BÀI PHÁP: “ÔNG VUA CỦA TÂM”
(dành cho quý hành giả đã trải nghiệm qua Pháp hỷ lạc trong khóa thiền)

Đức Phật dạy:

“Như Lai chưa từng thấy một pháp nào khác, có thể mang lại vô lượng phước báu, tăng trưởng lợi ích vô cùng thù thắng cho những người có tâm được trau dồi bởi thiền định!” – (Pháp Cú Kinh)

Kính thưa quý hành giả thân mến!

Phàm ở đời bất kỳ cái gì cũng vậy, nếu trau dồi thành thạo thì sẽ sử dụng nó rất tốt đẹp và lợi ích!

Ca dao có câu: “Nhất nghệ tinh, Nhất thân vinh”.

Thật ra, cho dù đó là nghề nghiệp gì chăng nữa, cũng đều dưới sự chỉ huy sai khiến nơi tâm thức chính mình!

– Một nghề nghiệp, một thói quen thiện xảo nào đó chính là sự điều khiển từ Ý thức sai khiến và bắt tay chân phải hoạt động: Và sự việc này được lặp đi, lặp lại nhiều lần trở nên thành thạo, nhuần nhuyễn, thuần thục và do đó trở thành thiện xảo vậy.

Tâm không Có, con người sẽ chết! Chắc chắn thế!


Cũng vậy, thiềnsự luyện tập cho “ông vua” của tâm trong con người một cách trực tiếp!

“Ông Vua” của Tâm một khi được Tốt và thiện xảo rồi, thì sự điều khiển muôn dân cũng trở nên dễ dàng tốt đẹp vậy (các công việc khác do vua tâm điều khiển sẽ hoàn hảo hơn).

Hành giả đã từng ngồi bất động được một tiếng đồng hồ đã có Pháp Hỷ – Lạc. Nên luyện tập thuần thục nhập định bất kỳ thời gian nào; và xuất thiền đúng thời gian phát nguyện trước như sau:

1/ Phát nguyện cho con nhập định trong vòng 30 phút xả thiền (ít nhất là 10 lần liên tục, khi xả thiền ra được đúng giờ như đã phát nguyện chính xác như vậy, gọi là người đã đắc pháp và thuần thục trong thiền) theo cách phát nguyện trên.

2/ Tương tự như thế cho người đã rèn luyện được ngồi bất động 1 giờ 30 phút:

Sẽ phát nguyện nhập định trong dòng A Ra Hăng đúng một giờ xả thiền (trong ít nhất 10 lần),  v.v…

3/ Tương tự phát nguyện 1 giờ 30 phút, cho hành giả đã trau dồi ngồi bất động được đến 2 giờ, v.v…

Tất cả hành giả đã ngồi bất động được từ một giờ trở lên và đã có Pháp Hỷ và Pháp Lạc phát sinh nơi tâm, đều gọi là hành giả đã được đắc Pháp thiền định (chưa thuần thục, và có nguy cơ dễ bị mất đi, nếu không duy trì và trau dồi. Ngược lại, nếu hành giả thường xuyên trau dồi, phát triển,… thì sẽ trở thành thuần thục và không bị mất!).

Quý hành giả trên có thể phát nguyện nhập định và xả định trong vòng 5 phút; 10 phút; 15 phút; 20 phút; 30 phút, v.v… ở trong cả 4 oai nghi: Đi; Đứng; Ngồi; Nằm.

Hành giả càng gia công rèn luyện thường xuyên mỗi ngày, Pháp Thiền của hành giả: sẽ càng thuần thục, thiện xảo, tinh nhuệ, nhuần nhuyễn, tinh tế nhạy bén… đến lúc đó sự Hạnh phúc, Phước lành và Trí tuệ của hành giả sẽ lớn mạnh không thể nghĩ bàn! Bởi sự chiêu cảm trong ân đức Araham vô lượng vô biên của chư Phật – trong vô lượng thế giới này!

Khi nhập định, hành giả tự biết rằng không còn liên quan đến hơi thở vào ra nữa! Đây là lý do Đức Phật dạy người đắc pháp Thiền Định này Tâm sẽ được bình an, tự tại hoá sanh về các cõi trời Dục Giới.

Quý hành giả đã có cơ hội vô vàn quý báu và tròn đủ phước duyên tham dự một khoá thiền vừa qua, và trên hết là đã tự mình chứng nghiệm ít nhiều hạnh phúc, trí tuệ khai mở,… cũng như giá trị kinh cảm thiêng liêng từ ân đức phật!

Bước đầu tiên đã cho quý hành giả liễu ngộ đã thấy được sự bình an, kho tàng sức mạnh của thân tâm đó là Thiện pháp giữ giới và sự trau dồi đẩy lùi các trạng thái tâm tiêu cực đang lưu trú tích luỹ ngũ ngầm nơi tâm.

Sư chỉ ra đây, quý hành giả chúng ta cùng suy ngẫm và tham cứu để tự vun bồi phúc đức cho lợi ích chính mình nhé!

Những lý do lớn khiến hành giả Sớm Xa Rời kho tàng giá trị phước báu vô giá này, mặc dù chính mình đã chứng ngộ và đã đắc được Pháp hỷ, Pháp an lạc vô lượng nơi thân tâm đầy dẫy sự trái ý nghịch lòng, đó là:

1/ Chưa đủ kiến thức để hiểu về giá trị của 9 Ân Đức Phật.

2/ Chưa đủ kiến thức về những điều dạy căn bản của Đức Phật.

3/ Chưa đủ kiến thức hiểu về các kiếp quá khứ của Ngài (lý do nào ngài thành Phật) = các mẫu chuyện tiền thân của Ngài! v.v…

Bởi do chưa đủ “pháp học” chính là những điều trên, nên sức mạnh đức tin bị hạn chế!

4/ Do vậy, những lợi ích nhỏ nhặt (thậm chí nhiều tai hại) trong đời lại chiếm hầu hết 24 giờ trong mỗi ngày, và mọi ngày của không ít hành giả phải không?

Hoặc không cẩn trọng trong việc giữ giới cũng là nguyên nhân chính, để khiến Tâm Hành giả tán loạn, bất an, phóng dật, chẳng muốn nghĩ đến thiền nữa!

Vài lý do trên Sư tha thiết đưa ra nhắc nhở quý hành giả là bậc thiện trí thức, những tín nữ chơn thành:

“Ta biết thương ta bằng Trí Tuệ và khôn ngoan nhất” trong sự vận dụng mỗi 24 giờ trong một ngày quý giá của mình.

Do Đức tin không đủ mạnh về quả lành quý báu của Ân đức Phật, mà xem nhẹ việc giữ giới cũng khiến Tâm hành giả tán loạn, bất an, phóng dật, chẳng muốn thiền nữa!


* Ghi chú quan trọng:

Khác với công phu đại tinh tấn như tại khoá thiền!

Quý Hành giả nên hành thiền trong mọi tư thế, rất thoải mái ngồi đổi chân và nên đổi mọi tư thế thường xuyên, để tránh sự tê mỏi trong suốt mọi khoá thiền, không nên ráng sức ngồi bất động như trong khoá thiền, sẽ khó tiến bộ hơn và không thể ngồi niệm ân đức Araham được lâu!

Hãy đổi mọi tư thế khi hành thiền, sẽ rất tốt cho cuộc sống tại gia – quý vị nên nhớ!

Do đó hành giả có thể niệm “Ân Đức Phật” được nhiều giờ trong một thời thiền và hồi hướng công đức đến Chư Thiên, Các vị Vua Trời, v.v… sẽ hỗ trợ lớn cho sự tăng trưởng phước đức cho quý hành giả trong các việc làm ăn ở đời!

Mong thay!
(Thiền Sư Thiện Minh)