chính là tâm thiện sinh lên, do đó tâm bất thiện không có cơ hội để xen vào”.

Con cứ thong thả, để tự nhiên. Hãy nhớ, phải giữ chánh niệm (đi, đứng, nằm, ngồi) thường xuyên, liên tục. Nôn nóng sẽ không mang lại hiệu quả cho con trong hành thiền.”

Những lời giảng dạy của Ngài giống như một liều linh dược, trị đúng bệnh của bệnh nhân. Và đây cũng là một kinh nghiệm vô cùng quý báu cho con:

“Tâm mong cầu, nôn nóng sẽ không mang lại hiệu quả trong hành thiền. Hãy để Pháp đến tự nhiên”.

Như lời Ngài Thiền sư đã từng dạy:

“Trong hành thiền, Tâm chúng ta giống như người giữ ngựa và Thân chúng ta giống như con ngựa vậy! Một con ngựa dù yếu, nhưng người kỵ mã thiện xảo, họ cũng có thể đưa con ngựa của mình về đích sớm hơn những con ngựa dù khỏe mạnh với người kỵ mã ươn hèn!”.

(còn nữa)

Kính mời quý đọc giả đón đọc tiếp Phần 4

“Và… điều vi diệu trong Pháp bảo đã đến…”