Bài Pháp 29: Ý Nghĩa Của Sự Sám Hối Khi Phạm Lỗi Lầm

* Thầy:

– “Kính bạch Đại Đức! Chúng con xin thành kính sám hối tất cả những tội lỗi, trong ba nghiệp: Nghiệp Thân, nghiệp Khẩu và nghiệp Ý, nếu có nghiệp nào con đã vô ý hoặc cố ý lỡ phạm đến ba ngôi Tam Bảo, với phước lành của sự cung kính lễ bái sám hối này, nguyện cho các tỗi lỗi ấy được tiêu tan”!

– Đây có phải là câu các con thường đọc như vậy mỗi khi sám hối lỗi lầm không?

* Trò: Thưa vâng, có đọc thầy ạ!

* Thầy:

  • Thân tạo nghiệp.
  • Khẩu tạo nghiệp.
  • Ý tạo nghiệp.

– Những việc như cứu người mắc nạn, dùng đao trượng tước đoạt tài sản kẻ khác,… dùng thân thể tay chân để thực hiện gọi là thân nghiệp.

– Nói lời chân thật lợi ích, nói những lời bất thiện… là dùng lời nói để thực hiện, nên gọi là khẩu nghiệp.

– Trong tâm ý suy nghĩ những việc như: Mong muốn nguyện cầu cho người khác được mạnh khoẻ sống lâu, làm ăn phát đạt, sự nghiệp hưng thịnh, nhiều an vui,… hoặc suy tính, mong muốn những điều bất thiện để làm hại người, làm khổ mình, khổ người… là dùng tâm Ý để suy tư bày mưu tính kế, nên gọi là Ý nghiệp.

– Lỡ lầm phạm đến một trong ba nghiệp… Nghĩa là nếu lỡ những lời nói xúc phạm đến Đức Phật, Chư Tăng, cha mẹ, thầy cô,… gọi là khẩu tạo nghiệp, hay còn gọi là Khẩu nghiệp.

– Vậy khi quý thầy giảng Pháp ở trên không chịu ngồi yên lặng để nghe, mà xoay qua xoay lại để nói chuyện, hoặc nói những đều không đáng nói cũng là Khẩu tạo nghiệp vậy!

– Trong tâm suy nghĩ tính toán nhiều chuyện để tự mình phát sanh phiền não khổ sở, hoặc toan tính để làm những việc bất thiện, hoặc tính đến chuyện quyên sinh tự tử,… đó là tự tạo lỗi về Ý, còn gọi là Ý nghiệp vậy.

– Ngang nhiên mang dép đội nón đi vào những nơi thờ Kim thân, Tôn tượng Đức Phật, thờ Xá Lợi Phật, Chùa, Tháp,… không biết tế nhị khiêm nhường, thể hiện sự bất kính đối với những bậc xuất gia sống đời phạm hạnh chơn chánh tu hành, đó là sự tự tạo tội lỗi về thân, còn gọi là thân nghiệp vậy, các con có hiểu không?

* Trò: Dạ chúng con hiểu rồi ạ, bạch thầy.

* Thầy:

– Bất kể đối với Phật, Pháp, Tăng hoặc đối với thầy cô, cha mẹ, chú bác chẳng hạn,… một trong ba nghiệp mà lỡ phạm đến người nào thì thẳng thắng đến trước người đó và thưa: “Dạ, con đã lỡ nói hoặc lỡ làm những việc sai quấy,… xin hoan hỷ bỏ qua, tha thứ cho con… ” hoặc nếu đã lỡ nói “nặng lời” với mẹ, con phải đến bên mẹ: “Mẹ ơi! Con lỡ lầm… Xin mẹ tha thứ cho con nha mẹ!”

– Một vài lời ăn năn chân thật, tự trách mình thỏ thẻ sám hối bên tai mẹ. Những người mẹ hiền bao giờ cũng sẵn lòng bao dung, thương yêu và bi mẫn vị tha cho các con yêu quý của mình!

– Nếu đã lỡ phạm lỗi đến những người mà nay họ đã chết rồi, thì có thể hướng về bảo tháp thờ Xá Lợi Phật, nơi thờ Kim Thân Phật, hoặc niệm tưởng đến Ân Đức Phật, Pháp, Tăng mà sám hối. Do đó trong phần lễ Phật có đoạn:

“Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ đến ba ngôi Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng, do sự cung kính đảnh lễ này, nguyện cho tất cả những tội lỗi mà con đã lỡ phạm đến được tiêu tan!

* Trò:

– Việc sám hối như thế này, thì những tội lỗi ấy có thật sự được tiêu tan hết không bạch thầy?

* Thầy:

– Những lỗi nhỏ nhặt thì khi sám hối, đảnh lễ sẽ được tiêu tan.

– Xúc phạm đến ba ngôi Tam Bảo, nơi thờ Xá lợi Phật là phạm những lỗi lớn, nên chỉ sám hối thôi thì không tiêu tan hết được. Tuy nhiên nếu có sự sám hối bởi tâm ăn năn thì tội lỗi có phần nhẹ đi.

– Do đó khi tự mình biết lỗi, thì vẫn sám hối, và tự nhắc nhở mình sẽ cố gắng gữ gìn Thân, Khẩu, Ý để lần sau không bị tái phạm nữa!

– Đức Phật hằng tán dương khen ngợi bất kỳ ai, khi biết mình phạm lỗi và có ý thức tự giác sửa lỗi để được tốt hơn về sau, chính là bậc thiện trí trong đời vậy!

– Nếu tự mình đã phạm lỗi lầm, nhưng không biết đó là lỗi (vì không hiểu biết), và do vậy nên không hề có ý thức tự mình nhắc nhở giữ gìn để khỏi tái phạm lỗi lầm vào những lần sau. Đức Phật gọi đây là hạng người thiểu trí vậy.

– Do đó các con phải cố gắng sống sao cho khỏi phạm phải lầm lỗi, nếu có lỡ phạm lỗi gì, thì hãy mau mau đi xin lỗi hoặc sám hối các con nhé!

* Trò: Dạ xin vâng ạ, bạch thầy!

– Nhưng nếu đến xin lỗi sám hối mà người ta không chịu, không thỏa mãn, không chấp nhận thì phải làm sao? Bạch thầy!

* Thầy:

– Phật dạy:

“Người đến xin lỗi mà vẫn cố chấp, không chịu chấp nhận sự sám hối đó. Chính là hạng người thiểu trí vậy. Khi có người đến xin lỗi, sám hối mà chấp nhận, tha thứ cho sự ăn năn, sám hối đó chính là bậc thiện trí vậy”.

(Trích: Châu Ngọc Trong Ta – Thiền sư Thiện Minh)